Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Nghệ Sĩ Thanh Kim Huệ


    Thời hoàng kim của sân khấu cải lương trong thập niên 60, nhiều nghệ sĩ trẻ từ 12 đến 15 tuổi nổi danh nhờ vào giọng ca vọng cổ với làn hơi thiên phú, có sắc thái mới lạ, hấp dẫn khán thính giả mặc dù những nghệ sĩ trẻ nầy chưa có những nét đặc sắc về diễn xuất hay về nhan sắc.

    Đây là một trào lưu của khán thính giả thích nghe ca vọng cổ hơn là thưởng thức nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu. Các dĩa hát, các băng cassette ca vọng cổ và tuồng cải lương được sản xuất và phát hành rộng rãi, được đông đảo người mua và thưởng thức từ thành thị đến thôn quê. Điều đó làm cho nghệ sĩ danh ca vọng cổ trẻ càng mau nổi tiếng. Trong số những nghệ sĩ nổi danh nhanh chóng đó có các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên…

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, một giọng ca trong suốt, khỏe khoắn, trẻ trung, thu hút khán thính giả ngay khi Thanh Kim Huệ mới xuất hiện trong làng sân khấu cải lương, nhưng Thanh Kim Huệ gặp lắm nỗi gian nan, khó khăn trở ngại trên con đường nghệ thuật lúc mới khởi đầu chớ không thuận buồm xuôi gió như các nghệ sĩ trẻ khác.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1955 tại Saigon. Thân phụ là nghệ sĩ tiền phong Bùi Văn Lang, Mẹ là bà Ngô Thị Kim.

    Lắm nỗi gian nan
    Năm 12 tuổi bé Huệ theo cha mẹ ở đoàn hát Hằng Xuân – An Khương của ông bà bầu Sáu Đặng, một gánh hát bực trung mới thành lập năm 1967. Ông Bầu Sáu Đặng nguyên là nhạc sĩ cổ nhạc đoàn Thanh Minh Thanh Nga, lập gánh hát để tạo cơ hội phát triển cho hai đứa con của ông là nữ nghệ sĩ trẻ Hằng Xuân và bé An Khương. Bé Huệ được cho ca vọng cổ ngoài màn trước giờ hát, giọng hát của bé Huệ 12 tuổi đã được các ký giả kịch trường và khán giả khen ngợi và tiên đoán có nhiều triển vọng trở thành một danh ca nhanh chóng như trường hợp của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu. Nhưng vận số của Bé Huệ chưa thông, đoàn hát Xuân Hằng – An Khương sau đợt hát khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, lưu diễn ở các rạp quanh Saigon, Chợlớn, chuẩn bị hát bán dàn ở tỉnh Tây Ninh. Ngày đoàn hát đi Tây Ninh, xe đò chở nghệ sĩ đổ xăng tại ngã tư Bảy Hiền, nghệ sĩ Phi Hùng quẹt ống quẹt đốt thuốc hút, vòi đổ xăng bắt lửa phựt cháy, anh tài xế quăng vòi xăng bỏ chạy, xăng văng vô xe, lửa cháy trong xe nghệ sĩ, nữ nghệ sĩ Hằng Xuân, con gái của ông bà Bầu Sáu Đặng bị phỏng nặng và chết ngay sau đó. Gánh hát Hằng Xuân – An Khương tan rã. Bé Huệ được đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhận cho vào học hát, đóng vai em bé trong các tuồng hát của đoàn.

    Năm 1968, ông Lang, cha của bé Huệ thấy Bé Huệ không có cơ hội phát triển khi hát trên một sân khấu mà có quá nhiều nghệ sĩ thượng thặng như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Ngọc Giàu…ông dẫn bé Huệ gia nhập đoàn hát cải lương Thiên Hương, một đoàn hát nhỏ, chuyên hát ở các quận huyện và tỉnh nhỏ với hy vọng ở đoàn hát nhỏ, Bé Huệ sẽ có những vai tuồng để hát chớ không phải chỉ ca salon ngoài màn. Nhưng rồi đoàn hát Thiên Hương cũng bị rã gánh sau cái Tết Mậu Thân máu lửa.

