|
Tên đầy đủ:
Đang cập nhật
Ngày sinh:
Đang cập nhật
|
Đời thường nghệ sĩ:
Nữ nghệ sĩ Ngọc Hương sinh năm 1942 là con của một gia đình có nhiều đời theo nghề hát tại tỉnh Bến Tre. Ông Bà Nội của Ngọc Hương là hai nghệ sĩ nổi danh của gánh hát bội Kiến Lương. Cha của cô là ông Nguyễn Văn Hay tức nghệ sĩ Hai Nhỏ, vừa là kép chính vừa là biện tuồng của đoàn hát Kiến Lương.
Ngọc Hương có bốn anh chị em, tất cả đều là nghệ sĩ tài danh. Người chị cả là nghệ sĩ Kim Giác, vợ của nghệ sĩ Hoàng Giang, người anh kế là nghệ sĩ Hoàng On và em gái của Ngọc Hương là Ngọc Lan cũng là nữ nghệ sĩ của đoàn cải lương Hương Mùa Thu.
Tuy được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ Hát Bội nhưng cha của cô thấy nghệ thuật hát bội mất dần khán giả, nghệ sĩ hát bội phải sống trong cảnh nghèo đói vì mỗi mùa hát chầu cúng đình, cúng chùa, nghệ sĩ chỉ được chia lương bằng một số ít gạo hoặc thực phẩm. Gia đình Ngọc Hương quá nghèo, không nhà ở, phải tá túc dưới hầm sân khấu nơi rạp hát Xuân Cảnh Bến Tre.
Thân phụ của cô Ngọc Hương cho bốn anh chị em của cô học ca, học đờn theo nghệ thuật cải lương, về mặt vũ đạo trên sân khấu thì ông bà nội và cha của cô đích thân chỉ dạy, vì lúc đó các gánh hát thường hát cải lương tuồng Tàu, tuy có ca bài ca cải lương nhưng bộ múa của nghệ sĩ cũng mô phỏng theo lối múa của hát bội được cải biên.
Nữ Nghệ sĩ Ngọc Hương. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương.
Năm 1952, mới 10 tuổi, Ngọc Hương được giới thiệu ca vọng cổ trước khi mở màn hát tại đoàn cải lương Nam Phi. Năm 12 tuổi Ngọc Hương đã đóng được vai hoàng tử Ân Hồng, Ân Giao trong tuồng Trụ Vương Đắc Kỷ. Nhờ có làn hơi mượt mà và động tác vũ đạo trên sân khấu rất đẹp nên Ngọc Hương sớm nỗi danh, được khán giả tán thưởng và các ông bà bầu gánh hát chú ý. Ông Bầu Răng của gánh hát Thanh Hương mời Ngọc Hương về hát vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa và vai đào nhí trong tuồng Aladin và cây đèn thần. Năm 1956, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương đã được bà Bầu Chín Bia ký hợp đồng mời về hát cho đoàn Nam Phong. Nghệ sĩ kiêm soạn giả Giáo Út là người thầy rất nghiêm khắc và là người có công lớn trong việc đào tạo nữ nghệ sĩ Ngọc Hương thông qua các vở tuồng của ông soạn thời bấy giờ. Ngọc Hương đã được luyện tập và hát thành công vai Hoàng Tử Ngọc Giao trong tuồng Hoàng Cung trong sóng gió; vai Bạch Vân Phi trong tuồng Tìm Con Trong Đảng Cướp; Vai Tiết Quỳ trong tuồng Tiết Giao Đoạt Ngọc, vai Đắc Kỷ trong tuồng Khoét mắt Khương Hoàng Hậu. Sau vở tuồng Khoét mắt Khưong Hoàng Hậu, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương được khán giả và ký giả kịch trường biết đến như là họ vừa khám phá được một ngôi sao sân khấu lạ lùng. Nguyên do là trước đây, bầu gánh hát và soạn giả khai thác khả năng vũ đạo, múa thương múa đao, bộ võ mà Ngọc Hương được ông bà Nội và cha dạy để cho Ngọc Hương thủ diễn những vai kép võ như Hoàng Tử Ngọc Giao, vai Tiết Quỳ, vai Bạch Vân Phi, vai Ân Hồng, Ân Giao… Ngọc Hương có một giọng ca tốt, có lối múa võ đẹp, oai dũng nên hát các vai võ tướng thành công một cách dễ dàng. Đến khi cô thủ diễn vai Đắc Kỷ trong tuồng Khoét mắt Khương Hoàng Hậu, đóng vai Đắc Kỷ, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương chẳng những có một nhan sắc quyến rũ của một nàng quí phi mà Ngọc Hương còn bộc lộ được nữ tính một cách rất duyên dáng, có một sức thu hút mê hồn mà khi Ngọc Hương đóng các vai kép võ, khán giả không có dịp nhận ra. Nữ nghệ sĩ Ngọc Hương hát trên sân khấu Nam Phong dưới sự rèn luyện nghiêm túc của nghệ sĩ kiêm soạn giả Giáo Út được hơn bốn năm, một thời gian dài đủ cho tài nghệ ca diễn của Ngọc Hương phát triển, xứng đáng được giới mộ điệu và ký giả kịch trường đánh giá Ngọc Hương là một diễn viên trẻ, thinh sắc lưỡng toàn và nghệ thuật diễn xuất điêu luyện. Ông Bầu Ba Bản, chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn khám phá ra khả năng tìm ẩn của Ngọc Hương nên mời cô thu thanh những bài ca vọng cổ và tân cổ giao duyên để xuất bản thành dĩa hát. Ông cũng thành lập đoàn hát cải lương Thủ Đô để kinh doanh và thực hiện mộng ước cải tiến nền nghệ thuật sân khấu của nước nhà. Ông Ba Bản có dịp xuất ngoại, được thưởng thức những vở tuồng, kịch hay và trang trí sân khấu rất đẹp ở nước ngoài nên khi thành lập gánh hát Thủ Đô, ông bầu Ba Bản muốn là tuồng phải được sáng tác thật hay, văn chương bay bướm, nghệ sĩ phải thuộc hạng ca diễn thượng thặng và về mặt dàn cảnh, trang trí và y phục hát của đoàn Thủ Đô phải được thực hiện có mỹ thuật, đồ sộ và huy hoàng. Về mặt kép hát đã có vua vọng cổ Út Trà Ôn, đệ nhất kép lẳng Hoàng Giang, quái kiệt hề Ba Vân, kép trẻ Thanh Hải, về mặt đào thì chỉ có Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Kim Giác, Bo bo Hoàng (lúc nầy Bo Bo Hoàng còn rất nhỏ). Khi khai trương bảng hiệu của đoàn hát Thủ Đô, đoàn diễn vở Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An, nhưng nghệ sĩ Út Trà Ôn từ chối không đóng cặp với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương vì anh chê cô quá nhỏ, đối với anh không xứng đào xứng kép. Ông Bầu Ba Bản, kép độc Hoàng Giang và quái kiệt Ba Vân hết sức thuyết phục nên anh Út Trà Ôn mới chấp nhận đóng cặp với Ngọc Hương. Gặp trở ngại ban đầu, Ngọc Hương đã khóc hết nước mắt nhưng cũng vì lòng tự trọng mà cô cố gắng hết sức để tập tuồng, học tuồng nên cô hát vai Quốc Hương, tuồng Tiếng Trống Sang Canh được thành công trọn vẹn. Báo chí kịch trường ngợi khen sự cố gắng và khả năng ca diễn xuất sắc của ngôi sao sân khấu trẻ Ngọc Hương. Báo chí cũng ngợi khen thái độ đẹp, tận tâm dìu dắt nghệ sĩ đàn em của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Đoàn hát Thủ Đô đã đem lại một sinh khí mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương, ngoài kỷ thuật dàn cảnh đồ sộ, đẹp và lạ mắt, đoàn Thủ Đô có đào tạo được những diễn viên trẻ tài danh như Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Bo Bo Hoàng, Kim Tuyến,… Khi nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan rời đoàn, bà Bầu Kim Chưởng lập tức mời nữ nghệ sĩ Ngọc Hương thế vai của Út Bạch Lan với một hợp đồng hậu hỉ để Ngọc Hương thủ vai chánh trong đoàn hát của bà. Nữ nghệ sĩ Ngọc Hương đã hát qua các vở tuồng : Nữa Bản Tình Ca, Thuyền Ra Cửa Biển, Người Đẹp Bắc Kinh, Cô Gái Sông Đà, Hai Chiều Ly Biệt, Lá Huyết Thư. Thưa quý thính giả, năm 1962, khi Ngọc Hương được bà Kim Chưởng mời về thế vai của Út Bạch Lan, hát tuồng Nữa Bản Tình Ca tại rạp Quốc Thanh, tôi đến xem hát. Cô Ngọc Hương thế vai Chiêu Trúc Lệ của Út Bạch Lan, nghệ sĩ Út Hiền thế vai Băng Đình của Thành Được trong tuồng Nữa Bản Tình Ca, hai nhân vật này trong lớp diễn cảnh ‘’say tình trên sóng nhạc’’.Tôi thấy : Út Bạch Lan ca mùi hơn nhưng Ngọc Hương cũng có giọng ca mượt mà, thể hiện được nét vui tưoi nhí nhảnh của một cô gái đang yêu, phù hợp với lớp tuồng nầy hơn.’’ Ngọc Hương đã thành công rực rỡ trên sân khấu Kim Chưởng, khi cô thay vai tuồng hát của đệ nhất đào thương sầu nữ Út Bạch Lan. Năm 1962 đó, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương được trao tặng huy chương vàng giải Thanh Tâm, một lược với nữ nghệ sĩ Ánh Hồng. Năm 1963, nữ nghệ sị Ngọc Hương lại được Ban tuyển chọn giải thưởng Thanh Tâm trao cho huy chương vàng giải diễn viên xuất sắc. Ngọc Hương kết hôn với soạn giả Thu An sau khi ông thành lập đoàn hát Hương Mùa Thu. Soạn giả Thu An tên thật là Nguyễn Văn Sáu, sanh năm 1932 tại Bến Tre. Ngọc Hưong là đào chánh của gánh hát Hương Mùa Thu từ ngày mới thành lập. Diễn viên đoàn Hương Mùa Thu có đào chánh Ngọc Hương và các nghệ sĩ, Thanh Hải, Út Hiền, Hà Bửu Tân, Hiếu Liêm, Hữu Lộc, Yến Nhung, Thanh Thanh Hoa, Hề Minh, Bảy Xê, Minh Hải, Chí Thanh, Thanh Hồng, Bo Bo Hoàng, Ngọc Lan, Bạch Lê… |