Nghệ sĩ Hùng Cường
Nghệ sĩ Hùng Cường, tên thật là Trần Kim Cường, sanh ngày 21 tháng 12 năm 1936, là một ca sĩ tân nhạc có giọng tenor cao vút của các vũ trường Kim Sơn, Baccara v.v... ở Sài Gòn thập niên 60, nhưng lại say mê cổ nhạc. Hùng Cường gia nhập đoàn cải lương Ngọc Kiều năm 1959 và nhanh chóng trở thành kép chánh rất thành công, mà không phải trải qua một vai phụ nào. Vai diễn đầu tiên của Hùng Cường trên sân khấu nầy là Roméo, tuồng “Mộng đẹp đêm trăng” của soạn giả Việt Bằng Nguyễn Thanh Hiệp, khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, với các diễn viên gạo cội thời đó: Ngọc Đán, Ngọc Giàu, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Kỳ...
Sau thành công vang dội nhờ giọng ca lạ của Hùng Cường từ tân nhạc sang, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương hương xa “Màu tím đèn hoa giấy” (MTĐHG), khai trương từng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960, với các diễn viên: Hùng Cường, Ngọc Đán, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên... Rồi tiếp tục đem lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Đặc biệt, vở MTĐHG và Hùng Cường được khán giả hoan nghinh nhiệt liệt tại rạp hát Viễn Trường, thị xã Mỹ Tho. Lúc đoàn Ngọc Kiều diễn tại Châu Đốc, người viết bài nầy có dịp đi từ Sài Gòn xuống bằng chiếc xe Vedette cáu cạnh Hùng Cường mua khi ký hợp đồng với đoàn Ngọc Kiều, để xem anh đóng vai Kha Phong, một kiếm sĩ Phù Tang thật điêu luyện, bên cạnh 2 tài danh Ngọc Đáng, Kim Nên.
Tiếp theo, Hùng Cường đầu quân cho các đoàn Kim Chung, Dạ Lý Hương. Tuy vậy, tên tuổi Hùng Cường vượt lên tột đỉnh là lúc về đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân vào năm 1966, cùng với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết tạo thành một cặp sóng thần sân khấu cải lương, rất được ái mộ qua nhiều vở tuồng chủ lực của đoàn. Đầu năm 1971, cặp Hùng Cường-Bạch Tuyết tách ra lập đoàn cải lương Hùng Cường - Bạch Tuyết, đã có những kịch bản khá ăn khách là “Trăng thề vườn Thúy,” “Má hồng phận bạc,” “Cung thương sầu nguyệt hạ.” Được khoảng 1 năm thì đoàn hát rã.
Về phần Hùng Cường, có những tuồng hát đến nay vẫn được người thưởng ngoạn yêu thích như: “Cho trọn cuộc tình” (với các nghệ sĩ Hùng Cường, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Hữu Phước, Văn Chung); “Hai nụ cười Xuân” (với Hùng Cường, Tấn Tài, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Mai Lan, Thanh Việt, Văn Chung); “Lệnh của ba” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết, Út Hiền, Phượng Liên, Văn Chung), “Má hồng phận bạc” (với Hùng Cường, Bạch Tuyết...), “Tình chú Thoòng” (Hùng Cường, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu...).
Những vai để đời của Hùng Cường có lẽ là vai tướng cướp Bạch Hải Đường, vở hát cùng tên, hay vai công tử Vân Châu, vở “Yêu người điên,” là một trong số tuồng khán giả đánh giá cao tài năng của Hùng Cường. Anh hóa thân xuất sắc vai 1 người điên vì mất của, mất tình yêu, và hết sức ngọt ngào trong từng lời ca tiếng hát, làm nổi lên cá tính nhân vật diễn viên muốn thể hiện.
Có thể nói, Hùng Cường là một nghệ sĩ đa tài, anh đứng trên sân khấu sau nhiều nghệ sĩ thành danh lúc đó, nhưng đã thành công nhanh chóng, được hàng triệu khán thính giả ngưỡng mộ. Ngoài là một ca sĩ tân nhạc, một nghệ sĩ cải lương, Hùng Cường còn là tài tử điện ảnh, đã đóng nhiều phim rất đạt, bên cạnh các ngôi sao Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga; là nhạc sĩ đấu tranh và người làm thơ với những dòng thơ yêu nước dạt dào: “Trọn tim trót gửi non sông. Trọn hồn trót nặng mộ ông, miếu bà. Trọn xương đập lũ man tà. Trọn đây da thịt làm “quà tự do...” Hùng Cường (Nhất Quốc Tâm.)
Tuy trong quá khứ, dư luận có đề cập tới một số khuyết điểm của Hùng Cường, chẳng có gì to tát so với đóng góp của anh cho nghệ thuật, như chuyện tát tai hề Thiện Mỹ hay đập đàn của nhạc sĩ Văn Vĩ, chỉ vì nóng giận, sợ hỏng vai diễn của mình trên sân khấu. Có người cũng nói tới những cuộc tình thật lãng mạn của Hùng Cường, hoặc chuyện anh mê hát đến quên nhiệm vụ là 1 chiến sĩ BĐQ/Việt Nam Cộng Hòa v.v...
Bây giờ thì người nghệ sĩ tài hoa đó đã “Xiêm y trả lại cho sân khấu, cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi” vào năm 1998, nhưng vẫn còn mãi mãi tiếng hát nồng ấm, một giọng ca vàng sân khấu cải lương.