1. MEM
    Avatar của MEM
    Lệ Thuỷ: 45 năm nghiệp cầm ca
    Thứ hai, 08/12/2008

    Cũng chính vì yêu cải lương qua giọng ca của những nghệ sĩ hàng đầu như Lệ Thủy nên tôi dù chỉ mới 15-16 tuổi đã mạo muội ngồi sáng tác những bài vọng cổ đầu tiên trong đời và rụt rè mang tới gửi ở trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam trên phố Quán Sứ.

    "45 năm nghiệp cầm ca", đó là đêm live show của NSƯT Lệ Thủy, diễn ra tại Nhà hát TP HCM đêm 4/2 vừa qua. Và hôm nay, gần nửa năm sau sự kiện trên, chương trình này mới được phát hành dưới dạng đĩa VCD, DVD, TTO với công sức lao động của Hãng phim Trẻ.

    Và, những người hâm mộ Lệ Thủy bình dân như tôi lại được thêm một lần sống lại thời thanh niên sôi nổi của mình.

    Trong đêm diễn "sốt vé" trên, Lệ Thủy đã tới với những người hâm mộ mình bằng những trích đoạn cải lương mà cho tới bây giờ có thể nói là xuất sắc trong nhiều thời như "Bên cầu dệt lụa", "Áo cưới trước cổng chùa", "Đêm lạnh chùa hoang", "Tây Thi", "Chung Vô Diệm"… cùng những khúc vọng cổ nổi tiếng "Tình ca quê hương", "Cô bán giấy hồng", "Lan và Điệp"…

    Tôi là một cậu bé Hà Nội, sinh ra vào đúng năm Lệ Thủy bắt đầu nghiệp hát và lần đầu tiên biết tới giọng ca cải lương của Lệ Thủy chỉ sau năm 1975. Và trong cách hình dung non nớt của tôi khi đó, Lệ Thủy lúc nào cũng bé bỏng dẫu rất kiêu sa. Dường như với người đàn bà này, phận mưa rơi là bản chất nhưng phẩm hạnh tự tôn đã là "thương hiệu" gốc để không ai có thể xem nhẹ mình.

    Với tôi, cải lương đã thực sự có một sự ma mị nào đó không thể cưỡng nổi nên suốt những năm thơ ấu, khi bắt đầu biết rung động với những ham muốn ban mai của tình yêu nghệ thuật, tôi đã gần như bị mê hoặc bởi những giọng ca vàng của buổi hoàng kim cải lương Sài Gòn một thuở.

    Đến bây giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung rõ mồn một hơi ca của những Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương, Chí Tâm, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Hữu Phước, Giang Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên… và đặc biệt là Lệ Thủy.

    Không thể nhớ được bao nhiêu lần tôi đã nhẫn nại ngồi với cây bút trong tay để chép lại ca từ của những tác phẩm mà họ thể hiện qua đĩa, qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và đã nhiều lần tôi tập hát cải lương với những thăng giáng cao vút như của chị, lảnh lót nhưng vẫn dịu dàng.

    Cũng chính vì yêu cải lương qua giọng ca của những nghệ sĩ hàng đầu như Lệ Thủy nên tôi dù chỉ mới 15-16 tuổi đã mạo muội ngồi sáng tác những bài vọng cổ đầu tiên trong đời và rụt rè mang tới gửi ở trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam trên phố Quán Sứ.

    Chẳng có tác phẩm nào của tôi được sử dụng khi đó nhưng cho tới hôm nay tôi vẫn tiếc, giá tôi lưu giữ lại được những bản chép tay hồi đó…

    Giọng ca mang nặng hơi kim của Lệ Thủy luôn khiến máu tôi thêm nóng và lòng tôi thêm sĩ khí trong những tình huống không mấy suôn sẻ của cuộc đời. Chưa được tận mắt nhìn Lệ Thủy, tôi đã hình dung chị như một nữ hiệp sĩ đầy tâm trạng, cứng cỏi nhưng đoan trang, kiêu hãnh nhưng dịu dàng, lúc nào cũng đằm thắm tình đời với những lý lẽ không thể nào cưỡng nổi.

    Khác Thanh Kim Huệ luôn luôn mướt mát, khác Mỹ Châu luôn luôn bi lụy, khác Út Bạch Lan muôn thuở muộn sầu…

    Nhiều lúc "nông nhàn", tôi đã ngồi hát lại, cố bắt chước theo hơi ca lảnh lót của chị mà cảm thấy lòng nhẹ đi không ít nỗi đau đời. Ngay cả khi Lệ Thủy vào vai bi lụy như Lan trong "Lan và Điệp", chị vẫn tạo nên được một không gian hào sảng nào đó cho nhân phẩm nữ giới. Xót xa nhưng không bớt phần kiêu hãnh, tận tụy nhưng không chút hạ mình…

    Tôi đã bỏ công tìm hiểu về cuộc đời của NSƯT Lệ Thủy, biết là chị họ Trần, quê gốc Vĩnh Long, sinh năm 1948 trong một gia đình quá khốn đốn bởi cảnh nghèo sinh kế. Thế nhưng, gian nan là nợ, chính từ cảnh nghèo khó ấy đã hun đúc cho cô bé Thủy một bản lĩnh vươn lên. Mới 14 tuổi, chỉ bằng bản năng thiên phú chứ đâu đã được đào luyện gì nhiều, Lệ Thủy đã là đào chính của Đoàn hát Kim Chung lừng lẫy một thời.

    Phần thưởng đầu tiên trong nghiệp cầm ca của Lệ Thủy là Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1964. Xuất hiện liên tục trong nhiều vở diễn cải lương trên sân khấu Sài Gòn trước năm 1975, Lệ Thủy từng được trao giải Kim Khánh dành cho nghệ sĩ được yêu thích nhất năm 1973 và năm 1974. Năm 1974, chị còn được trao giải thưởng Bảo Biển dành cho đôi nghệ sĩ được yêu thích nhất năm cùng với Minh Phụng.

    Sau năm 1975, giọng ca hoành tráng nhưng cực kỳ tình cảm của chị cũng không chỉ một lần được vinh danh chính thức: Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, danh hiệu Diễn viên được yêu thích nhất trong hai năm 1989 và 1990, danh hiệu Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất năm 1990, danh hiệu Đôi danh ca được yêu thích nhất năm 1992 cùng Minh Vương…

    Cũng trong năm 1992, chị được trao tặng danh hiệu NSƯT…

    Cho tới hôm nay, chị vẫn là giọng ca sáng giá của sân khấu cải lương, một minh chứng không thể phủ nhận nổi của việc, nếu có những tâm thế thích ứng, cải lương vẫn không lạc điệu với nhịp sống đương đại.

    Tôi rất ít khi viết giới thiệu các đĩa hát. Nhưng với chương trình của Lệ Thủy, tôi nghĩ mình sẽ tự phụ mình nếu không nói lên những lời tốt đẹp nhất. Với tôi, chị là một trong những biểu tượng đáng yêu nhất, đáng trân trọng nhất của nền văn hóa Nam Bộ hiện đại, một trong không nhiều nghệ sĩ đã góp phần nâng cải lương lên thành "quốc bảo" của vùng đất Chín Rồng. Đến với giọng ca Lệ Thủy, chúng ta đến với cả tâm linh của Nam Bộ ruột rà máu thịt.

    Nguồn CAND
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. thanh liem
    Avatar của thanh liem
    ngoài tiếng hát Mỹ Châu thì Lệ thủy là giọng ca thiệt ghiền
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL