1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    NSND BẢY NAM: Vang bóng một thời



    Cố nghệ sĩ tài danh Bảy Nam.

    Nghệ sĩ Bảy Nam tên thật là Lê Thị Nam sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình có 12 người con, mà phân nửa theo nghề hát cải Lương, nổi bật nhất là bà Bảy Nam và chị là bà Năm Phỉ.

    Nghệ sĩ tiền phong Bảy Nam vang bóng một thời, bà là thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương và là em của nghệ sĩ Năm Phỉ lừng danh tên tuổi thời thập niên 1930. Câu chuyện dưới đây do bà kể lại vào khoảng giữa thập niên 1960, hôm ấy nhằm bữa ban tuyển chọn giải Thanh Tâm họp để chấm điểm tuyển chọn nghệ sĩ triển vọng và diễn viên xuất sắc (nghệ sĩ Bảy Nam từng được mời tham gia ban tuyển chọn giải Thanh Tâm, là một trong những thành viên giám khảo từng chấm giải diễn viên xuất sắc cho nghệ sĩ Thành Ðược, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy...

    Vào nghiệp cầm ca từ năm 1926, nghệ sĩ Bảy Nam phục vụ sân khấu cải lương suốt bốn thập niên, và trong cuộc đời nghệ thuật, những năm đầu thập 1930 đã làm bầu gánh hát và cũng gian nan vinh nhục với nghiệp làm bầu. Theo bà kể lại thì năm mới 19 tuổi đã dám đứng ra lập gánh hát, dành dụm bao nhiêu vốn liếng đều trút hết ra để lập gánh, thiếu thốn tới đâu vay nợ tới đó, nữ trang, vật dụng trong nhà có thứ nào cầm thế được là cầm ráo hết.

    Trước ngày khai trương là gởi thiệp mời tứ tung, lựa mấy hàng ghế thật tốt mời chính quyền, mời nhà báo, thân bằng quyến thuộc, mời chủ nợ và cả mấy chủ tiệm cầm đồ. Mời để rộng đường giao thiệp, mời để đền ơn trả nghĩa, nhứt là để có đông khán giả mới hăng hái trổ hết tài năng, bởi danh dự và được hát là trên hết.

    Tin ở tài năng của mình, bà bao gồm hết mọi việc, không phân công cho ai cả, vì ai làm bà cũng không vừa ý, tuồng nào bà cũng lãnh vai chánh, sợ người khác sẽ không đóng vai trò được như mình. Thế mà gánh hát càng ngày càng xuống dốc, khán giả dần dần thưa thớt, thậm chí đến những giấy mời cũng chỉ thấy mấy chị giúp việc nhà, hoặc trẻ nhỏ lên ghế danh dự ngồi coi. Nhiều đêm vắng khách muốn trả vé, nhưng danh dự của gánh hát và của cá nhân, biết ăn nói làm sao đây? Giá lúc đó mà trời đổ mưa xuống thì khỏe biết mấy!

    Tình trạng ấy làm cho bà mất hết tinh thần, tiền bạc chạy không ra, hát thì không ai coi. Trong lúc ấy thì có người chỉ cho con đường sinh lộ, họ khuyên bà đưa gánh hát lên đồn điền cao su của đại công ty Terres Rouges của người pháp mà thiên hạ gọi là đồn điền “Ðất Ðỏ” có tiếng là giàu mạnh nhứt ở Nam Kỳ.

    Sở chánh ở gần biên giới Việt Miên, chạy dài đến Bà Rịa, đất đai mênh mông, cả mấy chục sở đặt dưới quyền của ông giám đốc người Pháp oai quyền tối thượng. Ðồn điền tổ chức đại qui mô, thiết lập cả chợ búa, nhà thương, trường học, hãng sửa xe và luôn cả bót cảnh sát của riêng công ty nữa...

    Nghe vậy bà quyết định tìm đến ông giám đốc người Pháp để thực hiện chương trình đem gánh hát lên đồn điền phục vụ khán giả, mà đại đa số là dân phu cạo mủ cao su. Bà nói lúc đó vi cánh tả tơi, không lẽ ăn mặc lôi thôi đi gặp ông giám đốc đồn điền, nên chạy lại nhà người chị là nghệ sĩ Năm Phỉ mượn đỡ chiếc áo dài. Sau khi lục lạo thấy cái áo thêu kim tuyến khá đẹp nên mặc vào, trang điểm và bao một chiếc xe lô cho ra thể thống một bầu gánh hát.

