Nghe mấy anh chị em nói nên làm một bài để nói về mình mà Hương chưa làm nên hôm nay Hương sẽ kể về hành trình suốt 30 năm của mình cho anh chị em biết, chứ đồng hành vớ mấy anh chị em lâu rồi mà chưa nói về mình kỳ quá : Đầu tiên Hương xin Tự Bạch nhé.
Thanh Hương – Tình yêu cải lương mãnh liệt
– Kỳ I: Con Bé Thanh Hương –
Họ Tên: Trần Thị Thanh Hương
Ngày – Năm sinh: 09/03/1981
Sở Thích: Nghe Cải Lương, đi du lịch, đi hợp mặt bạn bè.
Nghệ Sĩ nữ yêu thích: Cô Năm Cần Thơ, Cô Tư Bé – Thanh Hương, Út Bạch Lan
Nghệ Sĩ nam yêu thích: Minh Chí, Năm Nghĩa – Hữu Phước, Thành Được
Nghệ Thuật yêu thích: Cải Lương
Thích tìm hiểu: Tài liệu, hình ảnh, nhạc về cải lương, xưa càng tốt. Những bài viết về nghệ sĩ cải lương ngày xưa. Các giải thưởng, cuộc thi cải lương
Sở thích đặc biệt: Tìm hiểu bài bản cải lương, tự học và dạy cho em trai của mình.
Cuộc đời Hương gắn liền với cải lương thừ nhỏ. Lúc nhỏ sống dưới quê ở Sóc Trăng, nơi cũng được xem là cái nôi nghệ thuật. Vì vậy cho nên Hương ít biết hiều về nhạc trẻ và ít có hứng thú về nhạc trẻ. Giống y như cuộc đời của một nghệ sĩ nghèo ngày xưa.
1/Những bước chập chững đầu đời về cải lương
Từ nhỏ, năm mới 4 tuổi, nhà có đài radio suốt ngà bà mở cải lương, mưa dầm thấm lâu, từ từ rồi mê, rồi thích về cải lương. Cũng năm đó, chỉ mới 6 tuổi, Hương đã thuộc trọn vẹn nguyên bài Cô Bán Đèn Hoa Giấy của Quy Sắc do cô Thanh Hương trình bày, từ điệu đến vọng cổ, nhưng chưa biết nhịp nhàng gì hết, chỉ ca ngêu ngao thế thôi. Lúc đo bắt đầu thích nghệ sĩ Thanh Hương.Mỗi khi đi nhà trẻ mà bổng nghe cải lương vang lên thì xếp đồ lại, nghe xong thì chơi hay viết chữ tiếp. Khởi đầu của vọng cổ.
Có ông nội là thầy đờn cho đoàn cải lương Sóc Trăng – thực chất chỉ là một đoàn không lớn, chỉ là thừa kế của các đoàn cải lương từ rất xưa không trụ nỗi nên cố gắng duy trì nó, thực ra nó cùng thời với các đoàn Kim Chung, Hương Mùa Thu nhưng vì ít có đào hay, kép đẹp nên chỉ tồn tại nhỏ mà thôi. Ngày xưa là kép Ba Vinh, đào Ngọc Linh cùng thời với Minh Phụng, Mỹ Châu. Vì vậy, ông biết đờn nên đã dạy thẳng cho mình tại nhà mỗi chiều tuối sau khi đi mầm non về (hồi đó gọi là gửi trẻ).
Khác với người ta, học dễ trước rồi khó sau như học bài bản, lý ngắn rồi mới đến vọng cổ và điệu oán dài. Còn Hương vô ngay vọng cổ câu 1 qua 2 rồi đến câu 5 qua 6 rồi sau đó mới học câu 3 qua 4. Sau vài tháng học tập bởi ông nội thì Hương vững vững vọng cổ, đi học cũng hát, ở nhà chơi cũng hát, đ tắm cũng hát và trước khi ngủ cũng hát luôn. Đã là những hiểu biết của một cô bé chỉ mới 4 – 5 tuổi thôi đấy nhé. Ở nhà mẹ la hoài hà, vừa ăn vừa hát mẹ bực lắm, hihi. Nhưng có gì cái chạy qua nội méc.
Thế rồi thuộc từ từ các bài vọng cổ do nghe nhiều như Bánh Bông Lan, Nấu Bánh Đêm Xuân, hihi. Trong xóm ai cũng nói con này sao hay thế,… Lên được 6 tuổi ông mới dạy điệu vì có thời gian ông bệnh nên tối không dạy, Hương thương ông lắm. Thế rồi mấy bài bản nhỏ được đưa vào tâm hồn cô bé. Được ông đoàn vào đoàn cải lương, trong một diệp lễ thì Xã tổ chức văn nghệ, vì là ở quê mà lâu rồi nữa nên ít có nhạc trẻ, đoàn được mời về tham dự, Hương được vinh dự đóng vai bé Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, Hương hát bản Tam Pháp Nhập Môn dễ thương cực kì, nghe người ta vỗ tay rần rần, Hương sợ mém khóc luôn, nhưng rồi cũng qua, dứt bản Lý Giao Duyên não nùng khi gặp mệ hiện về Hương lại được người ta vỗ tay nữa. Nghe ông nói lúc hát vọng cổ trong đó con hát sai nhịp, nhờ ông vớt đó, nghe mà tức cười. Vì là kĩ niệm đẹp nhất trong đời nên Hương mãi mãi không quên dù rất nhỏ.
Chưa dừng lại ở đó, Hương tiếp tục được được ông nội dạy các điệu lớn như Phụng Hoàng, Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Nam Ai,… Có lần hợp lớp Tứ Đại Oán khó quá, mình xin không học, ông mới nói:” Đã yêu thích thì không được sợ khó, rồi sau này sao con hát nếu có. Phải yêu nghề, siêng năng lên chứ,..” Hương xem như có nguồn động lực và cố gắng, rồi cuối cùng cũng ngọt Tứ Đại Oán. Năm 12 tuổi, Hương xem muốn nát đầu đĩa vở Kiều Nguyệt Nga, thế rồi nó ăn sâu trong trí não, Hương thuộc và diễn rạt vai đó luôn, lúc Nguyệt Nga bị cống sang Ô Qua, đang chua xót trên thuyền, Hương diễn y chan Bạch Tuyết từ cái điệu hạnh, đau đớn, lên giọng, múa may y như đúc.
Tối đến, Giăng mền lên hai cột nhà ngay cái giáng gỗ rồi tắt hết đèn, chiếu lên giáng gỗ hai cây đèn pin làm đèn pha, bắt anh chị, ba mẹ, ông bà và có cả mấy cô chú hàng xóm qua coi một mình Hương diễn, bắt ông nội đờn cho con hát. Các bạn lại tưởng tượng nhé, một cô bé 12 tuổng diễn vai này múa hát thì sao, tức cười vô cùng, còn con nít mà. Hát xong nghe bà nội nói: “nó bắt ngồi coi mà tắt đèn, ngồi ngứa vì muỗi không hà, coi xong phải đánh thức khách dậy để đi về” Bà cười, sau đó ông nói bà chỉ giỡn thôi. HiHi. Thế rồi trường tổ chức lễ 20/11, 12 tuổi rồi, học lớp 7, mà hồi đó mấy bạn Hương là nhà quê mà, tụi nó mà thấy cải lương cũng không có cười và chọc ghẹo, Hương được cô giáo chủ nhiệm đưa lên hát lại vai đó, Hương lại đứng hát giữa trường học, đồ do ông nội hóa trang để mừng thầy cô đó mà. Hồi đó trường nhỏ lắm, ít học sinh hà, khoảng hai trăm mấy người thôi. Người ngoài nghe cũng đu cột vô dòm hihi.
Những ngày tháng đẹp đẻ của tuổi ấu thơ, nhưng chưa được đóng chánh ở đoàn cải lương. Thế rồi lên lớp 8, bài bản thuộc nhiều, Hương được ông nội ghi tiếng trong một cuộn casset bài Lá Trầu Xanh, chỉ mới lớp 8, Hương không biết trích ra từ băng nên cứ giữ miết nguyên album dễ thương khoảng 6 bài do ông làm cho và gửi từng nhà hàng xóm nghe, hihi, ngại lắm ấy. Mốt Hương ghi ra máy đăng lên cho mọi người nghe giọng con bé Thanh Hương nó hát. Những bước đầu tiên về đam mê cải lương từ thời thơ ấu là đến đó. Còn nữa nhưng sợ người ta bảo nói nhiều nên chỉ dừng lại ở đây.
Tuổi thơ với nhiều kỉ niệm đẹp, những bài ca, những làn điệu dường như đã ăn sâu vào lòng con bé Thanh Hương từ đó, một con bé mê ca cổ, mê cải lương, mê thành một cô đào không giống như một đứa bạn trang lứa nào khác. À còn một người bạn mê cổ nhạc nữa đó là Sơn, người bạn trang lứa lúc đó có qua học cổ nhạc chung với Hương, nó là Sơn ca của Hương trong Đêm Lạnh chùa hoang đó, nhưng rồi đã chuyển nhà, Hương khóc biết là bao nhiêu, tình bạn bè, tình con nít và tình mê cải lương, hồi đó nó mê Thanh Tuấn. Giờ thì thỉnh thoảng có về nhưng ít, thôi cái đó lớn rồi để kì sau nói ha.
Con bé Thanh Hương đã tạm khép lại từ đây! Đợi kì “Cô Đào Thanh Hương “nha, cám ơn các bạn chú ý đến.