Bỏ quên những kịch bản lịch sử trong lúc này là có lỗi với tiền nhân - những người tâm huyết với sân khấu đều nghĩ như thế
Hàng trăm kịch bản sân khấu thể hiện lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm đã từng làm rung động trái tim hàng triệu khán giả mộ điệu sân khấu. Tiếc rằng trong thời gian gần đây, việc tái dựng những kịch bản giá trị này vẫn chưa được chú trọng.
Thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua mỗi thời kỳ đã là chất liệu sống động cho nhiều tác giả chuyên nghiệp sáng tác hàng loạt vở diễn sân khấu trong suốt thời gian qua.
Khán giả mộ điệu sân khấu cải lương không thể nào quên những vở tuồng luôn cháy vé ngay từ buổi công diễn đầu tiên. Đó là Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa (Đoàn Cải lương Thanh Minh, Thanh Nga), Rừng thần (Đoàn Tiếng hát Sông Cửu), Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào (Đoàn Văn công Đồng Tháp)
Thái hậu Dương Vân Nga, Chim Việt cành Nam, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Hai Bến Nghé, Hoa độc trong vườn (Đoàn Văn công TP HCM, tiền thân của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Bức ngôn đồ Đại Việt, Cánh nhạn mù sương, Bão táp Nguyên Phong, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Má hồng soi kiếm bạc (Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ)
Tình sử A Nàng, Ngọn lửa Thăng Long, Hùm thiêng Yên Thế, Anh hùng bán than, Mặt trời đêm thế kỷ (Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), Đêm hội Long Trì, Hội nghị Diên Hồng, Nhiếp chính Ỷ Lan, Thanh gươm của Đô đốc (Đoàn Sông Bé)...
Một cảnh trong vở Bức ngôn đồ Đại Việt
Về thể loại cải lương độc diễn, tác giả Lê Duy Hạnh có bộ 3 kịch bản cải lương thể nghiệm dành cho một diễn viên, gồm: Hoàng hậu hai vua, Hồn thơ ngọc, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng. Ba vở này đã tạo dấu ấn đậm nét về thể loại kịch bản lịch sử dành cho một diễn viên.
Trên sân khấu kịch nói, gần 40 năm qua đã có các vở: Đâu có giặc là ta cứ đi, Người mẹ miền Nam, Lửa thiêng (Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang), Rừng trúc, Nguyễn Trãi (Nhà hát Kịch Việt Nam), Ánh sao khuê, Hào kiệt đất Tây Sơn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê (Sân khấu Kịch IDECAF), Nỏ thần (Kịch Phú Nhuận),
Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát Kịch TP HCM)... Với việc thể nghiệm kịch bản kịch nói thể hiện quan điểm của nghệ sĩ trước những vấn đề của lịch sử và đời sống sân khấu, tác giả Lê Duy Hạnh đã sáng tác Diễn kịch một mình - dấu son đậm nét của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM.
Bên cạnh đó, sân khấu hát bội cũng có nhiều kịch bản lịch sử rất hay, như: Chiến thắng Bạch Đằng Giang, Sát thát, Bé Thuận kiên cường, Trần Quốc Toản ra quân, Trần Thủ Độ...
Dày công sáng tạo
Điểm lại những tác phẩm sân khấu lịch sử hào hùng trên sàn diễn cải lương, chúng ta sẽ thấy ngay giá trị nghệ thuật mà các thế hệ soạn giả, đạo diễn đã dày công sáng tạo. Kịch bản Nhụy Kiều tướng quân của tác giả Hoàng Anh Chi thời đó đã thể hiện rõ bút pháp sáng tác độc đáo, để mỗi khi nhắc đến vở diễn này, khán giả nhớ ngay đến NSƯT Diệu Hiền.
“Tôi nhớ như in những ngày tập dượt kịch bản này do đạo diễn Thiện Mỹ dàn dựng cho Đoàn Văn công Đồng Tháp. Thủ pháp dàn dựng của Thiện Mỹ cuốn hút tôi ngay từ buổi tập đầu tiên. Anh không tuyên truyền lòng yêu nước và mối thù phải trả đối với quân xâm lược một cách lên gân.
Qua từng câu thoại, lời ca, diễn viên chuyển tải hết sức từ tốn cảm xúc của nhân vật, để trái tim yêu nước trong mỗi tâm hồn Việt rung lên, cùng hòa nhịp với nhân vật Triệu Thị Trinh trên đường tiến công đánh đuổi quân xâm lược. Sau thành công của vở diễn này, tôi bắt đầu thích diễn vai nhân vật lịch sử, mạnh dạn rời bỏ những vai diễn kiếm hiệp kỳ tình hoặc vai võ tướng của thể loại võ hiệp trên sân khấu cải lương” - NSƯT Diệu Hiền nhớ lại.
Sau dấu son đậm nét của Nhụy Kiều tướng quân, NSƯT Diệu Hiền còn có thêm vai nữ tướng Bùi Thị Xuân trong kịch bản Nữ tướng cờ đào của tác giả Hùng Tấn.
Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long là 2 đơn vị có nhiều tác phẩm đề tài lịch sử được dàn dựng thành công. “Thời đó, mỗi vở tuồng được viết và dựng trong 3 tháng. Khi lên sàn tập, đạo diễn còn có sự chỉnh sửa, chăm chút cho nhân vật chính nổi bật. Chúng tôi rất biết ơn các đạo diễn thời đó: Chi Lăng, Đoàn Bá, Ngô Y Linh...
Và các họa sĩ tâm huyết với sân khấu về đề tài lịch sử như: NSND Lương Đống, Phan Phan... Họ đã đóng góp nhiều công sức, sự sáng tạo cho những vở diễn lịch sử ra đời hoành tráng và có giá trị đỉnh cao” - soạn giả Bạch Mai nhận xét.
Tạo dấu ấn trong lòng khán giả
Nhiều nghệ sĩ đã có những vai diễn khiến công chúng yêu nghệ thuật sân khấu nhớ mãi khi hóa thân các nhân vật lịch sử trong những vở diễn thuộc đề tài này. Chỉ cần nhắc đến tên, khán giả mộ điệu nhớ ngay đến họ.
Những vai diễn để đời đó đã được ghi dấu thành tựu trong nghiệp diễn của mỗi người: NSND Ngọc Giàu (Thị Lộ, Thái hậu Dương Vân Nga), NSND Bạch Tuyết (Thái hậu Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng), NSƯT Thanh Nga, nghệ sĩ Phượng Liên (Trưng Trắc), NSƯT Thanh Sang (Thi Sách), NSND Thanh Tòng (Lý Đạo Thành, Nguyễn Địa Lô, Hưng Đạo Vương)
NSƯT Thành Lộc (Lý Thường Kiệt), NSƯT Minh Vương, NSƯT Hữu Châu (Nguyễn Trãi), NSƯT Diệu Hiền (Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh), NSƯT Thanh Vy (Võ Thị Sáu), NSƯT Mỹ Châu (Ngọc Hân), nghệ sĩ Tuấn Thanh (Nguyễn Huệ), NSƯT Vũ Linh (Trần Bình Trọng)...
Tái dựng vở diễn lịch sử, bao giờ?: Cần người tâm huyết
Có nhiều lý do biện minh cho việc sân khấu bỏ quên những vở diễn lịch sử nhưng tâm huyết không được khơi dậy là nguyên nhân chính
Vài năm gần đây, việc tái dựng một số kịch bản sân khấu đề tài lịch sử cũng được một số đơn vị xã hội hóa thực hiện nhưng chưa nhiều và ít vở diễn tạo tiếng vang như nguyên bản.
Thời hoàng kim còn đâu!
Tâm huyết sáng tác và dàn dựng kịch bản lịch sử phải kể đến Nhà hát Trần Hữu Trang, sự tập hợp những cây bút hết sức ăn ý của nhà hát này, như: Điêu Huyền, Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu cùng với đạo diễn Chi Lăng đã tạo nên kịch bản sân khấu lừng danh Thái hậu Dương Vân Nga.