    May mắn cho bà là hôm bữa đó ông Tây giám đốc đồn điền có mặt tại văn phòng và khi đưa danh thiếp vào, ông liền cho mời bà vào tiếp đãi một cách niềm nở lễ phép như đối với một thượng khách, làm cho cả văn phòng ai cũng ngạc nhiên. Ông ân cần hỏi han vì lý do nào bà đến viếng ông? Nhờ người thông ngôn, bà đưa ý kiến xin hát trong sở cao su của công ty Terres Rouges của ông cho tất cả nhân viên từ quản lý, thư ký văn phòng, mấy thầy giám thị đến gia đình các công nhân, phu cạo mủ, tài xế v.v... để cho họ có dịp giải trí, vì trong sở làm việc suốt năm nầy sang năm khác, họ không có cơ hội ra tỉnh thành để coi hát. Họ không đến gần gánh hát thì gánh hát phải đến gần họ. Ông giám đốc tán thành ngay ý kiến của bà, và sau khi suy nghĩ ông đề nghị trả mỗi lần coi hát của một công nhân là 2 cắc (thời đầu thập niên 1930 này hai cắc tức 2 hào ăn hủ tiếu uống cà phê vừa đủ). Căn cứ vào danh sách trong sở, mỗi đêm hát một sở, gặp sở lớn độ một ngàn dân thì nhờ, nếu sở nhỏ cỡ bốn năm trăm dân thì phải chịu ít tiền vậy.

    Ðồn điền Terres Rouges chia ra khoảng 30 sở vừa lớn nhỏ, hát mỗi tối một sở, giáp vòng khoảng 30 đêm thì trở lại hát lần thứ nhì. Các phương tiện chuyên chở đào kép, sơn thủy, và ngay cả việc tiếp tế hàng ngày cũng do công ty cao su đài thọ. Ông Tây giám đốc còn dành cho gánh hát mọi dễ dãi về việc ăn ở trong sở, mỗi tháng ông sẽ phát cho 2 kỳ lương đúng 15 tây và 1 tây. Sau khi ngã ngũ mọi việc, ông chỉ thị cho thầy bí thư lập tức thi hành.

    Bà nói:

    - Tôi kiếu từ thì ông đích thân đưa tôi ra tận xe và chính tay ông mở cửa, rồi lễ phép cúi đầu chào để tiễn tôi ra về, khiến cho bao nhiêu nhân viên trong văn phòng đều ngạc nhiên trố mắt nhìn, họ không biết sao mà ông giám đốc uy quyền tuyệt đối này quí trọng tôi quá xá vậy, mà chính tôi cũng không hiểu sao ông ấy tử tế hết mực, đàng hoàng với một bầu gánh hát như thế.

    Về đến nhà trước tiên là đem trả chiếc áo dài kim tuyến cho bà chị Năm Phỉ, lúc này thì chị Nam Phỉ có ở nhà chớ khi mượn là không có, thì mới vỡ lẽ ra chiếc áo có một sợi dây ru băng nho nhỏ màu đỏ đính vào trước ngực, biểu hiệu của huy chương, vì chị tôi có nhiều huy chương của Thái Lan, của Lào, của Miên, của Pháp (trong dịp trình diễn văn nghệ ở Paris 1931) và Long Bội Tinh của triều đình Bảo Ðại. Tôi mang đủ thứ huy chương đi gặp ông giám đốc đồn điền người Pháp, mà các huy chương của nước Pháp và các nước thuộc địa thì ông Tây nhìn vào là biết ngay loại nào rồi.

    Dân Pháp rất trọng người có danh dự, thấy tôi mang huy chương tưởng là tài danh của đất nước mới tiếp rước đặc biệt như thế. Còn tôi thì chẳng biết nên mới gan, nào biết nào hay trên chiếc áo có nhiều mề đay (huy chương) và mặc suốt ngày, đi đứng tự nhiên. Rõ ràng là “điếc không sợ súng” vậy!

    Thế là gánh hát nhỏ của nữ nghệ sĩ tiền phong Bảy Nam được dọn lên phục vụ bà con dân phu đồn điền cao su Ðất Ðỏ ở vùng Hớn Quản, Lộc Ninh, Xa Cát và dài xuống Thủ Dầu Một, Bà Rịa...

    Bà nói rằng suốt năm trời ở vùng cao su đất đỏ thật là yên ổn, hết trôi xuống rồi lại trôi lên và hát cho đồn điền thì con số người coi nhất định (căn cứ vào danh sách) nên khỏi tốn chương trình, khỏi mướn xe chuyên chở, khỏi thuế má, khỏi lo vé bán, khỏi lo kẹt rạp, vì mỗi sở đều có nhà lấy mũ cao su, tuy không rộng lớn lắm cũng có thể bắc vài tấm ván để làm sân khấu. Chỉ cần treo một tấm “phông” thôi, và dựng 2 tấm đề co là đủ tượng trưng cho một triều đình hay một biệt thự. Sở nào nhỏ không có nhà lấy mũ cao su thì hãng sẽ cho hai xe vận tải to tướng, bỏ mấy tấm bửng xuống rồi ghép nhau lại tạm làm sân khấu, và phía trên thì dùng tre cột tréo làm giàn, phủ vài lớp lá cây xem cũng đàng hoàng lắm. Về phần khán giả thì tha hồ muốn ngồi đâu thì ngồi, sân khấu giữa vườn cao su, rộng mênh mông, ai gần nhà thì tự tiện xách ghế đến mà ngồi cho khỏe hơn, ai nhà xa làm biếng thì cứ ngồi phịch xuống đất cũng tốt.

    Mấy sở ở gần sở chánh thì có máy điện riêng, khi nào có hát thì họ cho máy điện chạy, bằng không thì máy được đưa vào kho, và sở nào xa quá, nhỏ quá thì dùng đèn măn xông thay thế. Bữa nào đèn măn xông trục trặc thì quyền biến, lấy mũ cao su cặn quấn vào cây đốt lên cũng sáng sủa để hát. Phần tài chánh thì đã được bảo đảm hoàn toàn, cứ mỗi kỳ nửa tháng lãnh tiền về phân phát cho anh em đào kép thì y như ngày lễ, ngày vui vẻ rộn rịp. Nhứt là đầu tháng các nhân viên công nhân và anh em trong gánh cũng đồng lãnh lương, thật là tưng bừng, chia ra từng nhóm, nhóm thì nhậu nhẹt gà vịt, nhóm thì gầy sòng đậu chến, dẫu có rỗng túi cũng chẳng sao, họ vui lòng chờ kỳ lãnh lương sắp tới. Những ông thầy thuốc (sau này gọi là bác sĩ), giáo viên, thơ ký làm việc tại đồn điền Terres Rouges, về sau có người lập nên cơ nghiệp hẳn hòi, trở nên giàu có, về tỉnh về thành an hưởng thanh nhàn, và cũng có người xoay nghề khác những hẳn không quên kỷ niệm thời làm việc ở đồn điền cao su.

    Riêng về phần bà thì đỡ lo đủ mọi mặt, nhứt là tiền lương có công ty bảo đảm, rạp hát khỏi tranh giành, đào kép khỏi phải bị mua chuộc, tài nghệ cũng chẳng ai tranh đua, về điểm nầy, kỳ thật đó là nguy hại nhứt cho cuộc đời đi hát của bà. Nếp sống yên lành quá, lặng lẽ quá không tranh đua tức là không trau giồi, không tiến tức nhiên là lùi, tên tuổi và tài năng ngày một lùi xa và lu mờ dần theo năm tháng. Có một điều an ủi phần nào, là tất cả trong gánh cùng sống chung trong sự êm ấm của một đoàn người đặt nặng vấn đề tương thân tương trợ, trong tinh thần cởi mở, thông cảm nhau, lo lắng thương mến nhau như cùng một cha một mẹ, không bao giờ chống báng nhau vì tham vọng bạc tiền. Người trong gánh hát xem nhau như một gia đình, bầu gánh, đào kép, không có nghĩa chủ nhân và công nhân, không còn mang nặng ý thức phong kiến như ngày xưa nữa.

