NSƯT Út Bạch Lan:
Nuôi bốn đứa con rơi
của người chồng đào hoa Thành Được
Thành Được tên thật là Châu Văn Được, sinh năm 1934 (hơn Út Bạch Lan 1 tuổi) tại Sóc Trăng. Khán giả khó quên cặp diễn viên vàng một thời này qua cắc vở: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản thình ca, Người đẹp thành Bat Đa…
Đám cưới của họ diễn ra vào năm 1961, cô Phùng Hà, chủ hôn nhà trai, cô Kim Chưởng là chủ hôn nhà gái. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường đều được mời. Báo chí đăng bài phóng sự lễ cưới và nhiều chuyện thú vị về cuộc tình Út Bạch Lan – Thành Được vì dây là lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ cải lương có một cuộc hôn nhân có hôn thú đàng hoàng.
Trước khi cưới, họ là cặp đôi ăn ý đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, Kim Chưởng. Khi thành người một nhà, họ thành lập đoàn Thành Được – Út Bạch Lan. Vở tuồng để đời của cặp tài sắc này là Nửa đời hương phấn để rồi cuộc hôn nhân của họ cũng phũ phàng như số phận các nhaan vật họ đảm vai. Năm 1964, Thành Được theo “người trong mộng bấy lâu”, không ai khác chính là tài nữ Thanh Nga, Nữ hoàng sân khấu cải lương một thời, cuộc hôn nhân của cặp đôi này tan vỡ. Nhưng mối quan hệ của Thanh Nga – Thành Được cũng không kéo dài bao lâu.
Đứng chung sân khấu với Thành Được, hai cái tên Út Bạch Lan – Thành Được như một biểu tượng khó có thể thay thế của nghệ thuật cải lương một thời. Nhưng ngược lại, khi đứng chung đời với nam tài tử hào hoa này, bà gặp rất nhiều cay đắng.
NSƯT Út Bạch Lan
Bà nói, với sân khấu và với chồng – dù hai thứ nhận được khác nhau nhưng bà đều cho đi rất giống nhau: yêu thương, hy sinh và vị tha. Nhưng như thế chưa hết, bởi khi Thành Được tìm duyên mới, bà lại vất vả nuôi bốn đứa con…rơi của chồng.
Út Bạch Lan khẳng định tên tuổi của mình trên sân khấu vào những năm 60 bằng vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ, bước lên đỉnh cao danh tiếng với vai Hương trong Nửa đời hương phấn và thủy chung với sân khấu hàng chục năm sau với vai người vợ, người mẹ bất hạnh – những vai diễn như định mệnh của cuộc đời bà. Một đời như cô lái đò đưa những nặng gánh cuộc đời người khác qua sông, bao yêu thương một thời tuổi trẻ dành hết cho một mối tình rồi trở về lặng lẽ.
Bà gọi đó là nghiệp. Vay nghiệp và trả nghiệp. Nhiều người nói hai chữ trả vay với nghiệp thật nặng nề, nhưng với bà, gần như rất nhẹ. Nhẹ như thể những sóng gió đi qua đều vô thường.
Không trách, không hận dù bị phụ bạc
* Những năm 60, hai cái tên Út Bạch Lan – Thành Được lừng lẫy trên sân khấu cải lương và để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả đến tận bây giờ. Điều đầu tiên xin được hỏi bà, danh tiếng của ngày ấy mang lại điều gì cho người nghệ sĩ?
Nghệ sĩ Thành Được & Út Bạch Lan
Thời nào cũng thế, điều mà danh tiếng mang lại đầu tiên là…danh tiếng. Sau đó là tiền. Với tôi mọi thứ đến tự nhiên, nhưng danh tiếng tôi quan niệm theo một góc khác. Là nghệ sĩ chân chính, phải biết rằng ai là người mang lại danh tiếng cho mình chứ không phải chỉ đăm đăm vào việc có danh tiếng, mình sẽ được điều gì. Danh tiếng của một người nghệ sĩ với tôi là do khán giả mang lại, còn tiền kiếm được là để nuôi mẹ.
Nhưng sự mang lại quan trọng hơn, đó là đam mê nhiều hơn và thường xuyên chăm chút nghề nghiệp hơn để khán giả không phiền lòng. Họ là người tạo nên tên tuổi của mình và họ cũng có thể làm mất đi tên tuổi của mình. Và việc ứng xử với danh tiếng, không phải là ngồi than tiếc hay kể lể mà chính là mình có thanh thản thật sự không khi mọi thứ đã nằm ở quá khứ.
Nhắc về cặp bạn diễn – bạn đời Út Bạch Lan – Thành Được một thuở, nhiều người còn luyến tiếc. Tiếc vì tại sao hai người chia tay ngoài đời, lại chia tay luôn cả trên sân khấu, để rồi từ đó sân khấu có đến hai khoảng trống…
Trời sinh mình là nghệ sĩ, thôi thì cái gì cũng nên để nó đẹp, cái còn cũng như cái mất. Tôi với ông Được xem như một sự trả nghiệp hay đúng hơn tôi trả nghiệp cho ông ấy, không còn vợ chồng, ông ấy vẫn là một người anh trong nghề mà tôi nể trọng. Nhất là với những thế hệ đàn em khi hát chung, có khi diễn viên bệnh, người khác phải lên sân khấu thay thế. Đến khi hát chung ông còn dặn, nếu chỗ nào các em quên cứ bấm vào tay anh, anh sẽ hát thay cho. Rồi sự tận tình và hết lòng trong nghề của ông ấy nữa. Và dù hai người đi hai đường, chúng tôi cũng đâu có giải nghệ, vẫn hát phục vụ khán giả của mình mà.
Chỉ có điều bây giờ tôi vẫn thầm cảm ơn Thành Được là khi chia tay, những buồn tủi ngấm vào giọng hát nên khi vào vai, tôi hát hay và diễn nhập hơn. Là tôi buồn cho mình, chứ với ông Được, tôi không buồn, không giận. Gặp ông tôi vẫn là người chào trước. Người khác nhìn ông đối xử với tôi cho rằng ông có lỗi, thậm chí có tội, tôi cũng chỉ nghĩ rằng đó là sự trả nghiệp của tôi mà thôi. Nghĩ vậy cho nhẹ nhàng, thoải mái.
* Theo những gì bà nói thì trong nghề, nghệ sĩ Thành Được là một người sống rất đàn ông. Một người hào hoa và đàn ông thì nhiều người yêu thương nhưng cũng…thương yêu rất nhiều người. Có thể hiểu cặp đôi Út Bạch Lan – Thành Được có nhau từ điều này và mất nhau cũng vì lẽ này, phải không ạ?
Ông ấy được nhiều cô thương và thương lại cũng rất nhiều người. tôi vẫn tự nói với mình, tại vì mình thương những điều đó, thì khổ cũng tự mà chịu lấy. Tôi đã chịu đựng bằng những gì mình có thể và người ra đi cuối cùng cũng không phải là tôi. Nhiều người hỏi tôi có hận không, thì như tôi đã nói, tôi không hề hận.
Như bà nói, những gì còn hay mất cũng để nó đẹp. Vậy mối lương duyên trên sân khấu và ngoài đời của bà với nghệ sĩ Thành Được, cái còn hay mất nhiều hơn?
Còn hay mất giờ cân đong làm gì nữa và tôi cũng không muốn nói sự còn – mất trong mối quan hệ với Thành Được. Chúng tôi chia tay nay đã 43 năm, ông ấy cũng đã có cuộc sống khác từ lâu.
Hai năm trước tôi qua Mỹ, có một bầu show mời tôi hát. Khi gần đi diễn, tôi mới biết là hát tại nhà hàng của ông Được và ông ấy là người đứng ra tổ chức. Biết như vậy nhưng tôi vẫn hát, vì nếu từ chối thì hóa ra mình quá nhỏ mọn, vì mình hát là hát cho khán giả. Và cũng có thể nếu tôi không h át lần đó, cũng chẳng biết có dịp nào được hát bên đó cho khán giả mộ điệu cải lương nghe nữa. tôi chỉ diễn màn cuối, vai Hương trong Nửa đời hương phấn. Màn đầu và màn giữa là Ngọc Giàu và Phương Liên hát. Hôm đó cả nhà hàng chật kín, vì lâu lắm rồi họ chờ đợi sự trở lại của chúng tôi.
