1. huongxua
    Avatar của huongxua
    Hãng đĩa Asia Electric
    Gồm các nhãn đĩa
    asia
    Việt Thanh
    Sóng Nhạc





    Âm Nhạc Âm nhạc miền Nam trước 1975 đã có sự phát triển rất phong phú và đa dạng cả về đề tài lẫn số lượng và chất lượng, với hàng chục ngàn bài hát được sáng tác, hàng trăm ca sĩ nhạc sĩ vang danh và được yêu thích đến tận ngày nay sau hơn nửa thể kỷ. Một điều đặc biệt là thời gian đã qua lâu nhưng những ca khúc được thu âm từ 60 năm trước vẫn được được khán giả ngày nay tìm nghe. Để có được những thành tựu lớn đó, không thể không kể đến những đóng góp của các hãng băng đĩa và phòng thu âm.

    Có đến vài chục hãng dĩa nhựa và băng (tape) reel to reel từng hoạt động trước 1975, tiêu biểu nhất là Dĩa Hát Việt Nam, Continental, Sơn Ca, Trường Sơn, Shotguns… và tiêu biểu nhất vẫn là hãng đĩa Sóng Nhạc, thường được gọi là Asia Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh, đã phát triển rực rỡ nhất thời kỳ thập niên 1960, giới thiệu và lăng xê được rất nhiều tên tuổi nữ ca sĩ nhạc vàng được yêu thích nhất suốt 60 năm qua.

    Hãng Asia ban đầu được ông Ngô Văn Mạnh thành lập từ năm 1939 tại Sài Gòn. Tên gọi Asia có ý nghĩa là hãng dĩa của người Việt ở Châu Á, cũng là hãng phát hành đầu tiên của người Việt ở xứ Đông Dương, bên cạnh các nhãn hiệu nước ngoài như Pathe, Oria, Beka. Hãng Asia – sau đó là Việt Thanh – chủ yếu thu âm và phát hành cổ nhạc Việt Nam, với sự điều hành chung của ông Ngô Văn Mạnh cùng với em gái thứ 7 của mình là Ngô Thị Khá. Bà Ngô Thị Khá phụ trách hầu hết về phần bài vở, làm việc với soạn giả, nghệ sĩ… Hãng Asia và Việt Thanh hợp tác với hầu hết những nghệ sĩ tiên phong của cổ nhạc miền Nam, như Ba Vân, Tư Sạng, Năm Châu, cô Bảy Phùng Há, Tám Thưa…

    Bên cạnh nhãn hiệu dĩa mang tên Asia, ông Ngô Văn Mạnh còn thành lập thêm nhãn hiệu dĩa mang tên Việt Thanh, dần dần giao lại toàn bộ công việc ở hãng dĩa cho em gái là bà Ngô Thị Khá, trong hình bìa của Việt Thanh có ghi tên như sau:

    Nhãn hiệu dĩa Asia, Việt Thanh được thành lập và phát triển vào lúc ở Việt Nam chưa có đĩa nhựa (vinyl), mà đó là thời kỳ của đĩa đá 78 vòng, đầu phát không chạy bằng điện, phát nhạc bằng cách quay dây thiều.

    Gọi loại đĩa này là đĩa đá vì nó giòn như đá, rớt có thể bị bể. Dĩa chạy được 78 vòng mỗi phút, được làm từ nhựa cánh kiến (shellac). Loại này có 2 kích thước là 10 inch và 12 inch, phát được âm thanh từ 3 đến 5 phút mỗi mặt đĩa.

    Các loại dĩa 78 vòng, trong đó có cả Asia lẫn Việt Thanh Đến cuối thập niên 1950, sức khỏe bà Ngô Thị Khá không còn tốt, bà nghỉ ngơi và để lại toàn bộ công việc quản lý cho chồng là ông Nguyễn Tất Oanh. Lúc này vì muốn chuyển hướng sang phát hành tân nhạc nên hãng đĩa lập thêm nhãn hiệu mang tên là Sóng Nhạc, bắt đầu sản xuất loại đĩa nhựa (vinyl) 45 vòng, sau đó là 33 vòng, thực hiện cả tân nhạc lẫn cổ nhạc. Trước đó ông Nguyễn Tất Oanh chỉ phụ trách về phần kỹ thuật, nhưng từ năm 1960 ông điều hành tất cả công việc ở hãng Asia Sóng Nhạc cho đến đầu thập niên 1970.