    Năm 1969, bé Huệ theo cha mẹ đi theo đoàn hát cải lương Hoa Phượng của ông Bầu Trung, lưu diễn miền Trung, sau đó đoàn cải lương Thiên Hương về hát các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên. Chiếc ghe chở nghệ sĩ và tranh cảnh của đoàn hát bị chìm trên sông gần Bắc Vàm Cống, nghệ sĩ Thanh Điền đã đeo phao cứu được Bé Huệ và nhiều nghệ sĩ khác. Gánh hát Hoa Phượng tan rã tại đây nhưng tình cảm giữa Bé Huệ và Thanh Điền bắt đầu chớm nở.

    Năm 1970, thân phụ của nghệ sĩ Thanh Điền giới thiệu Thanh Điền và Thanh Kim Huệ với ông Bầu Long. Sau khi thử giọng ca, ông Bầu Long chấp nhận cho Thanh Điền và Thanh Kim Huệ vào hát kép nhì, đào nhì trong đoàn Kim Chung 2. Thanh Kim Huệ đã hát các vai đào nhì trong các tuồng Manh Áo Quê Nghèo, Mây Chiều Phú Sĩ Sơn, …Giọng ca của Thanh Kim Huệ được khán giả nhiệt liệt ngợi khen nhưng năm 1970, thời điểm sau cái Tết Mậu Thân, nghệ sĩ cải lương long đong vì đô thành Saigon giới nghiêm ban đêm, hát suất ban ngày không có khán giả, các đoàn hát hát để kiếm sống lây lất qua ngày nên Thanh Kim Huệ không được may mắn như các danh ca nổi lên trong những năm 1960, 1961, 1962….

    Năm 1972, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ được soạn giả Loan Thảo giới thiệu với bà Sáu Liên, chủ hãng dĩa Việt Nam để thu dĩa vọng cổ. Thanh Kim Huệ nổi danh qua các dĩa vọng cổ Yêu Lầm, Biển Tình, Thà Như Giọt Mưa… Bầu Long – Kim Chung bèn nâng Thanh Kim Huệ lên hát vai đào chánh trong đoàn Kim Chung 2.

    Năm 1974, Thanh Điền thành lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ là đào chánh. Hai nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ thành hôn vào dịp Tết năm 1975.

    Thanh Kim Huệ có chất giọng kim, làn hơi trong suốt và cao vút, kỹ thuật ca khi vô vọng cổ có nhiều lúc lạng, bẻ, uốn éo kiểu như nhiều nghệ sĩ ca vô bài Sương Chiều nhưng giọng ca của Thanh Kim Huệ dầu có luyến láy đến mấy thì vẫn nghe rõ lời, rõ ý, tiếng ca nghe mềm mại, uyển chuyển như vuốt ve mơn trớn, tạo thành một lối ca lạ, hấp dẫn người nghe.

    Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sử dụng nhuần nhuyễn các bài lý, các điệu hò miền Nam vào trong lòng câu vọng cổ hoặc ca gát trước vọng cổ, Thanh Kim Huệ và nam danh ca Thanh Tuấn hợp lại thành một đôi danh ca vọng cổ được giới trẻ ưa thích với các điệu lý ca lồng trong bài vọng cổ.

    Sau năm 1975, Thanh Kim Huệ đã đi hát ở các đoàn cải lương Saigon 2, Saigon 3, đoàn cải lương Kiên Giang, đoàn Saigon 1 rồi trở lại Saigon 3.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ từ khi mới theo nghiệp sân khấu đến nay, đã hát qua trên cả trăm tuồng hát như Mây Chiều Phú Sĩ, Manh Áo Quê Nghèo, Khói Cỏ Quê Hương, Áo Vũ Cơ Hàn, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, Tiếng Hát Rừng Hoang, Linh Hồn Của Quỷ, Quỷ Kiến Sầu, Lỡ Bước Sang Ngang, Ánh Lửa Rừng Khuya, Tiếng Hạc Lưng Trời, Công Chúa Alysa…

    Thanh Kim Huệ cũng là nữ tác giả cải lương có nhiều tuồng được dàn dựng trên đoàn hát Kim Chung 2 và đoàn cải lương Saigon 1. Vở cải lương sáng tác đầu tiên của Thanh Kim Huệ là tuồng Quỷ Kiến Sầu. Thanh Kim Huệ có được 20 soạn phẩm cải lương được dàn dựng trên sân khấu Kim Chung 2 và Saigon 1, đó là các tuồng Nắng Đẹp Muôn Màu, Linh Hồn Của Quỷ, Tiếng Hát Rừng Hoang, Công Chúa Alysa, Em ơi, Đừng Khóc Nữa, Xin Đừng Nói Yêu Em, Bến Tương Tư, Yêu và Ghen…

    Thanh Kim Huệ đã thu dĩa, băng, đài truyền hình hơn 300 bài vọng cổ đủ loại.

    Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, mặc dầu có hơi rong, giọng ca lạ, uyển chuyển, có khả năng thu hút cảm tình của người nghe, Thanh Kim Huệ cũng là một cây viết nữ có nhiều tuồng được dàn dựng trên nhiều sân khấu lớn ở Saigòn nhưng có thể nói là khả năng thiên phú cộng với sự nổ lực thường xuyên của cô cũng chỉ làm cho cô ở vào một hoàn cảnh lưng chừng, khi vừa tỏa sáng thì lại gặp khó khăn ngay trong lúc tình hình sân khấu cải lương đang hồi xuống dốc.

    Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã bán nhà cửa, xe cộ để đổ vào việc duy trì hoạt động của đoàn cải lương Saigon 1. Anh chị về sau mua được nhà, sắm được xe nhờ vào cái nghề chụp hình cho nghệ sĩ và các khách hàng.

    Về gia đình, Thanh Kim Huệ và Thanh Điền có hai con: con trai là Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1977 và con gái Nguyễn Đức Hồng Loan, sinh năm 1986. Nguyễn Đăng Quang đang nối nghiệp Thanh Điền trong nghề chụp ảnh. Hai cha con có hai tiệm chụp ảnh rất đông khách tại Saigon.

    Theo Soạn Giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. MEM
    Avatar của MEM
    Giọng ca vàng Mem yêu thích! Off tới hát Yêu lầm của chị với Minh Vương! Hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Năm 1972, khi mới 17 tuổi, cô đào trẻ Thanh Kim Huệ đã là tác giả tuồng cải lương Quỹ Kiến Sầu.

    Sau này, khi hát cho đoàn Sài Gòn 1, chị lại viết thêm nhiều kịch bản nữa cho đoàn dàn dựng và tạo nên cơn sốt vé thời những năm 1988-1990. Cụ thể là các vở : Em ơi đừng khóc nữa, Xin dừng nói yêu em, Yêu và ghen, Tây Lương Nữ Quốc......

    Thời gian hát đoàn Sài Gòn 3 (1985-1988), chị và nam NS Bảo Linh tạo thành một đôi bạn diễn rất ăn ý. Chính vì điều này mà năm 1990, tại cuộc trưng cầu ý kiến độc giả báo SK, Bảo Linh - Thanh Kim Huệ được chọn trong mười Đôi nam nữ hát chung được yêu thích nhất.

    Những năm 1995-1996, chị về đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ) hát chánh một thời gian ngắn.

    Nói đến NSƯT Thanh Kim Huệ, khán giả nhớ ngay đến Thị Hến trong Nghêu Sò Ốc Hến, vai diễn để đời của chị thời 1982-1983.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG







    Với NSƯT Nam Hùng trong trích đoạn Nghêu Sò Ốc Hến



    NSƯT Thanh Kim Huệ (thứ tư từ trái qua) trong một chương trình Chuông Vàng Vọng Cổ
    mà chị là thành viên BGK




    Với quan huyện - Thanh Điền
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. minhle
    Avatar của minhle
    Thanh Kim Huệ ca các bài tân cổ truoc 75 cực hay!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. suka
    Avatar của suka
    Cô TKH và chú Thanh Điền có mở phòng chụp ảnh Thanh Điền trên đường 3-2 , hồi đó khoảng năm 2000 - 2002, giờ S k nhớ rõ hiiii, S có đến đó chụp ảnh chân dung mà k biết giờ tiệm cô chú còn chụp ảnh ở đó k ?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. suka
    Avatar của suka
    Thanh Kim Huệ - Hết lòng vì nghệ thuật.
    Thành danh với giọng ca trong trẻo với những luyến láy rất riêng, trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ vẫn giữ được sức hút của mình. Bên cạnh việc ca hát, còn một "thú vui" mà chị rất thích và theo đuổi suốt nhiều năm qua: sáng tác.


    Bén duyên cùng điện ảnh

    Trong khi NSƯT Thanh Điền liên lục góp mặt trong rất nhiều bộ phim truyền hình dài tập Nhịp đập trái tim, Cái bóng bên chồng và hiện tại là Gọi giấc mơ về thì Thanh Kim Huệ dành hết thời gian cho công việc sáng tác, đặc biệt là kịch bản phim - một lĩnh vực mà chị mới thử sức.

    Được biết, chị đã hoàn thành xong kịch bản phim Chuyện ông Bù dài 60 tập, đạo diễn Quách Hồ Ninh, hãng phim Lasta sản xuất sẽ bấm máy trong thời gian tới. Theo chị bật mí thì mỗi tập phim có độ dài 10 phút, chỉ diễn bằng hành động, không có lời.

    Chị cũng đang bắt tay vào viết 30 tập phim Bên đường danh vọng tôn vinh những nghệ sĩ cải lương một thời vang bóng mà hiện tại không còn đứng trên sân khấu nữa cũng như phản ánh chân thật đời sống khó khăn của các nghệ sĩ về chiều.

    Thêm một lần "Đốt lửa" cho cải lương

    Chương trình Giai điệu quê hương do Công ty Lasta và HTV hợp tác thực hiện sẽ chính thức ra mắt khán giả trong tháng 9 này. Thanh Kim Huệ là soạn giả chính, còn chồng chị - NSƯT Thanh Điền được mời làm tổng đạo diễn dàn dựng chương trình.

    Thanh Kim Huệ cho biết: "Chương trình đầu tiên sẽ chính thức diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 13/9. Đây là chương lễ hội ca cổ và dân ca được tổ chức theo phong cách hiện đại diễn ra mỗi tháng một lần được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

    Phần một là lễ hội, khán giả có thể tham quan nhiều gian hàng để mua các sản phẩm được trưng bày đẹp mắt và hấp dẫn cũng như tham gia vào các trò chơi dân gian được thiết kế riêng cho lễ hội và khu vực ẩm thực tập trung nhiều món ăn, nước uống nổi tiếng của địa phương.

    Phần hai là chương trình ca cổ và dân ca tổng hợp gắn liền với thời sự nóng bỏng trong cuộc sống với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên hài nổi tiếng của toàn quốc. Mỗi tháng, chương trình sẽ được thực hiện tại một tỉnh khác nhau trên khắp cả nước. Mỗi chương trình trong mỗi tháng là một chủ đề. MC sẽ do diễn viên điện ảnh Trí Quang, Như Phúc, Cao Minh Đạt, Thanh Thuý đảm nhận.

    Vì là chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, phát sóng trực tiếp nên lực lượng diễn viên tham gia rất đông. Hiện tại, chúng tôi đã mời hơn 200 nghệ sĩ cải lương, chèo, diễn viên hài, diễn viên điện ảnh, ca sĩ của hai miền Nam Bắc, đó là chưa kể đến các diễn viên tại các địa phương mà chương trình sẽ diễn ra..."".

    Có thể nói, đây là một chương trình mà cả hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ rất tâm đắc và dốc hết tâm sức viết kịch bản, dàn dựng trong nhiều năm qua. Điều mong mỏi lớn nhất của anh chị thông qua chương trình này là đưa nghệ thuật truyền thông đến gần với giới trẻ hơn nữa.


    Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ
    Một mái ấm bình yên

    Vốn là một người có học thức nên trong cách cư xử với chồng và con trai - nhiếp ảnh gia Đăng Quang, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ rất mềm mỏng và tâm lý.

    Chị cho biết: "Anh là một nghệ sĩ nổi tiếng, có tài, nhiều người phụ nữ theo đuổi dù đã biết anh có gia đình. Nói không ghen thì thành ra không thật lòng. Nhưng may mắn bởi anh là một người có lập trường, có suy nghĩ chín chắn nên tôi đã hiểu và tất tin tưởng anh. Anh thương con và "khó" với con vì cũng mong con nên người, thành đạt".

    Là người nổi tiếng nhưng cuộc sống của chị rất bình dị và đơn giản. Công việc mỗi sáng của chị là đọc báo, ngồi viết kịch bản, sau đó đưa sang cho ông xã nghiên cứu, phân cảnh dàn dựng ở HTV và một số đài truyền hình tỉnh cũng như chương trình Vầng trăng cổ nhạc.

    Nhà có người làm nhưng chị vẫn xuống bếp cũng nấu những món ăn mà anh và con trai thích. Sau bữa ăn trưa, chị trang điểm nhẹ một chút rồi cùng ông xã ra tiệm chụp ảnh. Ngoài đi hát, hơn 10 năm nay, NSƯT Thanh Điền làm "phó nháy" cho tiệm chụp ảnh của mình với "cô thợ" trang điểm chính là... nghệ sĩ Thanh Kim Huệ.

    Theo N.Khôi - ĐAKT
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to suka For This Useful Post:


  9. suka
    Avatar của suka
    Thanh Kim Huệ - cái tên quen thuộc của sân khấu cải lương, một giọng ca vàng vượt thời gian đã in sâu vào lòng khán giả gần 40 năm. Nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn em, nhiều khán giả bắt chước theo cách ca của chị, có thể nói sau NSUT Lệ Thủy, NSUT Mỹ châu, Chị là người sáng lạo ra cách ca mới, lạ độc đáo làm phong phú thêm cách thể hiện bài ca vọng cổ.


    Đặc biệt sau năm 1975 chị là nữ nghệ sĩ ca hơi dài đầu tiên, lối ca hơi dài có nghệ thuật luyến láy rõ chữ, cấu cú đàng hoàng, vẫn giữ nguyên chất ngọt mùi (không phải cách ca nhiều chữ tía lia, ngọng nghịu, sai âm, sai chính tả mà nhiều người hiểu chưa đúng, lạm dụng)

    Chị đã khơi mào cho các nghệ sĩ nữ ca hơi dài thi thố giọng ca với một số nam danh ca, tạo luồng gió mới cho sân khấu cải lương trong thập niên 80 - 90. Những bài tân cổ: Yêu lầm, biển tình, Chợ Mới, tiếng chày trên Sóc Bơm Bo, rước tình về với quê hương, Đám cưới trên đường quê, Có gái tưới đậu, Điệp Võ Thị Sáu, vai Thị Hến và nhiều, rất nhiều bài lân cổ, cùng nhiều vai diễn khác, trải dài trên 40 năm đi hát của chị, một nghệ sỹ tài năng của sân khấu cải lương.

