Nghệ sỹ cải lương đóng "tướng cướp Bạch Hải Đường"
Thái Bình .
Một lần ở Kiên Giang, vừa rời khỏi sân khấu, có mấy khán giả đứng chờ không phải chỉ để xin NSƯT Trọng Hữu ảnh lưu niệm mà rủ đi… ăn hủ tíu. Ăn rồi, có người tâm sự với anh họ khoái nhất câu nói của… tướng cướp Bạch Hải Đường là "không ai tố cáo mình chính xác bằng vợ mình".
Trưa một ngày cuối tháng 3 nắng như đổ lửa, tôi tấp vào con hẻm nhỏ trên đường Ba tháng Hai của trung tâm TP Cần Thơ. Vô chừng gần 100m, tôi hỏi thì được một anh thanh niên chỉ lối vào nhà của "tướng cướp". Đó là một căn nhà có tường rào bao quanh với hơn một nửa diện tích dùng cho dịch vụ cho thuê nghỉ trọ. Tôi bước đến căn phòng nằm ở cuối khoảng sân nhỏ. Nghe tiếng gọi của tôi, một người đàn ông từ sau nhà bước ra... cười. Thì ra "tướng cướp" đang loay hoay phụ vợ chuẩn bị bữa cơm trưa.
Nghệ sĩ ưu tú Trọng Hữu cười khà khà và bộc bạch với tôi rằng anh không phải chỉ được khán giả mê cải lương khắp nơi gọi là tướng cướp Bạch Hải Đường không đâu, mà còn gọi tên của rất nhiều nhân vật khác mà anh từng đóng vai.
Anh kể một lần ở Kiên Giang, vừa diễn hết tuồng rời khỏi sân khấu, có mấy khán giả đứng chờ không phải chỉ để xin anh mấy tấm ảnh lưu niệm mà rủ cho bằng được Hàn Mạc Tử đi… ăn hủ tíu. Ăn rồi, có người tâm sự với anh họ khoái nhất câu nói của… tướng cướp Bạch Hải Đường là "không ai tố cáo mình chính xác bằng vợ mình". Đó là những ngày anh là Trưởng đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang - một đơn vị nghệ thuật gắn với nhiều vở tuồng hay được đông đảo người mê cải lương ở miền Tây biết đến.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc về tấm ảnh đen trắng đang được treo trên tường, về một thanh niên mặc bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, lưng đeo máy truyền tin và đặc biệt là bằng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, được lồng trong khung treo cạnh đó, anh giải thích: "Đó là kỷ niệm của những ngày anh thoát ly gia đình, tham gia Cách mạng. Bấy giờ anh ở Trung đoàn 2 thuộc Quân khu 9. Tấm ảnh được chụp vào năm 1972".
NSƯT Trọng Hữu tên thật là Đặng Trọng Hữu, bắt đầu nghiệp ca hát từ hồi mới lên 10 tuổi. Lúc đó, anh theo ông nội để ca hát phục vụ đám tiệc. Hồi đó, gia đình Trọng Hữu rất nghèo khó. Ngoài thời gian đi ca hát, anh còn rất thường xuyên cùng với má đi cấy mướn. Năm 12 tuổi, anh được ba anh đang là Phó Bí thư Chi bộ của Đoàn văn công Cần Thơ cho đi theo đoàn.
Những ngày đầu đi hát, NSƯT Trọng Hữu lấy danh là Đặng Hữu. "Con nít miền Tây nói lái lại nên mỗi khi gặp mình, chọc um trời. Thế là mình phải sửa từ Đặng thành Trọng Hữu". Sau 8 tháng đi học lớp thiếu sinh quân, Trọng Hữu trở lại với đoàn. Anh được tập vai tuồng đầu tiên - vai Phù Đổng Thiên Vương.
"Lúc đó, sân khấu được đựng bằng cây lá. Phông màn phía sau là những tàu lá dừa xé ra đan lại. Không có điện nên cứ gần tới giờ hát là bắc đèn măng sông hoặc đốt đuốc. Đã hát chay (do không có micro) mà mỗi lần hát xong, lỗ mũi anh em bị đóng khói đen kịn. Mỗi suất hát chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Có khi đang hát, địch phát hiện, điều trực thăng tới bắn, thế là lo tắt đèn, tắt đuốc cùng với bà con, bộ đội di chuyển tới vùng an toàn".
Anh kể thêm, thời kháng chiến, cả Đoàn văn công đều sống trong lòng dân. Hát xong, anh em túa ra đồng, người cùng bà con gặt lúa, người bắt cá, bắt cua về cùng nấu nướng… Xong rồi tập bài hát, tập tuồng mới.
Trước chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Đoàn văn công Cần Thơ cũng theo mũi tiến công vào khu vực Xóm Chài - TP Cần Thơ. Và bom đạn chiến tranh cũng không từ ai. Anh kể, đã có nhiều anh em trong đoàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa người yêu, chưa gia đình...
Sau năm 1968, anh được chuyển về Trung đoàn 2, thuộc QK9, đóng tại vùng rừng tràm U Minh Hạ. Anh được phân công là Tiểu đội phó của Tiểu đội thông tin. Trở lại với tấm ảnh trắng đen, anh kể đó là trận chuẩn bị tấn công vào đồn Xẻo Lá. "Tấm ảnh chụp lúc 3 giờ sáng. Khoảng 7 giờ sáng hôm đó, bọn địch phát hiện, thế là trực thăng và lực lượng của Sư 21 địch kéo đến. Cuộc chiến đấu ngoan cường đã làm địch bị thiệt mạng hàng trăm tên. Phía ta cũng đã có hàng chục chiến sĩ hy sinh". Trận này, đến 21 giờ đêm, anh và đồng đội mới rút được và lội ngang sông để về vùng an toàn. Ba ngày sau đó, khi về tới vùng Vĩnh Viễn, Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bây giờ, đơn vị anh đã tiếp tục lập công, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Đầu năm 1974, đơn vị anh đang đóng quân ở vùng Sông Trẹm (Cà Mau) thì Đoàn văn công khu Tây Nam bộ vào phục vụ. "Nhớ nghề quá, tôi xin lên sân khấu ca một lèo. Ông Bảy Hảnh - Trưởng đoàn, rồi đồng chí Cục trưởng Chính trị QK9 thấy tôi ca được quá nên chạy sang bàn với đồng chí Năm Thông - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2". Trở về với đúng với sở trường, Trọng Hữu đi ca hát phục vụ cho nhân dân, bộ đội vùng giải phóng của cả QK9. Và năm 1974, khi Đoàn đóng gần Hòn Đá Bạc (Cà Mau), anh gặp và đã yêu một người con gái tên Mai (tức vợ anh bây giờ. Chị cũng được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất - PV).
Trưởng thành từ kháng chiến, sau khi đoàn văn công khu Tây Nam Bộ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, NSƯT Trọng Hữu được phân công về Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang. Chẳng bao lâu sau, anh là Trưởng đoàn này và được công chúng biết đến với nhiều vở tuồng, vai diễn xuất chúng. Sau năm 1993, anh về Đoàn Cải lương Tây Đô. Rồi thành người của Đoàn Cải lương Trần Hữu.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với cải lương, phục vụ công chúng vùng sông nước Nam bộ, giờ anh cảm thấy tự hào về sự lao động, cống hiến liên tục của mình. Và anh vững tin rằng "cải lương sẽ trường tồn cùng công cuộc phát triển đi lên của đất nước, của quê hương".
Theo CAND