Đêm hè, không khí oi bức không ngủ được tôi bèn thức dậy châm một bình trà, ngồi uống nhâm nhi, ngẫm nghĩ sự đời. Nhớ thời vàng son của cải lương, nhớ những diễn viên tài danh “thinh sắc lưỡng toàn” những người đã đem lại men say nghệ thuật chẳng những cho khán giả ái mộ cải lương gần suốt một trăm năm của thế kỷ trước mà còn cho cả mấy thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này. Những người thầy, người bạn nghệ sĩ đồng thời với tôi, các cô Huỳnh Kỳ, Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ; các anh Hồng Châu, Tám Bằng, Tư Xe, Thành Công, Chín Sớm danh ca trong làng dĩa hát; các cô Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Ngọc Nuôi, Thanh Nga, ...anh Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Việt Hùng, Minh Chí, Hữu Phước, Thành Được, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh... nay kẻ mất người còn, nhưng trong đêm hè yên tĩnh của thành phố Mộng Lệ An hiền hòa, hình ảnh và giọng ca hát tuyệt vời của các bạn đó hiển hiện sáng ngời trong tâm tưởng của tôi, ngầm giải thích cho tôi biết vì sao ngày xưa khán giả rất say mê nghệ sĩ, rất ái mộ nghệ thuật hát cải lương.
Khán giả ái mộ cải lương ngày xưa thường nói họ mê cải lương vì thích đào kép có “thinh và sắc lưỡng toàn” và “chuyện tuồng gay cấn, cảm động”.
“Thinh” tức là giọng ca, tiếng hát của nghệ sĩ, thường làm cho khán, thính giả mê thích. Có khi khán, thính giả về nhà rồi mà cũng có nhớ, còn mơ tưởng đến tiếng hát giọng ca của cô đào hay anh kép mà mình ưa thích.
Tôi còn nhớ, năm 1952, trên tờ nhật báo Tiếng Dội, ký giả Trần Tấn Quốc đã viết: “Suốt một thời gian dài, bản vọng cổ từ nhịp 8, rồi 16, đến 32, chưa có cô đào cải lương nào có giọng ca như cô Sáu Huỳnh Kỳ. Cô Sáu Huỳnh Kỳ có giọng ca du dương, não nùng ai oán nhưng lại đượm nét dịu dàng êm ái. Ở đoàn hát Huỳnh Kỳ hay ở những nhà hàng sang trọng có ca cổ nhạc, khi đăng quảng cáo có tên cô Sáu Huỳnh Kỳ thì chắc chắn sẽ chật ních khán, thính giả, nam thanh nữ tú”.
Tôi chưa có dịp xem cô Sáu Huỳnh Kỳ hát. Cái thời huy hoàng của cô Sáu Huỳnh Kỳ diễn trên sân khấu và thu thanh trên mặt dĩa hát thì chưa có kỹ thuật thu hình nên người được xem cô Sáu hát chỉ là một số khán giả ở các thành thị lớn. Lúc đó chưa có cảnh bán vé chợ đen nhưng khi đoàn hát vừa đến rao bảng thì người nhanh chân lẹ tay, những người có nhiều tiền đều mua được vé trước. Những ai chờ đến tối mới đến rạp mua vé thì thường là chỉ mua được vé hạng chót. Người ta đến xem hát gánh Huỳnh Kỳ phần lớn là vì thích nghe giọng ca áo não của cô Sáu Huỳnh Kỳ.
Năm 1952, năm mà tôi gia nhập đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị nói về những giọng ca vọng cổ đều nói giọng ca của cô Sáu Huỳnh Kỳ đứng nhứt hạng, giọng ca khiến cho người nghe xao xuyến bàng hoàng, xúc động tâm hồn, bâng khuâng ray rức như thương ai nhớ ai...
Tôi được xem cô Tư Sạng hát trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu các tuồng Tội của Ai, Trót Tay Lỡ Nhúng Chàm, Hoa Rơi Cửa Phật và đã nghe nhiều dĩa hát có cô Tư Sạng ca. Tôi thích nghe cô Tư Sạng ca trong các dĩa vọng cổ Đêm Khuya Trông Chồng và dĩa Hoa Rơi Cửa Phật. Giọng ca của cô Tư Sạng nghe vang lên lồng lộng, xa vời vợi, như kể lể nỗi niềm sâu thẳm sôi trào lên từ trong tâm tư của người thiếu phụ cô đơn.
Có đến hơn sáu mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ câu ca của cô Tư Sạng: “Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về. Mà người thiếu phụ trông chồng còn lặng ngồi bên nhịp cửa song. Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc mà mạch cảm hoài tự bao giờ đã chảy”.
Nhạc sĩ Văn Tạo của đoàn Việt Kịch Năm Châu nhận xét lối ca của cô Tư Sạng: “Ngay từ nhịp hò đầu, cô Tư buông lơi lơi như giọt sương rơi trên lá: Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về... Nhịp điệu khoan thai có vẻ mòn mỏi ấy cho đến song lang nhứt: “Mà người thiếu phụ trông chồng còn lặng ngồi bên nhịp cửa song”... Dừng một chút ngân nga, cô Tư Sạng giản dần mấy nhịp: “Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc...” Rồi thẫn thờ buông xuống chữ “mà” như tiếng thở dài, tiếp đoạn cuối câu một có nhiều chữ dấu nặng, dấu huyền để cho giọng của cô Tư như chìm xuống rồi bổng thánh thót cất lên hai chữ dấu hỏi, ngã dứt câu (đã chảy), làm rúng động trong sâu thẳm tâm hồn người nghe”.
Giới thưởng thức giọng ca của cô Tư Sạng, đã đánh giá cô Tư Sạng là Đệ Nhất Danh Ca Nữ. Không chỉ ở giọng ca trữ tình, truyền cảm, chân chất mà còn ở chỗ ngân, chỗ nghỉ, chỗ luyến láy, chỗ lướt, buông lơi đầy nghệ thuật. Cô ca toát lên cái chất cảm xúc ẩn chứa trong từng lời từng chữ để diễn đạt nội tâm của nhân vật trong bài ca.
Một nữ ca sĩ khác cũng đã làm cho thính giả ái mộ mê mệt vì giọng ca truyền cảm đến lạ lùng của cô. Cô Ba Bến Tre ca thâu thanh dĩa hát rất nhiều nhưng thính giả nhớ mãi lời ca và giọng ca của cô Ba Bến Tre qua dĩa hát “Khóc Bạn” mà đến nay, hơn sáu mươi năm qua, tôi còn nhớ được câu đầu của bài ca “Khóc Bạn” đó:
“Tôi khóc đã lắm phen rồi, mà hồ lệ bên lòng chẳng đặng vơi. Trái tim nát tan, tâm sự đắng cay càng ngày càng cay đắng...”
“Bến nước làn mây chia rẽ lứa đôi...”
Rất tiếc là tôi không biết tên tác giả, lời văn “Khóc Bạn” được viết rất là hay, vừa giản dị vừa chân chất nhưng thể hiện được tấm lòng đau đớn của nhân vật trong truyện. Cô Ba Bến Tre ca, tiếng ca của cô vừa tức tưởi, vừa ngập ngừng, uất nghẹn lời ca “khóc bạn” bên nấm mộ hoang... tiếng ca như đứt quãng, như thể hụt hơi, như gắng gượng giằng nén nỗi đau từng lúc trào dâng lên trong lòng. Giọng ca như nuốt nước mắt vào lòng, mang lại một nỗi buồn xốn xang, day dứt của một người mang tâm sự u buồn đứng trước biển chiều lặng gió, chỉ có sóng gợn lăn tăn, chỉ có làn mây xám ngắt với biển nước muôn trùng. Một nỗi buồn cô đơn, hiu quạnh!
Tiếng đờn sến độc chiếc của nhạc sĩ Sáu Tửng hòa theo như nấc nghẹn, như tiếng mưa rơi chậm chạp trên mái lá khuya, tiếng đờn hòa theo giọng ca của cô Ba Bến Tre làm tăng thêm cái não nề bi ai của một người cô đơn đến viếng một người bạn cô đơn dưới một nấm mộ hoang...
Nhắc đến giọng ca vàng đã làm xao xuyến và ghi lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe, tôi nhớ cô Ba Thanh Loan (vợ của ký giả Trần Tấn Quốc, một trong những người thầy từng dạy cho Thanh Nga ca, hát). Lúc ở đoàn Việt Kịch Năm Châu, cô Ba Thanh Loan hát trong vai cô Lan, tuồng Hoa Rơi Cửa Phật, sau đổi tựa là Hồn Bướm Mơ Tiên, rồi đổi tựa mới là Chuyện Tình Lan và Điệp. Cô Lan –Ba Thanh Loan– làm rơi nước mắt của biết bao khán giả đã đến xem tuồng Hoa Rơi Cửa Phật hay Hồn Bướm Mơ Tiên trong những năm đầu thập niên 50.
Đầu thập niên 60, cô Ba Thanh Loan hát cho đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga, cô đã có một vai hát rất khiêm nhượng trong tuồng Tuyệt Tình Ca, vai bà Lê Thị Lan, người vợ thứ của ông Hương, sau là ông Cò Quận 9 do nghệ sĩ Út Trà Ôn thủ diễn.
Trong vai bà vợ thứ của ông Hương –ông Cò Quận 9– bà Lê Thị Lan (Ba Thanh Loan thủ diễn) có một giọng hát rất thanh tao, sang trọng nhưng đượm một nỗi buồn man mác. Tuy chia tay tại bến sông Mỹ Thuận với chồng là thầy giáo Hương, cô Lan vẫn giữ mãi mối tình thắm thiết trong lòng. Vì quá thương chồng, dù xa cách mấy chục năm dài, bà vẫn gìn giữ, nâng niu từng kỷ niệm, kỷ vật của chồng. Giọng ca của bà Lê Thị Lan –Ba Thanh Loan– khi gặp lại chồng xưa, làm rơi nước mắt biết bao khán giả yêu mến nhân vật Lan và người nghệ sĩ đã diễn vai tuồng đó:
Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước
Lượt sau cùng ảnh bận là buổi tối mà sáng ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho
Hơi hám của chồng tôi, tôi còn giữ đến bây giờ
Hễ cứ mỗi lần trở xuân
Gợi niềm luyến nhớ bâng khuâng
Hồi xưa ảnh ra đi tôi xếp lại y trang
Để khi buồn ôm ấp làm vui
Tôi luống những ngậm ngùi
Nhớ thương chồng tôi vẫn chừa nguyên vẹn
Bộ bà ba kỷ niệm, tẩm mồ hôi của ảnh tới bây giờ.
Mỗi khi nhắc đến người Vĩnh Long để thương để nhớ
Ảnh ngọt ngào dùng ba cái tiếng “má con An”.
Nhắc đến giọng ca của cô Ba Thanh Loan trong vai bà Lê Thị An trong tuồng Tuyệt Tình Ca, không thể không nhớ đến giọng ca vàng của vua vọng cổ Út Trà Ôn trong vai ông Cò Quận 9. Sau ông Út Trà Ôn, có rất nhiều nghệ sĩ tài danh và danh ca đã thủ diễn vai ông Cò Quận 9 nhưng không có nghệ sĩ nào diễn hay bằng ông Út Trà Ôn trong vai này.
Với giọng đồng pha thổ, một giọng hát rõ ràng, trầm buồn, với dáng điệu hiền từ, đĩnh đạc, ông Cò Quận 9 –Út Trà Ôn– đã gây được cảm tình sâu đậm trong lòng khán giả, trái với tâm lý thông thường của người dân là không thích các ông sĩ quan cảnh sát vì hễ thấy cảnh sát là y như có chuyện bắt bớ, phạt vạ. Nhưng lần này khán giả thấy nơi ông Cò Quận 9 –Út Trà Ôn– hình ảnh một người chồng xa vợ vì hoàn cảnh chiến tranh, hình ảnh một người cha gặp lại con trong tình cảnh ngang trái mà thật lòng ông không bao giờ muốn ...cái cảnh ngang trái và đau lòng đó xảy ra cho bất cứ người đàn ông nào, vì nó sẽ đem lại một nỗi đau khó tả và khiến cho người ta dễ thông cảm. Ông Cò Quận 9 –Út Trà Ôn– có lợi thế ở giọng ca truyền cảm làm tăng thêm tình cảm sâu sắc của khán giả đối với hai nhân vật thầy giáo Hương và cô vợ Lê Thị Lan, khi ông Hương xa vợ bao nhiêu năm mà tình yêu vẫn không phai lạt:
- Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang. Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang ấp Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dáng người vợ trẻ đã chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long... Hồ...
Giọng ca trầm ấm và chan chứa tình cảm của Út Trà Ôn trong vai ông Cò Quận 9 đã làm sống mãi trong lòng khán giả hình ảnh chia tay của đôi vợ chồng thầy giáo Hương (ông Cò Quận 9 sau này) và bà vợ Lê Thị Lan, kẻ đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, người dưới xuồng tách bến chia tay trong niềm đau kẻ ở người đi, chưa biết bao giờ gặp lại. Mười mấy năm sau, ông Cò Quận 9 tức thầy giáo Hương khi gặp lại vợ mà vẫn nhớ mãi hình ảnh lúc hai người chia tay trên bờ sông Mỹ Thuận:
- Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông... đầy,...
Lời lẽ mộc mạc nhưng tình cảm chân thành, tiếng hát của Út Trà Ôn trong đêm vắng gợi lại trong tôi hình ảnh một quê hương hiền hòa trước chiến tranh, vẽ lại hình ảnh cây đa cổ thụ với mái đình làng, hình ảnh con sông nước rông với những dề lục bình trôi hờ hững... hình ảnh những người dân chất phác, thật thà với những mối tình trong sáng, thủy chung.
Đêm hè về khuya không khí bớt phần oi bức nhưng tôi vẫn không ngủ được. Tiếng ca vọng cổ của Út Trà Ôn, của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu như đưa hồn tôi trở về cố hương, một nơi xa lắc xa lơ đã vượt khỏi tầm tay với, nhưng sợi dây tình cảm vô hình qua lời ca giọng hát vẫn trói chặt tâm hồn tôi với hình ảnh các bạn nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ ngày xưa.
Buồn quá! Nhớ hoài những đêm hạnh phúc dưới ánh đèn sân khấu với tiếng vỗ tay cổ võ của khán giả thân thương.