Minh Phụng - "Hoàng tử CL kiếm hiệp":
Kỳ 1: Vì mê Minh Cảnh mà theo nghề hát


G
iữa thập niên 60-70 của thế kỷ XX, tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung làm say mê hàng triệu khán giả VN, tiếp theo đó những bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông...du nhập vào miền Nam, rất được khán giả SG thời đó thích xem. CL miền Nam thời ấy, sau những loạt tuồng La Mã, Ả Rập, Ấn Độ, Dã sử,...bắt đầu bớt ăn khách, các ông bầu tìm cách thay đổi hình thức, đêm câu chuyện và màu sắc kiếm hiệp vào SK để thu hút khán giả. Đây là mảnh đất màu mỡ để các tác giả khai thác cốt chuyện tình éo le, những màn đánh đấm đu bay, phóng phi tiêu, lăng xê đào kép trẻ có giọng ca hay. Đứng đầu loại hình này là sân khấu Kim Chung, những ngôi sao: Minh Cảnh, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ...thành danh từ loại tuồng CL kiếm hiệp. Người có tài đánh kiếm, đu bay hay nhất là NS Minh Cảnh, sáng đẹp nhất là NS Minh Phụng.
Trong ba nghệ sĩ lấy họ Minh làm nghệ danh, Minh Phụng nổi tiếng sau Minh Cảnh, trước Minh Vương. Họ đã cùng các nữ nghệ sĩ: Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ... chống đỡ bảng hiệu Kim Chung thi tài cùng đoàn CL Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, tạo nên sinh hoạt sân khấu sôi động một thời.
Nghệ sĩ Minh Phụng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, làm say mê hàng triệu con tim khán giả, những băng dĩa do Minh Phụng hát chánh cho tới ngày nay vẫn còn ăn khách. Khán giả nhớ Minh Phụng qua Áo vũ cơ hàn trong Tâm sự loài chim biển, Âu Thiên Vũ trong Xin một lần yêu nhau, Mộ Dung Thạch trong Kiếp nào có yêu nhau... Hầu như, những khán giả trẻ biết ca vọng cổ đều thuộc lòng những câu do Minh Phụng hát. Minh Phụng là một trong những ngôi sao hàng đầu của sân khấu cải lương. Anh không chỉ được khán giả ủng hộ mà đồng nghiệp cũng dành cho anh sự mến phục đặc biệt. Nhưng mấy ai biết được để đạt được những vinh quang trên sân khấu, bước khởi đầu của anh đã trải qua bao đắng cay, cơ cực.
Đi bán cá, bán bánh mì, lượm banh tennis có tiền phụ mẹ nuôi nấng các em
NSUT Minh Phụng tên thật là Nguyễn Văn Thiệu, sinh tại thành phố Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang, ba họ Ngô, mẹ họ Nguyễn, nhà có nhiều anh chị em, sau chỉ còn lại 5 người, người chị lớn thứ tư, Minh Phụng thứ năm, cô em thứ sáu, em trai thứ tám và người em gái thứ út Ba anh làm ăn thất bại đã bỏ gia đình, vợ con đi làm ăn xa không trở về. Người chị tư đi lấy chồng còn lại anh là con trai trưởng. Anh phải lấy họ mẹ thay họ cha, vừa đi học vừa làm đủ thứ nghề vặt như xách nước mướn cho vựa cá, bán bánh mì, bán cà-rem, bán cốm, lượm banh nỉ ở các sân tennis để có tiền giúp mẹ nuôi em nhưng vẫn phải tranh thủ đến trường để học cho xong bậc tiểu học. Nhà thiếu nợ, mẹ anh phải bán bớt một căn nhà để trả vẫn không đủ, tới kỳ chủ nợ đến đòi tiền lời, nhìn thấy mẹ bị chủ nợ chỉn, cậu bé Thiệu rất đau xót, đứng sau hè mà khóc không biết làm gì để giúp mẹ. Mẹ đi làm mướn cho vựa cá, lúc rảnh cậu theo giúp mẹ làm cá cho khách mua, nên dù là con trai, cậu làm cá rất giỏi. Rất mê ca vọng cổ, thần tượng là nghệ sĩ Minh Chí, nghệ sĩ Hữu Phước. Nhà nghèo không có tiền học đờn ca, cậu phải học lỏm với một người bạn, học đờn được ba câu rồi tự tìm hiểu luyện thành sáu câu, dựa theo đó mà vừa đờn vừa ca.
Chú tiểu lúc mới vào đời
Lúc khoảng 13-14 tuổi, lên học trung học, anh có một người thầy dạy học gọi bằng cậu Mười bị tật ở chân, không đứng được chỉ ngồi mà dạy chữ. Có một ngôi chùa ở gần đó, vị trụ trì đóng cửa bỏ đi nên ngôi chùa bỏ hoang, anh cùng thầy dạy học và một người bạn nữa đến giữ chùa. Cứ 4 giờ chiều, thầy cho anh về chùa trước tụng công phu, tối ba thầy trò về ngũ giữ chùa, 4 giờ sáng dậy tụng công phu tiếp. Ba thầy trò giữ chùa một thời gian dài, cho tới khi có sư trụ trì khác đến mới giao chùa lại. Ba thầy trò thường mặc áo lam đi tụng kinh (không lấy tiền) cho các nhà nghèo có đám tang quanh xóm. Anh thuộc khá nhiều bài kinh, đến nay vẫn còn nhớ bài kinh đầu tiên là bài kinh Sám Hồng Trần mà mình đã được học.
Sau khi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp ở truồng Nguyễn Đình Chiều, anh ra trường bán công Trương Công Định học nhảy lên lớp đệ nhị để thi tú tài 1. Anh có một người bạn học tên Ngàn là con nhà giàu đi học trường sĩ quan, khuyên anh nên đi hát, đừng đi lính như anh ta, lỡ chết uổng phí tài năng. Anh ở nhà chăm lo học hành. Mấy tháng sau thì hay tin anh bạn kia chết ngoài mặt trận. Ngẫm nghĩ lời bạn nói đúng, anh quyết định theo hát cải lương.
...và nhà sư bị "xô" ra sân khấu
Một lần, tình cờ nghe chương trình sân khấu truyền thanh trên đài phát thanh, đoàn Kim Chung 2 diễn vở Bên cầu Vọng Thê với cặp đào kép chánh là Minh Cảnh, Diệu Hiền. Nghe Minh Cảnh hát hay quá anh mê mẩn và quyết định đi hát. Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga dọn về rạp Viễn Trương hát, anh gặp thần tượng Hữu Phước đi chiếc xe hơi màu đỏ lộng lẫy, ngưỡng mộ quá, mấy ngày sau anh về xin vô đoàn CL Tân Đô của ông bầu Công Tạo đang tập tuồng tại đình gần nhà sắp sửa khai trương ở rạp Viễn Trường, nghe anh thử hơi, soạn giả Hương Huyền Anh cho anh hát vai thầy chùa trong vở Bến tang thương, đặt nghệ danh cho anh là Tân Tiến, với lời dặn: ''Tao đặt cho mày tên Tân Tiến, mai mốt nổi tiếng nhớ là nhờ đi hát ở đoàn Tân Đô nghẹn''. Ngày khai trương đoàn Tân Đô tại rạp Viễn Trường, anh không biết làm mặt, nhờ cô bạn diễn viên trẻ cùng trang lứa tên Kim út (là nghệ sĩ Lan Thảo ở đoàn CL Hương Tràm - Cà Mau ngày nay) hóa trang dùm. Kép chánh đoàn lúc đó là Hữu Thuận. Tới lớp diễn, anh không dám ra khi nhìn thấy dưới hàng ghế khán giả có chị Tư thế, một ngừơi quen cùng xóm, ông bầu Công Tạo đang ngồi đòn kìm chờ hoài không thấy Tân Tiến ra sân khấu, có người đến báo: ''Nó thấy người quen nên mắc cỡ không dám ra hát Ông bầu ra lệnh: ''Cứ xô nó ra sân khấu''. Đáng lẽ ra sân khấu anh phải ca một lớp Nam xuân, một lớp Xàng xê rồi mới vô vọng cổ, nhưng bị xô ra bất ngờ, anh quên tuồng, vô thẳng vọng cổ luôn, không ngờ khán giả vỗ tay muốn vỡ rạp, trong đoàn khen quá xá. Sau đêm diễn, anh vẫn còn ngại không dám gặp ai thì chị Tư Thế về xóm đồn ầm lên: "Thằng Thiệu, con chú Ba Dần ca hay quá''. Gặp những người quen có coi anh hát đêm ấy, ai nấy đều khen, mời uống cà phê, ăn hủ tíu. Mấy ngày sau, anh khăn gói theo đoàn Tân Đô, hành trang là mấy bộ đồ cũ và một bộ vía mới may mấy chục đồng dành để đi học.
Theo đoàn hát, không dám uống cà phê chỉ uống sữa nước sôi, vậy mà cũng bị tắt tiếng, không thể hát được. Đoàn lên tới đình An Hòa, ở đường Hưng Phú - Quận 8, anh vẫn còn khàn tiếng, chán nản muốn về lại nhà, nhưng trong túi không còn tiền đành phải đem cái áo sơ mi mới may đi cầm với cái giá rẻ mạt, đủ mấy đồng tiền xe về tới Mỹ Tho...
* Kỳ tới : ''Gian nan tiếp nối gian nan''
Việt Khang (Báo Sân Khấu)