Ở Tây Ninh, trong giới văn học nghệ thuật, các câu lạc bộ đàn ca tài tử, Thành Phương là một tên tuổi tầm cỡ. Trên sóng đài phát thanh và đài Truyền hình Tây Ninh, anh là một tác giả, biên tập, đạo diễn quen thuộc trong các chương trình Cải lương, đàn ca tài tử trong suốt hơn 30 năm qua, đã có hàng trăm bài vọng cổ, lời bài bản tài tử, chặp Cải lương chất lượng cao…do anh sáng tác và dàn dựng đã được phát sóng.
Tại các cuộc thi, liên hoan ở tỉnh, ở khu vực hay các kỳ liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, với vai trò người sáng tác, tập huấn, trưởng nhóm phụ trách chuyên môn, CLB Đờn ca tài tử tình Tây Ninh do nhóm Thành Phương đại diện đạt được nhiều giải thưởng cao.
Thu về nhiều HCV, HCB tập thể, cá nhân, khẳng định chất lượng đờn ca tài tử của đội Tây Ninh, nơi có phong trào đờn ca tài tử phát triển rộng khắp, từ xóm ấp đến trung tâm các huyện , thị của tỉnh.
Ngoài công việc phụ trách chương trình văn nghệ ở Đài PT&TH, hằng đêm Thành Phương còn là thầy đứng lớp dạy đờn, dạy ca cho các học trò của mình, có người trở thành cộng tác viên của đài, có người là hạt nhân phong trào đờn ca tài tử đại địa phương nhà, có người là nhạc công đánh đàn trong ban nhạc lễ hay CLB đờn ca tài tử.
Anh như người làm vườn cần mẫn, tận tụ với công việc của mình, bằng tấm lòng yêu nghề mãnh liệt, chăm sóc dạy dỗ học trò căn cơ, bài bản đàng hoàng. Ở Tây Ninh, phong trào đờn tài tử rộng khắp nhưng về mặt chất lượng chưa được tốt lắm, bởi những người giỏi chuyên môn thật sự không nhiều, mỗi nơi một ý, không CLB nào nể phục CLB nào.
Sự đoàn kết, học hỏi nhau chưa là điểm sáng, trái lại sự đố kỵ, “ghét nhau tiếng gáy” đã chia năm xẻ bảy, phần nào hạn chế sự đi lên, phát triển của phong trào theo hướng tích cực. Không bị cuốn vào những chuyện vặt vãnh ấy, Thành Phương âm thầm rèn luyện cho học trò những điều cơ bản của nghệ thuật đờn ca tài tử, chăm chút từ gốc, chậm mà chắc.
Học trò của Thành Phương ngày càng đông, uy tín lớn dạy của anh ngày càng được tin tưởng, nể trọng. Là người rất mê đàn ca, từ nhỏ đã được học đờn ở quê nhà, khi trưởng thành thi đậu vào Nhạc viện Thành phố, học khoa nhạc cu truyền thống dân tộc, đặn biệt là cây đờn Kìm, là học trò của nhạc sư Hai Khuê ( tức Võ Văn Khuê), bậc thầy trong giới nghiên cứu, truyền bá, chơi đờn ca tài tử của Việt Nam.
Học thêm với danh cầm, NSUT Ba Tu. Từ lý thuyết đến thực hành, Thành Phương là nhạc sĩ nhạc dân tộc, nhất là đờn ca tài tử, được đào tạo hệ Đại học chính quy duy nhất ở Đài Truyền hình Tây Ninh, điều đó lý giải tại sao các lớp dạy của anh luôn có chất lượng, bởi phương pháp sư phạm khoa học ở Nhạc viện, kết hợp với những bài học ở các nghệ nhân dân gian đã được Thành Phương đúc kết thành những bài học quý giá truyền đạt cho học trò.
Lớp trẻ ngày nay học đờn ca không khó, nhưng để có kiến thức cơ bản về đờn ca tài tử không hề đơn giản. Thành Phươn dạy học trò những gì dễ hiểu nhất, căn cơ nhất, xây gốc chắc, từ thấp lên cao theo một hệ thống khoa học, chưa có lớp dạy đờn ca nào ở Tây Ninh, các học trò được học lý thuyết và thực hành chuẩn mực như ở lớp dạy của Thành Phương.
Tiếng lành đồn xa, từ những lớp học nhỏ, tạm bợ, khi chỗ này, khi chỗ nọ, giữa năm 2013, lớp dạy đờn gtài tử của Thành Phương được Trung tâm Học tập Sinh hoạt Thanh thiếu nhi Tây Ninh mời về cộng tác, được trang bị phòng học khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi.
Mỗi tối nghe tiếng song lang vang xa, nhìn lên tầng hai toà nhà cao rộng của Trung tâm, người dân địa phương biết lớp dạy đờn ca của Thành Phương đang luyện nghề ở đó. Những đóng góp âm thầm của người nhạc sĩ chuyên nghiệp với phong trào ở quê nhà thật đáng trân trọng, nể phục.
Nghề đờn là cảm hứng để Thành Phương sáng tác, sau tác giả Thanh Hiền là người thầy, người anh đi trước đã thành dnah từ trong kháng chiến, Thành Phương là tác giả viết vọng cổ, bài bản tài tử chuẩn, vững vàng nhất Tây Ninh hiện nay, xứng đáng là người đầu tàu hướng dẫn lớp trẻ theo nghiệp đờn ca..
Mấy mươi năm sống chết với nghề, chỉ với tâm niệm giữ được nghề, truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa do Tổ tiên để lại. Ở Tây Ninh, hoạt động của nghệ sĩ chuyên nghiệp rất khó khăn, không có môi trường thuận lợi, chủ yếu vẫn là phong trào, làm nghề vì chữ tâm hơn là vì đời sống, vẫn phải cơm nhà, áo vợ, lương cơ quan, nhưng Thành Phương đã có niềm vui khác.
Những học trò của anh từng ngày đã khẳng định được khả năng của mình. Họ chơi đờn ca tài tử có căn cơ, tiến chậm mà chắc. Dân miền quê, nhưng không quê mùa trước những cuộc chơi đờn ca đòi hỏi sự tinh tế, tài hoa, lịch lãm. Thành công của học trò là niềm vui của người thầy. Những cảm xúc ấy đã nuôi tiếng đờn và tác phẩm của Thành Phương ngày càng thêm sâu lắng.
Sự an ủi cho anh quên đi những cơ cực, đắng cay, quên cảnh nghèo khó để rồi vững bước với nghề với nụ cười tự tin không khuất phục trước những gian nan, thử thách…Phía chân trời vẫn rực sáng màu hồng.