Minh Phụng - "Hoàng tử CL kiếm hiệp":
Kỳ 3: Chữ tình gieo với Kiều Tiên rồi...đi biệt dạng
Ở đoàn Thủ Đô không lâu, sau chuyến lưu diễn thành công ngoài miền Trung, đoàn về Nam. Hát ở ngã tư Trung Chánh, ông bầu Long ở đoàn Kim Chung bí mật cử soạn giả Yên Lang qua coi, đoàn Kim Chung đang cần một kép trẻ có thể thay thế nghệ sĩ Minh Cảnh, một nghệ sĩ ăn khách bậc nhất đương thời đang rục rịch ra riêng lập đoàn hát cho mình, tất cả chuyện này khi Minh Phụng nổi tiếng ở đoàn Kim Chung mới biết được. Chính Minh Phụng cũng không ngờ mình lại được ông bầu Long đem về thế chỗ Minh Cảnh. Minh Cảnh là thần tượng số 1, cho tới bây giờ vẫn vậy, Minh Phụng vẫn giữ sự tôn trọng, yêu quý nghệ sĩ Minh Cảnh.
Rời đoàn Kim Chưởng ở Vĩnh Long lòng tuy nuối tiếc, nhưng tự ái của một nghệ sĩ trẻ mới vào nghề ham hát buộc Minh Phụng phải ra đi, chỉ dừng chân nơi nào cho anh cơ hội được biểu diễn thường xuyên. Đọc báo thấy đoàn hát gần nhất là đoàn Bạch Vân- Quốc Việt đang diễn ở Bạc Liêu. Vậy là khăn gói đi tìm đoàn nhỏ ở đó chắc sẽ đươc hát nhiều, có điều kiện rèn luyện nghề nghiệp, ở hai đoàn lớn Thủ Đô, Kim Chưởng mãi mãi chỉ là kẻ thế vai bất đắc dĩ, dẫu cho các ngôi sao được mình thế vai có đi đoàn khác, thì bầu vẫn phải kiếm ngôi sao khác thế vô, mình lại tiếp tục phòng hờ, đi là phải, nếu muốn làm nên nghiệp lớn...
Nghĩ vậy, Minh Phụng quyết đi tìm cơ hội mới. Trên đường đi bao nhiêu suy nghĩ lạc quan như sức mạnh làm cho tinh thần thêm phấn chấn, đã hát qua vài đoàn nhỏ, biết mình không đến nỗi khi đến đoàn Bạch Vân-Quốc Việt. Thời đó từ Vĩnh Long xuống Bạc Liêu là muôn dặm đuờng truờng, cuối cùng chiếc xe đò cũng tới Bạc Liêu, nhưng Minh Phụng thì rã rời muốn xỉu đoàn Bạch Vân đã dọn vô Cà Mau diễn đêm đầu... Bụng đói, túi hết tiền, Minh Phụng liền đến năn nỉ ông chủ xe đò cho đi thiếu tiền vé với điều kiện, nếu gặp đoàn Bạch Vân diễn tại Cà Mau sẽ trả tiền liền. Ông chủ xe nghe kể hoàn cảnh thấy tội nghiệp anh kép hát lỡ đuờng bèn cho quá giang. Rồi cũng tới Cà Mau, đến rạp hát thấy bảng hiệu đoàn Bạch Vân - Quốc Việt, mừng muốn khóc, vô đoàn gặp ngay ông bầu xin tiền, nói rõ lý do vì đâu vô đoàn Bạch Vân, ông bầu cho tiền trả tiền xe, cho ăn uống vì thương hại hơn là tin tưởng sẽ hát đọc. May sao trong đoàn có ông soạn giả Minh Đường, mọi người gọi ông là chú Sáu Gồng, nhìn tuớng tá nghe Minh Phụng ca thử ông chấm, còn ông bầu thì thờ ơ, đoàn đang có dàn đào kép đồng đều, ca diễn rất hay như Hồng Vũ, Hoàng Thượng, Minh Lai, Hoài Trúc Phương, Lam Sơn,...Kiều Tiên lúc đó lúc đó 16 tuổi đóng kép con, đào con, chổ đâu cho Minh Phụng hát. Đoàn đang tập vở Tần Thủy Hoàng, đã phân vai xong, Kiều Tiên đóng vai Thư Sinh người bị Tần Thủy Hoàng viết. SG Minh Đường viết thêm vai Tần Phát là cháu Tần Thủy Hoàng , chỉ chạy ra ca, can vua khi vua ra lệnh giết Thư Sinh. Thời đó gác bản nhỏ để vô vọng cổ, các