(NLĐO) – Soạn giả Đức Hiền cho biết tác giả, đại tá quân đội Phạm Văn Phúc đã qua đời lúc 4 giờ ngày 11-10, hưởng dương 57 tuổi.
Tác giả Phạm Văn Phúc
Theo soạn giả Đức Hiền, cách đây không lâu trong đợt Hội Sân khấu TP HCM tổ chức trại sáng tác ở Đà Lạt, ông có đề nghị tác giả Phạm Văn Phúc tham gia, nhưng anh từ chối vì lý do sức khỏe. "Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng, Phạm Văn Phúc đã không còn đồng hành với anh chị em tác giả sân khấu. Anh là người có ngòi bút giàu cảm xúc, đã sáng tác hơn 500 bài ca cổ và nhiều kịch bản cải lương. Bút pháp mượt mà, chủ đề tư tưởng của từng bài ca rất trí tuệ, giàu tính văn học" - tác giả Đức Hiền nói.
NS Nguyễn Minh Trường, giải Chuông vàng vọng cổ 2014 là nam nghệ sĩ chuyên thể hiện bài ca cổ của tác giả Phạm Văn Phúc xúc động nói: "Anh để lại cho tôi rất nhiều ký ức đẹp về một tác giả quý trọng đứa con tinh thần của mình. Mỗi ca cổ được anh gửi vào đó rất nhiều tình cảm của mình, lời ca vì thế giàu hình tượng, để lại nhiều suy ngẫm cho người nghe và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tôi và nghệ sĩ Nhã Thy là đôi song ca được anh tin tưởng gửi gắm nhiều bài ca cổ, có bài mới sáng tác là anh gửi cho tôi ngay, sau đó nghe tôi góp ý rồi thể hiện trong niềm vui của anh" - NS Nguyễn Minh Trường nói.
Tác giả Đức Hiền và cố tác giả Phạm Văn Phúc
Trong số các bài ca cổ của tác giả Phạm Văn Phúc mà Nguyễn Minh Trường thể hiện, khán giả yêu thích các bài: "Đêm Thăng Long nghe bài vọng cổ", "Nụ cười chiến thắng", "Cà phê miệt vườn", "Anh đâu có say", "Đêm Lam Sơn", "Nỗi lòng Thái Hậu", "Khí phách Nguyễn Trung Trực", "Dưới quê mới lên", "Anh ba chị tư", "Sầu tím thiệp hồng", "Thương lắm mình ơi", "Cô Ba miền Tây"…Tác giả Phạm Văn Phúc còn sáng tác nhiều kịch bản cải lương như: "Bức tranh hồn Việt", "Giọt lệ Lam Sơn", "Lá cờ ghi dấu chiến công"…Đặc biệt, về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ và người chiến sĩ công an nhân dân, anh có nhiều bài ca cổ, chặp cải lương, trích đoạn được nhận nhiều bằng khen trong phong trào văn nghệ của nhiều tỉnh thành như: "Không ngại khó", "Mẹ vẫn bên mình", "Chiếc nón tai bèo", "Màu xanh hy vọng"…
Tác giả Phạm Văn Phúc
Bài ca cổ "Đêm Lam Sơn" giúp nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường dự thi Chuông vàng vọng cổ 2014 thành công và bài ca cổ "Nụ cười chiến thắng" giúp anh chiến thắng trong cuộc thi "Bông lúa vàng" do Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM tổ chức. Bài "Nỗi lòng thái hậu" giúp nghệ sĩ Nhã Thy tạo được ấn tượng đẹp tại cuộc thi "Đường đến danh ca vọng cổ".
Tác giả Phạm Văn Phúc (bìa trái) tại một dịp giao lưu với NS Minh Trường, Nhã Thy, do Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM tổ chức
NS Nhã Thy xúc động nói, ngoài những bài ca cổ và kịch bản văn học, sâu lắng, tác giả Phạm Văn Phúc còn sáng tác nhiều bài vọng cổ hài, lời văn châm biếm, rất đời, bám sát hơi thở cuộc sống và mang ý nghĩa xây dựng đời sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp. "Anh có ngòi bút đa dạng, chịu quan sát để đưa hơi thởi thời đại vào bài ca cổ. Vì thế bài ca cổ của anh gần gũi, mộc mạc, dễ đi vào lòng người" - NS Nhã Thy chia sẻ.
Sự ra đi đột ngột của tác giả Phạm Văn Phúc đã để lại nhiều tiếc thương cho các nghệ sĩ sân khấu cải lương. Tang lễ của anh được tổ chức tại nhà riêng (quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 17 giờ ngày 11-10, lễ động quan lúc 12 giờ ngày 13-10, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.