ĐỜN CA TÀI TỬ ĐƯỢC VINH DANH
Niềm vui và trách nhiệm
Khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đờn ca tài tử (ĐCTT) sẽ được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là di sản của người dân Việt Nam mà là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ.
Từ đó, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa và du lịch.
Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ niềm vui và trách nhiệm trước sự kiện trọng đại này.
GS- TS Trần Văn Khê: Vui mừng nhưng phải làm sao cho xứng đáng khi thế giới đã tôn vinh!
… Tôi cũng như tất cả những người Việt từ Bắc chí Nam, nghe tin này ai cũng rất vui. Lớn lên trong không khí ĐCTT, tất cả gắn liền với tôi trong mấy chục năm qua.
Vui mừng đó nhưng cũng lo ngại vì mình làm sao cho xứng đáng khi thế giới đã tôn vinh, đừng biến bộ môn này thành một bộ môn vị nghệ thuật trên sân khấu, âm nhạc tài tử không còn là một môn nghệ thuật. NSND Bạch Tuyết: Phải làm thế nào để ĐCTT mỗi ngày mỗi xứng đáng với sự kính trọng mà thế giới đã dành cho chúng ta!
… Khi chúng ta hiểu và cảm nhận được giá trị của phần thưởng, sự công nhận của UNESCO đối với văn hóa phi vật thể của chúng ta, đối với ĐCTT thì tôi nghĩ rằng thế hệ hôm nay phải bảo tồn, gìn giữ, phải làm thế nào để ĐCTT mỗi ngày mỗi xứng đáng hơn với niềm tin của dân tộc và với sự kính trọng mà thế giới đã dành cho chúng ta. NSND Thanh Tòng: Chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn để bộ môn này ngày càng phát triển rực rỡ hơn!
… Trong chiến tranh, ĐCTT hay cải lương đã tự vật lộn trong mọi tình huống để giữ gìn bản sắc dân tộc để không bị đồng hóa với văn hóa nghệ thuật ngoại lai và dù chảy bao xương máu ông cha ta đã cố gắng tô hồng lại.
Hôm nay, con cháu được hưởng di sản này là điều rất quý, không chỉ riêng Thanh Tòng mà thế hệ hôm nay, ngày mai phải tự hào với điều mà ông cha ta đã làm được.
Chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn để bộ môn này ngày càng phát triển rực rỡ hơn để tự hào rằng từ một dân tộc nghèo nàn, nhỏ bé, chúng ta đã vươn ra thế giới, rực sáng bầu trời nghệ thuật ở bộ môn này. NSND Thanh Hải: Trách nhiệm để bảo vệ, gìn giữ cho xứng đáng, xứng tầm với một văn hóa được thế giới công nhận!
… Là người Việt Nam và nhất là người làm trong nghề khi ĐCTT được vinh danh, tôi không biết diễn tả niềm vui này như thế nào.
Nhưng tôi nghĩ rằng vui không thì chưa đủ vì ngoài niềm vui còn là trách nhiệm để bảo vệ, gìn giữ cho xứng đáng, xứng tầm với một văn hóa được thế giới công nhận.
Cũng rất mừng là nhiều tỉnh- thành hiện có khá nhiều chương trình xây dựng nhằm tôn vinh và giữ gìn môn nghệ thuật này. Nghệ sĩ Lê Tứ: ĐCTT được công nhận- giây phút ấy vẫn không thể nào quên được!
… Lê Tứ rất vui khi có mặt tại buổi lễ xét duyệt của Hội đồng tại TP Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan. Giây phút đó, cảm giác đó tới giờ Lê Tứ vẫn không quên được.
Hồi hộp vô cùng. Mình đang sống và làm nghề mà nghề này được thế giới công nhận thì đó là niềm tự hào dân tộc rất lớn.
Đơn vị Việt Nam được mọi người đồng thuận, xét rất nhanh dù là đứng ở vị trí 31. Người ta thì xét 5- 10 phút mới xong nhưng tới Việt Nam thì chỉ trong vòng 2- 3 phút.
HỒ VĂN (thực hiện)