NSND Ngọc Giàu nhớ lại: “Dàn nhạc thời đó do GS-TS - nghệ sĩ Ca Lê Thuần chỉ huy. Anh em nghệ sĩ và công nhân hậu đài hơn 100 người đã làm việc cật lực suốt nhiều tháng để đem lại thành quả nghệ thuật cho tác phẩm này.
Đạo diễn Chi Lăng có nhiều cách xử lý không gian sáng tạo rất độc đáo cho mỗi vai diễn. Sự độc đáo đó phá bỏ phong cách ca diễn cải lương xưa theo kiểu xuống vọng cổ thì bật đèn màu, thay vào đó là nội tâm ca diễn.
Sau này, khi đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn, tôi đóng vai Thị Lộ, anh Minh Vương đóng vai Nguyễn Trãi, đã có lớp phục hiện rất hay, lay động người xem khi 2 nhân vật gặp nhau trong mơ. Cải lương thời đó đã có những lớp phục hiện rất độc đáo, những khám phá trong dàn dựng”.
NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Quế Trân trong vở Chiếc áo thiên nga do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng năm 2008
Riêng về phần thiết kế trang phục, những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử đã được các thế hệ nghệ nhân chuyên thiết kế phục trang chăm chút rất tỉ mỉ. Theo NSƯT Hùng Minh, ông Tám Trống là người có công trong việc thẩm định trang phục của những vở diễn lịch sử.
Sau này có bà Hai Cố Đô, người truyền nghề lại cho chị em nghệ sĩ Kim Phượng, Phượng Nga để ngày nay cùng với nghệ sĩ Công Minh, Yến Phương, Bảo Ly... đã thành những nghệ nhân thiết kế phục trang sân khấu về đề tài lịch sử rất thành công.
Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, mỗi tác phẩm thuộc đề tài này luôn được đầu tư, trau chuốt thật kỹ trước khi ra mắt công chúng nên hầu hết đều là những bản dựng hoàn chỉnh. Chưa kể đến việc các soạn giả, tác giả thời đó đã viết bằng cảm xúc nên hầu hết kịch bản đều chắt lọc tinh tế, mạch lạc, cuốn hút người xem.
Cần một chiến lược cụ thể
Lý giải vì sao việc tái dựng những vỡ diễn đề tài lịch sử ngày càng hiếm hoi, trong khi đội ngũ đạo diễn trẻ vẫn than rằng sàn diễn cải lương thiếu kịch bản hay, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc phân tích: “Trước hết, thế hệ đạo diễn trẻ không muốn “đồ” lại thành tích cũ của thế hệ đạo diễn đi trước. Trừ khi đó là chương trình mang tính tôn vinh nghệ sĩ, hoài niệm hoặc kỷ niệm ngày thành lập đoàn hát.
Thứ hai, gia cố lại kịch bản xưa cần bàn tay điêu luyện của soạn giả giỏi, mà thế hệ trẻ hiện nay có khoảng cách rất lớn với đạo diễn, soạn giả sân khấu cải lương thuộc thế hệ vàng.
Chưa kể một số bản dựng không còn lưu trữ để có thể so sánh và cập nhật thông tin mới từ cuộc sống với nguyên tác. Thứ ba, nguồn kinh phí đầu tư cho các vở diễn này rất cao, không thể sử dụng cảnh trí, trang phục cũ mà phải đầu tư mới rất tốn kém.
Bằng chứng là vở Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều, sau khi dựng và diễn tại Nhà Thi đấuQuân khu 7, toàn bộ cảnh trí đều bỏ vì không có kho chứa, phí phạm rất lớn cho việc đầu tư. Nói chung, tái dựng tác phẩm sân khấu thuộc đề tài lịch sử đã là một việc nan giải, rất cần một chiến lược cụ thể.
Truyền hình chưa vào cuộc?
So với sàn diễn, lợi thế của sân khấu truyền hình có thể tái dựng những tác phẩm kinh điển thuộc đề tài lịch sử. Thế nhưng, vì sao nhiều năm qua, truyền hình vẫn chưa khai thác tối đa các vở diễn sân khấu đề tài lịch sử.
Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, giải thích: “Thời lượng phát sóng trên kênh HTV hiện nay không còn cho phép giữ đúng thời lượng biểu diễn của nguyên vở diễn thuộc đề tài lịch sử (từ 150 phút đến 180 phút).
Chương trình Ngân mãi chuông vàng - thường xuyên tái dựng kịch bản cải lương xưa, trong đó có nhiều kịch bản lịch sử, được truyền hình trực tiếp - cũng chỉ có thể cho phép lên sóng 90-100 phút.
Việc cắt xén kịch bản để bảo đảm thời lượng phát sóng và bằng ngôn ngữ truyền hình đã phần nào không đáp ứng niềm mong mỏi của khán giả yêu thích tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử. Ngay việc trao đổi với tác giả, đạo diễn của những tác phẩm này để được sử dụng kịch bản cũng gặp nhiều khó khăn vì không ai muốn đứa con tinh thần của mình bị cắt xén.
Trước đây, khi chương trình phim truyện cải lương truyền hình mới bắt đầu được thành lập, chúng tôi đã tái dựng 2 tác phẩm lịch sử kinh điển là Thái hậu Dương Vân Nga và Bão táp Nguyên Phong, được khán giả yêu thích dù phải cắt mỗi vở thành hai phần phát sóng để thích ứng với khung giờ phát sóng các chương trình khác”.
NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng để truyền hình khai thác một cách hiệu quả các vở diễn lịch sử, rất cần bàn tay biên tập có kinh nghiệm. Vì cắt xén sao cho hợp lý, thời lượng ngắn của vở diễn lịch sử lên sóng vẫn phải chuyển tải tốt tư tưởng và thần sắc của vai diễn, vở diễn. Chưa kể đến những vấn đề khác như tập dượt, diễn viên phải am tường về nhân vật mà mình đảm nhận, đạo diễn hết sức tinh tế trong dàn dựng.
“Tôi đã từng chứng kiến một số diễn viên chẳng hiểu gì về nhân vật lịch sử cũng như thời đại của nhân vật mình đang hóa thân, dẫn đến việc không tạo được hiệu quả tốt cho nhân vật” - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Thiệt hại quá lớn
Đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành tiếc nuối: “Việc ghi hình những vở diễn lịch sử trên sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói... đã bị bỏ quên một thời gian quá dài. Nếu tính lại sẽ thấy thiệt hại rất lớn về kinh phí đầu tư cho mỗi tác phẩm. Chúng ta chịu đầu tư kinh phí hàng tỉ đồng cho mỗi tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử nhưng việc ghi hình phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo tồn và trên hết là đưa những tác phẩm bằng băng hình này vào học đường đã không nằm trong chiến lược chung”.
Tái dựng vở diễn lịch sử, bao giờ?: Chung tay vỗ nên kêu!
Dựng vở sân khấu lịch sử, những người làm nghề phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn nhưng nếu hiệp lực sẽ làm được
Đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng nói: “Chúng ta đã bỏ phí một lượng lớn tác phẩm sân khấu ca ngợi chiến công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Việc tái dựng những tác phẩm này đang đặt ra trách nhiệm của người trong giới sân khấu làm sao tạo nên bước đột phá mới cho tác phẩm, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong giai đoạn cả nước đang hướng về biển đảo thân yêu”.
Trách nhiệm nghệ sĩ
Trên thực tế, để các vở diễn sân khấu thuộc đề tài lịch sử tham gia cơ chế thị trường, các giá trị đã định hình dễ bị chuyển dịch, thay đổi, đảo lộn. Những chức năng nghệ thuật trước đây luôn là tiêu chuẩn để thẩm định tác phẩm như: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ đã bị chức năng giải trí lấn át, thậm chí có vở diễn được tái dựng như bị thay thế hoàn toàn.
Theo đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng: “Tái dựng kịch bản lịch sử trong giai đoạn này đòi hỏi những người làm nghề tâm huyết phải có quan điểm toàn diện: Ca ngợi chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm; giáo dục đạo đức, ý thức tự hào dân tộc thông qua giá trị thẩm mỹ; bảo đảm được yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn người xem.
