NSUT VŨ HOÀI SƠN – KÉP CHÁNH CỦA ĐOÀN CẢI LƯƠNG VĂN CÔNG ĐỒNG THÁP – VỐN KHÔNG MONG NGƯỜI CON TRAI DUY NHẤT CỦA MÌNH NỐI NGHIỆP; THẾ NÊN NGUYỄN MINH TRƯỜNG TỪNG HỌC LỚP QUẢN LÝ VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HCM, HỌC NGÀNH QUẢN LÝ KHÁCH SẠN NHÀ HÀNG; NHIỀU NĂM LÀ CA SĨ CHÍNH CỦA NHÓM NHẠC TRẺ 007
TRƯỚC KHI ĐOẠT GIẢI BÔNG LÚA VÀNG VÀ GIẢI NHẤT CUỘC THI GIỌT NẮNG PHÙ SA CÙNG TRONG NĂM 2011. ĐỂ RỒI… EM HIỆN LÀ DIỄN VIÊN CỦA ĐOÀN CL THẮP SÁNG NIỀM TIN, VÀ CÓ MẶT TRONG NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH NGÂN MÃI CHUÔNG VÀNG, VỞ CẢI LƯƠNG CỦA HTV… NSUT VŨ HOÀI SƠN: 28 NĂM ,MỘT ĐOÀN HÁT VÀ 5 CHIẾC HUY CHƯƠNG…
Là con thừ bảy trong ”nhà có 8 anh em”, người cha vừa làm nông vừa có nghề bắt mạch bốc thuốc, gia đình có nhiều người ăn chay trường – tu tại gia ở xã Vĩnh Thới huyện Lai Vung ở tỉnh Đồng Tháp, thưởu 13-14 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Thanh Sơn (tên thật của NSUT Vũ Hoài Sơn) thường theo cha đi chặt cây thuốc nam về phơi khô… có năng khiếu ca hát, nên sau ngày 30/04/1975, ở tuổi mười lăm, Sơn gia nhập đoàn cải lương của xã, được các thầy đờn ở địa phương dạy nhịp nhàng và các bài bản; chẳng bao lâu anh đã ”lên” kép chánh hẳn hoi nhờ có giọng ca khoẻ, mùi và ngoại hình sáng sân khấu…
Năm 1982, Thanh Sơn tròn 22 tuổi; khi đoàn Tiếng hát Long Xuyên – Kim Chưởng về quê biểu diễn, anh được bà bầu mát tay – nghệ sĩ Kim Chưởng kêu thử giọng; để rồi bà ngay lập tức mời anh về làm kép chánh. Những tưởng cơ hội đã bước vào con đường chuyên nghiệp của anh – nhờ bàn tay uốn nắn của ”dì Bảy Kim Chưởng” sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Nhưng hát ở đoàn này chưa tròn 1 năm, thì anh đã phải ngậm ngùi chia tay đoàn về lại quê nhà ngót ba năm để làm trụ cột cáng đáng cảnh nhà đơn chiếc (cha vừa mất; ẹ già, vợ trẻ, con thơ). Trong thời gian này anh vẫn hát chánh cho đoàn xã để nguôi ngoai nỗi nhớ ánh đèn màu và chờ cơ hội để trở lại sân khấu.
Năm 1985, duyên lành đã đến với Thanh Sơn khi một người bạn dẫn anh lên Đoàn CL Đồng Tháp; anh được NSUT – đạo diễn Thắng Vinh (lúc đó là Phó đoàn và hiện là Giám Đốc Sở văn Hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp) ”chấm”, kêu thử giọng rồi ông đề nghị rút anh về đảm đương những vai chánh của đoàn. Nghệ danh của anh hồi ấy là Duy Phong – tên gọi ở nhà của cậu con trai duy nhất Nguyễn Minh Trường; NSUT Thắng Vinh đã đặt nghệ danh mới (nghe vừa rất gợi, vừa không đụng hàng) cho anh là Vũ Hoài Sơn (để phân biệt với…6 người cùng có tên Sơn ở đoàn khi đó).
Nghệ danh ấy, mái nhà thân thương của đoàn CL Văn Công Đồng Tháp ấy chính là mảnh đất ”Thiên thời địa lợi nhân hòa” đã đem lại may mắn và chắp cánh cho Vũ Hoài Sơn trưởng thành, phát triển nghề nghiệp và gặt hái được liền tù tì 5 chiếc huy chương danh giá trong những kỳ Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc từ năm 1995 đến năm 2012.