Thực ra trong bao nhiêu năm qua, nếu trong lòng cứ ôm hận, trách oán hay coi nhau như kẻ thù, thì chính tôi cũng không hát được chưa nói gì đến chuyện đứng chung trên sân khấu sau mấy chục năm như thế. trước khi hát, tôi có nói với ông Được, tôi hát cho nghề và để tri ân cho khán giả ngày xưa đã mua những chiếc vé để nuôi sống tôi bao nhiêu năm.
* Cũng xin lỗi khi được hỏi bà, để được nhẹ nhàng hôm nay, gần như bà phải trải qua những năm tháng rất nặng nề vỉ sau khi Thành Được ra đi, bà tự giải tán đoàn hát của mình? Rồi sau này bà đi bước nữa, nhưng cũng không hạnh phúc chỉ vì không quên được người xưa?
Không. Tôi giải tán đoàn hát là vì khán giả. Khán giả đến với đoàn là muốn được nghe Út Bạch Lan diễn với Thành Được. Mà Thành Được đã đi thì khán giả đâu còn tìm đến.
Còn việc tôi không hạnh phúc với cuộc hôn nhân thứ hai, thú thật, hồi đó cuộc sống của tôi cũng buồn nhiều sau chuyện cũ và quan trọng là tôi nhận thấy mình không có tình yêu với người đó nên cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 2 năm.
Liên tiếp nhận và nuôi 4 đứa con rơi của chồng
* Người ta nói, sự hào hoa của nghệ sĩ Thành Được không chỉ làm tan vỡ hạnh phúc mà còn làm lỡ làng bao nhiêu cô gái để rồi chính bà phải cưu mang con rơi của chồng. thực hư chuyện này thế nào, thưa bà?
Chuyện này có và giới nghệ sĩ ai cũng biết. Tôi đã nuôi 4 người con rơi của ông ấy, trong đó có 3 đứa khai sinh tên mẹ là tôi. Và 4 đứa con là của 4 bà mẹ khác nhau, ở khắp các vùng miền.
* Bốn người con? Là khi hai người còn sống chung hay khi đã chia tay?
Lúc sống chung 2 đứa, sau khi chia tay 2 đứa. Đứa đầu là con gái, tên Liên, con của một nghệ sĩ dưới Cần Thơ. Cháu được 3 tuổi thì được mẹ đưa lên với tôi và nói: “Chị ơi, em vất vả quá không nuôi cháu được. Chị nuôi cháu giùm vì chị cũng chưa con cái gì, nuôi để lấy hên. Khi nào khấm khá, em đến rước cháu về”.
Đứa thứ hai là Dũng, mẹ cháu ở Huế. Khi lỡ làng, người mẹ ấy bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, bụng mang dạ chửa lận đận vào Sài Gòn và được cô Phượng Liên giới thiệu tìm đến tôi. Tôi nói: “Thôi thì phận đàn bà con gái, em cứ ở lại, chị thuê nhà cho em ở để sinh nở và thuê bà vú chăm con cho em”.
Đứa thứ ba tên Sơn, con của một phụ nữ ở Gò Công, và đứa thứ tư tên Châu, hầu như các con đều được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn.
* Các con ở với cô bao lâu? Và những lúc ấy, nghệ sĩ Thành Được có làm hết trách nhiệm của một người cha hay không?
Gần như ông ấy không ngó ngàng, chứ nói gì đến chuyện nhận cha, nhận con. Trong 4 đứa thì Châu ở với tôi ít nhất, 7 năm. Sau đó, Châu cùng mẹ qua Mỹ định cư.
Liên ở lại với tôi đến khi đi lấy chồng. Giờ cuộc sống con bé cũng rất ổn, vợ chồng có một cơ sở làm sơn mài. Sơn cũng ở với tôi đến lớn rồi lập gia đình. Cách đây ít năm, Sơn được mẹ về bảo lãnh sang Mỹ và nghe nói sắp tới nó cũng bảo lãnh vợ con sang. Đứa hiền lành, nhẫn nại nhất nhưng bạc phận nhất là Dũng, con tôi mất cách đây 10 năm vì bệnh tật.
Vừa phải chịu cảnh người chồng bội bạc, vừa phải giải quyết những hệ quả từ thói trăng hoa của chồng, bà có cảm thấy gánh đàn bà của mình quá nặng nề?
Tôi chỉ nghĩ rằng, cùng thân phận đàn bà với nhau, mình có điều kiện hơn thì giúp đỡ. Đó không phải là ân huệ, mà là tình người, cư xử cho ra cái tình người nên tôi đã làm như thế, không một chút đắn đo.
Tôi từng hai lần lên bàn mổ nên không có con. Nay nuôi giọt máu của chồng, cũng là trời cho mình những đứa con, đều như nhau cả. Những người phụ nữ là mẹ đẻ của các cháu, với tôi cũng như chị em bạn bè. Tôi ngớ lần mẹ Sơn về đây xin làm giấy khai sinh lại để bảo lãnh Sơn, bà chánh án tòa án bảo, công sức nuôi bao năm sao, cô Út không đòi hỏi tiền nuôi dưỡng. Người ta là Việt kiều, giầu lắm. Tôi chỉ nói, giờ mẹ con họ được đoàn tụ là tôi thấy mừng cho con và cho người mẹ đó, chứ công lao gì ở đây. Để con gọi mẹ đến suốt đời, đó mới là điều thiêng liêng nhất mà tôi yêu quý, trân trọng. Các con cũng giàu có gì đâu, ở Mỹ phải lo mưu sinh trăm bề, làm tụng để mua xe, góp nhà nên rất cực.
* Và những người con ấy, có trách hay hận sự thờ ơ của cha đẻ không?
Ngay từ nhỏ chúng buồn và giận lắm. Nhà ở cách nhau có mấy bước chân đâu, nhưng cha một đằng, con một nẻo. Tôi dặn các con, người lớn có những uẩn khúc của người lớn,các con đừng buồn cha làm gì. Hòi nhỏ Liên rất giận, nhưng về sau con cũng không nghĩ đến điều đó nữa. Dũng thì không dám đến nhà gặp ông vì sợ người vợ sau của ông nghĩ này nghĩ nọ, nên nó đành im lặng, nhìn cha và buồn. Cả dời nó muốn gọi tiếng cha mà không được.
Riêng Sơn, khi qua Mỹ, nó uất ức nên quyết định quậy. Nó đăng báo tìm cha là nghệ sĩ Thành Được. Khi tôi qua Mỹ, gặp nhau, ông ấy mắng vốn là sao xúi Sơn đăng báo tùm lum làm ảnh hưởng đến ông. Khi mẹ con Sơn xuống Cali thăm tôi, tôi có nói: “Bay làm trò gì mà để giờ ổng nói là tao bày cho bay đăng báo?”. Sơn nói: “Con đăng tên con đó chớ. Ổng nói vậy là vì ổng thích kiếm chuyện với má. Con sang, gọi cho ổng, ổng không nhận, con đau lắm nên quậy ổng cho biết”. Tôi cũng chỉ nói với con, thôi chuyện gì đã qua rồi thì cứ cho qua, làm vậy cũng chẳng được gì.
* Giờ thì mọi chuyện đã qua. Xa rời hạnh phúc. Các con đã đi. Ở tuổi này, cô có cảm thấy cô đơn?
Tôi không cô đơn đâu. Tôi có đứa em trai mất sớm, tôi thay em nuôi 4 đứa con của nó, vừa là cô, vừa là ba, vừa là má. Giờ mọi sẻ chia, vui buồn trong cuộc sống thường nhật trông cậy vào tụi nó. Bên cạnh đó, tôi sống thiền, theo phật, nên mọi thứ đi qua bây giờ đều nhẹ nhàng và không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Phần hậu vận, tôi có đóng góp ở chùa, nên mai sau chết đi, việc tang chế cũng chẳng lo lắng gì. Tôi có dặn các con, khi má chết nhớ đem thiêu rồi mời thầy, thuê ghe ra sông rắc tro và tuyệt đối không được làm đám giỗ cho tốn kém. Mỗi ngày khi ăn cơm, nếu nhớ má thì để chén đũa riêng ra, mời má về ăn cơm cùng tụi con, thế là má vui lắm rồi.
Theo Mốt và Cuộc sống