Một thời gian gần đây, các ca sĩ, nghệ sĩ mỗi khi lên sân khấu thường có hiện tượng “hát nhép”, đây cũng là đề tài tốn biết bao nhiêu là giấy mực của các báo, đài và là đề tài bàn tán xôn xao của các tầng lớp khán giả. Vậy, “hát nhép” là gì mà thiên hạ dị ứng với nó dữ vậy? Chúng ta thử tìm hiểu xem…
“Hát nhép” Còn gọi là “Lipsing” (hát nhép) hay “Lypsync” (hát môi đồng bộ) có nghĩa là thu hình của mình và biểu diễn, hát nhép môi sao cho thật giống với ban nhạc hoặc ca sĩ đã biểu diễn thành công bài hát đó. Trào lưu lipsync bắt nguồn từ Trung Quốc khi hai sinh viên nước này tự quay và tự hát nhép ca khúc “I want it that way” (tạm dịch: “Tôi muốn nó theo cách đó”). Sau đó, video clip này được đăng tải trên mạng Youtube và đã tạo nên một hiện tượng trên internet vì sự hài hước độc đáo và sáng tạo của họ. Lipsync được lan truyền rất nhanh và đã được giới trẻ trên toàn thế giới đón nhận một cách nồng nhiệt. Trào lưu này tuy chỉ mới vào Việt Nam nhưng cũng đã kết nối được với nhiều bạn trẻ, nhất là trong giới ca sĩ, nghệ sĩ…
Từ việc tự quay phim và nhép theo một vài bài hát của những ngôi sao nổi tiếng - chủ yếu để cười vui – giới ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã “phát kiến” ra lối “hát nhép” của…chính mình. Nghĩa là họ thu trước bài hát của mình sắp trình diễn vào dĩa, rồi khi biểu diễn họ chỉ cần người bên trong hậu trường mở đĩa của họ thu sẵn, rồi cứ thế mà hát thoải mái, vô tư, vô tội vạ! Trong thời buổi kinh tế thị trường, biểu diễn nghệ thuật cũng phải chạy “show” mới có thể sống được.
Thế là, một số ca sĩ, nghệ sĩ phải chạy “show” hai, ba thậm chí là bốn, năm tụ điểm trong một đêm diễn. Có khi hai tụ điểm biểu diễn cách xa nhau hàng trăm cây số, khi tới nơi họ đâu còn sức lực để hát hò gì nữa, đành phải “hát nhép” thôi chứ biết sao hơn! Thêm nữa là các ca sĩ – nhất là ca sĩ hát nhạc giật gân, gào thét, nhảy nhót, quay cuồng trong khi biểu diễn – thì vấn đề “hát nhép” được đặt lên hàng đầu. Thử hỏi, hát một bài hát mà “nhảy” như con “lăng quăng” thì còn hơi hám, sức lực đâu mà hát? Rồi các nghệ sĩ cải lương, ca cổ cũng “ăn theo” mà thu đĩa để “hát nhép”.
Nếu là những ca sĩ, nghệ sĩ tuổi đã xế chiều, không còn hơi sức để mà hát nhưng để chìu lòng người mộ điệu, những “fan” hâm mộ mình họ đành phải “hát nhép” để phục vụ bạn tri âm, tri kỷ, cái đó còn có thể tạm chấp nhận được. Của đáng tội, những người “hát nhép” bây giờ đều là những người tuổi còn trẻ, sức lực còn phương cường và giọng hát còn…nghe được, thế mà họ vẫn cứ nhép! Và lâu dần thành quen, họ cứ nhép và khán giả đến xem họ biểu diễn vẫn cứ bị “xí gạt” khi bỏ tiền ra mua vé để xem “thần tượng” của mình “nhép”! Mà các giọng ca “nhép” này bây giờ có người thuộc hàng “siêu nhép”, họ “nhép” mà cứ như hát thật, cũng đóng, mở khẩu hình thật khớp với bài hát trong đĩa, cũng lên gân cổ y như đang hát thật, làm người xem bị gạt, cứ hoan hô, vỗ tay tán thưởng, cổ vũ một cách “hồn nhiên” mà không hề biết mình bị xí gạt!
Hát nhép đã âm thầm hoán đổi vị trí của một cặp “phạm trù” một cách tài tình. Từ “hiện tượng” (Phenomenon) “hát nhép” đã trở thành “bản chất” (Nature). Trào lưu hát nhép đã ăn sâu vào máu huyết rồi, không thể nào thay thế bằng hát thật được đâu. Mỗi khi có một chương trình truyền hình trực tiếp thì các ca sĩ, nghệ sĩ lại thoải mái…hát nhép, vì họ đã được “nhà đài” bảo kê với lý do hết sức đơn giản: “…Hát nhép, khi thu hình thì âm thanh mới hay, mới thực, hình ảnh mới đẹp…” Vậy thì, xin kính thưa các vị làm công tác thu hình, nói như vậy thì các cuộc thi “Tiếng hát truyền hình”; “Chuông vàng vọng cổ” hay “Triển vọng Trần Hữu Trang” không phải là hát thật hay sao, mà âm thanh nghe cũng hay, người diễn cũng tốt?
Trong hành trình làm công tác biểu diễn nghệ thuật để phục vụ nhân dân khắp mọi miền, đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đã đề ra tiêu chí “Nói không với hát nhép”. Chỉ trong những vở ca, múa dàn dựng nhiều người, không thể làm rối loạn đội hình mới phải dùng đến kỹ thuật “hát nhép theo nhạc” (Lipto the music), hay kỹ thuật “Playback” (phát lại, chơi lại), tuyệt đối cấm “hát nhép” trên sân khấu của đoàn.
Nói cho cùng mà nghe, người ca sĩ, nghệ sĩ được trời phú cho một khả năng “thiên bẩm” là giọng ca. Khi còn ca, còn hát được thì hãy hát bằng tất cả tấm lòng, bằng cả lửa nhiệt tình của trái tim cháy bỏng đam mê ca hát phục vụ nhân dân bằng chính giọng hát thật của mình. Còn nếu như thời gian trôi qua đã lấy đi cái khả năng thiên phú đó, không còn ca hát nổi bằng chính giọng thật của mình thì hãy chuyển sang làm công việc khác, chứ đừng “hát nhép”. Vì “hát nhép” là đã cố tình lừa gạt người xem.