Chớp mắt đã 5 năm trôi qua, khan giả mộ điệu sân khấu cải lương đã vĩnh viễn không được nhìn thấy bà – người nghệ sĩ có gương mặt phúc hậu, đôi mắt đẹp và thoáng buồn, giọng ca liêu trai, ẩn chứa nỗi niềm sâu lắng.
Nhắc đến Thanh Thanh Hoa có lẽ lớp khán giả trẻ còn khá mơ hồ, hoặc có biết chăng thì cũng kèm theo thông tin bà là mẹ của NSƯT Thanh Thanh Tâm. Thế nhưng đối với những người thật sư hâm mộ cải lương thì bà là một tên tuổi quen thuộc. Có cha và mẹ là những người làm “công tác hậu cần” cho cải lương.
Thanh Thanh Hoa dã đến với sân khấu bằng niềm say mê rất hồn hậu. Mê ca hát từ nhỏ nên mới 12 tuổi bà đã theo học ca, học múa ở đoàn hát Thanh Minh cùng với các nghệ sĩ trẻ bấy giờ như Thanh Nga, Thanh Hiền, Văn Dũng, Văn Xí (sau đổi danh là nghệ sĩ Nam Hùng) …
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Có làn hơi rong, giọng thổ khá lạ, ca rất chắc nhịp và đúng bài bản, Thanh Thanh Hoa nhanh chóng được các ông bầu săn đón khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà đã từng hát chánh qua các gánh Thanh Minh-Thanh Nga, Tân Hương Hoa, Thủ Đô và nổi danh với những kịch bản.
Tiếng trống sang canh, Sầu quan ải, Cây quạt lụa hồng, Cát Dung Phương Tử … Năm 1961, mới chỉ vài năm theo nghề, bà đã đoạt được HCV giải Thanh Tâm danh giá (năm ấy chỉ một mình bà được trao giải) Còn nhớ cách đây 5 năm, ngày 20-9-2009 (tứ 26-8 âm lịch) linh cữu của nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa đã được quàn tại chùa Trường Thạnh (97 Yersin, Q.1, Tp. HCM)sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ lúc 6 giờ ngày 22-9.
Đông đảo khán giả mộ điệu và nghệ sĩ đồng nghiệp đã đến đưa tiễn bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc đó NSƯT Thanh Thanh Tâm và người em trai (còn được gọi tên là Tâm em), đã khóc nức nở. Hai chị em từ ngày đó đã mồ côi mẹ, sống hiếu hạnh với cha nhưng lại thiếu vắng tình thương từ mẹ. Để đến này cả hai dìu dắt nhau qua những chặng đường khó nhọc chông gai.
NSND Viễn Châu đã từng nói: “Con đường đến với sân khấu của Thanh Thanh Hoa khá phẳng lặng, ít sóng gió, tính cách hiền lành, không ham bon chen, đua đòi, vậy mà những vai diễn của cô không ngả về một màu theo kiểu lành lành, nhàn nhạt. Các nghệ sĩ cùng thời và các thế hệ nghệ sĩ lớp sau ai cũng thừa nhận cô là một cô đào đa năng có thể hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau.
Đặc biệt là những vai độc mùi, đào lẵng. Cô đào này có tính tình vui vẻ, cứ cười suốt ngày, nước da ngăm nhưng lên sân khấu thì duyên khó ai sánh bằng. Tôi nhớ nhất trong vở “Vợ và tình” của NSND Nguyễn Thành Châu, cô sắm vai người tình với nhiều sắc độ khác nhau, vừa nghiêm trang, vừa sâu sắc, cái khao khát yêu, khao khát sống được cô diễn tả rất xuất thần, khiến người xem đôi lúc phải lạnh mình!”.
Là con nhà nghèo, phải nặng gánh gia đình nhưng dáng vẻ cơ cực, lam lũ đó đã không theo NS Thanh Thanh Hoa lên sân khấu, mà bà ca diễn rất sang trọng, quý phái. Các nhân vật của bà dù là dạng vai đào nào cũng không ồn ào nhưng da diết và đi sâu vào nội tâm khán giả.
Sau ngày hòa bình đất nước, nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa có một thời gian theo đoàn Sài Gòn 1 và đoàn Thanh Nga,sau đó gần như rời xa ánh đèn sân khấu. Cứ bình lặng làm nghề, bình lặng len lỏi vào những góc khuất của các nhân vật, không phô trương, làm nổi, thế nhưng khả năng của Thanh Thanh Hoa buộc giới làm nghề phải thừa nhận bằng HCV Thanh Tâm trong mùa giải năm 1961.
Tấm huy chương đầy tự hào đã được bà ghi nhớ bằng cách đặt nghệ danh Thanh Thanh Tâm cho cô con gái yêu được sanh ra chỉ vài năm sau đó. Nhân cách của bà không chỉ để lại gia tài lớn cho các con, các cháu mà còn để khán giả thương yêu mỗi khi nhắc đến bà.
THANH HIỆP
Nguồn tin: Báo sân khấu