Dải đất miền Trung từ Phan Thiết ra tới cố đô Huế luôn là mảnh đất màu mỡ cho sân khấu cải lương. Lượng khán giả yêu thích cải lương ở các vùng biển rất mãnh liệt.
Thời hoàng kim miền Trung là nơi hốt bạc của những đoàn cải lương phía nam. Đặc biệt chính từ khán giả miền trung các danh ca đã sáng tạo ra lối hò Huế hay cách ca hơi dài lạng bẻ nhiều chữ, chồng hơi lên cao. Khán giả miền Trung rất sành điệu cải lương, nhiều danh ca cải lương xuất thân từ miền Trung, nổi danh nhất là danh ca NSUT Thanh Tuấn.
Ở miền Trung rất nhiều người mê vọng cổ, mới đây có Nguyễn Văn Mẹo, từ Bình Định vào đã chiếm Chuông vàng vọng cổ. Có một người bạn của Văn Mẹo, quê Phú Yên cũng rất mê vọng cổ, chỉ mới hai năm cô đã tạo cho mình một chỗ đứng tương đối tốt để phát triển lên trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp với giọng ca ngọt ngào, trầm ấm, rất lạ pha trộn giữa âm hưởng điệu hò miền Trung và giai điệu trữ tình của làn điệu vọng cổ phương nam. Cô chính là giọng ca trẻ Xuân Viên.
Xuân Viên tên thật là Bùi Thị Xuân Viên lớn lên ở xã Hoà Quang, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên, nơi có thắng cảnh rất đẹp. Từ 14-15 tuổi, Xuân Viên đã mê ca hát, đặc biệt là các làn điệu dân ca, nhất là bài vọng cổ. Thường theo mẹ coi hát khi có các đoàn miền Nam ra diễn, rồi học bài bản, vọng cổ bằng cách nghe từ băng đĩa, đài phát thanh, truyền hình.
Rồi đến nhà Thầy Cảnh, một nghệ nhân đờn cổ nhạc rất hay, sử dụng được nhiều nhạc cụ trong dàn đờn cải lương, nhờ thầy điều chỉnh nâng cao, chỉ trong thời gian ngắn Xuân Viên trờ thành giọng ca cải lương có tiếng tăm ở địa phương nhà, các hội thi của học sinh trong huyện, tỉnh Xuân Viên đều hoạt giải cao.
Mọi người đã nhìn thấy khả năng tiềm ẩn của một giọng ca chuyện nghiệp sau này. Thần tượng mà Xuân Viên yêu thích nhất là nghệ sỹ Tài Linh. Giọng ca truyền cảm mùi mẩn của thần tượng đã khuyến khích Xuân Viên nuôi ước vọng trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hai năm liên tiếp 2011,2012 Xuân Viên đều lọt vào chung kết Chuông vàng vọng cổ khu vực miển Trung;
Nhưng chưa có may mắn để vào vòng chung kết xếp hạng, không phải vì chất giọng kém, nhưng vì áp lực của cuộc thi, thiếu kinh nghiệm trên sân khấu trực tiếp truyền hình nên không tránh khỏi những sơ sót khi biểu diễn. Thực chất, khi vào Nam chính thức làm nghệ sĩ chuyên nghiệp Xuân Viên hát rất hay, rất được cảm tình của giới chuyên môn và khán giả.
Xuân Viên có chất giọng thổ dầy, trung cao, có thể chồng hơi lên những dấu sắc rất ngọt mà vẫn giữ được độ trầm ấm truyền cảm tha thiết, có âm hưởng giống giọng ca của NSND Ngọc Giàu thời trẻ. Kỹ thuật sắp nhịp khá tốt, tương lai không xa Xuân Viên là một gọng ca cải lương hay, mới.
Rất thích cách ca vọng cổ luyến láy dấu sắc của Hồ Ngọc Trinh, cách ca trữ tình bay bướm, sâu lắng của Thanh Thanh Hiền. Tuy mê ca vọng cổ từ nhỏ nhưng gia đình đã định hướng cho Xuân Viên nghề nghiệp khác, cô đã tốt nghiệp cao đẳng kế toán ở trường Cao Đẳng Công Nghiệp Tuy Hoà.
Sau lần thi Chuông vàng vọng cổ khu vực miền Trung, Xuân Viên có dịp vào Nam tiếp xúc với nhiều bạn bè nghệ sĩ niềm đam mê trở thành một giọng ca chuyên nghiệp luôn thôi thúc trong lòng. Nhưng rồi Xuân Viên phải đi xin việc làm, đã trúng tuyển vào một công ty ở huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Sự hấp dẫn của nghề ca hát ở thành phố Hồ Chí Minh, làm thay đổi quyết định nghề nghiệp, lên Bình Phước xa không có điều kiện để học hỏi , trau giồi thêm nghệ thuật ca diễn cho mình. Sau lần đi hát ở chùa chung với nghệ sĩ Thành Lựu, và được sự giới thiệu của Nguyễn Văn Mẹo, Xuân Viên gặp nghệ sĩ Tuấn Phương đang là giảng viên phụ trách khoá đào tạo diễn viên chuyên nghiệp cho Nhà Hát Trần Hữu Trang.
Sau khi nghe thử giọng và nhìn sắc vóc tương đối chuẩn của cô gái trẻ đến từ Phú Yên, Tuấn Phương và Thành Lựu nhận Xuân Viên làm học trò tham gia vào lớp học, còn 6 tháng nữa là tốt nghiệp. So với các bạn, Xuân Viên học trễ hơn một năm, nhưng với năng khiếu, sự nỗ lực hết mình cô đã bắt nhịp theo kịp các bạn, được thầy Tuấn Phương phân công vai trong vở cải lương”
Sáng mãi niềm tin”, là vở tốt nghiệp của lớp.
Xuân Viên đã hoàn thành vai trò của mình, được chứng nhận là nghệ sĩ đã qua đào tạo. Tuy là người mới, Xuân Viên rất có duyên với sân khấu cải lương, liên tiếp được HTV mời tham gai một số chuông trình ca cổ trên song của đài, chương trình Vầng trăng cổ nhạc.
Nghệ sĩ và tri âm (đài truyền hình Long An). Dấu ấn sân khấu (đài truyền hình Trà Vinh) và một số chương trình cải lương khác ở đài truyền hình Bình Dương. Đến nay Xuân Viên có mặt trên 5 vở cải lương dài của truyền hình, đã sống được bằng nghề hát.
Duyên nghiệp đã đưa cô gái miền Trung làm nghề kế toán thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, một giọng ca trẻ nhiều triển vọng. Nhìn chung, trong giới chuyên môn, khán giả đều có nhận xét Xuân Viên sẽ còn tiến xa trên sự nghiệp ca hát của mình. Đất lành đãi nhơn.
Gặp môi trường tốt hy vọng Xuân Viên sẽ đạt được mơ ước của mình, làng quê Hoà Quang- Phú yên góp thêm một giọng ca hay cho làng cải lương hôm nay.