Đêm Quy Sắc :
KHÔNG THƯA THỚT LÒNG
Sài Gòn chợt nắng chợt mưa
Đổi thay thời tiết không thưa thớt lòng
Người Sài Gòn miền Nam như thế đó. Trên 50 năm vẫn ủng hộ và đùm bọc sân khấu cải lương mọi đoàn hát.
Người dưng mà chẳng dửng dưng
La cà cởi mở vẫn mừng gặp nhau
Ở chòi mướn, sống cháo rau
Giúp nhau mới thấu tình sâu Sài Gòn.
Tôi là người ở đất rừng U Minh Thượng (chiến khu 9), đã gặp người ở Thủ Dầu Một, nay là Bình Dương (chiến khu D) trong hẽm nhỏ ở đường Cô Giang năm 1956.
Nghe dân trong xóm nói có thầy giáo Quý ở trong hẽm, tôi ở phố mướn cùng hẽm mới la cà đi tìm. Tôi làm nghề dạy học ở rừng, gặp thầy giáo gõ đầu trẻ cũng ở rừng miền đông, chắc hẳn dễ gần nhau. Lúc đó hai thầy giáo cùng nghèo, sống khép nép dè chừng vì sợ cú vọ dòm ngó. Sau nhiều lần gặp nhau tôi gợi ý : “nên viết tuồng để gỡ nghèo”.
Từ câu nói đó, anh Quy Sắc hay thầy giáo Quý trao cho tôi vở “Đời Sơn Nữ”. Xem xong thấy vở hơi ngắn không đủ thời lượng ba tiếng đồng hồ, tôi gợi ý nên viết thêm, nên điểm xuyết thơ trong vai chánh Phà Ca, thêm ca khúc tân nhạc, thêm múa tập thể và nên đổi tên tuồng nghe quyến rũ hơn : “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” hoặc “Bao Giờ Mùa Sim Chín”. Anh Quy Sắc đồng ý ngay.
Ở chòi mướn sống cháo rau
Viết khuya mới thấu tình sâu Sài Gòn.
Thầy giáo Quý ban ngày đi dạy học. Còn tôi đi làm thầy cò sửa bài cho nhật báo “Tiếng Chuông”. Đêm về anh em cùng thức khuya, mua từng ba điếu thuốc, ăn cháo uống cà phê đen rồi thức trắng để viết rút. Vở hát đầu đời “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” được khai trương cuối năm 1956, được tái diễn suốt một tháng.
Lúc đó, đoàn Kim Chung từ Bắc vào Sài Gòn nằm ở trung tâm hý viện Aristo nên đã tự khoe là kỷ lục tái diễn với câu chữ : “độc nhất vô nhị”, “diễm huyền vô song”. Một ký giả tay trong với đoàn Kim Chung viết bài chê không căn cứ vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới”, vì vở này phá kỷ lục tái diễn của đoàn Kim Chung. Vốn là ký giả kịch trường báo “Tiếng Chuông”, tôi liền viết bài vừa bênh vực, vừa hóa giải mọi xung khắc .
Xuống Sa Đét, Trà Vinh, vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” vẫn được tái diễn. Chủ gánh và nghệ sĩ công nhân đều vui mừng. Đời sống hai bạn soạn giả nghèo đã được cải thiện chút đỉnh.
Bắc trớn, anh Quy Sắc nói : “đoàn Trâm Vàng cần vở khai trương”, nên trao cho tôi vở “Nữ Chúa Bồn Mang”. Nội dung vở này có phần gay gắt với tình huống gián điệp, có so kiếm đầy máu lửa.
Là nhà thơ tôi nghe chói tai hai tiếng Bồn Mang nên chọn tên tuồng “Khi Rừng Mới Sang Thu”, cốt làm lá chắn mượt mà tươi mát. Nhờ họa sĩ Hoàng Lan nay đã đi xa, phổ ca khúc tân nhạc phác thảo tác động thằng gù xấu xí nhưng si tình, lấy lá kè làm quạt, quạt bay muỗi rừng để ru cho Nữ Chúa ngủ say.
Vở này vẫn được ăn khách. Lúc đó các soạn giả thường trực làm cho đoàn Thanh Minh đã ký giao kèo chỉ viết riêng cho đoàn, không được giao vở hát cho đoàn khác. Tôi cũng lãnh lương thường trực của đoàn Thanh Minh nên để anh Quy Sắc đứng tên một mình. Sau này một hãng dĩa mua tuồng “Khi Rừng Mới Sang Thu” để thâu dĩa. Người cắt tuồng lại để tên hợp soạn với Quy Sắc là sai.
Khi tôi bị bót Ngô Quyền của cảnh sát đặc biệt miền Đông PSE bắt thì soạn giả Quy Sắc phải ẩn náu tránh né. Sau đó gặp lại tôi mời anh Quy Sắc viết ba vở : “Phấn Bụi Phù Hoa”, “Phấn Lá Men Rừng”, “Màu Tím Hoa Trinh Nữ” (hay “Từ Trường Học Đến Trường Đời”), và chặp cải lương ngắn : “Bóng Mát Vườn Măng”. Anh Quy Sắc còn viết rất nhiều bài vọng cổ có ấn tượng.
Tuy bận dạy học, viết tuồng, soạn giả Quy Sắc vẫn tham gia làm thành viên chấm thi cho giải Thanh Tâm và yểm trợ cuộc thi “Khôi Nguyên Vọng Cổ” từ năm 1964, do Kiên Giang, Phương Hà, nhạc sĩ Út Trâm chủ động thực hiện. Kép Minh Vương (Minh Vưng) là huy chương vàng của cuộc thi này.
Từ năm 1963 đến 1973, Kiên Giang, Hà Quy Hà, Mộc Linh, và báo “Lẽ Sống” mở cuộc nói chuyện về nguồn gốc bạn vọng cổ và trình diện nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại rạp Quốc Thanh ở Sài Gòn. Qua nhiều cuộc sinh hoạt công khai về nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khán giả Sài Gòn mới biết nhạc sĩ Cao Văn Lầu là thủy tổ khai sáng bản Dạ Cổ Hoài Lang, sau này là vọng cổ mà hầu hết đào kép cải lương đều có sử dụng.
Năm 2009, Bạc Liêu đã long trọng làm lễ kỷ niệm 90 tuổi Dạ Cổ Hoài Lang. Soạn giả Quy Sắc cùng một số ký giả, soạn giả yêu nước và gốc kháng chiến đều yểm trợ mọi cuộc sinh hoạt công khai.
Lúc còn sinh tiền, soạn giả Quy Sắc được mời dự lễ giỗ của soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng đã gợi ý : “Tụi mình già rồi. Nếu có dịp nên nhắc nhớ vai trò ký giả kịch trường : nghệ sĩ, soạn giả, ca sĩ, nhạc sĩ và bầu gánh của các đoàn cải lương trên dưới hơn nửa thế kỷ.”
Hàng ngũ ký giả ngày xưa, đặc biệt là ký giả tiến bộ yêu nước và gốc kháng chiến đều ủng hộ các đoàn cải lương mỗi lần khai trương vở mới, sẵn sàng bút chiến nếu bị xuyên tạc chụp mũ. Vở “Người Mặt Cháy” do Nguyễn Phương chuyển thể và vở “Lấp Sông Danh” của soạn giả Kinh Luân, đã bị ký giả “gia nô” xỉa xói lên án, vẫn bị một số ký giả tiến bộ đối lập lên tiếng bảo vệ và bênh vực. Nhiều ký giả soạn giả viết thẳng, viết tốt đều bị tù đày.
Từ “Đêm Quy Sắc”, nhớ lời Quy Sắc tôi cố gắng ghi nhớ một số người làm Văn Học Nghệ Thuật sân khấu đã qua đời, đang hành nghề để cho thế hệ hiện hữu biết.
Ký giả đã qua đời:
Trần Tấn Quốc (hay Trần Tử Văn, hay Thanh Tâm).
Thanh Đạm, Tam Đức, Nguyễn Ang Ca, Ngọc Đỉnh, Bạch Tùng Hương, Tô Hiến Châu, Trần Đình, Thiện Hương, Phong Vân, Hoài Ngọc, Ngọc Linh.
Kỷ giả còn sống :
Huỳnh Công Minh cũng là nhiếp ảnh viên.
Liên Chi - con gái của nhà văn Mộc Linh là thế hệ ký giả mới nối nghiệp cha, đang làm cho báo sân khấu Tp. HCM.
Soạn giả đã qua đời :
Trần Hữu Trang (hay Tư Trang), Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Thiếu Linh, Thu An, Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Vạn Lý, Yến Linh.
Soạn giả còn sống :
Viễn Châu, Nguyễn Liêu, Yên Trang, Trần Hà, Thanh Cao, Bạch Diệp (Long Xuyên), Yên Lang (ở nước ngoài).
Nghệ sĩ quá cố:
Năm Phỉ, NSND Phùng Há, quái kiệt Ba Vân, Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), cô Ba Ngưu, cô Sáu Nết, cô Sáu Hột Sương, Thành Tôn, Minh Tơ, Minh Chí, Việt Hùng, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Hữu Tâm, Thúy Nga, Phước Trọng, Ngọc An, Văn Ngân, Trương Ánh Loan, Thanh Sơn, Chí Hiếu, Kiều Hoa, Kim Luông, Cô ba Kim Anh lớn, Kim Anh nhỏ (con cô ba Hui), Kim Thoa, Ánh Nguyệt, Sáu Thoàn, Huýnh Thái, Ngọc Toàn, Bích Hợp, Kim Chung, NSND Út Trà Ôn, Thanh Nga.
Nghệ sĩ còn sống:
Ánh Hoa, Trang Bích Liễu, Thanh Tú, Bạch Yến, Thiên Kim, Mộng Lành, Kiều Thu, Kiều Lệ Thu, Thanh An, bé Hoàng Vân, NSƯT Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Diệp Lang.
Thanh Bạch, Bạch Lê, Bạch Lựu, Tài Linh... ở nước ngoài.
Nhạc sĩ cổ nhạc quá cố:
Sáu Tửng, Tư Huyện, Năm Cơ, Bảy Hàm, Ngọc Sáu, Bảy Vinh, Chín Trích, Hai Biểu, Hai Khuê, Mười Của, Tư Còn, Hai Long, Hoàng Huệ.
Ca sĩ quá cố:
Cô ba Bến Tre, cô ba Trà Vinh, cô Năm Cần Thơ, cô ba Vàm Lẻo, Tám Thưa, Năm Thồi, Sanh Xía, cô Tư Sạn, Hồng Hoa Lệ, Chín Sớm, Thành Công.
Đa số chủ gánh tạm gọi là ông bà bầu các đoàn cải lương đều hóa kiếp. Chỉ còn bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương phụ trách quản lý chùa nghệ sĩ Nhật Quang thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đồng bào khán giả vùng xa vùng sâu do nữ NSND Phùng Há chủ xướng. Bầu Kim Chưởng, bầu Tư Hiếu hoạt động ở ban Ái Hữu Nghệ Sĩ, bầu Tám Lang ở Khu Dưỡng Lão nghệ sĩ.
Bằng hồi ức và mức độ đào sâu trí nhớ ở tuổi hoàng hôn, tôi cố gắng ghi lại danh sách mọi giới làm văn học nghệ thuật sân khấu cải lương trong “Đêm Quy Sắc” dù chưa đầy đủ, vẫn có thể chứng minh sức bật và dòng chảy sân khấu cải lương Sài Gòn cũ. Vẫn bức phá và lai láng nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc hồn quê hồn nước trên hơn nửa thế kỷ đã qua. Chắc hẳn còn thiếu sót, rất mong quý vị khán giả hiện hữu “Đêm Quy Sắc”, xem đây là nén hương hoài niệm hoặc tưởng niệm. với người khuất bóng còn gởi lại chút tinh anh cho sân khấu cải lương. Âm vang “Đêm Quy Sắc” cũng chan chứa lời ký thác gởi lại cho lớp soạn giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ đang hành nghề trong thế hệ trẻ. Vẫn gắn bó với một số ít nghệ sĩ lớn tuổi của sân khấu cải lương Sài Gòn cũ, phải cùng làm gì cho sân khấu cải lương phát triển trong thời mở cửa và hội nhập.
Sài Gòn chợt nắng chợt mưa,
Đổi thay thời tiết không thưa thớt lòng
Khán giả của sân khấu cải lương trong mọi thời điểm nhất định không bao giờ thưa thớt lòng.
Dù đời còn chuyện bão giông
Hãy giữ tấm lòng làm tạnh mây mưa.
Đất trời có nắng trong mưa
Lại mưa trong nắng dựng mùa bội thu.
Mùa bội thu đó phải hứa hẹn đang ký thác thế hệ hiện hữu, thế hệ trẻ năng động nhạy bén, thông minh, sáng tạo làm ra bông trái hương thơm, chất ngọc, xứng hợp với chiều hướng đi lên.
Soạn giả quá cố Quy Sắc và tôi, cũng như mọi tấm lòng đã sống chết và mang ơn sân khấu cải lương đều kỳ vọng như thế. Như thế “Đêm Quy Sắc” vẫn còn âm vang.
Viết trước di ảnh của soạn giả Quy Sắc
Kiên Giang - Hà Quy Hà