    Bước đầu khởi nghiệp và những cơ duyên

    Mê hát cải lương từ hồi còn nhỏ, thần tượng là ''Vương hậu sân khấu'' Thanh Nga, thích giọng ca Lệ Thủy. Năm 12 tuổi thi tuyển vào hãng dĩa hát Hồng Hoa... bị rớt, vẫn không nản chí chị quyết tâm rèn luyện, ba năm sau được mời vào hãng dĩa Việt Nam, hát tân cổ và các vai đào ba, sau hai đàn chị Mỹ Châu, Lệ Thủy. Bài tân cổ “Yêu lầm” là một trong những bài đầu tiên tạo dấu ấn khá đặc biệt, làm nền vun đắp cho tên tuổi Thanh Kim Huệ sau nầy. Chị sáng tạo ra cách hát Lý giao duyên bằng giọng Huế trong bài tân cổ “Sao chưa thấy anh về”, hát chung với nghệ sĩ Minh Vương, tới bây giờ sau hơn 30 năm nghe lại, vẫn thấy hay, lạ, hấp dẫn, muốn hát được phải có giọng ca ngọt ngào, trong vắt, chắc nhịp, yếu tố cần có của một giọng ca vọng cổ hay.

    Có một điều thú vị, có thể nói đó duyên may của chị, vai Lan trong vở Lan và Điệp của tác giả Loan Thảo (có sự hợp tác của Thế Châu) ban đầu không ai có dự định giao cho Thanh Kim Huệ, mà hãng dĩa để dành vai này cho chị Lệ Thủy, trước đó loạt tân cổ Chuyện tình Lan và Điệp do Lệ Thủy và Chí Tâm thu chính, Thanh Kim Huệ ca nhạc đang rất ăn khách... Hãng dĩa dự định tung tiếp vở tuồng dài để đáp ứng nhu cầu của thính giả mà hai nghệ sĩ chính Lệ Thủy - Minh Vương còn bận lưu diễn dài ngày, trong tình hình đó tác giả Loan Thảo đã có một nước cờ táo bạo, giao Thanh Kim Huệ vai Lan, Chí Tâm vai Điệp thay cho Minh Vương, Lệ Thủy. Ban đầu bà Sáu Liên giám đốc hãng dĩa Việt Nam còn do dự, không phải bà không tin vào tài năng của Thanh Kim Huệ, bởi chị là kế hoạch dài hạn của hãng nhưng để lăng-xê một nghệ sĩ trẻ cần phải có thời cơ nhất định, gúi ép, vội vàng có khi hỏng việc. Với con mắt tinh tường, tác giả Loan Thảo tin mình sẽ thành công, chính sự non trẻ, mộc mạc, chơn chất của Thanh Kim Huệ rất hợp với vai Lan, tuổi đời và bản tính có gì đó rất gần gũi giữa cô Lan và Thanh Kim Huệ, những cảm xúc trong vai Lan là những rung động thật của Thanh Kim Huệ, cho tới bây giờ đã hơn 30 năm, khi nhắc lại chị vẫn bùi ngùi như chuyện mới vừa xảy ra, lúc đó Thanh Kim Huệ chưa tròn 16 tuổi. Sau nầy giọng hát điêu luyện hơn, nghề nghiệp vững vàng hơn, có nhà sản xuất băng dĩa đề nghị chị thu hình lại, chị đã từ chối, chị cho rằng cả đời chị, Lan - Thanh Kim Huệ thăng hoa chỉ một lần, một lần đủ để đời. Chị luôn biết ơn hãng dĩa Việt Nam, biết ơn ông thầy Loan Thảo, không có ông, không có một Lan - Thanh Kim Huệ để lại ấn tượng khó phai cho tới bây giờ.

    Thế mới thấy người tác giả tài hoa luôn là bệ phóng cao nhất cho những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Bài Tứ đại oán có một thời gian dài mất hút trên sân khấu, trong băng, dĩa cải lương, với Lan - Thanh Kim Huệ, lớp l bài Tứ đại oán ở lớp Lan hấp hối, từ lời ca cho tới cách thể hiện như một chuẩn mực mới sau nầy, làm sống lại giai điệu bài oán hay nhất trong bốn bài oán của âm nhạc cải lương. Với chị, việc được hãng dĩa Việt Nam mời ký hợp đồng, việc gặp ông thầy Loan Thảo là cơ duyên lớn nhất, một kỳ duyên nghệ thuật thay đổi cuộc đời cô bé nghèo Thanh Kim Huệ.

    Có một Thanh Kim Huệ khác

    Có thể nói chị là một trong rất ít nghệ sĩ cải lương vừa là một danh ca, vừa là một cây viết khá hay. Ít ai ngờ một Thanh Kim Huệ đầy nữ tính lại là cây viết hài duyên dáng, sâu sắc. Có lúc người ta nhìn méo mó về nghề viết của chị, không coi chị là tác giả, chị vẫn dửng dưng, bởi với chị sáng tác kịch bản là nhu cầu của nỗi đam mê văn học, nghệ thuật, chị viết cho chị, cho những khán giả của mình, bằng những cảm nhận, những rung động thúc bách. Chị viết không vì tiền, không vì háo danh mà vì sự cầu tiến, đi đến cùng giới hạn của một nghệ sĩ ham thích sáng tạo cái mới. Chị viết từ rất lâu, từ cái thời trên sân khấu Kim Chung, viết bài ca cho kịch bản ''Quỷ kiến sầu'' theo đường dây cốt chuyện của anh Thanh Điền. Tính đến nay chị có vài chục kịch bản khá nổi tiếng: Nội ơi đừng ly dị, Nước mắt đen, Khúc ly hương, Em ơi đừng khóc nữa, Nụ cười chị tôi... Anh Thanh Điền làm đạo diễn nên người ta cứ tưởng chị dựa vào anh, nhưng thật ra anh chị làm việc rất độc lập, phần lớn là chị viết theo đơn đặt hàng của anh, theo thú nhận của anh thì chị viết hay hơn anh nhiều…anh nói nghiêm túc không tâng bốc bà xã.

    Nhìn chị thanh thản ung dung, điềm tĩnh, lạc quan vui sống bên chồng, con trai, con dâu và đứa cháu nội trai kháu khỉnh, lanh lợi. Không ai ngờ được rằng chỉ trong vòng vài năm gần đây chị liên tiếp chịu những mất mát lớn trong đời, mẹ chị, người chị hai, đứa con gái duy nhất về thế giới vĩnh hằng. Chị nén niềm đau bằng sự im lặng, cố dằn những giọt nước mắt xót thương, kinh Phật giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần, giúp chị bình tĩnh đón nhận tất cả, coi như đó là lẽ huyền vi của tạo hoá, kiếp luân hồi của một đời người. Tất cả đều vô thường. Bây giờ chị vẫn đi hát thường xuyên những show các lẽ khắp các tỉnh thành, vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn hy vọng có một ngày mai…sân khấu cải lương sẽ rực sáng lại ánh đèn…


    Theo Bích Trâm - Báo SK
    Nguồn RFViet.com
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following User Says Thank You to suka For This Useful Post:


  11. giogiaomua
    Avatar của giogiaomua

    Thanh Kim Huệ - Trọng Phúc
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. Akhuong
    Avatar của Akhuong
    - Hồi nhỏ cũng được Chị dẩn đi xem rất nhiều tuồng XH của Thanh Kim Huệ. Các vở này coi rất hay, lồng nhạc trử tình vào khéo léo nữa, cộng thêm duyên hài của NS. Thanh Điền làm nên vở diển thành công . Nhớ TKH cũng hay đóng với Ns.Chí Hải nữa ( giọng hát khá giống Ns. Chí Tâm ).
    - Có lẽ mê tuồng tích sử Tàu hơn, nên mặc dù các vở XH coi rất nhiều ( nếu tính cả video thì hơn cả HQ nữa) mà ko nhớ tên tuồng và nhân vật chính xác được.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL