NSƯT Lệ Thủy: Tuổi thơ cơ cực
Ngày : 30/08/2008
Gần 59 tuổi đời, 45 tuổi nghề, NSƯT Lệ Thủy vẫn còn tạo được sức hút kỳ lạ đối với khán giả cải lương. Vua vọng cổ Viễn Châu lý giải: “Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân”.
Song, để thành danh và đứng vững đến hôm nay, Lệ Thủy đã vượt qua biết bao nhọc nhằn.
Từ lúc bé, Lệ Thủy đã sớm hiểu gia cảnh nghèo khó của mình. Ba má chị thuộc loại nghèo nhất làng Đông Thành, huyện Bình Minh- Vĩnh Long. Ông bà cưới nhau trong nghèo túng và sinh liên tiếp 4 con, nhưng không nuôi được người nào do bệnh tật. Đến khi bà có thai chị...
3 tuổi lìa xa gia đình, 4 tuổi biết phụ mẹ
Ngày 20-5-1948, Lệ Thủy cất tiếng khóc chào đời. Năm Lệ Thủy lên 3 tuổi, má chị sinh thêm một người con trai (hiện nay là nhạc sĩ Thanh Liêm), cuộc sống gia đình càng chật vật. Ba chị làm ruộng, má chị làm nghề chằm lá, cái nghèo cứ đeo đẳng, đã vậy lại bị cháy nhà. Gia đình chị xin ở đậu nhà bà con, nợ nần ngày thêm chồng chất. Thấy khó bề sinh sống, má chị làm liều: Bồng con lên Sài Gòn tìm việc. Trước khi đi, bà gởi đứa con trai nhỏ cho một người bà con nuôi dưỡng.
Lên Sài thành rộng lớn, má chị được một người bạn cùng quê cho tá túc. Khi bà xin giúp việc cho một nhà giàu, sau một hồi ngắm nghía, chủ nhà bảo: “Chị đẹp quá, lỡ chồng tôi mê thì làm sao?!”. Bà đến một gia đình khác xin việc, nhưng chỗ này lại không chịu nhận nuôi thêm con của người làm. Vì thế cô bé Lệ Thủy mới 3 tuổi đã có những ngày thơ ấu phải xa lìa gia đình. Cứ 5 - 7 ngày, cô bé mới được dúi đầu vào lòng má, chưa kịp ôm má ngủ trọn đêm đã phải khóc vì chia tay. Chỉ một thời gian sau, gặp ông chủ nhà không đứng đắn, má chị nghỉ việc. Bà gặp một người cùng quê ở bên kia cầu Khánh Hội đồng ý cho má con ở đậu.
Bà Chín được giúp ít vốn để đổ bánh bèo, bánh xếp, bánh tằm gánh ra chợ bán. Lệ Thủy lúc đó mới 4 tuổi đã biết phụ má rửa chén dĩa. Một thời gian sau bà dành dụm tiền mướn một căn nhà nhỏ để thoát khỏi cảnh ở đậu. Bà tảo tần hôm sớm, lãnh thêm công việc nấu cơm tháng cho công nhân, nên mấy năm sau bà đã ky cóp mua được một căn nhà vuông vức 4 m2 và nhắn chồng lên Sài Gòn để gia đình sum họp. Năm đó Lệ Thủy đã 7 tuổi nhưng giấy khai sinh vẫn không có. Cả ba má chị cũng bị mất hết giấy tờ tùy thân vì cháy nhà. Khi lên Sài Gòn, ba chị bắt buộc phải làm giấy khai sinh mới, ông họ Dương nhưng phải đổi lại họ Trần để trốn lính. Vì thế, từ Dương Lệ Thủy lúc mới sinh, sau này Lệ Thủy mang họ Trần.
Cô gái bán đèn hoa giấy
Mẹ Lệ Thủy lần lượt sinh thêm 6 người con. Lúc này ngoài việc đi chợ mua bột, đường để mẹ làm bánh bán, Lệ Thủy còn giữ em, cho chúng ăn uống. Chiều chiều, Lệ Thủy bồng em lội bộ ra chợ Cầu Cống ngồi đối diện với tiệm sửa radio, nghe như nuốt từng lời ca ngọt lịm của nghệ sĩ Thanh Hương, Út Bạch Lan. Tâm hồn cô bé dần dần say mê những bài ca cổ, nhất là bài Cô gái bán đèn hoa giấy của tác giả Quy Sắc, do cô Thanh Hương ca.
Năm Lệ Thủy lên 10 tuổi, anh Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe cô bé ca vọng cổ. Anh mời Lệ Thủy tham gia và gửi theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội. Sau đó chị được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen. Lúc đó các em của chị liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía.
Không có khai sinh nên Lệ Thủy không được tiếp tục đến trường, chị nghĩ đến việc phải làm gì đó để phụ giúp gia đình. Trong đầu chị chợt lóe lên ước muốn được theo đoàn hát để đỡ gánh nặng cho ba má. Sau khi nghe chị thổ lộ, bà Chín đã nhờ một người quen trong xóm giới thiệu gặp giáo sư Minh Nguyệt (anh rể của nghệ sĩ Út Trà Ôn). Ông đã chỉ dẫn Lệ Thủy đến gặp vợ chồng nhạc sĩ Mười Của đang làm ở gánh Trâm Vàng. Ngày đầu tiên xa gia đình lúc tuổi vừa tròn 13, Lệ Thủy đặt chân đến TP Biên Hòa- Đồng Nai để bắt đầu đến với nghiệp cầm ca.
