Muốn viết vài dòng giới thiệu nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu như Phong là thành viên mới, thôi Phong xin kể lại câu chuyện của chính mình, anh chị em có đồng cảm thì chia sẻ cùng Phong
Tôi không biết mình mê cải lương từ khi nào
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó của huyện Hóc Môn, nhà nghèo lại có tới 8 anh chị em, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào mảnh ruộng nhỏ mà ông bà ngoại tôi cho mượn để trồng trọt và cấy lúa.
Ông bà ngoại tôi có 3 người con, má tôi thứ Ba, cậu Tư và dì Út (tôi không biết vì sao gia đình ngoại tôi không có dì Hai). Cậu Tư thì theo quê vợ ở tận miệt Đức Hòa, Long An, nhà tôi cách nhà ngoại khoảng chừng 600m đường chim bay
Năm tôi lên lớp ba thì dì Út tôi đi lấy chồng, ông bà ngoại mới nói với má cho tôi về ở chung với ông bà cho vui nhà vui cửa, khỏi phải nói ba má tôi đồng ý cái rụp, vì nghèo khó đông con mà ông bà nuôi dùm 1 đứa thì còn gì bằng.
Tôi ở với ông bà ngoại thì “sung sướng” hơn mấy anh chị em của tôi, nói sung sướng vì tôi còn có cơm để ăn chứ anh chị em của tôi toàn là ăn khoai mì, khoai lang độn cơm.
Ông tôi làm nghề lái bò, tức là mua bò về nuôi một thời gian cho nó béo tốt, sau đó được giá bán lại kiếm lời, nhờ vậy mà tôi cũng thường có cái kẹo, miếng bánh khi ông bán được bò, còn anh chị em của tôi thì còn
phia.
Năm tôi lên lớp bốn, ông tôi bị bệnh qua đời. Từ đó cuộc sống của 2 bà cháu càng khó khăn hơn, tôi nhớ hồi ông tôi mới mất bà tôi khóc suốt, tôi thì chưa cảm nhận được nỗi mất mát đó, chỉ nhơ nhớ ông mỗi khi thèm bánh kẹo
Hai bà cháu tôi sống bằng nghề đan giỏ của bà, xung quanh nhà cũng còn một mảnh đất nho nhỏ, thế là 2 bà cháu trồng thêm những gốc tiêu, cây cau, dây trầu, mít, mận, những bụi lá dung (một loại lá dùng để gói bánh ú), có thể cũng tạm được gọi là 1 khu vườn
Tôi thích nhất là những buổi được theo bà ra chợ, đó là khi có trái mít chín, vài trái mận tươi, dăm ba lạng tiêu hột. Hai bà cháu chọn một góc khuất và bày ra bán, tôi mân mê khi thấy bà thối cho khách từng đồng bạc lẻ. Cuối buổi thể nào tôi cũng được bà cho vài cắc để ăn quà
Công việc của tôi hằng ngày đi học về là tưới nước cho khu vườn, tôi nhớ lần đầu tiên tôi nghe được cải lương là năm lớp bảy, từ máy cát-xét của nhà hàng xóm (lúc đó nhà nào có được máy cát-xét thì đã là đại gia rồi, nói gì đến ti vi) khi tôi đang tưới nước. Lập tức tôi bị cuốn hút ngay. Và tuồng đầu tiên ấy là Lan và Điệp mà mãi tận sau này tôi mới biết 2 nghệ sĩ đóng vai chính là Chí Tâm và Thanh Kim Huệ, và cái đoạn đầu tiên tôi được nghe là lúc bé Thành Tâm hát “thôi anh đừng có vợ nữa đi, cho chị Lan chỉ về..”
Cải lương đã thấm vào tôi từ đó
Mỗi lần nhà hàng xóm mở cải lương, tôi đem vòi nước lại bỏ vào bụi lá dung để nó tự xả giống như người ta xả nước cho lúa, tôi chạy lại gần hàng rào nhà hàng xóm để nghe cho rõ, chỉ đứng ngoài hàng rào chứ không dám vô nhà người ta, chốc chốc lại chạy về để dời vòi nước qua bụi khác.
Mấy tuồng mà hồi đó tôi thường nghe là Lan và Điệp, Độc thủ đại hiệp (Vũ Linh – Linh Huệ), Tô Ánh Nguyệt (Minh Vương – Lệ Thủy), Lệnh truy nã (Vũ Linh – Cẩm Tiên)…
Cuối năm lớp 12, tôi giấu gia đình thi vào trường Sân khấu nghệ thuật II (trường Đại học sân khấu điện ảnh bây giờ), khoa trung cấp cải lương. Hằng ngày tôi đạp xe từ Hóc Môn xuống tận Q1 để luyện thi, tôi đi như vậy suốt một tháng nhưng cuối cùng tôi cũng bị rớt. Tôi không buồn, dự định thi lại năm sau (ba má tôi không cho tôi theo nghề này, bởi một lẽ rằng nhà tôi rất nghèo sẽ không có điều kiện để theo đuổi con đường nghệ thuật). Tôi giấu ba má nhưng trong đầu nghĩ nhất định phải thi vào khoa cải lương.
Để cho bà và ba má vui lòng, tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào Đại học khoa học tự nhiên và trung cấp nghề Cao Thắng. Trước ngày tôi đi thi thì gia đình xảy ra biến cố…
Mảnh ruộng nhỏ của bà tôi mà bao lâu nay nó là cần câu cơm của gia đình tôi, đã bị qui hoạch để làm sân đá banh của xã. Bà tôi được đền bù khoảng 130 triệu, một số tiền khá lớn với bà, và biến cố cũng xảy ra từ đó..
Khi nghe tin bà có trong tay số tiền khá lớn, mợ và cậu tôi đã tức tốc từ Long An chạy về và hàng ngày kề cận bên bà. Kế tiếp tôi thấy người ta chở vật liệu xây dựng ào ào tới, rồi nhóm thợ hồ cũng ào ào kéo tới, họ vô tư chặt những gốc cau, những cây mận mà tôi và bà đã vun vén, chăm sóc bao lâu nay. À, thì ra cậu mợ định xây nhà mới cho bà.
Má và dì Út không bằng lòng với một người mà họ coi là người dưng nước lã (là mợ tôi), chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm bà vài lần, tự nhiên bây giờ về ở hẳn, tự tung tự tác muốn làm gì thì làm, tự tiện đốn sạch khu vườn và tự ý xây nhà theo ý muốn. Mợ nói xây nhà cho bà, mà bà thì sống được bao lâu !
Tôi không biết Mợ đã nói gì với bà, tôi thấy bà đã đưa hết tiền cho mợ giữ (bà tôi không biết chữ), còn Cậu tôi giống như ông bù nhìn, hằng ngày chỉ cần có vài xị rượu, còn chuyện ai làm gì thì mặc xác.
Thế là cuộc chiến nổ ra giữa một bên là má và dì tôi, một bên là bà mợ. Bà tôi và ông cậu quý chỉ đứng giữa. Lúc đó tôi cũng thấy giận bà lắm, sao bà không có tiếng nói nào hết vậy?
Họ cãi nhau hằng ngày hằng giờ, thậm chí chỉ mới sáng sớm khi tôi chưa kịp thức dậy, họ cũng cãi nhau. Có một vài lần họ còn đánh nhau.
Tôi cũng không còn tâm trí nào để mà đi thi nữa, tôi bỏ thi, mang tâm trạng chán chường. Giá mà bà tôi đừng có số tiền đó…
Rồi căn nhà mới của bà cũng sắp hoành thành, cũng là lúc tôi nhận được “chỉ thị” từ bà mợ đáng yêu, rằng bà ta đã tống cổ tôi ra khỏi nhà.
Ấm ức tôi xé tất cả sách vở của mình, quơ mấy bộ đồ cho vào cặp sách mà tôi dùng đi học, vừa chạy vừa khóc, chạy về nhà má tôi.
Má tôi nghe tin, ùn ùn kéo đến nhà bà và…một trận chiến Xích Bích đúng nghĩa
Cả 2 gia đình cắt đứt quan hệ và xem nhau như kẻ thù, má tôi cũng không nhìn mặt ngoại tôi nữa. Còn gì đau xót hơn. Tại sao chỉ vì tiền mà người ta có thể chà đạp lên trên tình máu mủ chứ? Câu hỏi đó cho tới tận bây giờ tôi cũng không sao trả lời được
Tôi chán nản tột độ, lao vào những cuộc nhậu với mấy anh, mấy chú trong xóm. Để có tiền nhậu tôi xin đi phụ hồ, ngày phụ hồ tối tôi nhậu, có khi đến 1- 2 giờ đêm, có khi đến sáng. Tôi hút thuốc như người ta đốt lò bánh mì. Có khi cả tuần tôi không về nhà. Tôi chỉ biết có nhậu là nhậu
Tôi sống cuộc đời lang thang vất vưởng như vậy suốt 2 năm
Rồi một ngày tôi nhìn má tôi tay dắt bò ra đồng ăn cỏ, trưa dắt bò về trên vai còn vác thêm bao cỏ để dành cho bữa tối. Kể từ khi nhà tôi không còn ruộng để làm, ba tôi chuyển qua đi bắt ếch, soi cá ban đêm. Ông đi thâu đêm suốt sáng, khi những đồng gần không còn nhiều cá, ông đạp xe xuống miết tận Mộc Hóa – Long An. Sáng về má tôi phân ra từng phần nhỏ đi bán khắp xóm, cá chết thì để lại kho cho anh em chúng tôi ăn.
Tôi thấy mình sống quá ích kỷ
Tôi nói với má tôi muốn đi học nghề, và học phí phải đóng là 3 triệu. Má không nói gì, ba ngày sau má kêu người bán 100m vuông đất, cắt ra từ mảnh đất mà ba má tôi cố gắng giữ gìn cho anh em chúng tôi có chỗ ở sau này, dù ông bà có cực khổ đến đâu cũng nhất quyết không bán. Được 10 triệu, má đưa cho tôi 3 triệu, tôi cầm tiền mà nghèn nghẹn…
Tôi học nghề Điện công nghiệp của trường Đại học Công nghiệp đóng ở Cao Thắng, quận 3. Kể từ lúc tôi đi học, tôi đã không còn nhậu nhiều như hồi xưa, dù thỉnh thoảng vẫn nhậu. Sáng, tôi đạp xe lên miệt Cầu Lớn giáp Long An để cắt cho bò một xe cỏ, trưa ăn cơm xong tôi đạp xe xuống quận 3 để học, tối về tôi đi vác giỏ thuê (ở Hóc Môn có nghề đan giỏ (đan trạc), người mua ban ngày chỉ chạy quanh xóm, thấy nhà ai có giỏ họ vào hỏi mua rồi họ chỉ trả tiền, tối đến có người đến vác về và tập kết ở trại của họ). Tôi đi gom giỏ cũng bằng xe đạp, cây giỏ tôi đội trên đầu và giữ bằng một tay, một tay chạy xe đạp.
Hai năm sau tôi tốt nghiệp với tấm bằng nghề 4/7 loại giỏi
Tôi xin vào làm cho công ty nhựa Đài Loan, cầm bảy trăm ngàn cho tháng lương đầu tiên tôi rớt nước mắt vì sung sướng và hạnh phúc. Tôi chạy ngay về nhà đưa cho má tôi và giữ lại cho mình một ít, tôi chạy ngay ra chợ mua cho mình một bộ quần áo mới mà tôi đã mơ ước từ lâu
Ba năm sau tôi lập gia đình với cô bạn học chung hồi cấp III, cô ấy là giáo viên cấp II của một trường trong xã.
Nói về ngoại tôi, sau một thời gian ở với đứa con dâu trời đánh, bà cũng không chịu nổi, bà bỏ nhà ra đi nay ở ké với bà bạn xóm này mai ghé bà bạn ở xóm trên. Má tôi thấy vậy kêu bà về nhà má ở (giận thì giận chứ là mẹ mình, làm sao bỏ được. Tôi nhớ hồi xưa lúc xung trận, má tôi thề là sẽ không bao giờ nhìn mặt bà nữa, nhưng hôm nay nhìn bà như vậy tôi biết má tôi đã “quên” lời thề xưa rồi)
Khi lập gia đình má có chia cho tôi miếng đất 100m vuông, tôi xây một cái nhà cấp bốn không tô cho gia đình nhỏ của mình, tôi rước ngoại tôi về ở chung với vợ chồng tôi, ban đầu bà từ chối nhưng vợ chồng tôi thuyết phục mãi bà mới chịu về. Một thời gian sau bà nói với tôi: “Hay để ngoại ra ở riêng”. Tôi không chịu, bà cố nài nỉ hãy để cho bà ra ở riêng, tôi biết bà còn mang nhiều mặt cảm. Ngoại ơi, chuyện xưa tụi con đã quên hết rồi, ngoại thương con cháu thì hãy vui vẻ sống nốt những tháng năm còn lại bên chúng con, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, câu nói đó tôi thường nói với bà.
Thấy bà kiên quyết, nếu không cho bà ra ở riêng thì bà sẽ đi chỗ khác, sợ bà đi (mà bà biết đi đâu !) má và anh em tôi dựng một cái nhà nhỏ sát vách nhà tôi và bà ra ở đó. Như thế cũng tiện chăm sóc cho bà. Sau đó xã xem xét bà cũng có chút công che giấu cách mạng năm xưa, nên xây cho bà một căn nhà tình nghĩa. Tôi thấy bà cũng đã quên chuyện xưa và không còn mặc cảm với má và anh chị em tôi nữa. Bà đang sống rất vui vẻ bên cạnh chúng tôi
Nhờ nỗ lực không ngừng nghĩ và trải qua vài công ty, công việc của tôi cũng tạm ổn dù không dư dả gì
Đến lúc này mơ ước năm xưa được đứng trên sân khấu hát cải lương của tôi chợt ùa về, nó như một làn gió mát và tôi thấy tâm hồn mình rạo rực, thao thức như lúc xưa khi quyết định thi vào trường sân khấu vậy. Nhưng tuổi của mình đâu còn trẻ nữa, với lại còn có gia đình để lo. Thế là tôi mon men tìm đến các câu lạc bộ ca tài tử xin tham gia hát. Trong một dịp tình cờ quen anh Dương Tố Như , biết đến trang web cailuongso.com và CLB Anh và EM.
Mỗi người chúng ta sẽ phải luôn không ngừng nghỉ nổ lực phấn đấu, tất cả vì mơ ước và tương lai phía trước đang chờ…
Tên thật: Phan Thanh Phong
Quê: Hóc Môn - tpHCM
Ngày sinh: 01-01-1979
Email: phong010109@gmail.com