1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Những ai sành điệu Đờn ca tài tử - cải lương đều biết Vọng cổ là bài bản được ưa chuộng, yêu thích và phổ biến nhất trong các cuộc đờn ca. Riêng với cải lương, Vọng cổ là vua trong các thể loại bài bản.

    Những danh ca nổi danh cũng nhờ ca Vọng cổ hay. Cuộc thi Chuông Vàng Vọng cổ các thí sinh ca Vọng cổ hay thì đoạt giải. Mấy năm gần đây xuất hiện nhiều giọng ca mới, có làn hơi khỏe, chất giọng lạ, triển vọng sẽ trở thanh những giọng ca hay có thể thay thế những giọng ca vàng ở thế hệ trước, nếu được rèn dũa cẩn thận, chu đáo.

    Nhưng qua đó, các giọng ca trẻ bộc lộ nhiều hạn chế, không phải chất giọng tự nhiên, mà ở cách nhận thức, hiểu biết về nghệ thuật ca Vọng cổ, nhiều giọng ca hay bị loại oan uổng trong các cuộc thi, chịu thua những giọng ca kha khá, trung bình vì họ tự sai sót nhiều hơn là đối thủ quá xuất sắc.

    Nhìn các em biểu diễn trên sân khấu người tinh ý sẽ nhận thấy vấn đề học hành rèn luyện còn vài chỗ khiếm khuyết, cái nền cơ bản chưa được chuẩn, có thể tự do tự học nhiều hơn, hiểu sao làm vậy nên phần kiến thức căn bản hay kinh nghiệm truyền nghề chưa đủ. Nhưng lỗi thường gặp như:

    CÂU VÔ VỌNG CỔ!

    Vọng cổ nhịp 16 bị Vọng cổ nhịp 32 giành vị trí độc tôn chinh là ở câu vô. Nếu chúng ta nghe lại thì những danh ca vọng cổ nhịp 16 (được thu đĩa than) còn lưu lại đủ chứng minh vì sao danh ca Út Trà Ôn trở thành “đệ nhất danh ca” hay “Vua Vọng cổ”, ông vô Vọng cổ hay hơn. Trong nghệ thuật ca Vọng cổ câu vô quan trọng nhất, khó nhất và cũng thành công nhất.

    Quan trọng vì câu vô vọng cổ giới thiệu được chất giọng, làn hơi tự nhiên của người ca. Trong, cao, bay bổng, lã lướt hay khàn, đục, ngặt nghèo, tù túng… đều bộc lộ rõ khi người ca cất giọng vô giọng cổ, dù có kinh nghiệm hoặc khéo léo che đậy như thế nào thì những khiếm khuyết tự nhiên hay ưu điểm đều thể hiện rõ từ câu vô.

    Để ý ở các giọng ca trẻ mấy năm gần đây thường hay bị “chênh”, “phô” khi cất giọng vô vọng cổ, kỹ thuật kìm nén hơi không chuẩn, thể hiện thiếu sự nhạy bén trong cách cảm âm, không kiểm soát được cao độ, cường độ nên khi ca ngoài sự “lạt” chữ còn “chữ chắc chữ lép”. Không “tròn vành rõ chữ” la vậy đó.

    Thật khó chịu cho người nghe khi đang nghe vô vọng cổ ngon lành bỗng có vài chữ lạc điệu giống như người đang nhai cơm bỗng cắn nhầm hạt sạn. Nếu thử điểm lại những danh ca một thời từ Út Trà Ôn, Thanh Hải, Thành Được, Hữu Phước, Hùng Cường, Minh Cảnh, Văn Hường, Tấn Tài, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Hoài Thanh, Châu Thanh, Vũ Linh, Trọng Hữu, hay Út Bạch Lan, Thanh Hương, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Ngọc Hương, Phượng Liên, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Thanh Ngân…

    Chúng ta đều thấy mỗi người có cách vô vọng cổ rất riêng, chính chắn, điêu luyện hoàn chỉnh thành những chuẩn mực từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Và dường như cách vô vọng cổ hay đang dừng lại ở thế hệ sau cùng hiện nay (Phượng Hằng, Trọng Phúc, Cẩm Tiên, Thanh Ngân…).
    Danh ca Minh Cảnh

    Những giọng ca mới nhưng không thể gọi là trẻ được vì gần như họ đều đã trên tuổi 25, có người sắp bước qua tuổi 40! Không có những cuộc thi rầm rộ của các đài truyền hình tạo những sân chơi mới để lấp đi cái khoảng trống nghệ thuật mà cải lương chuyên nghiệp đang khủng hoảng để lại, chúng ta mới giật mình ngày càng ít đi những giọng ca tầm cỡ.

    Hiện nay chúng ta có nhiều giọng ca trẻ nhưng chỉ cũng ở tầm tầm bậc trung. Có còn hơn không, chớ để trở thành những chuẩn mực tiếp nối cho thế hệ sau thì vẫn còn là cái gì đó xa vời. Đánh giá về chất giọng tự nhiên thì những giọng ca trẻ không kém gì các bậc tiền bối, thậm chí họ còn trẻ trung, khỏe khoắn, mới mẻ hơn nhưng độ sâu, chất nghề, sự điêu luyện nếu tính cùng thời điểm xuất phát.

    Cùng độ tuổi thì các giọng ca trẻ ngày nay chưa bằng. Mọi sự so sánh khập khiễng, nhưng chúng ta phải có cái nhìn thật kỹ để có hướng tới tích cực hơn. Con hơn cha là nhà có phúc. Dẫu sao thì sự suy thịnh, tồn vong của cải lương hiện nay đang là gánh nặng trên vai của các giọng ca trẻ đang dấn thân vào con đường sân khấu chuyên nghiệp.

    Sự khủng hoảng của sân khấu chuyên nghiệp thiếu vắng đi những bài học thực tế, nhưng cảm xúc trực tiếp được truyền từ những nghệ sĩ đi trước đến thế hệ sau là khán giả, là người hâm mộ thần tượng. Ngày nay các em chỉ được học ở trường (nếu có bằng cấp và thi đậu), ở đài truyền thanh, truyền hình, hay các album, video… nhưng đó có phải là chuẩn mực của sân khấu cải lương hay không thì cần phải sàn lọc lại.

    Trở lại cách vô vọng cổ. ngoài câu vô chưa chỉn chu, điểm hạn chế làm giảm đi sự hấp dẫn, phấn khích người nghe là khi xuống hò nhứt, hơi ngân để xuống chữ hò thường bị gãy không êm ngọt mượt mà. Tỷ lệ này chiếm hơn 90% ở các giọng ca trẻ. Có bạn chưa hiểu mình vô “gãy” như thế nào.

    Những từ “êm”, “ngọt”, “mùi” không có thuật ngữ giảng dạy của sách vở, nhưng những lời góp ý của các nghệ sĩ bậc thầy; đó mới là những đúc kết chinh xác, hiệu quả, quý giá mà thực tiễn biểu diễn đã rèn luyện cho họ. Thiết nghĩ đó cũng là những thuật ngữ riêng của nghệ thuật ca vọng cổ, khó có thể dùng từ khác thay thế để diễn giải đầy đủ rõ ràng, đúng đắn nhứt.

    Có một thực tế đáng lưu ý, không phải so sánh hay phê phán, mà để làm sao giúp cho các em mới vào nghề có cách ca hay hơn, nghệ thuật hơn. Gần như những giọng ca được đào tạo ở các trường không ca hay bằng các giọng ca tự phát hoặc học ở các câu lạc bộ sinh hoạt đờn ca tài tử.

    Hầu hết các giọng ca ở trường ra gần như rất ngán ngại khi phải vô “chồng hơi” khi ca vọng cổ, vô ngang, vô dựng chẳng qua đó là cách ca an toàn hoặc cần thiết ở những tình huống kịch, không cần biểu diễn hơi. Giọng ca nào đủ sức chồng hơi lên cao là đã có ưu thế rồi. Đã nói “ca vọng cổ” tức là yếu tố ca được dặt lên hàng đầu.

    Đối với một nghệ sĩ cải lương, diễn có thể dạy, rèn luyện nâng cao được bằng quá trinh biểu diễn, còn giọng ca vẫn phải phụ thuộc vào “thiên phú” là chính, là cái nền vững chắc để kinh nghiệm và quá trình biểu diễn sẽ làm cho hay hơn, độc đáo hơn. Không thể biến một làn hơi tầm thường thành một danh ca.

    Hai năm gần đây giải Chuông Vàng Vọng Cổ đã khuyến khích các thí sinh vô vọng cổ chồng hơi, qua đó phát hiện được nhiều vọng ca lạ, tiềm năng đồng thời các em cũng bộc lộ những mặt thiếu sót cần phải được uốn nắn, những giọng ca không dám bứt phá chọn cách ca an toàn khó vào được vòng trong.

    Vọng cổ dễ hát nhứt, phổ cập nhứt trong các làn điệu của đờn ca tài tử cải lương, nhưng để hát hay là cả một quá trình dài khổ luyện, hát để tự mình giải khuây, để vui vẻ với bạn bè, hiểu sao hát vậy chớ để hát đúng, hát hay thì công sức đầu tư vào nghệ thuật ca vọng cổ không hề nhỏ.

    (Còn tiếp)
    ĐĂNG MINH
    Nguồn tin:
    Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (01-10-2014), MEM (01-10-2014), romeo (02-10-2014), yeuhainuhoang (02-10-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Loạt bài này chắc hấp dẫn nè! hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (02-10-2014), yeuhainuhoang (02-10-2014)

  5. yeuhainuhoang
    Avatar của yeuhainuhoang
    Ồ!loạt bài này của Soạn giả Đăng Minh sao? Bữa nào phải qua nhà chú thọ giáo mới được.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to yeuhainuhoang For This Useful Post:

    romeo (02-10-2014)

  7. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    CÁCH CA VỌNG CỔ=> Hiện nay có vấn đề…chưa hay!!!(tiếp theo)

    Nghệ thuật ca trong lòng câu: Nếu câu vô vọng cổ là khai mở ấn tượng giới thiệu giọng ca thiên phú, thì nghệ thuật ca trong lòng câu lại là cái chuẩn đánh giá đẳng cấp, trình độ ca. Sự điêu luyện của câu vô phải nhờ đến làn hơi, còn sự điêu luyện trong lòng câu là sự nhận thức là ý tưởng sắp xếp, là miếng độc để người ca thể hiện sự lắt léo trong cách sắp nhịp, sự biểu cảm, diễn tả đúng ý tác giả thể hiện trong lời ca, thể hiện cách hành văn đúng ngữ pháp.
    NSƯT Thanh Tuấn

    Các lỗi thường gặp hiện nay là cách ca cầu hòa, an toàn, sắp nhịp đều đều, hoặc có ý chờ nhịp, không dám bay lượn “phiêu” trong lòng câu, không tạo sự bất ngờ cho người nghe khi dứt câu, ca với đờn phải là sự tung hứng, chứ còn cứ nương theo đờn, ca cho trúng nhịp ở mỗi khuôn nhịp thì chưa phải ca hay.

    Những nghệ sĩ có lối ca “độc”, gần như không bị gò bó vào khuôn nhịp, dám ca chẻ nhịp, ca như đùa giỡn với dàn đờn, ngày trước có Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Diệp lang… kế đến có Thanh Tuấn, Mỹ Châu, sau này có Trọng Phúc, Cẩm Tiên, Phượng Hằng… trẻ hơn nữa có Hồ Ngọc Trinh, Ngọc đợi, Thu Vân…

    Hiện nay không thiếu những giọng ca phong phú, mới lạ, nhưng ca “độc” thì vẫn đãi cát tìm vàng, chưa có giọng ca đủ đẳng cấp bộ nhịp thách thức với dàn đờn. Trong nghệ thuật đờn ca vọng cổ thì thầy đờn là số 1, nhưng ở những giọng ca có bộ nhịp thượng thừa đôi khi họ cũng làm cho dàn đờn điên đảo.

    Thường khi ca rớt người ta hay nghĩ rằng tại người ca, nhưng với ngững nghệ sĩ điêu luyện, đôi lúc họ vẫn đủ bản lãnh làm cho dàn đờn bị chao nhịp. Bấy nhiêu cũng đủ chứng minh nghệ thuật ca vọng cổ vô cùng ảo diệu, độc đáo mà có khi luyện cả đời chưa đạt được.

    Trong hàng danh ca, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Mỹ Châu là đại diện tiêu biểu xuất sắc nhất trong cách ca, đủ sức tung hứng với đàn đờn không cần phải “nuôi” cho dễ ca. NSƯT Trọng Phúc là người có bộ nhịp chắc nhất trong số các danh ca trẻ sau này. Danh Ca Minh Cảnh không phải là người ca nhịp chắc nhưng ông có lối sắp nhịp độc đáo, có định hướng trước chớ không ngẫu hứng.

    Hầu hết các giọng ca hiện nay chú ý biểu cảm nhiều hơn cách sắp nhịp. Trong nghệ thuật thường nói cho vui, chắc bộ nhịp là nửa nghề, thật vậy, trong nghề ca hay đờn, nếu yếu nhịp coi như khó đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, ca chơi thì được, ca thi sẽ khó thắng.

    Các nghệ nhân chơi đờn ca tài tử thường chú ý dạy về bộ nhịp cho chắc còn hầu hết những cách dạy khác mà tôi thường gặp, chủ yếu vẫn là dạy ca cho trúng nhịp chớ để nâng tầm cao hơn thì chưa mấy quan tâm lắm.

    Ngoài ca chắc nhịp, yếu tố quyết định, thì có giọng hay rồi, chắc nhịp rồi còn phải để ý cách hành văn, sắp xếp câu cú cho đúng ngữ nghĩa và quan trọng bậc nhất là phải cho đúng chính tả. Giọng miền Nam mà nói đúng chính tả là giọng nói phổ thông mới của người Việt Nam, bất cứ người vùng miền nào cũng dễ dàng nghe hiểu.

    Nhược điểm thường gặp trong đài từ là người ca phát âm sai chữ S thành chữ X, chữ V thành chữ D. hay điệu đàng thì chữ R thành DZ. Những danh ca thuộc thế hệ vàng có lối hành văn, đài từ chuẩn mực nhất, tiếng Việt qua giọng nói trong kịch, trong ca của họ trở nên chuẩn xác, sang trọng, dễ nghe, dễ thu hút tình cảm.

    Có lẽ ngày trước các giọng ca hay nhờ thu dĩa nhiều nên được các biên tập viên chỉnh sửa. Ngày nay, cái giọng trẻ thường để lộ nhược điểm tiếng địa phương vào trong câu ca, cái yếu nhất là sự không chuyên nghiệp chứ không phải ở năng khiếu bẩm sinh.

    Tóm lại, muốn ca vọng cổ hay, ba yếu tố chất giọng – bộ nhịp – cách phát âm, hành văn (đài từ, biểu cảm) là tiêu chuẩn bắt buột. Những bạn trẻ yêu thích muốn ca hay vọng cổ hay bài bản, không thể hoàn chỉnh nếu chỉ có chất giọng hay mà nhịp nhàng không đâu vào đâu hay các hành văn nhả chữ sai âm, lạc ý, hoặc như ca nhịp chắc mà phát âm sai, ngắt câu không đúng chỗ làm sai lệch ý nghĩa.

    Còn nếu như nhịp chắc, đài từ chuẩn mà giọng yếu thì chấp nhận được nhưng cũng dễ chơi phong trào chớ không tiến lên chuyên nghiệp.

    Trên đây chỉ là những ý kiến thô thiển của người có nhiều năm lăn lộn với nghề bằng những kinh nghiệm và hiểu biết từ thực tế đút kết nên, không qua một trường lớp đào tạo, học thuật nào.

    Chỉ với mong muốn các bạn trẻ có giọng ca hay yêu thích cải lương muốn làm nghề hay ca tài tử chơi cũng phải nắm những điều cơ bản để chơi cho đúng rồi sau đó mới nâng lên chơi hay, điêu luyện thành chuẩn mực.
    ĐĂNG MINH
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (06-10-2014)

ANH EM CHANNEL