SG hay viết Giang Tô, Hướng Mã Hồi Thành...SG Minh Đường cắt cớ muốn thử tài Minh Phụng nên viết bài gác vô vọng cổ là Tử qui từ. Đêm đầu khai trương, tới lớp này Minh Phụng bước ra sân khấu vô vọng cổ, khán giả vổ tay muốn vỡ rạp, mọi người chúc mừng, ông bầu tạm hài lòng, riêng Minh Phụng vô cùng biết ơn SG Minh Đường. Đoàn tập tiếp tuồng Người Về Trong Sương Tuyết của tác giả Vạn Lý, Minh Phụng được phân vai ông già. Vậy là cái số đóng vai lão cũng không buông tha anh. Không phải ông Bạch Vân không thấy khả năng của Minh Phụng, nhưng vì đoàn đang rất ổn định nếu lăng-xê anh kép trẻ nầy, sợ các anh kép khác giận dỗi bỏ đi. Số sao mà đen quá vậy. May sao còn tình thương của thầy, soan giả Minh Đường, ông nhận Minh Phụng là đệ tử tìm cách nhét vào tuồng những vai nhỏ có ca vọng cổ cho Minh Phụng hát. Cho tới bây giờ tình cảm của thầy Minh Đường vẫn còn in đận trong tim Minh Phụng dù đã hơn 40 năm qua.
Trong nỗi buồn nghề nghiệp lại có duyên may... Tuổi trẻ, cô đơn, lại rất đa tình, thấy Kiều Tiên nhỏ tuổi dễ thương, làm quen kết bạn, nhưng có má đi theo giữ chặt quá, chỉ lén đá lông nheo, thỉnh thoảng bỏ nhỏ vài câu mây gió. Kiều Tiên thấy anh kép trẻ nhìn cũng dễ coi, nên cũng có cảm tình... Thời gian ở đoàn Bạch Vân- Quốc Việt trui rèn bản lĩnh sân khấu cho Minh Phụng. Đoàn Thủ Đô có hai đoàn, Minh Phụng được ông Ba Bản cho người mời về đoàn 2 hát với thần đồng Hữu Đức. Đoán được thời cơ đã đến, Minh Phụng rời đoàn Bạch Vân. Đêm ra đi anh nhờ chị Thu nhắn Kiều Tiên chỉ xin hôn lên đôi má người yêu với lời hứa khi thành danh sẽ về cưới, rồi anh đi mãi, cho tới khi cưới NS Diệu Huê...
Nhờ đoàn Thủ Đô có tiền trả nợ cho gia đình
Tiếng là đoàn Thủ Đô nhưng lúc này đoàn suy yếu nhiều vì các tài danh Thanh Hải, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm đã rời đoàn. Hát ở đoàn 2 một thời gian, đoàn 1 gặp rắc rối trong nội bộ diễn viên, Minh Phụng được điều về đoàn 1, có khi hát chia vai với NS Minh Quang. Minh Quang ca diễn rất hay, lên sân khấu sáng đẹp, lúc này Minh Phụng cũng bắt đầu phát tướng ra vẻ NS hơn là một học sinh tỉnh lẻ. Với giọng đồng sang sảng, dễ hớp hồn khán giả nên dù là một nghệ sĩ đàn anh đang thời xuân sắc, Minh Quang hơi e dè đàn em Minh Phụng. Mỗi đêm diễn đều sai đệ tử ruột là Bat-Man (sau kết nghĩa anh em với Minh Phụng, hiện nay là ngoại vụ cho các đoàn cải lương, ca nhạc), xuống ngồi với khán giả chờ Minh Quang vô vọng cổ là vỗ tay mồi để khán giả vỗ tay theo, nhưng vẫn không lấn lướt đuốc Minh Phụng. Sự có mặt của Minh Phụng ở đoàn Thủ Đô 1 phần nào củng cố lại uy tín bảng hiệu nhờ một ê-kíp soạn giả tài năng như Thiếu Linh, Tương Giang Khánh,... và dàn diễn viên trẻ đẹp. Ông bầu Ba Bản chính thức ký giao kèo với Minh Phụng là 15 ngàn đồng, nhưng trong giấy nợ phải ghi là 30 ngàn, nếu phá giao kèo giữa chừng phải dền số tiền ấy. Ba bốn năm trời đi