Nỗi niềm cải lương
Khách mời của Đời thế mà vui kỳ này là một kép cải lương đẹp trai của… 20 năm trước, khi đêm đêm sân khấu vẫn sáng đèn để anh khoác long bào làm vua Quang Trung trong Tâm sự Ngọc Hân và hàng loạt vai diễn khó quên khác: nghệ sĩ Bảo Anh.
Nghệ sĩ Bảo Anh. Ảnh: TL
Anh nói: Chỗ của mấy ông là Đời thế mà vui. Nghề hát của tôi bây giờ không mấy vui. Kêu tôi lên đó làm gì. Chẳng lẽ nói chuyện không vui thì cũng vô duyên…
Nguyễn Trọng Tín (NTT): Dù là chuyện chưa vui thì cũng là “đời thế”… Bao lâu rồi anh không hóa trang và bước ra sàn gỗ sân khấu?
Bảo Anh (BA): Nếu không kể trong chiêm bao đêm nào tôi cũng còn bước ra, thì sàn gỗ với ánh đèn thật, tôi vắng mặt cũng hơi lâu... Nhưng hóa trang thì vẫn còn thường phải làm.
NTT: Hóa trang để làm gì?
BA: Vẫn là để diễn, nhưng diễn cho phim thôi. Phim truyền hình.
NTT: Một chọn lựa mới cho một giai đoạn mới của Bảo Anh?
BA: Nói mới thì cũng không mới. Nếu tính từ phim đầu tiên tôi tham gia diễn, phim Ngọn cỏ gió đùa của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, thì cũng đã gần 20 năm rồi. Hồi làm phim đó tôi vẫn còn phải tranh thủ ban ngày đi quay, ban đêm đi hát...
NTT: Còn bây giờ?
BA: Nói là kiếm sống cũng được. Mà cũng không đơn thuần kiếm sống. Tôi cũng từng mở nhà hàng, bán cũng được, người khác bán thôi, mình chỉ quản lý. Tiền kiếm nhiều hơn đi đóng phim là chắc. Nhưng buồn cũng nhiều hơn…
NTT: Gần đây có cuộc tọa đàm của giới cải lương để nhìn lại chủ trương nâng cấp cải lương của thành phố đã bước sang năm thứ 9. Anh có quan tâm?
BA: Không có một nghệ sĩ cải lương nào không quan tâm tới thực trạng cải lương đang thiếu chỗ diễn, thiếu tuồng hay, thiếu nghệ sĩ dám chết vì nghề, thiếu người mộ điệu đi mua vé… như hiện nay.
NTT: Theo anh thì điều gì đã dẫn đến tình trạng nhiều cái thiếu này?
BA: Kép hát là tôi chỉ mong đêm đêm được bước ra sàn gỗ, được nhìn công chúng và quên mình đi. Tôi chỉ là một diễn viên bình thường. Thật không tiện khi nói về những việc mà mình không làm được, không thể có tác động được.
NTT: Nhưng trong cuộc tọa đàm này có ý kiến cho rằng, cải lương rơi vào tình cảnh như hiện nay, nghệ sĩ cải lương có lỗi rất lớn. Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ mới vừa nổi lên một chút đã cho mình là sao, thiếu học hỏi rèn luyện, thiếu tâm huyết với nghề, lười biếng tập tuồng. Tình trạng khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thì làm sao ca diễn cho hay được?
BA: Thực trạng này là thật và càng ngày càng tệ hơn. Lỗi ở người nghệ sĩ biểu diễn thì rõ rồi. Nhưng lỗi còn ở nhiều chỗ khác nữa, vì đời sống cải lương không chỉ do đào kép làm nên, dù đó là những đào kép lừng danh. Muốn có giọng ca để đời của Út Trà Ôn thì phải cùng có một soạn giả bậc thầy Bảy Bá. Ngày xưa các soạn giả Hoa Phượng, Hà Triều khi viết tuồng họ luôn nghĩ vai này là của Út Bạch Lan, vai kia là của kép độc Diệp Lang, vai kia nữa là cho Ngọc Giàu… nên bài hát của vai tuồng họ gần như viết riêng cho từng giọng ca ấy, sở trường diễn xuất của từng nghệ sĩ ấy. Và để có được soạn giả như cập đôi Hà Triều, Hoa Phượng, không thể thiếu mắt xanh và tấm lòng như bà bầu Thơ…
NTT: Vậy thì cái lỗi do đâu?
