Sau ngày đất nước thanh bình
Có mái chùa mọc bên nền đình xưa
Gốc đa thương tích bấy mùa
Nghiêng thân che mát bóng chùa quanh năm.
VỌNG CỔ
1.Ngôi đình cũ sau mấy lần khôi phục, vẫn không thể tìm lại được vẻ cổ kính,uy nghiêm, trầm mặc…thuở ban đầu.
Nhưng nếp chùa con qua bao vật đổi sao dời.
Vẫn nhỏ bé như hồi đầu tạo lập, đứng thi gan cùng tuế nguyệt, phong sương.(-)
Mưa tạt gió luồn không thấm lạnh nỗi lời kinh. Tiếng mỏ chuông tuy gờn gợn chút u buồn, nhưng vẫn giữ được hồn kinh trong hai thời công phu sớm, tối.
2. Sư trụ trì là nạn nhân của thời tao loạn, với nửa gương mặt cháy đen bởi bom đạn chiến trường.
Mỗi buổi chiều thu nắng nhạt sân đình.
Khi những chiếc lá đa buông mình về cội,thì vị sư già cũng thả hồn vào cõi xa xăm
Dưới hiên chùa ngồi tư lự, trầm ngâm; miệng lẩm nhẩm lời kinh cứu khổ.
Tôi linh cảm có nỗi niềm khôn thố lộ trong lòng người sư cụ già nua.
3.Tôi và sư là đôi bạn vong niên, thường đàm luận ý thiền thâm ảo.
Khi nâng tách mời nhau hương trà sớm, lúc họa vần thơ đạo dưới trăng khuya.
Cảm thông ngay từ buổi ban sơ, dù kẻ chốn cửa Không, người nẽo tục.
Nhưng tình cảm yêu thương tha thiết của nhà sư dành cho gốc đa kia
Sẽ mãi là bí mật thiêng liêng, theo ông xuống nằm yên nơi đáy mộ.(-)
Nếu chiều nay trước sân đình không xuất hiện một người thiếu phụ thướt tha.
Buồn vương đôi khóe thu ba
Trầm ngâm ngắm mãi gốc đa đầu đình.
NGÂM SA MẠC
Chiều tắt, sân đình bóng tối loang
Là đây, thời khắc gọi hồn oan
Nhang thơm ba nén run run đốt
Thiếu phụ khôn cầm giọt chứa chan
VỌNG CỔ
4.Rồi tiếng thở than vỡ từ lồng ngực thành những âm thanh nghẹn ngào nức nở, khiến nhà sư chấn động cả… tâm hồn.
Nhẹ bước đến bên lưng người thiếu phụ lệ tuôn dòng.
Đang khóc kể nỗi đoạn trường thân thế với gốc đa già vô cảm, vô tri.
Nhà sư tưởng mình đang ở trong mơ,cả trời đất chừng như sụp đổ.
Thì ra giọt máu đêm chia ly năm cũ đã trở về tim theo tiếng gọi cội nguồn.
5.Ngày xưa đôi trẻ xóm nghèo
Trưa hè trốn nắng ra trèo cành đa
Cùng mồ côi thuở lên ba
Gốc đa che mát tuổi hoa tội tình
Suốt năm tháng thanh xuân luôn như bóng theo hình.
Nhưng chưa kịp kết duyên lành thệ ước, thì chàng phải lên đường xông lướt đạn bom (-)
Nàng ở quê nhà thấp thỏm chờ trông, nuôi giọt máu tựu hình đêm giả biệt. Than ôi ! Những này cuối chiến tranh nàng được biết, rằng chinh nhân đã gởi nắm xương khô tận chốn biên thùy. .
6.Đứa bé mồ côi cha khi vừa rời bụng mẹ, theo giông tố cuộc đời làm thân phận kẻ ly hương.Trở về đây theo lời mẹ trối trăn trước giây phút âm dương đôi ngã.Rằng hãy rắc lên gốc đa ngày cũ mớ tro tàn của thân xác héo khô. Để linh hồn tìm về gốc đa xưa, nghe lại tiếng xạc xào mùa lá rụng. Để mơ lại những trưa hè trốn nắng thuở cùng ai in bóng trước sân đình.(-)
Vì một tin báo tử lầm, xui hai mảnh đời phải tha hương trôi dạt.
Nhưng những tấm chung tình động cả lòng trời đất, khiến có cuộc trùng phùng phụ tử đẹp như mơ.
NGÀY ẤY
Về xem lá rụng sân đình
Nghe như chiếc lá lòng mình rụng theo
Ngày xưa đôi trẻ xóm nghèo
Trưa hè trốn ngủ ra trèo cành đa
Rủ em anh rủ em ra
Bày trò đánh trận xông pha chiến trường
Quan làm lính té bị thương
Máu rơi thành giọt một đường cuối mi
Vết thương sẹo đến xuân thì
Thế rồi ngày tháng cũng đi qua dần
Quan rời tỉnh lẻ chiều xuân
Có tên lính nhỏ bâng khuâng lặng buồn
Nhìn nhau không nói, lệ tuôn
Soi gương còn vết sẹo buồn trên mi
Bao giờ quan trạng vinh qui
Mà tên lính nhỏ cũng đi không về
Phuongxa
__________________________________________________ _________________________________
: Nguyên văn thơ NGÀY ẤY -Phương Xa.[/QUOTE]
Lâu quá mới thấy sáng tác mới của chú. Nhưng cho con thắc mắc 1 chút ạ. Ngôi đình được trùng tu thì làm sao giữ được "vẻ cổ kính, uy nghiêm, trầm mặc..." mà tìm lại hả chú? Thứ gì trùng tu cũng chỉ để ko tàn theo năm tháng thôi, chứ cháu nghĩ nó không thể nào mang được cái hồn cội.
Cám ơn GT đọc bài. Và đọc rất kỹ.Ít khi tôi gặp được người chịu bỏ thì giờ đọc mình kỹ như cô.Thật là vui quá đổi!!!
Cô hiểu nghĩa từ thật chính xác: "Thứ gì trùng tu cũng chỉ để ko tàn theo năm tháng thôi, chứ cháu nghĩ nó không thể nào mang được cái hồn cội."
Cái đình "của tôi" biến mất rồi vì bom đạn chiến tranh (Gốc đa thương tích bấy mùa = tại địa điểm cái đình đã xảy ra nhiều trận đánh nhau)
Cái biến mất rồi thì trùng tu vào đâu? Cho nên, cô xem, ngôi đình trong bài này không là đình trùng tu, mà là đình khôi phục.
Trích nguyên văn:"Ngôi đình mới sau mấy lần khôi phục...".Tôi hiểu nghĩa từ khôi phục như vầy:
- Làm cho cái gì có lại, sau khi bị mất đi: khôi phục danh dự cho bà Mẹt, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của công ty Z, khôi phục các tuyến giao thông trên quốc lộ 1 sau cơn bão số 13...
Vậy đình của tôi là đình mới , xây trên nền cũ, trông không được cổ kính.... như đình cũ.
Ít dòng vắn tắt trả lời câu hỏi của cô.Hy vọng cô thỏa mãn.
Cải lương số thật là có phước lớn có 1 thành viên kỹ tính như cô.Ước gì mọi người đọc, người nghe Vọng cổ đều như cô cả.
Được vậy thì cái đám viết lăng nhăng, tầm phào sẽ lập tức biến mất:Cải lương sống lại liền.
Mến chào cô!
Cảm ơn chú giải thích, mấy hôm nay bận nên chưa hồi âm được với chú.
Theo con nghĩ, chắc có vấn đề ở cụm từ này "vẫn không thể...". Con đoán ý của chú là sự nuối tiếc, nhưng con đã hiểu theo cách bình dân nhất, là sự cố gắng. ^^! Vì thế mới thành ra 2 ý khác nhau ạ.
Con tin là cũng có nhiều anh chị em xem và đọc, nhưng chắc vì 1001 lý do nên chưa tiện bày tỏ thôi chú à. ^^! Dù sao cũng cảm ơn chú.