(NLĐO) - Chương trình Gala Đờn ca tài tử Nam Bộ sáng 13-9 đã phục vụ hơn 1.000 học sinh, là chương trình tổng kết đề án “Sân khấu học đường”, đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào các trường học.
Chương trình Gala Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ do Phòng Giáo dục, Đào tạo quận 1, TP HCM và TTVH quận 1 phối hợp thực hiện, đã diễn ra tại Nhà hát Bến Thành, phục vụ hơn 1.000 học sinh. Đây được xem là chương trình tổng kết đề án “Sân khấu học đường”, đưa nghệ thuật ĐCTT vào các trường học sau 5 chương trình giao lưu ĐCTT Nam Bộ tại 5 trường trong địa bàn quận 1 gồm:
Trần Văn Ơn, Võ Trường Toản, Đức Trí, Minh Đức và Nguyễn Du. NSƯT Minh Vương đã hướng dẫn các em học sinh ca bài bản và ông cho biết thật sự phấn khởi khi ĐCTT đưa vào học đường với qui mô tổ chức ngày càng chuyên nghiệp.
NSƯT Minh Vương và các em học sinh tham dự gala ĐCTT Nam Bộ 2014
Nhiều ngày qua, NSƯT Minh Vương đã cùng với nghệ sĩ Lê Tứ, Hà Như đến các trường dạy 5 đội văn nghệ học sinh nhiều bài bản ĐCTT Nam Bộ như: Tam pháp nhập môn, Long hổ hội… để các em có thể tham gia cùng các nghệ nhân trên sân khấu Nhà hát Bến Thành.
Cô Thúy An – hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết: “Chương trình Gala ĐCTT Nam Bộ được tổ chức như một chương trình tổng kết đợt hoạt động mang ý nghĩa góp phần cùng với toàn xã hội giữ gìn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ - bộ môn nghệ thuật đã được Tổ chức
UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tôi mong sao đề án này sẽ được nhân rộng để có thật nhiều chương trình giới thiệu cho các em học sinh hiểu thế nào là ĐCTT Nam Bộ và vì sao thế giới vinh danh bộ môn nghệ thuật này của chúng ta”.
NSƯT Minh Vương, NSƯT Cẩm Tiên và vợ chồng nghệ sĩ Lê Tứ, Hà Như trong hậu trường nhà hát
NSƯT Kim Tử Long và các diễn viên CLB sân khấu Lạc Long Quân
Tham dự chương trình có các nghệ sĩ: NSƯT Diệu Hiền, Cẩm Tiên, Kim Tử Long, NS Mỹ Chi, Kiều Phượng Loan, Lê Tứ, Hà Như, Mai Thế Hiệp, Chấn Cường, Lê Như… và các nghệ nhân: Trường Sinh, Trường Thọ, Duy Kim, Duy Khôi…
NSƯT Minh Vương tâm sự: “Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian . Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau.
Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Để các em học sinh hiểu khái quát về điều này, thì chúng ta phải thường xuyên đưa các em đến gần hơn với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, việc làm ý nghĩa này của TTVH quận 1 là một sáng kiến độc đáo, được các nghệ nhân và nghệ sĩ chúng tôi hưởng ứng nồng nhiệt”.
NSƯT Cẩm Tiên và Minh Vương ca bài "Lý chim quyên" - vọng cổ nhịp 64 trong chương trình Gala ĐCTT Nam Bộ
NSƯT Kim Tử Long và hai giáo viên trường THCS Đức Trí, quận 1 (Thu Cúc và Kim Chi) ca trích đoạn "Nửa đời hương phấn" tại Gala ĐCTT Nam Bộ 2014.
Thạc sĩ Huỳnh Khải – người sống chết với ĐCTT Nam Bộ đã giới thiệu sơ nét cho học sinh hiểu về 20 bài bản Tổ. Ông phân tích kèm theo minh họa, để các em biết về bài bản của ĐCTT được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam.
Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đã hòa tấu bản Lưu Thủy Trường cùng với ban nhạc ĐCTT Nam Bộ.
Em Trần Trọng Nghĩa (lớp 8 trường THCS Võ Trường Toản) hòa tấu đàn tranh bài Tam pháp nhập môn với ban nhạc ĐCTT của TTVH quận 1
NSƯT Minh Vương động viên em Nghĩa cố gắng học thật tốt ngón đàn tranh để gầy dựng phong trào ĐCTT Nam Bộ cho trường THCS Võ Trường Toản.
Bên cạnh đó, học sinh còn được làm quen với nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan...
CLB sân khấu Lạc Long Quân và NSƯT Cẩm Tiên, NS Mỹ Chi cùng vũ đoàn Si Si (Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp, TPHCM) trong chương trình Gala ĐCTT Nam Bộ sáng 13-9
NSUT Diệu Hiền đã giới thiệu đến các em bài vọng cổ nhịp 64 – 3 câu: Tần Quỳnh khóc bạn (soạn giả NSND Viễn Châu) và hai thầy cô giáo đã hóa thân thành hai nhân vật anh hùng lịch sử dân tộc, trong vở tuồng Tiếng trống Mê Linh (soạn giả Việt Dung, Vĩnh Điền): Thi Sách (thầy Trần Đình Thọ) và Trưng Trắc (cô Nguyễn Thị Hồng Vân) đến từ trường THCS Đức Trí.
NSUT Kim Tử Long đã cùng giao lưu với hai cô giáo đến từ trường THCS Minh Đức: Đỗ Thị Thu Cúc, Phạm Thị Kim Chi với một lớp Phụng Hoàng trong vở tuồng “Nửa đời hương phấn” (Hà Triều, Hoa Phượng). Em Kim Hiền (học sinh lớp 9 /4 trường THCS Minh Đức) ca bài “Ngựa ô nam” trong tác phẩm Đôi dép Bác Hồ của tác giả Thái Quốc Thế Nguyên.
NS Mai Thế Hiệp, Nguyễn Anh Tú hướng dẫn các em học sinh trường THCS Trần Văn Ơn ca ra bộ.
Các em học sinh trường THCS Trần Văn Ơn đã cùng với NS Mai Thế Hiệp và 4 diễn viên Nguyễn Phi Long, Nguyễn Anh Tú, Bảo Chu, Quách Ra Băng tìm hiểu về nghệ thuật ca ra bộ.
Em Trần Trọng Nghĩa (học sinh Trường THCS Võ Trường Toản) đã hòa tấu đàn tranh với ban nhạc bài “Tam pháp nhập môn”, cho thấy nhiều học sinh cấp 2 đã được gia đình cho theo học nhạc cụ dân tộc để có thể tham gia biểu diễn phong trào văn nghệ, góp phần gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh" (soạn giả Việt Dung, Vĩnh Điền): do thầy Trần Đình Thọ (Thi Sách) và cô Nguyễn Thị Hồng Vân (Trưng Trắc) - trường PTTH Đức Trí biểu diễn.
NSƯT Minh Vương tâm sự: “Không khí chương trình Gala ĐCTT Nam Bộ đã thật sự tạo hiệu ứng tốt đối với học sinh các trường cấp II trên địa bàn TPHCM, hứa hẹn sẽ nhân rộng hiệu quả của dự án này, góp phần phổ biến ĐCTT Nam Bộ đến với lớp trẻ”.