Thời bao cấp, dựng vở diễn sân khấu chỉ nghĩ đến “cung”, còn “cầu” có sẵn. Thời thị trường, chỉ “cung” khi có “cầu”. Việc giải quyết “cầu” hiện nay trở thành vấn đề tối quan trọng. Làm thế nào để giữ được tính dân tộc qua mỗi tác phẩm lịch sử khi được tái dựng?
Những giá trị truyền thống nào cần phải giữ? Những giá trị hiện đại nào cần tiếp nhận, đưa vào vở diễn lịch sử một cách hợp lý, đó là những vấn đề cần phải bàn, trước đòi hỏi cần tái dựng những tác phẩm lịch sử đỉnh cao”.
Cảnh trong vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi của Sân khấu Kịch IDECAF
NSND Thanh Tòng phân tích thêm: “Qua 2 đợt tái dựng uy tín: chương trình “Gìn vàng giữ ngọc” và “64 năm thành lập Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga” cho thấy sự tái diễn rất cần sức hấp dẫn của nghệ sĩ tên tuổi. Chương trình “Gìn vàng giữ ngọc” quy tụ được 3 thế hệ làm nghề với sự góp mặt của đôi tài danh Bạch Lê, Thanh Bạch từ Pháp về; Điền Thanh từ Úc sang hoặc chương trình kỷ niệm “64 năm thành lập Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga”
Đã có đến 4 thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng tham gia cho thấy đã đến lúc việc tái dựng kịch bản lịch sử phải tập hợp lực lượng nghệ sĩ tên tuổi và đạo diễn dàn dựng phải đủ bản lĩnh tạo nên dấu ấn mới cho tác phẩm”.
Theo NSND - họa sĩ Phan Phan: “Muốn tái dựng kịch bản lịch sử khi sàn diễn thiếu kịch bản hay, nghệ sĩ phải dẹp bỏ cái tôi quá lớn của mỗi người để chung tay”.
Nhà nước phải hỗ trợ
Tái dựng kịch bản lịch sử hiện nay cần có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết: “Quỹ phát triển văn hóa của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM phải hỗ trợ nguồn kinh phí cho việc dàn dựng mới hoặc tái dựng tác phẩm đỉnh cao.
Vừa qua, sân khấu chúng tôi đã 3 lần tái dựng vở Bí mật vườn Lệ Chi nhưng để biểu diễn tác phẩm này một cách rộng rãi, giá vé vừa túi tiền với khán giả sinh viên, công nhân thì phải có nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ. Hằng năm, chúng tôi phải lấy tiền lãi của chương trình Ngày xửa, ngày xưa để bù cho việc dựng vở lịch sử. Trên thực tế, dựng vở lịch sử rất tốn kém nhưng doanh thu không cao”.
NSND Hồng Vân cho biết thêm: “Vở Nỏ thần là kịch lịch sử duy nhất mà Sân khấu Kịch Phú Nhuận thực hiện, đến nay, muốn tái diễn mà bán vé mềm cho đối tượng sinh viên, chúng tôi cần phải có tài trợ. Nhưng khó ở chỗ kịch lịch sử không kiếm được nhà tài trợ. Chỉ có nhà nước là có thể giải quyết được vấn đề này để đưa kịch lịch sử đến được với công chúng trẻ”.
Lý luận phê bình cần vào cuộc
Tái dựng tác phẩm đề tài lịch sử rất cần đội ngũ lý luận, phê bình vào cuộc. NSND Phạm Thị Thành nhận định: “Trước đây, vì sao hàng trăm tác phẩm sân khấu lịch sử được công chúng đón nhận, là vì đội ngũ lý luận phê bình rất công tâm trong việc khen chê, phân tích điểm hay, điều hạn chế qua mỗi tác phẩm, mỗi vai diễn.
Vở diễn đề tài lịch sử được tái dựng phải thực sự sống trong đời sống sàn diễn. Theo tôi, để tái dựng thật tốt những tác phẩm đỉnh cao, đội ngũ lý luận phê bình phải thể hiện vai trò của mình trong việc định hướng người làm nghề nâng cao giá trị tác phẩm”.