1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    LÀ MỘT NGHỆ SĨ TÀI SẮC, TỪ THẬP NIÊN 80 – 90, THUỞ SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG CÒN LÀ THIÊN ĐƯỜNG CHO NGHỆ SĨ, CHO KHÁN GIẢ MỘ ĐIỆU, NSƯT MỸ THU ĐÃ SỚM KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH Ở CÁC TỈNH MIỀN TÂY, NHẤT LÀ Ở KHU VỰC MIỀN TRUNG CÔ ĐƯỢC KHÁN GIẢ PHONG TẶNG DANH HIỆU “NỮ HOÀNG ẤN ĐỘ” QUA CÁC VỞ DIỄN CÔNG CHÚA TÔ LAN, MÙA TÔM, HOÀNG HẬU BA TƯ.

    CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NGHỆ THUẬT NHƯ TRẢI THẢM HOA VỚI CÔ, SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG ĐÃ CHỌN MỸ THU NHƯ LÀ ĐỊNH MỆNH DÀNH CHO PHẬN MÁ HỒNG. SỰ NGHIỆP THĂNG HOA, NHƯNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH, NIỀM VUI KHÔNG TRỌN VẸN. SAU BAO CUỘC THĂNG TRẦM, DÂU BỂ, MỸ THU GIỜ ĐÃ LẮNG LÒNG, CHÚT THANH THẢN BÌNH YÊN TRONG MÁI ẤM NHỎ CỦA MÌNH VỚI ĐỨA CON GÁI DUY NHẤT TỪ MỐI TÌNH ĐẦU TIÊN, NHỚ LẠI MẤY MƯƠI NĂM XƯA…


    NSƯT Mỹ Thu
    GỐC MIỀN TRUNG XUÔI NAM

    NSƯT Mỹ Thu tên thật là Nguyễn Thị Thu, cha mẹ là người Đà Nẵng, đã rời miền Trung nơi cắt rún chôn nhao, nắng gió mùa khô, mùa mưa giông bão, vào Nam Định cư trú tại vùng đất đỏ Xuân Lộc, Đồng Nai. Sanh ra ở vùng đất mới này, từ thuở nằm nôi được nghe lời hát ru mang âm hưởng điệu hát câu hò bài Chòi thắm đượm của người mẹ trẻ vốn là một nghệ sĩ hát dân ca.

    Biết nói đã biết ca, 5 – 6 tuổi trở thành cây ca nhạc trữ tình nhất… nhà, tới khi cắp sách đến trường là hạt nhân nhỏ tuổi xuất sắc nhất, cứ như thế bé Thu vừa học chữ, vừa hát cho đến hết cấp III. Không chọn con đường học vấn mà chọn nghiệp “cầm ca”…

    ĐI HÁT TỪ ĐAM MÊ CẢI LƯƠNG CỦA NGƯỜI CHỊ RUỘT


    Trong gia đình Thu có người chị thứ tư rất mê coi hát cải lương, quen biết nhiều đoàn hát. Đi coi hát về, nhìn lại thấy em gái mình nhan sắc cũng đâu đến nỗi và giọng ca nữa, dường như chất giọng nó nghe hay hay không thua mấy cô đào chánh. Thời gian ấy, làm ăn khó khăn, đời sống của người dân ở thôn quê cực nhọc trăm bề, chạy lo cho cái ăn, cái mặc vô cùng vất vả.

    Không muốn em mình mai sau cực khổ, suốt đời thành cô thôn nữ chân quê, chị tư quyết định đưa em mình lên Sài Gòn tìm đến lò dạy đờn ca cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trọng, một ông thầy rất có tay dạy học trò, nhiều đệ tử của ông thành nghệ sĩ danh tiếng, hy vọng em gái mình cũng sẽ là nghệ sĩ cải lương…

    Học thầy Út Trọng mấy tháng, nhờ sáng dạ, có năng khiếu nên Thu học rất nhanh các thể loại bài bản cải lương, được thầy và bạn đồng môn yêu mến, tin tưởng cô gái này sẽ thành tài. Chị tư tự đặt nghệ danh Mỹ Thu cho em gái, chị mong muốn cuộc đời và sự nghiệp của em mình luôn xanh trong, tươi đẹp…

    Sau đó Mỹ Thu nghỉ học ở thầy Út Trọng, được chị tư gởi vào đoàn cải lương Kim Dung của ông bầu Đặng Hiền Lương, hát quanh vùng giồng Ông Tố, đào chánh của đoàn là nghệ sĩ Ánh Hoa (vợ vua xàng xê Minh Chí, hiện là diễn viên điện ảnh), Hoa Thảo Sương, Minh Thành (khôi nguyên vọng cổ trước cả Minh Vương), Quang Hiền, Ngọc Kim, Hoàng Kim.

    “Vua xàng xê” Minh Chí coi sân khấu (phụ trách nghệ thuật), Mỹ Thu không phải làm tỳ nữ ngày nào, hằng đêm hát tân nhạc phụ diễn trước khi đoàn mở màn hát vở cải lương dài. Một đêm kia, đoàn diễn vở Lâm Sanh – Xuân Nương, nghệ sĩ Hoa Thảo Sương bị bịnh đột ngột, vai Công chúa của chị trong vở chưa có người hát thay vai, nghệ sĩ Minh Chí mới hỏi .

    “Có đứa nào hát vai Công chúa được không bây?”, vừa dứt câu hỏi Mỹ Thu đã đưa tay xin hát thế. Mặc dù ngày nào cũng được hát ngoài màn, rất dạn dĩ sân khấu, vậy mà khi đóng tuồng, vào vai Mỹ Thu lại run, mất tự tin, tới lớp diễn bước ra sân khấu tối tăm mặt mày, quên cả lời thoại, bài ca, không nhớ mình phải hát gì, nghệ sĩ Minh Chí hát vai Vua đứng bên cạnh.

    Với kinh nghiệm của mình ông đã cứu bồ bằng vài câu hát cương rồi đến bên Mỹ Thu nắm tay trấn tỉnh, vừa nhắc tuồng vừa nói nhỏ “Bĩnh tĩnh hát đi con, ba sẽ hổ trợ cho con…” sau câu nhắc nhở đó, Thu bỗng tỉnh ra, lấy hết tinh thần hát tròn vai Công chúa, trong đoàn khen có tương lai.

    Ai cũng trầm trồ “Công chúa đẹp quá” lần đầu tiên thế vai đào nhì, vượt qua thử thách thành công, Mỹ Thu được hai nghệ sĩ Minh chí và Minh Thành nhận làm đệ tử. Sư phụ Minh Chí dạy diễn, thầy minh Thành dạy ca, cô Ngọc Kim dạy hóa trang, dạy hát đào văn, đào võ, cứ vậy mà luyện nghề…

    25 NĂM VINH QUANG

    Mấy năm đầu tập sự, đến năm 1983, tên tuổi Mỹ Thu bắt đầu được chú ý, các đoàn tìm đến mời Mỹ Thu về hát chánh, Thu chọn đoàn Cao Văn Lầu lúc này vẫn chưa chia thành 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau như hiện nay mà tên gọi chung là tỉnh Minh Hải. Vùng sông nước này đón nhận cô đào chánh Mỹ Thu nồng nhiệt, bắt đầu hưởng được hương vị vinh quang.

    Nhiều bà má, nhiều em coi Mỹ Thu như người thân trong gia đình, ghe hát vừa cặp bến là có người dân mời mọc về nhà cho nghỉ nhờ, con cá, con tôm ngon dành riêng cho cô đào chánh xinh đẹp ca hay, diễn giỏi, những tình cảm sâu đậm ấy không bao giờ quên. Thời ấy đi diễn vùng sông nước rất đông khán giả, nhưng sinh hoạt rất vất vả.

    Mùa nắng thiếu nước ngọt, mùa mưa sình lầy trơn trợt có bữa sau đêm diễn mình đầy bùn đất như từ dưới ruộng lên, vậy mà vui lắm. Tiếng lành đồn xa, tác giả Trần Nhật Quang (ông Mười Quang, thân sinh nghệ sĩ Kim Thoa) lúc ấy là trưởng đoàn cải lương Võ Thị Sáu (nay là đoàn cải lương Đồng Nai) sau khi nhận trách nhiệm cải tổ, xây dựng đoàn lớn mạnh, đã mời Mỹ Thu về cộng tác với đoàn.

    Mở ra một giai đoạn rực rỡ của Mỹ Thu trên sân khấu này. Bộ ba Ngân Vương – Mỹ Thu – Phương Hồng Thủy, cùng với Tuấn Minh, Lan Ngọc, Ngọc Hường… đã đưa đoàn cải lương Võ Thị Sáu từ một đoàn cải lương hạng trung trở thành “đệ nhất anh hùng lưu diễn”, danh xưng mà các đoàn bạn kiêng nể phong cho đoàn.

    Đi lưu diễn miền Trung, miền Bắc giai đoạn ấy, kể cả các đoàn lớn ở TP. HCM không may lấy điểm diễn gần đoàn Võ Thị Sáu bị thất thu là cái chắc. Những vở tuồng màu sắc của đoàn rất được ưa chuộng, những tiểu thư, công chúa, nữ vương Ba Tư, Á Rập, Ấn Độ được Mỹ Thu ca múa rất độc đáo, gương mặt đẹp đài các, quý phái, trong trang phục lộng lẫy.

    Ở lứa tuổi đương xuân hăm mấy làm say đắm hàng triệu khán giả miền Trung vậy là họ đặt cho Mỹ Thu danh hiệu “Nữ Hoàng Ấn Độ”. Những danh xưng ông hoàng bà chúa của sân khấu cải lương là kết quả của tài sắc, của sự ái mộ cuồng nhiệt mà khán giả dành riêng cho nghệ sĩ là thần tượng của mình.

    Từ năm 1984 lúc vừa bắt đầu về đoàn kéo dài đến năm 1993, gần mười năm vinh quang với đoàn cải lương Võ Thị Sáu, gắn liền với bộ đôi Ngân Vương – Mỹ Thu. Đẹp đôi từ sân khấu đến cuộc đời. Sau khi chai tay với mối tình đầu, nhiều năm ở vậy nuôi con, đứa con gái duy nhất cho đến bây giờ, Mỹ Thu và Ngân Vương đã đến với nhau.

    Nhịp cầu duyên là những vai diễn mà hai người hóa thân trên sân khấu. Những ngày hạnh phúc của đôi uyên ương đồng tài, xứng sắc đã dể lại cho sân khấu cải lương nhiều vai diễn hay mà mỗi khi nhắc lại người ta còn nhớ “Đoàn cải lương Võ Thị Sáu có Ngân Vương – Mỹ Thu đẹp đôi số một”.

    Đời nghệ sĩ nhiều biến đổi, là nghệ sĩ trẻ đang ăn khách, tài hoa Ngân Vương rất được nhiều ngưới ái mộ, đã dan díu tình cảm với người khác, một cú sốc tình cảm dữ dội đã làm Mỹ Thu đau đớn chia tay người chồng mà mình thương yêu, quý trọng nhất. Cô đã ở vậy cho đến ngày nay. Sau này Ngân Vương tâm sự, sai lầm lớn nhất là anh đã đánh rơi hạnh phúc của mình, mất người vợ tài hoa, hiền thục. Bây giờ họ vẫn là bạn tốt, nhưng không thể quay về với ngày xưa ấy.

    (Còn tiếp)

    VIỆT KHANG
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (04-12-2013), romeo (04-12-2013)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    NSƯT Mỹ Thu: Nữ hoàng Ấn Độ (phần 2)

    Tiếp tục kiếp tằm: Sau khi rời Đoàn cải lương Võ Thị Sáu với nỗi buồn riêng, Mỹ Thu đã dành hết tâm ý cho sân khấu, cô đi tìm những người bạn diễn mới cho mình. Năm 1993 Mỹ Thu về cộng tác với Đoàn cải lương Nhạn Trắng tỉnh Bình Thuận cùng hát chánh với giọng ca trẻ Linh Trúc, tạo sức hấp dẫn mới cho Đoàn.

    Thời gian này Đoàn cải lương Nhạn Trắng rất được khán giả quê nhà cũng như các tỉnh miền Trung yêu mến. Nỗi buồn cũng tạm quên đi, Mỹ Thu quyết định tham gia giải Trần Hữu Trang lần thứ 3. Cô đã vào chung kết với số điểm cao nhất, cùng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1993 tại TP. Hồ Chí Minh cùng với Châu Thanh, Linh Tâm, Linh Huệ, Linh Châu, mở ra con đường mới để Mỹ Thu tiếp cận với sân khấu TP. Hồ Chí Minh.

    Đoàn Văn Công Thành phố 2 được thành lập với thành phần nghệ sĩ khá hùng mạnh như NSND Diệp Lang, NSUT Giang Châu…với bộ ba Mỹ Thu, Châu Thanh, Dương Thanh và một số nghệ sĩ khác. Đoàn Văn công Thành phố thu hút khá đông khán giả trên bước đường lưu diễn của mình.

    Những tưởng đây là sân khấu lý tưởng để Mỹ Thu phát huy tài năng của mình, tạo tên tuổi ở TP. Hồ Chí Minh nhưng rồi đời sống kinh tế khó khăn, lương nghệ sĩ TP không cao như ở tỉnh, lại không có nhà riêng nên cô đành chấp nhận xa thành phố về hợp tác với Đoàn cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau.

    Tham gia Hội diễn sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 với vai Hương trong vở Bóng biển, Mỹ Thu đã nhận huy chương vàng qua vai diễn này. Hợp tác với Đoàn cải lương Hương Tràm được 2 năm, năm 1997 NSUT Trọng Hữu, lúc này đang là diễn viên chính của Đoàn cải lương Tây Đô, Cần Thơ đã bàn với Đoàn mời Mỹ Thu về cộng tác.

    Thời gian Mỹ Thu trụ ở Đoàn Tây Đô không lâu, vừa xong hợp đồng sáu tháng, cô không ký tiếp mà trở ra miền Trung cùng với Thanh Dũng tạo thành một liên danh mới ở Đoàn cải lương Sông Hàn (Quảng Nam – Đà Nẳng).

    Suốt chặn đường hoạt động nghệ thuật của mình, mảnh đất miền Trung dường như mới chính là nơi Mỹ Thu gặt nhiều thành công nhất. Đời nghệ sĩ như cánh chim trời phiêu bạt, khó định canh định cư ở nơi nào nhất định. Sau mấy năm nắng gió với miền Trung, năm 2000 Mỹ Thu trở về với Đoàn cải lương Bến Tre. Đây cũng là sân khấu để lại cho cô nhiều kỷ niệm tốt đẹp.
    NSUT Mỹ Thu trong vở Hương tràm của Đoàn cải lương Long An
    Năm 2002 trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp các tỉnh phía Nam tại Cần Thơ do Bộ văn hóa và Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, một lần nữa Mỹ Thu xuất sắt đoạt huy chương vàng với vai Thơm trong vở Mùa chim lá rụng. Ở Đoàn cải lương Bến Tre Mỹ Thu có nhiều vai diễn hay, trong đó có vai bà Lê Thị Điền, vợ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong vở Trái tim và Đôi mắt.

