|
Tên đầy đủ:
Henry Trần Quang
Ngày sinh:
1932
|
Đời thường nghệ sĩ:
Nghệ sĩ Hữu Phước có quốc tịch Pháp với tên thật là Henry Trần Quang, sinh năm 1932 tại quận Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Cha là ông Trưởng Tòa Trần Quang Cảnh – nhạc sĩ cổ nhạc đờn vĩ cầm, thân mẫu là bà Tám Kiều – một nữ nghệ sĩ trong gánh hát Thầy Thuốc Minh ở SócTrăng.
Hữu Phước khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được ông Trần Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương – chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ dạy ca và đặt nghệ danh là Hữu Phước thay cho tên Henry Trần Quang.
Ngày 19/12/1955, khi đoàn hát Kim Thoa khai trương vở tuồng Lấp sông Gianh tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, đoàn Kim Thoa đã bị liệng lựu đạn lên sân khấu, làm chết nghệ sĩ Ba Cương, nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai khi hai ông đang đứng bên cánh gà. Nghệ sĩ Duy Lân bị cắt đứt tiện một bàn chân từ mắt cá, các nghệ sĩ Sáu Thoàng, Hữu Phước, hề Minh, Văn Sa, nữ nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim bị thương nhẹ. Vì đoàn hát bị liệng lựu đạn nên khán giả không dám đến xem hát, muốn thu hút khán giả nên mỗi đêm trước khi mở màn, đoàn hát thêm chương trình phụ diễn ca vọng cổ ngoài màn, giới thiệu hai giọng ca trẻ: đó là nghệ sĩ Hữu Phước và hề Minh.
Năm 1956, đoàn Kim Thoa rã, Hữu Phước về cộng tác với đoàn Thanh Minh, hát thường trực tại rạp Thành Xương ở đường Yersin quận nhứt và sau đó là đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.
Thời bấy giờ, Hữu Phước đã ru hồn biết bao khách mộ điệu và được chủ của các hãng dĩa Hoành Sơn, Hồng Hoa, Tứ Hải tranh nhau mời thu dĩa hát. Hữu Phước nổi danh qua các dĩa hát đầu tay như Mặt trận Ái Tình của soạn giả Thu An, dĩa Tình Huynh Đệ và các bộ dĩa khác như Đội gạo đường xa, Gánh nước đêm trăng, Tàu đêm năm cũ, Đời vũ nữ, Tình là giây oan,… của các tác giả Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc làm tăng thêm danh tiếng của danh ca Hữu Phước.
Danh vị trong làng dĩa nhựa của Hữu Phước lên cao, vượt qua các danh ca đương thời như Việt Hùng, Tám Bằng, Thành Công, Chín Sớm, Văn Chung…có thể nói là danh ca Hữu Phước sóng đôi với vua vọng cổ Út Trà Ôn nhờ vào giọng ca vàng của mình.
Theo nhận xét của soạn giả Nguyễn Phương thì: “Hữu Phước có giọng ca thật rõ ràng, âm sắc đẹp, đậm chất bi ai, nghe sâu lắng mượt mà. Giọng ngâm thơ ngọt như mật, êm như nhung như tơ. Hữu Phước có biệt tài sắp chữ ca, làm nổi bật từng ý từng lời, anh ca vuốt nhẹ khi đến chữ Hò vô vọng cổ, tiếng ca như quyện chặt vào tiếng đàn, nghe thật êm tai, thật mùi. Trong lòng câu ca, với một làn hơi dài, Hữu Phước chạy lả lướt với tốc độ ca dồn chữ, từng đợt từng đợt như những lượn sóng triền miên xô đưổi nhau, một kỷ thuật ca khiến cho người nghe có cảm giác là Hữu Phước bất chấp cả nhịp nhàng, bất chấp trường canh, khán giả e sợ Hữu Phước sẽ hụt hơi hoặc ca rớt nhưng không, trăm lần như một, khi đến dứt câu ca thì Hữu Phước dứt câu rất đúng nhịp và còn có một làn hơi ngân dài, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như tan biến vào không gian vô tận. Lối ca của Hữu Phước không chỉ là một kỷ thuật ca điêu luyện, nhịp nhàng vững chắc mà còn có khả năng chuyễn tải nội dung bài ca một cách xúc động nhất đến cho khán giả thưởng thức.”
Khán giả đã khóc với những số phận của nhân vật tuồng khi xem đoàn Thanh Minh – Thanh Nga nhờ vào giọng ca vàng của Hữu Phước và của các nghệ sĩ danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bích Sơn, Mộng Tuyền, Hồng Nga…
Hữu Phước đã được Giải thưởng Thanh Tâm tặng huy chương vàng Diễn Viên xuất sắc nhất năm 1966 qua vai bác sĩ Vũ trong tuồng Đôi mắt người xưa của soạn giả Nguyễn Phương.
Hữu Phước cũng được báo chí kịch trường tặng cho mỹ hiệu Giọng Ca Vàng và là một trong các nghệ sĩ danh ca được các bầu gánh hát, các chũ hãng dĩa ký hợp đồng với số tiền cao nhất.
Hữu Phước mất ngày 21/2/1997 tại Paris.
|