Tuồng này đưa tên tuổi Mỹ Châu lên hàng ngôi sao dưới sự dìu dắt của Minh Cảnh.
Năm Mỹ Châu 15 tuổi (1965), bầu Long Kim Chung ký hợp đồng 150.000 đồng để rước Mỹ Châu về hát cho đoàn Kim Chung 2 với nghệ sĩ Minh Cảnh và Diệu Hiền. Tết năm 1965, Mỹ Châu và Minh Cảnh hát tuồng Trinh Nữ Lầu Xanh, Mỹ Châu vào vai Mai Thảo, cô gái ngây thơ bị quan huyện cưỡng hiếp mang thai rồi lại bị vợ của lão quan huyện đánh đập tàn nhẫn. Minh Cảnh thủ vai Trọng Nghĩa, một nông dân chất phác, thương người cô thế nên cứu giúp. Anh ta nhận là cha của đứa bé trong bụng Mai Thảo nên nàng khỏi bị vợ của lão quan huyện giết. Mỹ Châu và Minh Cảnh trong hai nhân vật trên đã thi thố tài năng ca ngâm thật tuyệt vời.
Vào thời gian đó, Minh Cảnh đã là anh kép sáng giá trên sân khấu Kim Chung. Mỹ Châu về hát đào nhì, đào chánh là nữ nghệ sĩ Diệu Hiền. Diệu Hiền đảm nhận vai cô chị Mai Trinh, đáng lẽ đóng cặp với Minh Cảnh trong vai Bạch Vân Sơn nhưng Minh Cảnh đã bất ngờ đề nghị chấp nhận đóng kép nhì tức vai Trọng Nghĩa để đóng cặp với "đào con" Mỹ Châu (vai Mai Thảo, em của Mai Trinh) để đưa tên tuổi Mỹ Châu lên, theo lời Mỹ Châu kể, và cô mang ơn Minh Cảnh suốt đời về chuyện này. Mỹ Châu xem Minh Cảnh là một người thầy, một người bạn diễn, một người bạn, một giọng ca vàng đối với cô. Thế là nam nghệ sĩ Út Hậu vào vai chánh Bạch Vân Sơn đóng chung với Diệu Hiền.
Mỹ Châu kể rằng, trong tuồng này Minh Cảnh và Mỹ Châu lần đầu tiên đã đưa điệu "hò huế" vào trong sáu câu vọng cổ. Dĩ nhiên, nghệ sĩ Minh Cảnh đã tận tường chỉ dạy cho "đào con" Mỹ Châu lối hát cực kỳ độc đáo và trữ tình này khi đưa vào những làn điệu ngũ cung của câu vọng cổ....Vẫn theo lời Mỹ Châu thì khi Minh Cảnh hát hết những câu vọng cổ pha "hò huế" cua anh thì Mỹ Châu đã bắt tiếp theo những câu sau đây,cũng theo điệu hò huế chen vọng cổ:
"Về đi, anh hãy về đi
Về mà dựng một cuộc đời thanh cao
Đừng thương,đừng nhớ, đừng sầu...
Cho đêm thu lạnh, cho trăng thu buồn..."
Khán giả đã vổ tay rầm rầm chen với những tiếng chắc lưỡi hít hà vì quá đã khi được nghe hai giọng ca vàng Minh Cảnh phô trương lối hát mới, đậm đà tình dân tộc nhưng vẫn giữ nguyên gốc của điệu vọng cổ truyền thống của sân khấu cải lương miền Nam... Cô nói lúc đó khán giả vổ tay, hít hà, chắc lưỡi có một thì Minh Cảnh Mỹ Châu hạnh phúc tới mười vì đôi nghệ sĩ này là đôi nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử cải lương miền Nam đưa điệu "hò huế" vào điệu vọng cổ một cách thành công trọn vẹn...
(Sưu tầm và tổng hợp trên net)
Bản này chắc thu âm sau 1965, tiếc là ko có Minh Cảnh để nghe phiên bản gốc coi sao. hihi