    Hay vai nữ chánh trong Lỡ nhịp cầu duyên…Mảnh đất Bến Tre là nơi thắm đượm tình nghĩa, dù hôm nay đã rời đi nhưng Mỹ Thu vẫn tri ân những tấm lòng của khán giả, của bạn bè đồng nghiệp nơi xứ dừa coi Mỹ Thu như một người thân trong gia đình. Năm 2004 có một sự hoán chuyển khá thú vị, nghệ sĩ Tuyết Ngân – cô đào chánh của Đoàn cải lương Long An.

    Người gốc Bến Tre đã rời đoàn này trở về quê hương hát cho Đoàn Bến Tre, thì Mỹ Thu từ xứ dừa đến hát thay vai Tuyết Ngân ở Long An. Năm 2005 trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh, một lần nữa Mỹ Thu lại nhận được huy chương vàng với vai Hương trong vở Hương tràm. Đây là vai diễn không có nhiều đất để cho Mỹ Thu thi thố tài năng, nhưng với kinh nghiệm và độ chín tài năng, cô đã hoàn thành xuất sắt vai diễn của mình.

    Tất cả những giọt mồ hôi, nước mắt, niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và cay đắng trong suốt 30 năm dài của một kiếp tằm đã được đền bù xứng đáng. Năm 2007, Mỹ Thu được nhà nước phong tặng danh hiệu NSUT, một phần thưởng vô giá dành cho một nghệ sĩ tài sắc đã cống hiến hơn nữa đời người cho nghệ thuật sân khấu cải lương, nơi cô đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với đồng nghiệp, với khán giả tri âm.

    Niềm vui và nỗi buồn còn lại.

    Mỹ Thu có một thời gian bị bệnh phải nghỉ hát hơn năm trời, tưởng như sự nghiệp ca hát đã chấm dứt với cô, nhờ điều trị kết hợp Đông Tây y, Mỹ Thu đã trở lại sân khấu. vẫn dáng vẻ xinh đẹp như ngày nào dù đã qua tuổi trung niên, giờ đây con gái của cô đã yên bề gia thất, có được người chồng tử tế và hai đứa con ngoan, niềm vui ở gia đình nhỏ chính là hạnh phúc lớn nhất của Mỹ Thu hiện nay bên con cháu.

    Nhìn lại chặn đường mấy mươi năm đã qua của mình, NSUT Nỹ Thu tâm sự: “Cuộc đời em khi đứng trên sân khấu luôn luôn gặp được sự may mắn, bạn bè đồng nghiệp thương yêu, người lớn thì tận tình chỉ dạy nâng đỡ, em út thì quý mến, trân trọng, nhất là với khán giả - họ luôn coi em là người thân.

    Những kết quả từ những huy chương vàng, các vai diễn hay không phải ai cũng có được. Cuôc đời sân khấu thăng hoa bao nhiêu thì cuộc sống riêng, mảnh đời nhỏ của mình luôn là niềm đau và bất hạnh.

    Không biết số phân của em ứng với câu hồng nhan đa truân. Chưa bao giờ em được hưởng một hạnh phúc thật sự, thôi thì tất cả hãy để cho thời gian chôn lấp. Em tìm niềm vui với gia đình, hướng Phật.

    Dự định năm 2014, em sẽ không đi lưu diễn với Đoàn cải lương Long An nữa, một phần do sức khỏe, một phần em muốn dành khoảng đời còn lại của mình đi hát từ thiện, hát cúng ở các chùa.

    Em sẽ cùng một số bạn bè tập hợp lại thành một nhóm hát chuyên những bài ca, những kịch bản, trích đoạn có nội dung hướng thiện, về Phật, về lòng nhân ái…Có lẽ đi hát như thế lòng em sẽ thanh thản hơn”.

    Chia tay NSUT Nỹ Thu vào những ngày cuối của tháng 12 năm củ. Năm mới sắp đến chúc NSUT Mỹ Thu đạt được ước nguyện của mình. Một đời nghệ sĩ vinh quang nhưng cũng nhiều trắc trở, biết tự hàn gắn vết thương lòng của mình bằng những việc làm thiện nguyện.


    Nguồn tin:
    Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (12-12-2013)

ANH EM CHANNEL