hát biết bao nước mắt mồ hôi, đó là lần đầu tiên Minh Phụng cầm được số tiền lớn, đủ sức phụ mẹ trả số tiền nợ 7 ngàn đồng mà bao nhiêu năm qua cả gia đình cùng cực nhọc cũng chỉ đủ trả tiền lời. Minh Phụng nhớ lại nỗi tủi nhục của gia đình lúc còn ở nhà, ông đã từng chứng kiến cảnh bà con chòm xóm đi ngang nhà không dám ngó vô vì sợ mẹ ông mượn tiền, mấy lần bà ngã bệnh nặng vì làm việc quá sức ngoài vựa cá. Chính cái nghèo, cái nhục đó của mẹ mà ông mới quyết tâm đi hát, vừa thoa mãn nỗi đam mê, vừa hy vọng thành công về cứu nguy gia đình. Ông Ba Bản cho một số vật dụng, một cây đèn Măng - Xông, Minh Phụng đem về Mỹ Tho đốt đèn lên, bà con lối xóm đến chơi như hội. Cầm tiền đưa cho mẹ trả nợ, hai mẹ con ông mừng rỡ trong nỗi nghẹn ngào,, không ngờ, số nợ tuởng như suốt đời không bao giờ trả nổi đã được thanh toán sòng phẳng bằng số tiền đi hát của ông.
Ở đoàn Thủ Đô không lâu, sau chuyến lưu diễn thành công ngoài miền Trung, đoàn về Nam. Hát ở ngã tư Trung Chánh, ông bầu Long ở đoàn Kim Chung bí mật cử soạn giả Yên Lang qua coi, đoàn Kim Chung đang cấn một kép trẻ có thể thay thế nghệ sĩ Minh Cảnh, một nghệ sĩ ăn khách bậc nhất đương thời đang rục rịch ra riêng lập đoàn hát cho mình, tất cả chuyện này khi Minh Phụng nổi tiếng ở đoàn Kim Chung mới biết được. Chính Minh Phụng cũng không ngờ mình lại được ông bầu Long đem về thế chỗ Minh Cảnh. Minh Cảnh là thần tượng số 1, cho tới bây giờ vẫn vậy, Minh Phụng vẫn giữ sự tôn trọng, yêu quý nghệ sĩ Minh Cảnh.
Soạn giả Yên Lang đến Trung Chánh lặng lẽ coi Minh Phụng hát một màn đầu đã bỏ về gặp ngay ông bầu Long nói thẳng: "Bằng mọi giá anh phải bắt thằng này ngay, trễ coi chùng các đoàn khác bắt nó, thì uổng lắm. Thằng này có chân tiền.'' Soạn giả Yên Lang là soạn giả thường trục, uy tín rất lớn với ông bầu Long, những nhận xét của Yên Lang đã trao cho Minh Phụng cơ hội ngàn vàng để từ kim Chung trở thành một ngôi sao - hoàng tử của cải lương kiếm hiệp. Câu chuyện này gần SO nam sau, Minh Phụng mới biết. Ông hàm ơn soạn giả Yên Lang, ông bầu Long. Vậy là Minh Phụng ký công-tra với đoàn Kim Chung bằng một số tiền lớn vừa đền giao kèo cho đoàn Thủ Đô, vừa có trong tay số vốn lớn để mua nhà mua xe. Với công-tra một triệu năm trăm ngàn đồng, lương đêm 2 trăng đồng, lương tháng 6 ngàn. Mới đầu về Kim Chung 4, hát đúp vai với nghệ sĩ Phước Hậu, sau đó về Kim Chung 1 hát vai ông già, đào kép chánh là Kim Chung, Bích Hợp, Kim Nguyên, Hùng Cường. Sau đó, Minh Phụng được hát kép ba. Cho tới bây giờ ông vẫn nhớ tuồng đầu tiên hát kép ở Kim Chung 1 là vở Khói cỏ quê hương (Lạnh hoàng hôn) của tác giả Mai Quân (Năm Triều). Đó là khoảng năm 1967, nếu tính từ năm Minh Phụng bắt đầu đi hát năm 1963, thì trải qua bốn năm lăn lóc phong trần, mới tạm có một chỗ đứng ở Kim Chung.
* Kỳ Sau: Nổi danh và duyên nghiệp với Mỹ Châu, Lệ Thủy
Việt Khang (Báo Sân Khấu)