BA: Nói chuyện với nhà văn mấy anh, xin cho tôi nói thật vì cùng là giới nghệ sĩ với nhau. Thực trạng xuống cấp, mất phương hướng, thiếu đam mê, làm dối, làm giả… hiện nay không chỉ xảy ra ở giới cải lương chúng tôi. Ngày xưa văn học các anh từng có một thiếu niên Nguyên Hồng lặn ngụp trong đời sống bần cùng với Sáu Kho, với Bến Bính của đất cảng Hải Phòng để rồi văn học nước nhà có được viên ngọc Bỉ vỏ. Ngày nay trong hội Nhà văn các anh, theo chỗ tôi biết, không ít người xuất thân từ nông dân. Vậy thì họ ở đâu trước thực trạng người nông đang mất đất cho các dự án, tiền bạc được đền bù rẻ mạt thì đem đánh bài, cá độ bóng đá, đem mua xe Honda để con cái họ đi đua xe bạt mạng rồi sau đó trở thành đám vô công không nghề, thành mối đe dọa cho đời sống bình an của xã hội? Thế mà văn học có thấy tác phẩm nào viết thật lòng về chuyện này đâu. Lỗi này đổ hết cho giới nhà văn thì có đúng không?
NTT: Tôi cũng xuất thân từ nông dân. Anh nói điều này làm tôi đau điếng. Nhưng thôi, sẽ có dịp khác ta lại bàn chuyện này. Giờ hãy trở lại với chuyện cải lương. Trong cuộc tọa đàm có ý kiến cho rằng sân khấu cải lương bây giờ khó sáng đèn và thưa vắng khán giả là do thiếu kịch bản hay. Ý anh thế nào?
BA: Tôi thấy tuồng hát ngày xưa (tôi chỉ nói các tuồng có đề tài xã hội. Mà thật ra cả tuồng lịch sử và giả sử hồi đó cũng là để nói chuyện xã hội) được khán giả ưa thích, đào kép dễ nhập vai để diễn hết mình, có lẽ vì đó là những câu chuyện chứa đựng những uẩn khúc, những nỗi niềm, những cảnh huống mà số đông con người đang sống trong xã hội lúc đó đều có quan tâm, không ít người từng nếm trải và muốn được chia sẻ. Trong đời sống hàng ngày, khi thấy ai đó, hành xử với việc nào đó một cách bốc đồng, không thiết thực hay nông nổi, tôi thường nghe người ta nói mỉa: “làm chuyện cải lương”. Nếu hiểu theo kiểu này thì tuồng cải lương ngày trước ít “cải lương” hơn tuồng bây giờ…
NTT: Cũng trong cuộc tọa đàm nói trên, có một ý kiến đáng chú ý: cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương, cho nên không có việc gì phải nâng cấp cải lương, mà chỉ có nâng cấp… người làm cải lương! Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
BA: Tôi đồng ý một nửa: cải lương không chết và khán giả không quay lưng với cải lương. Hãy nhìn một khía cạnh nhỏ: bây giờ đi bất cứ xã nào ở các tỉnh Nam bộ, ta đều có thể ghé chơi với các nhóm đờn ca tài tử cải lương. Họ chơi càng ngày càng điệu nghệ, không chỉ ca hát và diễn cảm mà việc tổ chức không gian chơi cũng đáng nể. Chính bản thân tôi cũng tham gia thường xuyên một nhóm đờn ca tài tử nghiệp dư ở quận 2, mà trong đó có cả những gương mặt như Viễn Châu, Diệu Hiền, Hoài Vĩnh Phúc… Bài ca vọng cổ bây giờ vang lên nhiều hơn trong các quán karaoke, cũng là một thí dụ. Ông là nhà thơ thì có khi nào ông nghĩ ca dao rồi sẽ chết không? Còn tôi thì tôi không tin. Xã hội không đẹp cho người ta ca dao trữ tình thì người ta ca dao châm biếm. Nhưng để có một thời kỳ văn học rực rỡ như Thơ Mới, không thể chỉ nói vì có những thi sĩ trời cho. Nếu không có một môi trường xã hội, nói là thời thế cũng được, mà nhân tố hàng đầu là sự du nhập ồ ạt của dòng văn học lãng mạn Pháp, mang theo nó là tư tưởng tự do cho cá nhân, thì đường có mơ là trời sẽ cho được một mùa Thơ Mới như vậy. Cho nên, nói chỉ cần nâng cấp người làm cải lương là chưa đủ, chưa đúng, chưa thủ đắc được trong tay cái gốc. Thôi, cho tôi xin lỗi vì múa rìu qua mắt thợ. Và, xin thôi, không nói nữa!
NGUYỄN TRỌNG TÍN (THỰC HIỆN)
Theo SGTT.VN