CÂY LẺ BẠN
Một vở diễn đáng xem
Mỗi con người đều có một sự lựa chọn riêng cho cuộc sống của mình. Sự lựa chọn đó có khi là niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng đôi khi cũng là một điều bất hạnh mà người đó phải đối diện từng giờ, từng ngày trong suốt cuộc đời của mình.
YÊU - Bản năng tốt đẹp luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Ai cũng có quyền yêu, được yêu, được sống trọn vẹn cùng tình yêu đó với một khát vọng sống mãnh liệt. Có người đạp lên dư luận mà đi, mà sống cho mình, để mưu cầu một tình yêu, một niềm hạnh phúc hằng ao ước. Nhưng đâu đó trong mỗi con người, cái bản ngã về cái tình, cái đạo lý sống vẫn còn nên họ cảm thấy e dè, ngập ngừng trước con đường, trước cái ngả rẽ mà họ sắp chọn.
CÂY LẺ BẠN, vở diễn của Nhà hát Trần Hữu Trang đã phần nào phác họa rõ nét về cái hiện thực đời thường này.
Uyển (
NS Lê Thanh Thảo), cô gái Sài thành có trình độ học vấn cao, từng là nữ sinh của trường Gia Long. Vì hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc, gia đình ly tán, cô may mắn được gia đình ông Tám
(NS Thanh Hồng) - một gia đình sống bằng nghề trồng cây kiểng ở miền quê đem về cưu mang. Vì cái ân tình, cái nghĩa đó, nên Uyển đã nên duyên vơ chồng với Nhẫn (
NS Nguyễn Minh Trường) - một chàng trai đúng cái chất mộc mạc, bình dị, chất phác của người nông dân.
Do khác biệt về nhận thức, nên trong suốt thời gian chung sống gần 20 năm bên người chồng mà mình không có tình yêu, cùng sự tiếp xúc hàng ngày với gia đình chồng, với ông bố chồng hà khắc, nghiêm nghị, đôi khi gia trưởng, Uyển luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở, trong cái không khí gia đình ấy. Cô luôn luôn hằn hộc, quát tháo,......ngay cả với người chồng quê mùa hết mực yêu thương cô.
Bao nhiêu năm sống với cuộc sống mà Uyển cho là chịu đựng, khát vọng yêu, được yêu bùng phát dữ dội trong người cô khi mà vô tình Uyển gặp Hảo (
NS Điền Trung) - chàng trai đã tìm về miền quê này để cùng với bà con nghiên cứu, phát triển các loại cây kiểng mới, làm cầu nối để đưa chúng đến với các thị trường thành phố. Uyển đã yêu, đã mưu cầu tình yêu từ Hảo - vốn rất được lòng ông Tám.
Vốn yêu mến tính tình của Hảo sau nhiều tháng ngày anh về miền quê yên bình này, nên ông Tám đã có ý muốn kết duyên cho Hảo cùng cô con gái út của mình, tên Thanh (
NS Nhã Thi) - một cô gái dịu hiền, nết na và cũng đã ở cái cái tuổi không còn trẻ nữa. Tuy chưa hoàn toàn chuẩn bị tâm lý cho cuộc hôn nhân này, nhưng trước tình cảm mà gia đình ông Tám dành cho mình nên Hảo cũng đồng ý sẽ đám cưới tổ chức vào mùng 2 Tết sau đó.
Trước sự đấu tranh giữa tình yêu (vốn chưa nhiều với Thanh) - tình nghĩa (với ông Tám) cùng với sự săn đón của Uyển (người phụ nữ đã có gia đình mà Hảo không cho phép mình chấp thuận mối quan hệ), nên Hảo đã ra đi ngay trước ngày đám cưới. Điều này làm cho ông Tám bàng hoàng, út Thanh tuyệt vọng nên cô tự tìm đến cái chết khi mà tình yêu đầu đời được cô gái miền quê đặt nhiều kỳ vọng đã bị cắt đứt.
Vì tình yêu mãnh liệt trỗi dậy trong lòng nên Uyển cũng đã dứt áo ra đi khỏi nhà vào đúng ngày mùng 1 Tết để lên thành phố nhằm mong có cơ hội trùng phùng với Hảo, bỏ lại phía sau tình yêu lớn lao của chồng và niềm thương yêu vô hạn của đứa con trai 17 tuổi (
NS Hoàng Hải).
Quyết định ra đi mạnh mẽ vì tiếng gọi của tình yêu, nhưng bước chân của Uyển không hoàn toàn dứt khoát. Mặc dù đã lên đến tận khu nhà của Hảo ở trên thành phố gần một tuần, nhưng cô lại e dè, ngần ngại, đắn đo chưa dám gặp. Cô sợ cái tình yêu của Hảo không đủ lớn để anh có thể sống trọn đời với cô, cũng như trong sâu thẳm con người mình, cô vẫn còn nhớ đến cái gia đình nhỏ của mình nơi miền quê, nơi cô còn người chồng chất phác và cậu con trai sắp đến tuổi trưởng thành.
Tình yêu của Nhẫn dành cho vợ quá lớn lao, nên anh ta đã quyết định lên thành phố để tìm cô về. Và anh đã đối diện cái kết cục đau lòng khi chứng kiến vợ mình trong vòng tay của người mà gia đình anh thương yêu, kỳ vọng sẽ là chàng rể hiền. Đau đớn tột cùng, Nhẫn quay trở về, nhưng cũng không quên báo cho Hảo và Uyển biết về cái chết của út Thanh, em gái mình.
Hảo và Uyển về quê, mong tìm sự tha thứ của gia đình ông Tám cho những lỗi lầm mà hai người vô tình đã gây ra. Trước sự mất mát quá lớn khi con gái mình qua đời, ông Tám như chết lặng. Nỗi đau tột cùng của người cha ấy như bùng phát, và toan chém chết Hảo cho thỏa lòng. Nhưng rồi ông cũng suy nghĩ lại về cái tình người, về cái lòng vị tha, vì dù Hảo có bị ông chém chết thì Thanh cũng không trở về với ông được nữa.
Ông Tám đã chặt đứt nhánh còn lại của cây Mai đôi trồng trước nhà -
cây Mai như một minh chứng cho tình yêu của ông bà thời trẻ, mà giờ nó trở thành CÂY LẺ BẠN, từ ngày bà bỏ ông mà đi về cái thế giới vô hình, xa thẳm - như muốn đoạn tuyệt với tất cả nỗi đau mà ông nếm trải trong cuộc đời mình.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Thu Phương đã xây dựng một bố cục đầy tính bi kịch - bi kịch của một thân phận con người, bi kịch của một gia đình, và bi kịch của một phần xã hội - nhưng cũng đầy tính nhân văn, giáo dục.
Cảm ơn soạn giả Hoàng Song Việt đã chuyển thể thành một vở cải lương hay. Từng lời thoại, từng câu ca của anh viết ra súc tích, có chiều sâu như là một lời nhắc nhở, một sự cảnh tỉnh dành cho tất cả những ai đã, đang và sẽ suy nghĩ về một khát vọng sống, một mưu cầu hạnh phúc của riêng mình nhưng lại đạp trên cái lễ giáo, cái nghĩa tình mà đi.
Cảm ơn dàn diễn viên của đoàn III Nhà hát Trần Hữu Trang đã có những giây phút thăng hoa trên sân khấu. Tài năng diễn xuất của các anh chị góp phần không nhỏ cho sự thành công của vở diển này.