    So với loại dĩa 78 vòng thì dĩa nhựa vinyl này có nhiều ưu thế hơn, chất liệu bền hơn và thời lượng sử dụng cao hơn do tốc độ quay chậm, phát được nhiều bài hát hơn. Vì vậy người ta hay gọi loại dĩa mới này là LP vinyl (long playing vinyl – dĩa nhựa phát được thời gian dài).

    Máy phát dĩa nhựa (LP player) Hãng Sóng Nhạc có văn phòng đặt tại số 37 đường Phạm Ngũ Lão Quận 1. Cơ sở kỹ thuật của hãng Sóng Nhạc gồm có phòng thu thanh, phòng ép dĩa và sang băng đặt trụ sở ở đường Bến Hàm Tử (nay là Võ Văn Kiệt).

    Thời điểm đầu thập niên 1960, hãng Sóng Nhạc đã độc quyền phát hành giọng hát của 4 nữ danh ca hot nhất thời đó là Phương Dung, Thanh Thúy, Trúc Mai, Minh Hiếu. Đó cũng là 4 giọng ca nhạc vàng thế hệ đầu. Sau thời điểm đó thì các ca sĩ Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Phương Hồng Quế… mới lần lượt xuất hiện.

    Ngoài ra, ông Nguyễn Tất Oanh và Sóng Nhạc còn hợp tác chặt chẽ với các nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng để lăng xê nhiều ca sĩ mới của lớp nhạc Lê Minh Bằng, cũng như thu âm, phát hành nhiều ca khúc nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ này ngay sau khi được sáng tác.

    Dù nhãn hiệu dĩa hát mang tên mới là Sóng Nhạc, nhưng tên công ty vẫn là Asia, tổng phát hành ở địa chỉ số 37 Phạm Ngũ Lão – Saigon, nên người ta vẫn thường gọi là dĩa Asia Sóng Nhạc.

    Đến đầu thập niên 1970 tại Sài Gòn, khi dĩa nhựa hết thời và chuyển sang thời kỳ băng cối (reel to reel tape, thường được gọi là băng magnetic) phát trên đầu băng cối Magnetophone thì ông giám đốc Nguyễn Tất Oanh đóng cửa Sóng Nhạc, ông chuyển về sống ở ngã tư Bảy Hiền và làm nghề khác.

    Đầu phát băng cối (magnetophone), thường được gọi là máy akai, là thương hiệu của máy hát nổi tiếng nhất thời đó Các bản thu cũ của Sóng Nhạc vào thập niên 1960 được các công ty khác mua lại bản quyền và phát hành trên băng cối và băng cassette sau này. Đó là lý do mà từ đầu thập niên 1960, dù ông Nguyễn Tất Oanh đã ngưng hoạt động hãng Sóng Nhạc, nhưng vẫn có nhiều băng magnet mang tên Sóng Nhạc vẫn được phát hành. Mời các bạn nghe lại:

    Nghe băng Sóng Nhạc 6 – Tiếng hát Phương Dung Sau năm 1975, trụ sở của Asia tại Bến Hàm Tử được quốc hữu hoá, nhưng bỏ hoang trong 2 năm. Từ năm 1977, UBND Thành phố có Quyết định số 480/QĐ-UBND để khôi phục hãng dĩa hát ASIA và thành lập Công ty hợp doanh. Năm 1988, cơ sở dĩa hát Asia Sóng Nhạc ở Hàm Tử trở thành xí nghiệp quốc doanh, và cũng là xí nghiệp băng nhạc đầu tiên của Thành phố kể từ sau 1975, mang tên là Sài Gòn Audio (Hãng phim Bông Sen). Đây từng là một trong những trung tâm băng đĩa lớn nhất cả nước.

    Khoảng cuối thập niên 2000, Saigon Audio đã hợp nhất với công ty băng đĩa khác là VAFACO, đổi tên thành Saigon Vafaco. Cho đến nay, vì tình hình băng đĩa ế ẩm nên Saigon Vafaco gần như đã dừng hoạt động.

    Sau này, khi nhạc sĩ Anh Bằng sang hải ngoại và thành lập trung tâm Lê Minh Bằng, sau đó đổi thành Dạ Lan, và cuối cùng dùng lại chữ Asia (Trung tâm Asia hiện nay). Ông Nguyễn Tất Oanh sinh năm 1916 và qua đời năm 2002, hưởng thọ 86 tuổi.
    Đông Kha
    Nguồn: Nhacxua.vn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to huongxua For This Useful Post:

    DOHOANG (21-04-2023), MEM (17-04-2024)

  3. MEM
    Avatar của MEM

    Thông tin ghi trên nhãn hiệu ASIA Electric (1939)

    307530. -- M. p. désigner des disques à aiguille, déposée le 22 août 1939, à 15 heures, au greffe du tribunal de commerce de Saïgon (no. 2349), par M. Ngo-Van-Manh, "Maison Asia", 324, quai de Choquan, Cholon (Cochinchine Française). (C.V.)

    Đĩa nhọn sản xuất bởi công nghệ Đông Dương bằng cao su

    3075630. -- Từ dành cho các điã nhọn, trình toà ngày 22 tháng 8 1939, 15 giờ, được chứng nhận bởi tòa án thương mại ở Sài Gòn (số 2349), do Ô. Ngô Văn Mạnh, "Nhà Á Châu", 324 bến Chợ Quán, Chợ Lớn (Nam Kỳ Pháp). (Các màu thay đổi)


    Cám ơn bạn Thomas Henry cung cấp tư liệu này cho tôi. Nhãn hiệu của hãng dĩa Asia được đăng ký ở Pháp năm 1939.

    Tôi không hiểu tại sao tên tuổi ông Ngô Văn Mạnh không được ca tụng rộng rãi? Ông là người Việt đầu tiên đứng lên lập công ty sản xuất đĩa nhạc ở Đông Dương. Tôi không biết hãng Asia sản xuất bao nhiêu bộ đĩa, nhưng khối lượng ấy phải lên dăm ba trăm đề mục. Cải lương và vọng cổ là món chính của hãng Asia, nhưng ông Henry cũng cho hay là hãng này cũng sản xuất các đĩa nhạc Lào.

    Tôi đã biết một ít về ông Ngô Văn Mạnh và hãng Asia cho bộ sách / đĩa Longing For the Past: The 78 RPM Era in Southeast Asia, nhưng các tư liệu viết về ông rất hiếm.


    Nguồn:
    https://taybui.blogspot.com/2015/03/...-1939.html?m=0
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (30-04-2024)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Ông Ngô Văn Mạnh và bìa đĩa Sóng Nhạc
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (30-04-2024)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Viễn Châu giúp hãng dĩa Hồng Hoa qua bài tân cổ giao duyên ‘Người Yêu Của Lính’


    Giữa thập niên 1960, cái thời mà dĩa hát tân cổ giao duyên ào ạt tung ra thị trường, đại lý các tỉnh đặt hàng liên tục vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng mộ điệu. Đó là do bài ca mới lạ, tình tiết câu chuyện diễm tình đầy cảm động đề cập đến người lính chiến và người em gái hậu phương.

    Do vậy mà hãng dĩa lớn Hồng Hoa cũng chạy theo thời thế, thay đổi đường hướng sản xuất, và đã cho ra đời dĩa tân cổ giao duyên “Người Yêu Lính Chiến.” Tân nhạc của Song Linh, vọng cổ của Viễn Châu, do Thanh Tuyền ca tân nhạc và ca luôn phần vọng cổ.

    Hãng dĩa Hồng Hoa là hậu thân của hãng dĩa Asia, nên đường hướng hoạt động làm ăn cũng chẳng khác hãng Asia bao nhiêu trong việc chọn cốt truyện sản xuất dĩa hát, mà thường là nhắm vào truyện cổ tích, dã sử, truyện Tàu, và chuyện… đâu đâu, có nghĩa câu chuyện không biết xảy ra thời nào, ở đâu.

    Hãng Hồng Hoa có thời gian dài hốt bạc nhờ dĩa hát với các câu chuyện “Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài,” “Con Tấm Con Cám,” “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà,” “Phạm Công-Cúc Hoa,” “Lâm Sanh-Xuân Nương”…

    Thế nhưng, thị hiếu thính giả ở mỗi thời kỳ mỗi khác, các thế hệ trước ưa thích dĩa hát các câu chuyện xưa tích cũ như trên. Nhưng sang đầu thập niên 1960 thì thính giả thuộc thế hệ sau đã không còn muốn nghe các bài ca thuộc loại đời xưa ấy nữa, càng về sau thì các loại tuồng và bài vọng cổ “đời xưa” đã hết ăn khách, bán ế.
    Người đại diện của hãng đi chào hàng dĩa mới, thì phần lớn đại lý các tỉnh từ chối nhận hàng. Có một bà chủ đại lý ở miền Tây đã thốt lên ngôn từ của nhà buôn sành sỏi, đanh đá: “Thôi đi ông ơi! Thời này mà còn ra dĩa hát ‘Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu,’ ‘Mạnh Lệ Quân thoát hài,’ thì chỉ có nước đem về kho tiêu, chớ có ma nào bỏ tiền ra mua đâu!”

    Thế hệ sau họ ưa chuộng bài ca nói đến hoàn cảnh xã hội, tình cảm, kèm theo địa danh có thật ngoài đời như “Tình Anh Bán Chiếu,” “Gánh Nước Đêm Trăng,” “Mồ Em Phượng,” “Tiếng Đàn Trên Bắc Mỹ Thuận”…

    Đến năm 1965 hãng dĩa Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành, ông là sĩ quan cấp tá trong quân đội, và đã chọn các bản nhạc nói lên nét kiêu hùng, tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ Cộng Hòa. Đồng thời đưa hình ảnh trẻ đẹp nhu mì người con gái hậu phương, mà tâm tư hướng về người chiến sĩ ngoài biên cương, nơi rừng sâu núi thẳm.

    Loại dĩa hát này được giới trẻ hoan nghinh nên đã có mặt cùng khắp các tỉnh, đi đâu cũng nghe, đài phát thanh cũng cho hát hằng ngày. Do đó mà hãng dĩa Hồng Hoa đã bị ế hàng trầm trọng, và trong lúc chưa có phương thuốc chạy chữa thì soạn giả Viễn Châu, người cộng tác lâu năm với hãng Hồng Hoa, đã đề nghị hãng nên thay đổi đường hướng hoạt động, bằng cách ngưng sản xuất dĩa hát rút trong truyện Tàu, đồng thời chọn các bản nhạc nói về người lính và ông lãnh phần viết vọng cổ. Có như thế mới cạnh tranh nổi với hãng dĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

    Và chẳng bao lâu thì dĩa hát tân cổ giao duyên “Người Yêu Của Lính” được tung ra thị trường.

    Dưới đây là bài tân cổ giao duyên “Người Yêu Của Lính:”

    Em nhớ tên anh nhiều đêm gió lộng,
    Ngoài trời buồn hiu mưa hắt từng cơn,
    Ngại ngùng vì anh sa trường chiến đấu,
    Chống ngăn giặc thù mong đem chiến công,
    Khi bóng chinh y mờ sau nắng chiều,
    Là giờ ngùi say sưa bước người đi,
    Bụi đời mờ hoen vai người anh dũng,
    Chiến binh là đời đầy dẫy oai hùng.

    Vọng Cổ:
    1-Em nhớ tên anh qua nhiều đêm gió thoảng buồn mênh mang lắng đọng giữa tim sầu… nước chảy bèo trôi thầm lặng giữa chân cầu… mưa hắt hiu gieo buồn thôn xóm cũ những ngoại ngùng cho kẻ ở biên cương, một quãng đời sớm nắng chiều sương mà ly bôi đã cạn chén lâu rồi, bụi ven đường mờ lấp bóng chinh y anh hẹn buổi tao phùng với vần thơ khói lửa.

    2-Quen cô đơn đã mấy mùa mưa lạnh gói trọn vào tim một bóng dáng oai hùng… bụi đường xa dày dạn bước phong trần… anh ra đi quyết đạp bằng gian khổ đợi anh về em khép chặt buồng xuân, trước Phật đài khấn nguyện lâm râm cầu anh được bình an ngoài trận tuyến, bởi người yêu của em là lính chiến buổi lên đường vẫn nhắc chuyện tình chung.

    Thơ:
    Em nhớ tên người trai chiến chinh,
    Ngày đi còn hẹn tiếng ân tình,
    Thương anh thương cả màu biên giới,
    Có dãy cây rừng rặng núi xanh.

    5-Nhưng người của em yêu là người lính chiến một chiều sương vác súng biệt khuê phòng… chí làm trai đâu vướng bận môi hồng… anh đã đi trong điêu tàn khói lửa chí râu mày đâu ngại gió mưa phong, em ở đây một nắng hai sương, mùa khói lửa đã quen nhiều cay đắng, nhưng lời hẹn ước đã ghi sâu vào tâm khảm khi hình dung một bóng dáng kiêu hùng.

    Nhạc:
    Đây chính yêu anh mà em gắng chờ,
    Đợi ngày trùng lai em vẫn hằng mơ,
    Một ngày nào xong quân dịch hiên ngang,
    Ấy em nguyện rằng đời chỉ có chàng…

    Gió lộng từng cơn đưa mưa buồn trước ngõ ngại ngùng ai nơi sương gió biên thùy… hẹn nhiều rồi há ngại gối chăn đơn, dù thuyền cũ chưa quay về bến hẹn.

    Thơ:
    Mưa rơi lạnh buốt đêm trường,
    Chớp bể mưa nguồn, em vẫn nhớ tên anh.

    (Ngành Mai)

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (17-04-2024)

ANH EM CHANNEL