    Bà còn ghi nhớ một kỷ niệm chua xót mà đến chết cũng khó quên. Với sân khấu lộ thiên như đã kể ở đoạn trên, gặp mùa nắng ráo thì thoáng khí khỏe khoắn lắm, nhưng gặp mùa mưa thì thật là khổ. Trên sân khấu còn được phủ vài lớp lá, có mưa lai rai cũng chẳng sao, bằng như mưa lớn thì chỉ bị ướt một đôi chỗ thôi. Tội nghiệp cho khán giả vì chỗ ngồi là đất đỏ ướt át lầy nhầy dơ bẩn, nhưng phần đông họ cũng mê coi hát nên ít khi họ bỏ cuộc, đêm nào có hát là họ đều có đem theo nón lá, hoặc dù, để trời có mưa lâm râm, họ vẫn chịu trận đứng coi cho tới vãn.

    Anh em trong gánh hễ nghỉ là mất hết một đêm lương, nên dầu bị tạt nước mưa cũng ráng hát riết cho rồi. Có một đêm nọ, ông trời cay nghiệt làm sao, đầu hôm thì trời trong sao sáng, ai nấy cũng mừng, nhưng khi chỉ một màn nữa là kết cuộc thì trời bắt lai rai, đào kép đồng ý hát rút để thoát nạn, nhưng dầu có hát rút thế mấy cũng thi đua không kịp với ông trời. Ðang hát thì cơn mưa đổ xuống, tội cho đám khán giả ở trong vườn cao su, ban đầu lai rai còn ráng che dù, đội nón, đỡ gạt những giọt mưa nho nhỏ, nhưng khi nước mưa ào ào trút xuống thì mạnh ai nấy chạy tìm chỗ trú mưa. Chiếc máy đèn cũng lạnh mà tắt queo luôn, giông to gió lớn, giữa rừng cao su tối mò, những diễn viên trên sân khấu ai đứng đâu là phải đứng đấy, chớ có thấy đường sá gì đâu, mà dầu có thấy cũng không thể đi đâu được, bởi chung quanh toàn là rừng cao su. Chỉ có sân khấu được che vài lớp lá, còn có thể ẩn thân được, thôi thì mạnh ai nấy mò mẫm, kiếm chỗ ngồi tạm chờ cho hết mưa sẽ hay.

    Kể thêm về kỷ niệm của đêm mưa ấy, nghệ sĩ Bảy Nam nói tiếp:

    -Mưa càng lúc càng to, giữa rừng âm u bốn bên gió lộng, tụi tui cảm thấy buồn buồn và lành lạnh nên quơ quào tìm bàn kiếm rương để tựa lưng nghỉ đỡ, tuy có lạnh nhưng bộ đồ hát còn mặc nên ấm áp phần nào. Chúng tôi định nằm chờ đợi hết mưa, ai ngờ ngủ tuốt lúc nào không hay, đang ngủ một cách ngon lành bỗng nghe trống đánh thùng thùng, dựng ngược chúng tôi dậy (khi xưa gánh hát đánh trống báo hiệu trước khi mở màn). Máy đèn chạy nghe bịch bịch, và ngoài trời tiếng người lao xao: Ê hát đi, kéo màn hát tiếp đi chớ! Chúng tôi đứa nào mặt mày cũng ngơ ngác vì hãy còn ngây ngủ, coi lại đã ba giờ khuya rồi. Trời ơi! Ba giờ khuya mà còn bắt hát tiếp, khán giả không chịu tha Tào một phen, thật là khổ quá! Có anh hỏi tôi: “Hồi đầu hôm mình hát tới đâu? Ðã hết màn ba rồi, còn màn tư là màn chót, tụi mình ráng chút xíu nữa cho có lương, chớ không lý đêm nay mình hát thả giàn? Ðêm ấy tôi đóng một vai bị tình phụ, tôi buồn, tôi tủi, tôi đau khổ rồi đến tự tử. Trong khi tôi đau khổ khóc than thì ông Trời giáng xuống một trận mưa, bắt buộc nỗi khổ đau của tôi phải ngừng lại, rồi lúc tôi đang ngủ gà ngủ gật lại buộc tôi thức dậy đặng đau khổ tiếp. Tình cảm bị gián đoạn, diễn xuất không liên tục, bắt buộc khóc lóc ngang xương, thật là giết người ta không bằng! Nhưng khi màn kéo lên, bước ra sân khấu là tôi khóc lập tức, khóc mạnh, khóc vì tôi đang ngủ mà dựng tôi dậy để bắt tôi phải đau khổ vì tình. Tôi khóc vì tên tuổi, tài năng của mình ngày tháng qua đã bị trôi theo mũ cao su, sao mà số mạng tôi long đong quá vậy!

    Ngành Mai
    (Người Viêt)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:

    chuvoicon (07-05-2012), romeo (07-05-2012), xu_Thanh_Phu (07-02-2013)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    NSND Bảy Nam: Kiếp tằm nhả tơ


    Bà đã chìm vào hư vô, chúng ta chẳng thể còn nhìn thấy hình hài của bà nữa. Nhưng tên tuổi và tiếng hát của bà còn mãi vang danh với hậu thế. Được mệnh danh là cây đại thụ của nền cải lương Việt Nam, bà là một tấm gương về lao động nghệ thuật đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cuộc đời của bà nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều đắng cay nghẹn ngào.


    NSND Bảy Nam và con gái Kim Cương trên bìa cuốn hồi ký “Trôi theo dòng đời”.

    Đã mang kiếp con tằm thì rút ruột nhả tơ là định mệnh. Nó nghiệt ngã nhưng hết sức vinh quang. Trước khi nhắm mắt bà vẫn trăng trối một điều rằng, nếu có kiếp sau, bà sẽ vẫn xin nguyện làm nghề ca hát, để dâng cho đời hương thơm và mật ngọt. Bà là NSND Bảy Nam, thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương.

    Thế hệ trẻ hôm nay biết về NSND Bảy Nam chủ yếu qua sách vở và những tác phẩm bà để lại, chứ không có cơ hội được nhìn thấy bà bằng da bằng thịt trên sân khấu. Nhưng thế hệ cha, anh họ thì không mấy ai không biết về danh tiếng của bà.

    Và, với những người yêu sân khấu cải lương, bà sẽ còn ở trong tâm trí họ rất lâu, vì những vai diễn lớn, ám ảnh, như vai Đào Tam Xuân, Lý Nhu (vở Phụng Nghi Đình), Tiêu Anh Phụng (vở Tiêu Anh Phụng loạn trào), Ngọc Dung (vở Phấn hậu cung)… Ngoài ra bà còn là là tác giả của gần 20 vở cải lương nổi tiếng như "Nỗi đau lòng mẹ", "Lê Lợi khởi nghĩa", "Gươm vàng máu đỏ", "Tiêu Anh Phụng loạn trào", "Phấn hậu cung", "Người đàn bà Việt Nam".


    NSND Bảy Nam (má Diệu - giữa) và NSƯT Kim Cương (vai Diệu - phải) đã làm rơi lệ nhiều thế hệ với vở diễn "Lá sầu riêng". Ảnh chụp lại

    Ngoài cải lương, kịch nói, sinh thời NSND Bảy Nam còn tham gia vào làng điện ảnh với nhiều vai diễn ấn tượng. Bà là nữ nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được Hãng Intermondial Film của Pháp mời đóng vai cô thôn nữ Việt Nam trong phim "Mort en fraude" của đạo diễn Marcel Camus, bên cạnh các tài tử điện ảnh nổi tiếng của Pháp.

    Viết về người phụ nữ tài danh trong làng kịch nghệ, cây đại thụ của cải lương Việt Nam, Giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét: "Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quý hiếm ấy".

    Sinh ra trong một gia đình có tới 12 người con và một nửa trong số đó theo nghề cải lương, NSND Bảy Nam đến với môn nghệ thuật này như một điều gì hết sức tự nhiên. Sau này bà nói, đó là nghiệp. Cái nghiệp đàn hát ấy đã có từ trong máu của bà. Người chị của bà, nghệ sĩ Năm Phỉ, cũng là một tên tuổi nức tiếng khắp các mảnh đất Nam Kỳ bởi giọng ca ngọt ngào, sâu lắng.

    Năm 19 tuổi, Bảy Nam đã bắt đầu lập đoàn cải lương Nam Hưng. Yêu nghề đến nỗi bao nhiêu vốn liếng dành dụm bà đều đổ cả vào gánh hát. Ngoài ra còn phải vay công mượn nợ, cầm cố vật dụng trong nhà để mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho gánh hát của mình.

    Mặc dù vậy, với tuổi 19 còn non nớt của mình, bà đã phải gánh những thất bại nặng nề. Gánh hát không có người xem, Bảy Nam suy sụp vì sự thất bại ấy. Rồi sau đó có người hiến kế, rằng bà nên mang gánh hát của mình đến phục vụ công nhân đồn điền cao su của đại công ty Terres Rouges ở gần sát biên giới Việt Miên. Nhờ ông giám đốc người Tây giúp đỡ, gánh hát của bà hàng đêm được đỏ đèn giữa đồn điền cao su. Trong hồi ký của mình, NSND Bảy Nam kể lại, đó là những năm tháng gánh hát của bà sống sung túc, không phải lo bán vé hàng đêm, không phải sợ thiếu khán giả.

    Nhưng họ chỉ diễn cho một loại khán giả duy nhất là công nhân đồn điền cao su. Trong vai bà bầu gánh hát, nghệ sĩ Bảy Nam một mặt mừng vì không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền từng bữa. Nhưng mặt khác bà lại cảm thấy đau khổ, dằn vặt vì anh em nghệ sĩ, cũng như bản thân mình không được trau dồi nghề nghiệp, sống an nhàn thì sẽ bị cùn mòn đi.

    Bà cũng nhận thấy việc gắn bó với đồn điền cao su quanh năm suốt tháng sẽ khiến cho tên tuổi và tài năng của bà ngày càng lu mờ đi. Như một điều tất nhiên, gánh hát Nam Hưng của nghệ sĩ Bảy Nam một ngày phải "hạ bảng". Loay hoay tìm hướng đi mới cho sự nghiệp của mình, bà gặp được ông bầu gánh hát Đại Phước Cương. Họ thành vợ thành chồng. Cũng từ gánh hát của chồng, bà có cơ hội được học hỏi thêm nhiều ngón nghề sân khấu.

    Tuy nhiên, gánh hát Đại Phước Cương cũng không ở trong thời "hoàng kim" được bao lâu. Trong lúc các nghệ sĩ tài danh quay đi lập gánh hát riêng, vợ chồng nghệ sĩ Bảy Nam vẫn phải duy trì gánh hát "ốm o" của mình, vì một cái nhẽ giống như một cái đạo bà đã trót tâm niệm: "Lập gánh coi vậy mà dễ, chỉ có chạy nợ thôi, chớ giải tán mới thật là khó. Về tình cảm thì lo anh em thiếu khả năng không biết sống bằng cách nào. Bao nhiêu năm cực khổ vui buồn có nhau, bỗng nhiên cho nghỉ, anh em phải thất nghiệp".

    Đối với NSND Bảy Nam, sân khấu là "thánh đường" đúng nghĩa. Nó là nơi thiêng liêng mà bà không thể cho phép mình làm bất cứ một điều gì sai lạc, dù nhỏ. Bà đã chọn nghiệp cầm ca mà không bao giờ tính toán thiệt hơn. Mỗi mất mát trên đường đời bà đều xem như đấy là cái giá mà bà phải trả cho sự lựa chọn của mình.

    Cuộc đời Bảy Nam trải qua rất nhiều đớn đau, khổ cực. Không ít nhiều đã rơi lệ xót xa khi đọc cuốn hồi ký "Trôi theo dòng đời" của bà. Trong cuốn sách chân thực này, bà đã kể về nỗi đau của mình khi chứng kiến những cái chết của người chồng, người chị và đứa con thứ hai của mình.

    Chồng bà đã chết trên đường gánh hát đi biểu diễn từ Hà Nội về Nam. Ông mê man hấp hối khi về đến Phan Thiết. Nhưng người chủ rạp ở đây đã đuổi không cho bà đưa ông vào rạp vì sợ bị lây vận rủi. Bà đành đem chồng vào chùa tá túc, để ông có thể thanh thản trút hơi thở cuối cùng. Sau cái chết của chồng là cái chết của đứa con mới 3 tuổi.

    Khi đứa trẻ tắt thở, người mẹ vẫn đang trên sân khấu, làm tròn vai trò, trách nhiệm của một bầu gánh. Vì miếng cơm manh áo của bao nhiêu con người trong gánh hát, bà không thể bỏ dở đêm diễn được. Nước mắt chảy dài trên gương mặt héo hon của người nghệ sĩ. Cộng thêm nỗi đau người chị Năm Phỉ tài danh nhưng bạc phận, ra đi ở tuổi 48 đã khiến nghệ sĩ Bảy Nam rơi vào hoàn cảnh cùng cực. Bà không còn nước mắt để khóc.

    Những điểm tựa về tinh thần và nghề nghiệp mất đi đã khiến bà nhiều lúc cảm thấy mình tuyệt vọng, vơ với giữa cuộc đời. Và, chính là tình yêu dành cho sân khấu đã vực bà đứng dậy. Cuộc đời càng chìm nổi, cay đắng càng khiến cho những vai diễn của NSND Bảy Nam trên sân khấu đậm đà hơn, được nhiều khán giả mến mộ hơn.

    Một sự bù đắp lớn lao cuộc đời dành cho người nghệ sĩ đã sống chết với nghề trong cả cuộc đời mình, là bà đã sinh cho đời được một người con tài sắc vẹn toàn có thể nối nghiệp bà một cách xứng đáng. Đó chính là nghệ sĩ Kim Cương. Giỏi giang như mẹ, Kim Cương được đồng nghiệp yêu mến gọi là kỳ nữ, vì quá đa tài. Việc gì chị cũng có thể làm được và làm tốt, từ biên kịch đến đạo diễn, diễn viên, cho đến làm quản lý đoàn nghệ thuật, và làm từ thiện…

    Nghe tiếng hát của má Bảy Nam từ lúc lọt lòng, Kim Cương đã sớm bộc lộ thiên hướng nghệ thuật của mình. NSND Bảy Nam, với kinh nghiệm vất vả của đời người làm nghệ thuật, khi phát hiện ra tài năng của con thì lo âu và muốn hướng cho con vào một công việc khác để cuộc đời được bình an hơn, ít sóng gió hơn. Nhưng sự cấm đoán chỉ làm mạnh mẽ hơn tình yêu sân khấu trong lòng người nghệ sĩ trẻ. Và bà Bảy Nam hiểu rằng, hãy để con được sống trong số phận mà sân khấu dành cho nó. Trước khi đến với sân khấu, Kim Cương rất thành danh trong điện ảnh.

    Chị đã từng đoạt hai giải thưởng lớn (Nữ diễn viên xuất sắc nhất và lời thoại hay nhất) tại Liên hoan Điện ảnh châu Á (Đài Loan, 1974). Với sân khấu, chị lập ra Đoàn Cải lương Kim Cương nức tiếng một thời. Những tác phẩm làm nên dấu ấn của đoàn đều do chính tay chị viết, dàn dựng và hóa thân vào vai chính.

    Với Kim Cương, người mẹ, NSND Bảy Nam là hiện thân của một tình yêu dành cho sân khấu thánh đường. Mẹ vừa là thầy, vừa là người bạn diễn ăn ý nhất của chị. Có lẽ những khán giả ái mộ cải lương không ai là không nhớ tới vở "Lá sầu riêng" được chị viết kịch bản và hai mẹ con chị cùng tham gia biểu diễn.

    Họ đã nhập vai như chính cuộc đời thật, và diễn mà như không diễn, khiến cho khán giả xúc động đến gai cả người. Chính vì vậy, sau khi mẹ mất, chị muốn giữ bản quyền vở diễn này và không muốn cho bất kỳ một ai dựng tiếp, nếu như chị không kiểm soát được chất lượng của vở.

    Giản dị, chân thành, cả đời không màng danh lợi, dù cho nghề diễn có quá nhiều sức hấp dẫn và cám dỗ, đó là bài học lớn nhất mà NSND Bảy Nam để lại cho con gái Kim Cương của bà. Sân khấu chính là cuộc sống, là trái tim của những người đã trót mang nghiệp vào thân như NSND Bảy Nam. Bà đã quỵå ngã ngay trên sàn diễn vì quá xúc động trước vai diễn người mẹ trong vở "Bông hồng cài áo".

    Nằm trên giường bệnh, nghệ sĩ Bảy Nam vẫn đau đáu một nỗi niềm sân khấu. Bà thều thào đọc lại lời thoại các vở diễn. Những đắng cay của nghề bà quên hết, chỉ nhớ một điều là: "Làm nghề gì cũng làm hoài một thứ, còn làm nghệ sĩ thì được sống nhiều cuộc đời, nhiều số phận khác nhau, không chán".

    Sân khấu ngày hôm nay, nhìn một cách thẳng thắn, thì đã mất đi ít nhiều những giá trị quý, thiêng liêng. Bởi đã ít dần đi những "người giữ lửa" vô tư như NSND Bảy Nam. Nghệ sĩ Kim Cương hiểu hơn ai hết điều này. Yêu mẹ, yêu nghề, chị muốn cống hiến cuộc đời mình cho sân khấu một cách đích thực nhất để mẹ được yên lòng.

    Chính bởi phương châm sống đó mà chị gặp không ít gian nan, trắc trở, cả trong công việc và tình riêng. Chị không chịu được khi bị đồng nghiệp gian dối, ăn cắp bản quyền kịch bản "Lá sầu riêng" của chị và bóp méo nó đi so với kịch bản gốc. Chị thất vọng về lòng yêu nghề và sự tận tâm với nghề của nhiều nghệ sĩ trẻ. Khi không làm sân khấu được như những nguyện ước của chính mình, chị tạm rời xa nó để chọn một công việc khác mà chị nghĩ là có ích cho đời hơn là làm từ thiện. Tấm lòng Kim Cương đã đến với biết bao phận người nghèo khó trong xã hội. Chị tìm đến với những người đang đói rét, thiếu ăn, bệnh tật để chia sẻ với họ chút hơi ấm tình người. Hiện nay, nghệ sĩ Kim Cương đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật TP HCM.

    Nhân hậu, tài năng, xinh đẹp, nhưng lại chịu cảnh dở dang, không ít đồng nghiệp đã xót xa khi nói về chị. Tìm kiếm hạnh phúc suốt đời, nhưng hạnh phúc vẫn như một màn sương mờ lẩn khuất đâu đây, có lẽ đó là định mệnh mà những người đàn bà đẹp và tài năng xưa nay thường phải gánh chịu. Với tình yêu, chị đã sống hết mình, như thể ngày mai không còn trên đời nữa, nhưng đổi lại vẫn chỉ là đau khổ. Kim Cương từng tâm sự rằng, chị chỉ mơ ước được sống như một người vợ, một người mẹ bình thường, mà sao quá khó…

    Sinh ra làm kiếp con tằm thì phải nhả tơ. Nghệ sĩ Kim Cương và những người như mẹ chị, NSND Bảy Nam đã chọn sống một cuộc đời dâng cái đẹp óng ánh cho muôn người và nhận về mình không ít thua thiệt, mất mát. Nhưng, tôi nghĩ rằng, tình yêu và sự ngưỡng mộ của công chúng sẽ là thứ họ còn mãi

    Bình Nguyên Trang
    (CAND)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    chuvoicon (07-05-2012), romeo (07-05-2012)

  5. chuvoicon
    Avatar của chuvoicon
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to chuvoicon For This Useful Post:

    MEM (07-05-2012), romeo (07-05-2012), Thanh Hậu (07-05-2012)

  7. chuvoicon
    Avatar của chuvoicon
    Trích đoạn : Là Sầu Riêng
    [

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 3 Users Say Thank You to chuvoicon For This Useful Post:

    MEM (07-05-2012), romeo (07-05-2012), Thanh Hậu (07-05-2012)

ANH EM CHANNEL