1. MEM
    Avatar của MEM
    Thường khán giả chỉ biết tới nghệ sĩ qua hào quang trên sân khấu, còn những người âm thầm phía sau ít khi chúng ta biết được. Cải lương Số xin giới thiệu loạt bài của nhà báo Thanh Hiệp về những người âm thầm phía sau SK. Khi mà cải lương ngày càng khó khăn, nghệ sĩ ngôi sao sống còn khó thì họ sẽ ra sao?

    _______________________________


    SÂN KHẤU TỐI ĐÈN, MÂM CƠM HÉO HẮT

    Họ luôn âm thầm đóng góp cho những thành công của các chương trình và vở diễn sân khấu. Vinh quang không dành cho họ nhưng thiếu họ, tác phẩm không thể hoàn chỉnh và sàn diễn không sáng đèn cũng đồng nghĩa với việc họ thất nghiệp.

    Kỳ 1: Ông Tư Dẫm "chịu chơi"

    Mâm cơm nhà ông có bữa chỉ là rau luộc với vài quả trứng dầm nước mắm nhưng ông mãn nguyện vì không sống khác với lương tâm mình

    Gia đình nghệ sĩ Trường Quang (còn gọi là ông Tư Dẫm, ông Tư “chịu chơi”) sống trong một ngôi nhà chật hẹp ở đình Thái Hưng, đường Yersin, quận 1 - TPHCM. Ngôi đình có tuổi thọ trên 100 năm này còn được gọi là đình Cầu Quan, nơi mà nhiều gia tộc hát bội, tuồng cổ đã lớn lên và bám nghề suốt mấy thập niên qua. Gia tộc của nghệ sĩ Trường Quang có bốn đời theo nghề hát. Cha của ông là nghệ nhân Bảy Đực, người mà theo NSND Thanh Tòng nhận xét: “Là tay trống cừ khôi của làng hát bội”.


    Nghệ sĩ Trường Quang hóa trang cho một diễn viên

    Nghiệp

    Gia đình của nghệ nhân Bảy Đực có 10 người con thì có đến 8 người theo nghiệp sân khấu, trong đó có nghệ sĩ Trường Sơn (cha của nghệ sĩ Tú Sương) là nghệ sĩ biểu diễn, còn lại các thành viên khác như: Trường Quang, Cẩm Hương, Cẩm Vân, Cẩm Tâm… đều làm những nghề gắn bó với sân khấu. Nghệ sĩ Trường Quang khi còn trẻ có một vai diễn nổi tiếng, đó là Trương Phi trong vở Tam quốc chí. Tuy nhiên, việc vẽ cảnh trí và làm đạo cụ sân khấu đã cuốn hút ông nên ngoài những giờ học biểu diễn, ông dành hết niềm say mê và thời gian để học làm kiếm, mài giáo, làm đạo cụ cho diễn viên biểu diễn.

    Nói đến lòng yêu nghề, ông khóc: “Nghề đã cho tôi cơm ăn, áo mặc, dù có cực nhọc đến mấy cũng phải yêu. Tổ nghiệp dường như tiếp tục thử thách tình yêu của chúng tôi, nên có đói cũng phải đeo theo cái nghiệp mà mình đã chọn”
    Ông kể: “Tôi theo các chú họa sĩ học nghề, cứ ngồi cả buổi bên cạnh họ để phụ việc. Nhờ vậy, tôi học được nghề vẽ tranh cảnh trang trí sân khấu và làm đạo cụ. Những lúc vẽ hư cảnh, bị phạt phơi nắng hoặc làm kiếm không đúng quy cách là bị đòn rất nặng. Nhưng tôi không nản chí, đã theo nghiệp thì phải đi tới cùng”.

    Thành tích của nghệ sĩ Trường Quang được giới sân khấu ghi nhận chính là việc ông đã thiết kế cảnh trí cho nhiều vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng, như: Dương Quí Phi, Mạnh Lệ Quân, Tấm Cám, Sở Vân cứu giá, Sở Vân cưới vợ, Triệu Tử Long… Bên cạnh đó, ông còn làm đạo cụ, gắn râu cho các nhân vật, hóa trang các gương mặt tướng, soái cho nhiều diễn viên trẻ. Bất kỳ món đạo cụ nào từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó của các đoàn hát tại TPHCM và các tỉnh đều cần đến sự trợ giúp của ông. Hiện nay, ngay cả các chương trình Phim truyện cải lương của HTV, Nhà hát Truyền hình của VTV3 cũng cần đến bàn tay của ông, cụ thể như các vở: Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Khách sạn hào hoa, Tiếng trống Mê Linh, Tô Ánh Nguyệt…

    Nghệ sĩ Trường Quang còn là một chuyên gia hóa trang, ông vẽ mặt cho các nhân vật tướng, soái trên sân khấu hát bội rất chuyên nghiệp. Ông nổi tiếng là người làm tuồng nhanh nhất, chỉ trong 10 phút đã vẽ xong mặt nhân vật Trương Phi, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Tạ Ôn Hầu, Tào Tháo… Với 10 ngón tay in vào lọ màu, ông vẽ lên gương mặt diễn viên một cách rất độc đáo và điêu luyện. Sau này, ông đã truyền nghề lại cho con trai – nghệ sĩ Hồng Lân và người cháu là diễn viên Chấn Cường. Tuy nhiên, cả hai không thể có những nét vẽ tinh xảo như ông.

    Ngậm ngùi đếm từng suất diễn

    Thời oanh liệt “đánh Đông dẹp Bắc” của nghệ sĩ Trường Quang đã qua. Sân khấu cải lương không còn thu hút đông khán giả. Ông cũng như các đồng nghiệp đều mong chờ vào các suất hát được tổ chức tại rạp Thủ Đô, quận 5 - TPHCM. Các con của ông từ khi không còn phụ giúp cha làm cảnh trí, đạo cụ đã quay sang làm những công việc khác. Họ mở quán cơm vỉa hè phục vụ công nhân nhưng cứ ế ẩm liên miên. Có người đi phụ bếp ở các nhà hàng, đồng lương không đủ nuôi sống bản thân.

    Đời sống gia đình càng thêm khó khăn khi vợ ông lâm bệnh nặng. Mỗi ngày, ông phải tìm 200.000 đồng để mua thuốc, ông còn phải nuôi hai cháu ăn học vì cha mẹ các cháu đi làm thuê, lương không đủ trang trải cho cuộc sống. Ông tâm sự trong bùi ngùi: “Làm phim truyền hình ngày nay không phải môi trường của mình. Một số người làm ẩu còn hơn thời nhà nhà làm cải lương video. Tổ thiết kế thì có quá nhiều phe cánh, lại không hợp tác với tổ quay hình.

    Họ không nghiên cứu kịch bản, thay đổi liên tục. Tổ quay phim đến giờ bấm máy thì kéo nhau đi nhậu, bất hợp tác với đạo diễn. Thôi, tôi về với sân khấu cải lương vậy, thà ăn cháo ăn rau chứ làm nghề kiểu này không hạp”. Mâm cơm nhà ông 10 người ăn có bữa chỉ có rau luộc và vài quả trứng dầm nước mắm nhưng ông mãn nguyện vì không sống khác với lương tâm mình.

    Người biến không thành có

    Nhà của ông chứa hàng ngàn món đạo cụ, từ chiếc đồng hồ cổ của các nước cho đến bộ tràng cổ xưa, các loại súng ngắn, dài của các thời kỳ phục hưng, các loại kiếm, đao, giáo, gươm, hàng chục loại vali từ thời xưa đến thời nay… Kỷ lục đối với nghệ sĩ Trường Quang còn là thời gian thực hiện cấp tốc đạo cụ và cảnh trí, ông nổi tiếng là người “biến không thành có” từ óc sáng tạo và tưởng tượng của mình.
    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Theo NLDO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 2: Xiêm y hết thời


    Khi sân khấu cải lương tuồng cổ khó khăn thì những bộ xiêm y của họ làm ra cũng không còn được coi trọng.

    Hai chị em Kim Phượng, Bạch Nga gắn với nghề phục trang đã 40 năm dù xuất thân từ diễn viên múa và diễn cải lương tuồng cổ của sân khấu gia tộc Huỳnh Long. Thế nhưng, khi sân khấu lâm vào cảnh “tắt đèn”, những người làm nghề này như hai chị cũng âm thầm chịu đựng bao gian nan, cơ cực.

    “Phi xiêm y bất thành tuồng cổ”

    Điều dễ nhận ra sự khác biệt giữa các bộ môn nghệ thuật sân khấu khác với cải lương chính là phục trang. Thiếu những bộ cánh thướt tha, uyển chuyển, trâm cài, lược giắt, kim sa lộng lẫy thì vở diễn, chương trình không thu hút khán giả.

    Giới sân khấu có câu “phi xiêm y bất thành tuồng cổ”, nghề phục trang sân khấu, từ thời còn gọi là cải lương Hồ Quảng và sau này gọi là cải lương tuồng cổ, nhờ vậy mà được trọng vọng.

    Không ngừng sáng tạo, họ đã góp công rất lớn trong việc hình thành những kiểu phục trang gọn nhẹ nhưng không kém phần lộng lẫy, thay cho sự rườm rà, nặng nề mà trước đó các lò may trang phục sân khấu chưa định hình.

    Nhà nghèo lại đông con cháu, nghề may trang phục của nghệ sĩ Kim Phượng đã giúp các thành viên trong gia tộc có công ăn việc làm. Không có vốn, chị cầm cố ngôi nhà để có tiền xoay xở.


    Nghệ sĩ Kim Phượng (bìa trái) và Bạch Nga chuẩn bị phục trang cho NSƯT Ngọc Giàu. Ảnh: Ngọc Trâm

    Thành tựu mà giới sân khấu cải lương cũng như các bộ phim truyền hình lịch sử ghi nhận ở nghệ sĩ Kim Phượng và Bạch Nga là việc sáng tạo những bộ trang phục cho các nhân vật qua các triều đại trong các vở: Tô Hiến Thành xử án, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Bích Vân Cung kỳ án, Xử án Phi Giao, Anh hùng bán than, Rừng thần, Lý Công Uẩn, Trần Bình Trọng, Giang san mỹ nhân…

    Và trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt của Hãng phim Lý Huỳnh, gia đình chị Kim Phượng đã chịu trách nhiệm phần phục trang cho hàng trăm diễn viên đóng các vai từ quần chúng cho đến các danh tướng lẫy lừng trong lịch sử triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Chưa hết, các live show lớn, nhỏ của nghệ sĩ cải lương đều do hai chị đảm nhiệm phần phục trang.

    Hai tác phẩm thể nghiệm nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều hoặc mới đây là Đả chiến phá sông Ngân… đều có sự đóng góp của hai chị về phục trang.

    “Áo gấm đi đêm”

    Không khá hơn gia cảnh nghệ sĩ Trường Quang, gia đình hai chị Kim Phượng, Bạch Nga hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn khi sân khấu cải lương bị thu hẹp và liên tục tối đèn.

    Một dạo, sàn diễn đóng màn nhưng thị trường video cải lương còn khấm khá, hai chị tạo công ăn việc làm cho hơn 10 thợ may là con cháu và người hàng xóm. Nhưng rồi khi thị trường này teo tóp lại, 5 chiếc máy may mua góp của hai chị phải trùm mền nằm im lìm trong góc nhà; hàng ngàn mét vải, hạt kim sa, mắt gà, kim tuyến, chất liệu keo… lỡ mua chất đống nằm chờ.

    Ba nhân công gắn bó với gia đình chị Kim Phượng dù khó nhọc đến mấy vẫn bám nghề, đó là: Hồng Sáp, Chín Nô, Thị Mười… Họ đều sống kham khổ vì chỉ biết trông cậy vào nghề này.
    Mâm cơm của gia đình nghệ sĩ Kim Phượng càng đông người hơn khi các đoàn hát đóng cửa. Mỗi ngày, chị vẫn phải lo tiền gạo, tiền chợ để nuôi nhân công và gia đình dù các suất hát cứ vơi đi, có khi 3 tháng vẫn chưa đụng đến kho trang phục.

    Nỗi buồn về nghề của các chị không chỉ là tìm không ra mối cung cấp hàng mà còn vì sự cạnh tranh của nhiều lò may mặc khác đã ăn cắp kiểu dáng, giành mối làm ăn với giá thấp hơn khiến nghề của hai chị càng thêm lao đao.

    Vừa qua, chị Bạch Nga trong lúc chuyển vải để tránh trời mưa dột ướt trong căn nhà nhỏ đã té ngã gãy tay, phải băng bột suốt hơn một tháng. Gia cảnh vốn nghèo túng lại càng khó nhọc hơn.
    Từ khi nghề may phục trang sân khấu gặp khó khăn, chị chuyển sang nghề thiết kế tóc. Hầu hết các bộ tóc của các cô đào nổi tiếng khi sắm các vai diễn trên sân khấu đều nhờ đến bàn tay khéo léo của nghệ sĩ Bạch Nga. Nhưng với tai nạn vừa qua, chị không thể tiếp tục làm nghề.

    Sau ngày chồng (anh Tám Anh) qua đời, một mình chị Kim Phượng nuôi các con ăn học. Không nề hà cực nhọc, chị gần như có mặt trên khắp nẻo đường, nơi các đoàn hát đến.
    Vì ngôi nhà chật hẹp, hai chị thuê một góc của sân đình Cầu Muối để cất phục trang. Hàng ngàn bộ trang phục từ nhân vật sang đến hèn, từ vua quan cho đến quần chúng; từ chiếc long bào trị giá cả trăm triệu đồng đến những bộ giáp gắn đá quý được tính bằng vàng lượng đều xuất xưởng từ kho hàng này.

    Thế nhưng khi mùa mưa đến, vì mái đình dột nát, các chị phải di chuyển những bộ trang phục quý vào nhà cất giữ. Những “gia tài quý” đó không thể để bị hư, dù nhà không có chỗ cho các con ngủ.

    NSƯT Ngọc Giàu cho rằng: “Nghiệp hát như con tằm, còn nghiệp may phục trang là dệt những sợi tơ óng ánh. Nghề này làm đẹp cho nghệ sĩ đồng thời cũng làm đẹp cho bản thân với tâm đức cao quý”.

    Không khá hơn gia đình Kim Phượng, Bạch Nga, các nghệ sĩ sống bằng nghề phục trang và làm tóc khác, như: Công Minh, Bảo Ly, Ngọc Khanh, Kim Duyên, Cẩm Hương… đã bám lấy nghề trong nghèo khó bằng tình yêu và tinh thần lao động say mê. Họ góp phần làm cho vở diễn, chương trình thành công.

    Không vì tiền


    Lao tâm khổ tứ với nghề cốt mong sao tác phẩm nghệ thuật được hoàn chỉnh, nghệ sĩ Kim Phượng tâm sự: “Chúng tôi rất sợ nghe những lời phê bình của giới chuyên môn và báo chí về phục trang, nên chịu khó nghiên cứu, tìm tòi nhằm tạo ra những sản phẩm thể hiện nét chuẩn trong phục trang cho từng vai diễn. Nguyên tắc của chúng tôi là thiết kế cho đúng trước khi nói đến đẹp, do vậy nên không có chuyện làm theo ý thích nghệ sĩ nếu bộ trang phục đó không đúng thời điểm, niên đại theo sử liệu”.

    Có lần chị Kim Phượng chở hàng đi giao cho một đoàn phim, đạo diễn chê phục trang chị thiết kế không “bắt mắt”, chị tranh luận đến cùng và quyết định “thà mang về nhà cất vào kho chứ không sửa lại để mang tiếng là dốt sử. Trang phục quan quân thời Lý mà đòi gắn kim sa, mắt gà cho bắt sáng lấp lánh thì tôi thua”. Nghệ sĩ Bạch Nga nói: “Tôi rất sợ những diễn viên trẻ ra sân khấu cứ như búp bê dát đủ thứ kim tuyến trên người. Cái đẹp của phục trang đâu phải là sự lòe loẹt”. Và trên hết, hai chị biết từ chối những lời yêu cầu không hợp lý để có được những bộ cánh đắt giá nhưng phản cảm từ phía một số ngôi sao sân khấu. Cái nghèo vì thế cứ bám theo hai chị.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. MEM
    Avatar của MEM
    Những ông “vua” mất việc

    Dù năng lực nghề được phong lên hàng “vua” nhưng khi tấm màn nhung sân khấu ít được mở ra, họ vẫn là kẻ thất nghiệp.

    Trong suất diễn cuối cùng của rạp Hưng Đạo với vở Ngao sò ốc hến cách đây không lâu, bên cạnh những giọt nước mắt của các nghệ sĩ khi nói lời chia tay với ngôi nhà đã kết thúc vai trò lịch sử của mình sau 60 năm làm điểm hẹn của nghệ sĩ và khán giả mộ điệu cải lương, còn có nước mắt của những nhân viên hậu đài, kỹ thuật, âm thanh ở rạp hát này.
    “Kiệt âm thanh”.

    Giới sân khấu cải lương tại TPHCM không ai không biết đến “Kiệt âm thanh”. Đối với lĩnh vực này, anh là một vị “vua” đầy quyền lực. Anh có tên thật là Võ Anh Kiệt (sinh năm 1966), từng theo học xiếc tại Trường Đại học Thể thao. Năm 1981, anh được cử sang Nga học diễn xiếc nhưng rồi khi về nước lâm vào cảnh thất nghiệp nên phải theo cha làm nghề đóng giày. Nhờ một người quen là nhân viên âm thanh của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Kiệt đã tiếp cận với nghề điều chỉnh âm thanh để rồi được giới thiệu vào làm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, phục vụ các chương trình ca múa nhạc tại sân khấu ốc đảo.


    Anh Kiệt và anh Nhựt (bìa trái)- hai chuyên gia âm thanh cải lương
    đang trao đổi công việc theo kịch bản của một vở diễn tại rạp Thủ Đô

    Tình cờ, gặp nghệ sĩ Trường Quang (Tư Dẫm), anh được giới thiệu về làm việc tại rạp Hưng Đạo. Được các chú, các anh – những người cựu trào làm âm thanh cho sân khấu cải lương ở đây - giúp đỡ, anh Kiệt đã từng bước nâng cao tay nghề. Anh được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cử ra Hà Nội tham gia lớp tập huấn cán bộ kỹ thuật 6 tháng, sau đó tham gia lớp tập huấn do chuyên viên người Úc sang hướng dẫn 3 tháng tại Trung tâm Văn hóa TPHCM. Đến nay, ai đụng đến âm thanh chuyên dụng cho biểu diễn nghệ thuật cải lương là cần đến bàn tay điều chỉnh của Võ Anh Kiệt.

    NSƯT Hoa Hạ nhận xét: “Kiệt làm việc rất nghiêm túc, có kiến thức về kỹ thuật nên những ứng biến của sân khấu cải lương trong việc sử dụng âm thanh, Kiệt làm rất tốt. Sân khấu cải lương ngày nay không phải dùng micro bằng cách kéo dây như ngày trước, công nghệ càng cao nên đòi hỏi người điều chỉnh âm thanh cần có sự điều phối thích ứng để mang lại hiệu quả cho vở diễn. Hai chương trình cải lương Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga diễn ra tại nhà thi đấu thể thao, nếu không có Kiệt thì khó mà thành công”.

    Không chỉ dừng lại ở đó, Võ Anh Kiệt đã góp phần đáng kể vào việc mang lại hiệu quả cho 4 mùa hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TPHCM, Cần Thơ, rồi Liên hoan Sân khấu cải lương ĐBSCL, Liên hoan Sân khấu Mùa thu… Các đoàn nghệ thuật từ ngoài Bắc vào Nam biểu diễn như: Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Đoàn Kịch nói Nam Định… đều cần đến ông “vua” âm thanh của rạp Hưng Đạo.

    “Vua” chọn nhạc

    Nhắc đến những sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM, không ai trong nghề không biết đến hai anh em ruột Kiến Quốc và Kiến Hùng. Cả hai sống bằng nghề chọn nhạc và thành danh trên sân khấu kịch thị trường với cái nghề “không đụng hàng” này. Kiến Quốc có thâm niên gắn bó với sân khấu hơn 20 năm. Yêu nhạc cổ điển và hòa tấu nên nhà anh có hàng trăm băng đĩa nhạc, kể cả đĩa tiếng động, âm thanh kỹ xảo dành cho sân khấu. Anh có thể thức hàng đêm để nghe đi nghe lại những đoạn hòa tấu, những bản giao hưởng mà mình sưu tập được để tìm ra những đoạn nhạc đúng với tâm lý nhân vật kịch.

    NSƯT Hồng Vân nhận xét: “Hầu hết vở diễn của Sân khấu Kịch Phú Nhuận đều do anh Kiến Quốc chọn nhạc. Thời gian đầu, tôi phải trao đổi với anh về những ý định sử dụng tiếng động và âm nhạc khi chuyển cảnh, nhạc diễn tả tâm lý, nhạc mô tả nội tâm nhân vật nhưng sau đó, anh yêu cầu được đọc kịch bản rồi tự tìm nhạc. Những đoạn nhạc do anh chọn thật sự hỗ trợ cho diễn xuất của diễn viên và làm xoay chuyển cả tư duy của đạo diễn, có khi diễn biến tình huống kịch được sắp xếp theo phần âm nhạc mà anh chọn. Đọc nhiều kịch bản và xem nhiều nên anh biết sở đoản, sở trường của từng diễn viên, nhờ vậy, anh chọn nhạc rất chắc”.

    NSƯT Bảo Quốc khẳng định: “Nghề này như vừa chơi vừa làm nhưng không phải ai cũng làm được. Một số đạo diễn trẻ hiện nay làm luôn công tác chọn nhạc, nhiều khi chủ quan nên chọn ẩu, không phù hợp”.

    Kiếm 60.000 đồng không dễ

    Với mức lương 60.000 đồng cho một đêm biểu diễn như hiện nay, đời sống của “vua” âm thanh cải lương quá bấp bênh. Từ khi rạp Hưng Đạo ngưng hoạt động để chuẩn bị khởi công xây dựng Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Cải lương, chỗ làm mới của anh là ở rạp Thủ Đô cũng vắng lặng vì suất diễn ít dần đi, thu nhập của anh do vậy càng teo tóp khiến đời sống gia đình càng khó khăn. Hiện anh sống với mẹ già và các cháu. Nói như NSND Huỳnh Nga: “Sân khấu đóng cửa tức là những người như Kiệt không có cơm ăn”.

    Cách đây một năm, mẹ Kiệt đau nặng, Sân khấu vàng của NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy đã quy tụ anh em nghệ sĩ giúp đỡ anh. Tuy nhiên, đến nay, đời sống của anh cơ cực, có bữa cơm còn không đủ ăn, lấy đâu tiền lo thang thuốc cho mẹ. Mỗi khi nhắc đến gia cảnh, anh thường khóc.

    Sở hữu danh sách hàng trăm vở diễn do mình chọn nhạc trên 3 sân khấu: Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn và Kịch Truyền hình (HTV), Kiến Quốc và Kiến Hùng đã là hai ông “vua” chọn nhạc được cả giới công nhận. Nhưng giờ đây, Kiến Hùng đã chuyển nghề, sang làm công nhân mài kềm cho Công ty Kềm Nghĩa. Mức lương của công việc mới ổn định, có thể nuôi sống bản thân và gia đình nhưng mỗi khi nhắc đến nghề chọn nhạc, anh đều nhớ da diết không khí làm nghệ thuật. Riêng Kiến Quốc cho biết hiện nay, các sàn kịch ít dàn dựng vở mới nên anh chủ yếu gắn với màn ảnh HTV, mỗi tháng chọn nhạc cho 2 chương trình Chuyện bốn mùa và Tâm hồn cao thượng.

    Kiến Quốc cho biết nghề của anh sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải khi các sân khấu không còn chuộng cách thức chọn nhạc mà chuyển sang đặt nhạc sĩ sáng tác nhưng anh em họ vẫn tự hào là đã sống rất tử tế với nghề.

    Nỗi niềm chua cay

    Võ Anh Kiệt giỏi nghề làm âm thanh cho vở diễn cải lương là điều mà giới nghệ sĩ sân khấu công nhận nhưng ít ai biết đằng sau sự tôn sùng đó là những nỗi niềm chua cay mà anh riêng mang. Cải lương thời hát nhép lên ngôi, mỗi thứ trục trặc do MD, CD không đạt chất lượng, nghệ sĩ và nhà tổ chức đều đổ trách nhiệm cho người điều chỉnh âm thanh. Chưa kể đến những vở diễn, chương trình mà nghệ sĩ tham gia đòi hỏi lúc “hát nhép”, lúc “hát thật”, Kiệt phải cắt ráp rất nhanh những đoạn hát thiếu hơi, chồng hơi của nghệ sĩ bằng tất cả những xảo thuật có thể cho vở diễn, chương trình thành công. Vậy mà, anh thường nhận thiệt thòi về mình. Anh Kiệt tâm sự: “Tôi cảm thấy buồn khi cải lương thời nay đã khó có suất diễn nhưng một số nghệ sĩ cứ lợi dụng vào kỹ thuật để hát mà không chịu phô diễn bằng giọng thật của mình nên khi gặp sự cố kỹ thuật, đĩa bị nhảy thì họ đổ hết lên đầu người chỉnh âm thanh, đó là một bất công”.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  7. MEM
    Avatar của MEM
    Sống chết theo sân khấu


    Những suất diễn vắng khán giả, họ là những người buồn bã hơn cả nghệ sĩ. Họ rất sợ một ngày sàn diễn rơi vào cảnh ảm đạm, mỗi đêm ngồi ngóng cánh màn nhung sân khấu được mở ra.


    Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch Vợ khôn dạy chồng trên sân khấu Kịch Phú Nhuận

    Không phải là nghệ sĩ nhưng cuộc sống và công việc của họ gắn liền với đời sống của các sàn diễn sân khấu; sàn diễn sáng đèn, cuộc sống của họ và gia đình sáng lên và ngược lại. Họ đứng sau thành công của mỗi suất diễn, dù có những ngày túi rỗng, không tiền nhưng họ vẫn tha thiết được gắn bó cuộc đời mình với sân khấu. Đó là những người lao động làm công việc hậu đài.

    “Dời núi, lấp sông, dựng lâu đài”

    Trong giới sân khấu thường có câu: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như ban nhạc, rời rạc như hậu đài”. Trên thực tế, công việc của những người hậu đài tưởng rời rạc nhưng hết sức kỷ luật, nghiêm túc khi họ bước vào phục vụ đêm diễn.

    Nhân viên hậu đài là người biến hóa không gian sân khấu trong tích tắc từ những cảnh trí đã được họa sĩ thiết kế sẵn như rừng sâu, núi thẳm cho đến cung điện nguy nga, lâu đài tráng lệ…

    Bảy đơn vị sân khấu, cả quốc doanh và xã hội hóa đang hoạt động tại TPHCM hiện nay có hơn 100 nhân viên lo hậu đài. Họ thường mặc những bộ đồng phục xanh sẫm, đen, ngồi lẩn khuất trong các cánh gà sân khấu, nhìn chằm chằm ra sàn diễn. Họ dịch chuyển cảnh trí, biến hóa không gian trong vài giây bằng những thao tác thủ công hết sức đơn giản và thuần thục.

    Đa số họ đều có thâm niên trên 15 năm. Rất hiếm những thanh niên trẻ gia nhập lực lượng này. NSND Doãn Hoàng Giang nói: “Họ phải thật sự yêu sân khấu, chịu cái nghiệp sống dưới ánh đèn màu mới gắn bó lâu dài với sân khấu như vậy”.

    Phần lớn công nhân hậu đài của Kịch Sài Gòn đều từ sàn diễn cải lương bước sang. Những cái tên gọi thân mật: Quang Còi (còn là họa sĩ vẽ cảnh trí), Hải Ngọc, Hoài Hậu, chú Út, chị Mai, anh Long, chị Thế… đều đã có hơn 15 năm bền bỉ với nghề.

    Nói đến hậu đài của sân khấu cải lương, nhiều người trong giới đều biết đến hai “ông tướng” Lâm Già và Trường Lộc. Ngoài nghề hậu đài, Trường Lộc còn làm cả đạo cụ sân khấu. Nghề này của anh cũng do nghệ sĩ Trường Quang hướng dẫn. Độc đáo nhất là cách Trường Lộc dán râu cho các nhân vật tướng soái, luôn tạo được ấn tượng đối với khán giả. Vừa qua, trong live show của NSƯT Kim Tử Long, Trường Lộc đã thực hiện cảnh Ngô Quyền đánh tan chiến thuyền quân xâm lược Nam Hán bằng cọc nhọn cắm trên sông Bạch Đằng. Anh đã sáng tạo cho dàn diễn viên múa đeo cánh buồm sau lưng, nhóm hậu đài đeo thân cọc đan xen trên sàn sân khấu. Sự phối hợp đồng bộ giữa biểu diễn hình thể và múa cộng với kỹ thuật khói lạnh, âm thanh, ánh sáng khiến khán giả bị cuốn hút bởi cảnh diễn hoành tráng này.

    Nghệ sĩ Lâm Già vào nghề muộn hơn. Thời ở nhóm Đồng ấu Bạch Long, anh có nhiều vai diễn được khán giả biết đến, thế nhưng khi lớn lên lại rẽ sang làm công việc hậu đài và đã phát huy được thế mạnh này. Nghệ sĩ Lâm Già còn thực hiện cảnh trí cho các vở diễn nổi tiếng: Dương Quí Phi, Hoa Mộc Lan, Rạng ngọc Côn Sơn, Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn... Cả hai nhóm hậu đài của sân khấu cải lương tại TPHCM có hơn 20 nhân viên đều do hai anh phụ trách.

    Rời sàn kịch sẽ đói

    Ngày nay, khi sân khấu cải lương đìu hiu, cả Lâm Già và Trường Lộc đều chịu chung số phận thất nghiệp. Trường Lộc đang phải nuôi 5 con nhỏ. Lâm Già còn phải ở nhà thuê, những món nợ, do vay tiền đầu tư sản xuất đạo cụ để cho thuê, đến nay vẫn chưa trả hết. Vợ anh thấy cảnh nhà nghèo túng nên chưa dám sinh con. Nhìn cảnh sân khấu cải lương phải đếm từng suất hát, họ không khỏi chạnh lòng. “Cái nghiệp đã theo đuổi, nếu buông nghề này ra, chúng tôi không biết phải làm nghề gì để sinh sống”- Trường Lộc tâm sự.

    Khi Sân khấu Kịch Sài Gòn tạm ngưng biểu diễn trong 10 tháng, do phải trả mặt bằng cho Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, hầu hết những người làm nghề hậu đài ở đây đã phải tìm nhiều công việc khác để mưu sinh. Nhưng khi Kịch Sài Gòn khai trương lại tại rạp Đại Đồng, họ đã trở lại ngay với nghề cũ. Chị Thế, nhân viên hậu đài, nói: “Không thể rời xa sàn kịch vì buông nghề này, tụi tôi không sống được”. Anh Quang Còi tâm sự: “Nghề hậu đài và vẽ cảnh sân khấu đã thấm vào máu thịt của gia đình tôi nhiều năm. Bỏ nghề tức là lìa bỏ cái hồn của mình. Nên dẫu có khổ đến mấy vẫn phải đeo bám”.

    So với sân khấu cải lương, đội ngũ làm hậu đài sân khấu kịch có phần dễ thở hơn khi họ còn được bảo đảm có suất diễn thường xuyên trong tuần. Với ê kíp hậu đài do ông Sinh quản lý làm việc tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, đời sống của hơn 20 người ở đây dễ thở hơn nhờ có thêm điểm diễn tại sân khấu Superbowl. Với thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, ông Sinh và các nhân viên Đông, Quân, Bảy, Thảo, Sang… cũng ổn định được cuộc sống và dồn hết công sức cho nghề.

    Nhìn những suất diễn vắng khán giả, họ là những con người buồn bã hơn cả nghệ sĩ. Vì dù được lãnh đủ lương nhưng họ rất sợ một ngày sàn kịch sẽ như sân khấu cải lương, cũng ảm đạm, cũng chờ đợi cánh màn nhung sân khấu được mở ra. Anh Tảo, chồng của chị Thảo – hai vợ chồng xuất thân từ Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long, nay phụ trách hậu đài tại sân khấu Superbowl - tâm sự: “Cuộc sống của chúng tôi nhờ vào sân khấu. Chúng tôi có cơm ăn, áo mặc, con cái được đến trường đều nhờ vào tình thương của khán giả. Khi sân khấu dựng vở hay, khán giả đến đông, chúng tôi rất mừng vì đời sống chúng tôi được ổn định. Sợ nhất là những vở diễn không có đông khán giả, anh em nghệ sĩ và hậu đài tập dượt, làm việc cực nhọc nhưng chỉ diễn vài suất rồi dẹp, lúc đó cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Do vậy, không ai ngoài chúng tôi mong vở diễn lúc nào cũng được khán giả đón nhận”.

    Với công nghệ chuyển cảnh bằng thủ công, vai trò của nhân viên hậu đài trở nên quan trọng ở các sân khấu.

    Tự hào về họ


    Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương – Chủ nhiệm Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết: “Hơn 20 công nhân hậu đài của kịch, rối cạn, rối nước ở công ty chúng tôi đều được mua bảo hiểm y tế và có lương tháng ổn định. Chúng tôi quan tâm đến cuộc sống của họ không chỉ vì họ làm tròn trách nhiệm và đảm đương phần nặng nhọc của một tác phẩm nghệ thuật mà còn vì chính họ là những khán giả đầu tiên, cảm thụ tác phẩm bằng đôi mắt khó tính của người xem. Chúng tôi tự hào khi có được một đội ngũ hậu đài yêu nghề. Nhờ họ mà chúng tôi đã có được những tác phẩm sân khấu được đánh giá cao từ công tác đạo diễn, tổ chức cho đến hậu đài, âm thanh như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử và hơn 20 chương trình Ngày xửa ngày xưa, với những biến hóa cảnh trí, kỹ xảo mà chỉ có họ mới mang lại hiệu quả cho suất diễn”.
    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL