Thành tích nghệ thuật : Nhiều khán giả mộ điệu mê Thanh Hải từ vở cải lương Cây sầu riêng trổ bông qua vai anh bộ đội Lê Kim Hùng ca rất hay. Cây sầu riêng trổ bông ăn khách trong thập niên 80, khiến Thanh Hải đi đâu cũng được réo tên Lê Kim Hùng bên cạnh biệt danh “Vua Tao Đàn” lừng lẫy trước giải phóng.
Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, sinh năm 1938 tại Sông Bé (nay là Bình Dương), cầm tinh con cọp (Mậu Dần). Ông Sáu Kỳ (cha của Thanh Hải) là người giỏi võ nghệ, dạy võ cho thanh niên tiền phong. Những đêm sáng trăng, hàng trăm người vác tầm vông vạt nhọn tập tành khí thế, có cậu bé 9 tuổi đứng bên cạnh ngưỡng mộ nhìn theo, và cũng được cha dạy cho nhiều thế võ. Nhưng một tên chỉ điểm đã tiếp tay cho thực dân Pháp bắt ông Sáu Kỳ, đem về đồn căng nọc phơi nắng rất dã man. Rồi ông bị giết, thả trôi sông, vợ con không thấy mặt, không vớt được xác, cũng không biết ngày chết là ngày nào, đành lấy ngày vắng ông trên chiếc nọc mà làm giỗ.
Thanh Hải bỏ trường học, nhưng với tấm bằng trung học đệ nhất cấp và giỏi tiếng Pháp, ông dễ dàng tìm việc làm nuôi mẹ. Ông vào trại cao su Bến Cát, mỗi ngày chỉ có công việc đem mủ cao su về phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng. Chàng trai trẻ sống trong vùng tĩnh mịch quá buồn, chỉ biết làm bạn với cái radio. Một hôm, giọng ca Út Trà Ôn cất lên đã hớp hồn Thanh Hải, với Sầu vương biên ải, Tình anh bán chiếu đẹp não nùng. Từ đó Thanh Hải đi mua bài vọng cổ về tập ca theo, coi như thú tiêu sầu.
7 năm trời chôn chân nơi trại cao su, 24 tuổi, chàng trai quyết chí ra đi phiêu bạt. Lang thang thì bị bắt quân dịch, rồi trốn ra, năm 1959 được soạn giả Điền Long giới thiệu vô đoàn Hữu Chí, và đặt nghệ danh Thanh Hải. “Ma mới” bị bắt nạt vì đâu có biết nhịp, bài bản ra sao, chỉ là hát theo bản năng. Buồn, Thanh Hải lại bỏ đi, lang thang qua gánh khác, và bắt đầu học nghề, dần leo lên hàng kép chánh.
Khi về đoàn Thủ Đô, Thanh Hải trở thành “Vua Tao Đàn” lừng lẫy nhờ công lao của soạn giả Thu An. Thu An viết một kịch bản có đoạn ngâm thơ theo điệu Tao Đàn cực kỳ khó, vậy mà Thanh Hải ngâm ngọt lịm, giọng lên xuống trầm bổng nhấn nhá khó ai bì kịp. Lập tức, cát-sê của ông vọt lên. Và chính “quái kiệt” Ba Vân đã huấn luyện Thanh Hải để chuẩn bị đóng thay các vai của NSND Út Trà Ôn thời trẻ, nên Thanh Hải tôn NSND Ba Vân là cha nuôi.
Đến lúc về đoàn Kim Chưởng và Kim Chung thì “công-tra” (hợp đồng) của ông là 1,2 triệu đồng (giá kỷ lục của năm 1963), cao hơn cả nhiều ngôi sao đương thời. Và năm 1967 thì ông đoạt giải Thanh Tâm qua vai Quách Tĩnh. Thật ra đó là giai đoạn rực rỡ của cải lương với những tên tuổi Thành Được, Tấn Tài, Diệp Lang, Trường Xuân, Ngọc Hương, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên... Người này chiếu sáng bao nhiêu thì lại khiến người kia được tôn vinh bấy nhiêu khi cùng đứng trên sàn diễn bổ sung cho nhau. Và các hãng đĩa tha hồ phất lên nhờ những giọng ca vàng như Thanh Hải.
Sau giải phóng, Thanh Hải vẫn đóng kép chánh ở Đoàn văn công TP.HCM. Nhưng mới hơn 40 tuổi, ông đã nghỉ hát. Ông nói: “Thôi, không còn đóng chánh nữa thì lui về, để giữ được hình ảnh đẹp trong lòng khán giả”. Thật ra, ông có phần tự ái khi bị giao một vai hài. Ông đóng thử, cũng rất thành công, nhưng không thể có lần thứ hai. Vả lại, thời bao cấp đồng lương ít ỏi, đi hát mà vợ con nghèo khó cũng khiến người nghệ sĩ áy náy. Ông và vợ lấy số vốn dành dụm được mở ra buôn bán, rồi cho con đi du học. 6 người con tất cả, có 3 người đã lập nghiệp ở nước ngoài.
Vợ của ông là bà Mỹ Linh, nhiều năm làm ở Sở Ngoại vụ, nay về hưu đã lập công ty riêng lo về thủ tục xuất cảnh. Mỗi ngày bà chạy xe đi làm rất năng động. Khi dẫn ông sang Mỹ, bà giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát. Còn ông muốn “trả đũa” bà thì đợi khi sang Pháp, sẽ nói tiếng Pháp “lấy le”. Hai ông bà sống thoải mái trong căn hộ hóa giá của đoàn văn công trước kia. Ngày rảnh, ông vác cần câu vô Đầm Sen câu cá. Khỏe thì đi ăn sáng với nhóm Minh Vương, tụ tập bạn bè thời đại bang Kim Chung, nói chuyện phiếm đỡ buồn. Ông mập ra nhưng không bệnh gì cả. Tuổi già lý tưởng!
Năm 2006, ông có qua Mỹ hát với Thanh Sang, Diệu Hiền, Phượng Liên, Bảo Quốc... và mấy chục tài danh khác. Năm 2007 cũng góp mặt trong một chương trình tổng hợp tại Nhà hát TP.HCM. Ông cười: “Bạn bè réo gọi quá thì hát cho vui. Nhớ nghề chứ bộ! Nhưng chủ yếu là hát từ thiện, giúp đỡ đồng bào”.
Ông và vợ rất thích làm từ thiện, cứ đi theo nhóm Minh Vương âm thầm len lỏi xuống các địa phương. Ông cười khà khà rồi vô một câu vọng cổ ngon lành. Xong lại ngâm thơ Tao Đàn. Ông hát ngay trên bàn ăn, hát bất chợt giữa đêm, hát khi đang tiếp khách. Ngẫu hứng, không chút màu mè. Chỉ có bà vợ mỉm cười độ lượng... Ông ca ngợi bà là “ngôi sao” của đời ông. Bôn ba, hào hoa phong nhã cách mấy thì cuối cùng người nghệ sĩ vẫn phải có một bến đậu vững chắc trong vòng tay tận tụy, hy sinh của người phụ nữ.