Anh là một trong 6 nghệ sĩ của tỉnh Đồng Tháp được phong tặng danh hiệu NSUT trong năm qua (cùng các NSUT: Thanh Tùng, Thắng vinh, trưởng đoàn Minh Mẫn, Trọng Vương, Hải Yến). 3 chiếc HCV NSUT Vũ Hoài Sơn có được là: ông An trong vở ”Tình riêng nghĩa cả” (năm 2002), ông bầu Tư Vân - vở ”Trở về miền nhớ” (năm 2009), ông Tư Thổ - vở ”Giọng hà Đồng Tháp” (năm 2012); và HCB là: luật sư Vũ Hải – vở ”Nước mắt tình người” (năm 1995), ông Ba Cao Lãnh – vở ”Chuyện bên vỉa hè” (năm 2000).
Từ duyên hạnh ngộ và những ân tình nơi đoàn CL Văn Công Đồng Tháp, mà NSUT Vũ Hoài Sơn đã gắn bó với đoàn từ năm 1985 đến nay; anh chính là một trong ”những cựu chiến binh” thủy chung với đoàn hát duy nhất trong suốt quảng đời hoạt động nghệ thuật của mình; dù trong giai đoạn cải lương hồi đang vượng, anh đã can đảm từ chối những lời mời mọc ”sang ngang” của nhiều đại ban, để đồng cam cộng khổ ở lại một đoàn hát tỉnh…
Để rồi bây giờ, ngẫm nghĩ lại, NSUT Vũ Hoài Sơn hoàn toàn hài lòng với quyết định sáng suốt, phù hợp với tính cách của mình: ”Từ ngày về đoàn, vợ chồng tôi được đoàn cấp cho căn phòng nhỏ nhưng tươm tất, ấm cúng ở khu hậu cứ cũ. Đến năm 2001, chúng tôi được cấp ngôi nhà (ngang 4m dài 17m) ở khu tập thể mới của đoàn. Vợ tôi cũng được đoàn nhận vào trước thủ quỹ, hiện là kế toán bên cạnh ”nghề tay trái” là đóng các vai…tì nữ, quần chúng khi đoàn cần.
Đi đoàn nhà nước – đoàn của quê hương mình; lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo đoàn luôn quan tâm, chăm sóc đời sống anh em nghệ sĩ, nên đoàn có hoạt động khá dày với nhiều shows diễn trong, ngoài tỉnh – tôi có nghề nghiệp và đời sống ổ định; bản tính lại chân chất, đơn giản, không muốn bon chen, tranh đua; nên tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản với quyết định chọn đoàn là mái nhà duy nhất để gắn bó suốt 28 năm qua”.
NGUYỄN MINH TRƯỜNG: MAY MẮN NHIỀU KHI VỀ VỚI CẢI LƯƠNG
Sinh năm 1983, thời học sinh cứ mỗi dịp hè về là Minh Trường lại được theo cha mẹ rong ruổi theo những chuyến biểu diễn của Đoàn CL Văn Công Đồng Tháp, nên cải lương đã nhiễm vô máu cậu bé từ thưởu nào. NSUT Vũ Hoài Sơn cũng dạy cậu con một của mình ca chút ít ca bài bản, dù anh chỉ muốn Trường chuyên tâm học hành để có thể theo đuổi một nghề nghiệp khác ổ định hơn – khi nghệ thuật cải lương đã qua thời vàng son; còn đời sống người nghệ sĩ thì bấp bênh, bập bềnh như lục bình nổi trôi theo con nước lớn ròng nơi những nhánh sông quê ảm đạm…
Vâng lời cha, Nguyễn Minh Trường những tưởng đã hầu như chẳng hề ”tơ tưởng” gì đến cải lương, đến những bài bản ba Nam sáu Bắc. Nhưng năng khiếu ca hát thừa hưởng từ gen di truyền cũng đã giúp Trường gặt hái được vài giải nhất, nhì, ba liên tục trong vòng mấy năm từ những cuộc thi ca hát ở nhà trường.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Minh Trường thi đậu và học được hai năm lớp cao đẳng quản lý văn hóa ở Trường Đại học Văn hóa TP. HCM. Học dở dang thì Trường chuyển hướng sang học ngành quản lý khách sạn nhà hàng đúng với nguyện vọng của các…phụ huynh. Ngoài giờ học, em đăng ký học ca tân nhạc trong chương trình đào tạo nhóm hát ”Ước mơ trong tầm tay” của Nhà Văn Hóa Thanh Niên”; rồi học lớp diễn xuất sân khấu do NS Bạch Long và bà bầu Linh Huyền hướng dẫn.
Là giọng ca chính của nhóm nhạc trẻ 007, Minh Trường có hai năm đi hát nhạc trẻ ở các tụ điểm trong thành phố với nhóm 007 gồm ba thành viên: Hà Thiên Phúc, Kim Thiên Tài và Dương Thiên Lộc (là nghệ danh của Minh Trường). NSUT Hoài Vũ Sơn không có dịp xem con trai hát các ca khúc nhạc trẻ ở sân khấu lần nào; anh chỉ được xem một bài báo của tập san Áo Trắng viết về nhóm mà thôi.
Chính Nguyễn Minh Trường cũng từng nghĩ chắc mình theo ca nhạc luôn, chứ không ngờ có ngày tên tuổi của em được nhiều người biết được nhiều người biết đến nhờ những cuộc thi cải lương; lại càng không dám mơ có ngày mình được bước lên sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Vậy mà giấc mơ đó – chính là cơ duyên, sự may mắn đ61n từ định mệnh – đã trở thành hiện thực; bắt đầu nhen nhóm kể từ khi Trường lọt vào top 10 Cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ 2010.
Kết quả còn khiêm tốn ấy là động lực để Nguyễn Minh Trường cố gắng miệt mài học hỏi nhiều hơn; em đã dự ba cuộc thi lớn trong năm 2011và đã hai lần đoạt giải thưởng cao nhất: đầu năm là giải nhất Cuộc thi Giọt Nắng Phù Sa của HTV tổ chức và cuối năm là HCV Giải Bông Lúa Vàng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM (riêng giải triển vọng Trần Hữu Trang lọt vào vòng bán kết).
Sau những chiến thắng đầy ngoạn mục từ những cuộc thi này, được đánh giá là diễn viên trẻ am hiểu bài bản cải lương – với ưu điểm có ngoại hình sáng sân khấu và giọng ca khoẻ, truyền cảm, chắc nhịp – cuối năm 2011 Nguyễn Minh Trường được soạn giả Hoàng Song Việt mời về đoàn Thắp Sáng Niềm Tin (thuộc Nhà hát CL Trần Hữu Trang).
Quãng thời gian ngắn chưa tròn năm rưởi nay, Nguyễn Minh Trường đã có bước tiến dài trong nghề nghiệp nhờ được thọ giáo trên sàn tập với nhiều đạo diễn gạo cuội như NSND Trần Ngọc Giàu, và các NSUT Hoa Hạ, Hữu Lộc, NSUT Diệu Đức… trong các vở Ngân mãi Chuông vàng (Ngao Sò Ốc Hến – vai Gia Đinh, Con Cò Trắng – vai hài Tây đen, Xin Một Lần Yêu Nhau – vai kép độc mùi Chiêu Nhật Nam…); và các vở cải lương (Tình Bạn – vai kép nhì chính diện, sinh viên con nhà giàu, Như Rồng Gặp Mây – vai thư sinh, Trở Lại Chiến Trường Xưa – vai thanh niên thiểu năng do bị chất độc da cam…) của HTV.
Trong Liên Hoan Sân Khấu Cải lương Chuyên nghiệp Toàn quốc 2012 được tổ chức ở Biên Hòa vừa qua, hai cha con NSUT Vũ Hoài Sơn - Nguyễn Minh Trường rất vui lần đầu được cùng góp mặt và có dịp học hỏi kinh nghiệm, thi thố tài năng trong ngày hội lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương từ Nam chí Bắc. Trong kỳ Liên hoan này, Trường vinh dự và may mắn được tham gia trong hai vở có chất lượng: Sám Hối (vai ông Bảy Hứa, đơn vị Nhà hát Trần Hữu Trang), Ký Ức Mùa Xuân (vai bác sĩ Hoàng Việt , đơn vị Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP. HCM).
Những ngày này Nguyễn Minh Trường đang lên sàn tập vở ”Trái Tim Trong Trắng” của tác giả Lưu Quang Vũ, do đạo diễn cũng con nhà nòi Quốc Kiệt (con trai NS Quốc Hùng) dàn dựng để chuẩn bị tham dự Liên hoan Đạo diễn trẻ dự kiến diễn ra trong quý 2 năm 2013…
Có một phòng thu nhỏ ở quận 7 để thỏa sức bay bổng với nghề, có một con trai 4 tuổi đang ở Phú Quốc và một sự nghiệp đang trên đà đi tới, Nguyễn Minh Trường đang sống trong những ngày hạnh phúc khi cuối cùng rồi em cũng được trở về với mãnh đất lành cải lương màu mỡ và được nối nghiệp cha. ”Con đường vào nghề của tôi cũng lạ: đang học ngành quảng lý văn hóa thì nghỉ ngang để học ngành nghề liên quan đến kinh tế, vì nghĩ sẽ không theo nghề hát được.
Đến khi đang làm kinh tế thì lại có cơ hội bất ngờ đưa đẩy để đi theo con đường cải lương chuyên nghiệp. Tuy hai cha con ít có dịp gần gũi kể từ khi tôi lập nghiệp ở xứ khác; nhưng mỗi lần được về Đồng Tháp thăm nhà, cha lại tranh thủ chỉ tôi cách ca diễn. Tôi không ngờ mình sẽ theo cải lương chuyên nghiệp. Nhưng từ khi đi hát cải lương, tôi lại gặp nhiều may mắn – được nhiều người thương nên giúp tôi có nhiều cơ hội trau dồi và phát triển nghề nghiệp” – Nguyễn Minh Trường hân hoan chia sẻ.