NSƯT Hùng Minh kể: “Sớm vào đời, lại là một cô bé thông minh, nên từ công việc phụ giúp đào kép chính của đoàn Trâm Vàng, cô bé Lệ Thủy đã học bên cánh gà nhiều bài ca để có thể từng bước thâm nhập thế giới màn nhung. Tôi đánh giá cao Lệ Thủy từ những năm còn bé. Dạy qua một lần Lệ Thủy đã nhớ, giọng ca ngâm lại trong vắt, mang nhiều cảm xúc, nên chẳng mấy chốc đã cuốn hút người trong nghề. Nhìn rõ bước đi của Lệ Thủy từ năm 13 tuổi đến nay, tôi nhận xét tài năng của cô thật sự chín muồi qua từng giai đoạn”...
Đôi nét tiểu sử về NSƯT Lệ Thủy
Trong thập niên 60, nữ nghệ sĩ Lệ Thủy khi mới 14 tuổi đã là đào chánh của đoàn hát Kim Chung nhờ vào giọng ca thiên phú và sự tự khổ luyện về nghề ca hát.
Nữ nghệ sĩ Lệ Thủy tên thật là Trần Thị Lệ Thủy, sanh ngày 20 tháng 5 năm 1948, tại tỉnh Cửu Long. Mẹ làm nghề chầm lá, cha đi làm thuê. Hồi Lệ Thủy ba tuồi, nhà của Ba Má Lệ Thủy bị cháy, hai ông bà bỏ xứ sở, lên Sàigòn tìm kế sinh sống. Ba của Lệ Thủy làm lao công trong Thảo Cầm Viên, má của Lệ Thủy nấu cơm tháng cho phu khuân vác ở bến tàu quận Tư. Lệ Thủy học trường Tiểu học Khánh Hội.
Vì nhà nghèo, Lệ Thủy ngoài giờ học, về nhà phải coi em, giử em để cho Má Lệ Thủy nấu cơm tháng cho người ta. Hàng ngày Lệ Thủy bồng em ra ngang hông chợ Khánh Hội để dổ em, đút cơm cho em ăn. Bên hông chợ có một tiệm sửa radio, người chủ tiệm ngày nào cũng hát dĩa bài vọng cổ " Cô bán đèn hoa giấy" của cô Thanh Hương ca.
Nữ nghệ sĩ Thanh Hương là con của nghệ sĩ Năm Châu và cô Tư Sạng, Thanh Hương thừa hưởng được chất giọng ca rất ngào ngào của mẹ nên cô ca bài "Cô Bán Đèn Hoa Giấy" cũng rất mùi, rất ngọt. Lệ Thủy nghe riết rồi thuộc lòng và bắt chước theo cách ca của cô Thanh Hương.
Anh Tư Long, người ở lối xóm lân cận, có một ban văn nghệ đang hoạt động trong vùng, nghe Lệ Thủy ca tốt giọng, anh xin cho Lệ Thủy ca trong Ban Văn Nghệ của anh. Được Ba Má cho phép, Lệ Thủy theo Ban Văn Nghệ của anh Tư Long và nhờ ông Năm Truyền, nguyên là thợ hớt tóc trong xóm, đờn đàn kìm dạy cho Lệ Thủy ca cổ nhạc.
Vào đầu thập niên 60, những ai có giọng tốt, ca vọng cổ hay thì có nhiều hy vọng trở thành đào kép chánh vì khán thính giả những năm 1960, 61, 62 rất mê nghe ca vọng cổ. Minh Vương, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ và Lệ Thủy đều ở trong lứa tuổi từ 12 đến 16 tuổi, nhờ có giọng tốt và biệt tài ca vọng cổ mà làm nên sự nghiệp sân khấu của mình.
Lệ Thủy kết hôn với trung úy Nguyễn Dương Đình Trúc năm 1972.
Năm 1973, sanh ra đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Dương Thụy Hiếu.
Năm 1975, Trung úy Trúc cũng như bao nhiêu sĩ quan Cộng Hòa khác bị học tập cải tạo tập trung..
Lệ Thủy được đoàn Văn Công mời cộng tác, nhân dịp nầy cô xin bảo lảnh cho chồng ra khỏi trại tập trung, về làm thơ ký kế toán trong đoàn hát.
Năm 1979, Lệ Thủy sanh con trai, đặt tên là Nguyễn Dương Đình Trí.
Năm 1982, Lệ Thủy sanh đứa con trai khác, đặt tên là Nguyễn Dương Quốc Bảo.
Cô gái lớn Thụy Hiếu, học Đại Học Quản Trị Kinh Doanh ở Melbourne, nước Úc, làm việc cho ngân hàng Bendigo, có chồng và định cư Úc.
Nguyễn Đình Trí tốt nghiệp Bằng Ngoại Thương và Kế Toán ở Úc, trường Victoria University. Lệ Thủy sợ con ở lại bên Úc giống như Thụy Hiếu. Đình Trí sáng tác bài Tân Cổ giao duyên Tha Hương cho mẹ ca để mẹ yên lòng là Đình Trí sẽ trở về với mẹ.
Thanh Hiệp & Nguyễn Phương, RFA