Ngân Giang cũng là một giọng ca đẹp và hay sau 75. Nhiều bài của anh để lại dấu ấn sâu đậm nơi lòng người mộ điệu. MEM mở topic này để chia sẻ thông tin về cuộc đời, sự nghiệp cũng như các bài hát của người nghệ sĩ này nhe. hihi
Sau năm 1975, có những nghệ sĩ được đào tạo theo trường lớp nhưng cũng có rrất nhiều nghệ sĩ thành tài theo lối được trực tiếp truyền nghề như các nghệ sĩ tiền phontg thời trước. Nhiều nghệ sĩ học ca vở lòng, học đóng vai quân hầu, lính chạy hiệu rồi đóng qua các vai phụ nhiều năm, gặp dịp mới có thể đóng được các vai quan trọng trên sân khấu. Không phải con nhà nòi
Nghệ sĩ Ngân Giang không phải là con nhà nòi, không có ông cha hay anh em trong nghề hát cải lương nhưng có dip may được nghệ sĩ đàn anh trực tiếp truyền nghề hát nên Ngân Giang nổi bậc như một ngôi sao lạ, vụt sáng giữa bầu trời nghệ thuật của miền Nam Việt Nam.
Nghệ sĩ Ngân Giang tên thật là Phùng Văn Rành, sanh ngày 9 tháng 9 năm 1960, quê ở xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành tỉnh Định Tường - Tiền Giang, tức tỉnh Mỹtho. Thân phụ là ông Hồ Văn Bi, nông dân, mẹ là bà Phùng Thị Biếu, công nhân ở cảng Saigon quận 4.
Ngân Giang – Phùng Văn Rành lấy theo họ mẹ, cha em mất năm 1963, lúc em mới có 3 tuổi. Mẹ bỏ làng quê, lên Saigon làm công nhân cho Cảng Saigon. Em Rành chỉ học cho biết đọc biết viết rồi em đi học nghề sửa xe ở đường Nguyễn Tri Phương Quận 5, em được chủ hãng cho ăn, ở tại hãng xe.
Em Rành đi xem hát cải lương ở rạp Olympic, thích nghệ sĩ Minh Phụng và Lệ Thủy trong tuồng Đêm Lạnh Chùa Hoang nên khi về hãng làm việc, em bắt chước ca vọng cổ theo giọng ca của Minh Phụng. Nhưng ca hoài mà ai cũng nói là không giống Minh Phụng. Ông thợ máy chánh thấy vậy mới khuyên em Rành đi tìm thầy học cổ nhạc cho có căn bản thì mới có thể đi hát được.
Em Rành dành dụm tiền để học ca tân nhạc của thầy Nguyễn Đức, học ca cổ nhạc của thầy Yên Sơn ở đường Lê Hồng Phong( đường Pétrus cũ) và học thêm một khóa cổ nhạc của thầy Văn Vĩ. Em Rành ca được ba Nam, sáu Bắc và vọng cổ nhưng vẫn không có dịp nào được hát trên sân khấu.
Trong dịp về thăm má em, nhà ở con hẻm Trình Minh Thế, quận 4, mặt tiền đường là nhà của soạn giả Điêu Huyền, em Rành gặp soạn giả Điêu Huyền và trình bày hoàn cảnh của em, em đã học ca cổ nhạc mấy năm rồi, biết ca nhiều bài bản nhưng không có ai quen để giới thiệu em cho đi đoàn hát.
Điêu Huyền nghe thử giọng ca của Em Rành, biết em là con của bà Biếu trong xóm trong nên ông giới thiệu cho em gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 2 và đặt cho em nghệ danh là Ngân Giang, ý nói giọng ca của em vang lộng và dài hơi như dòng sông ngân, đồng thời ông gởi gấm em cho nghệ sĩ Diệp Lang dạy nghề.
Giọng ca đặc biệt
Tuy nói là được Diệp Lang dạy nghề nhưng Ngân Giang cũng phải mất hết hai năm đóng vai quân sĩ trong tuồng Tìm Lại Cuộc Đời, Khách Sạn Hào Hoa và vở Ánh Lửa Rừng Khuya. Sau đó Ngân Giang được đóng một vai phụ, một anh nông dân trong tuồng Tiếng Hò Sông Hậu. Trong tuồng nầy, Ngân Giang được dịp phô trương giọng hò dài hơi của anh qua vài câu hò đối đáp giữa các nông dân trên đồng ruộng.
Khi hát tuồng nầy ở nhà hát Thành Phố, giọng hò dài hơi của Ngân Giang được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Nghệ sĩ Thanh Tòng có xem đêm hát đó nên khi vãn hát, Thanh Tòng thuyết phục Ngân Giang về với đoàn hát Minh Tơ, anh hứa sẽ truyền nghề hát tuồng cổ cho Ngân Giang và hứa sẽ giao cho Ngân Giang hát vai chánh để khai thác giọng ca đặc biệt hay của anh.
Ngân Giang không bỏ lở dịp may ngàn vàng nầy, anh nhận lời với Thanh Tòng và hôm sau anh nạp đơn xin nghĩ hát ở đoàn Saigon 2.
Nghệ sĩ Ngân Giang sau khi nạp đơn xin nghĩ đoàn hát Saigon 2, dù lúc đó anh chỉ đóng vai quân sĩ hay nông dân có hò một vài câu hò, nghĩa là một vai tuồng không quan trọng, nhưng ông trưởng đoàn cải lương Saigon 2 chưa cấp giấy chấp thuận cho anh rời đoàn Saigon 2 thì anh không được phép đi diễn ở bất cứ đoàn hát nào khác.
Năm 1980, được sự giúp đở dạy nghề của nghệ sĩ Thanh Tòng, Ngân Giang được giao cho hát vai chánh trong tuồng Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi.
Đến đầu tuần, ngày thứ ba, đoàn Minh Tơ hát trình kiểm duyệt xong, đoàn tính khai trương tuồng hát đó tại rạp Hào Huê, nhưng ngay ngày thứ hai, trước khi đoàn Minh Tơ khai trương tuồng Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi thì Phòng Sân Khấu kêu đại diện của đoàn Minh Tơ lên, thông báo là nghệ sĩ Ngân Giang không được hát vì đoàn Saigon 2 thưa Ngân Giang đã bỏ đoàn ngang.
Ban quản trị đoàn Minh Tơ có cô Cẩm Vân là cán bộ của Sở Văn Hóa đưa xuống, cô năn nỉ xin cho Ngân Giang hát vì đã quảng cáo lỡ rồi nhưng Ông Trưởng đoàn Saigon 2 không đồng ý.
Thời may anh Năm Anh, quản lý của đoàn Saigon 2 không biết ý định của ông trưởng đoàn, anh nói: Ngân Giang chỉ đóng vai quân sĩ và những vai phụ, không có Ngân Giang không ảnh hưởng gì đến đêm hát của đoàn Saigon 2, anh Năm Anh đề nghị cho Ngân Giang đi hát cho Minh Tơ.
Nhờ vậy mà nghệ sĩ Ngân Giang được Phòng Sân Khấu chấp thuận cho hát ở đoàn Minh Tơ, đó là một kỷ niệm khó quên trong đời đi hát của nghệ sĩ Ngân Giang.
Các tuồng đã diễn
Nghệ sĩ Ngân Giang đã hát thành công vai chánh trong tuồng Xuân Về Trê Đỉnh Mã Phi, sau đó anh đóng vai chánh tiếp các tuồng Ngọn Lửa Thăng Long, Dựng Cờ Cứu Nước, Câu Thơ Yên Ngựa, Thanh Gươm và Nữ Tướng.
Năm 1983, Ngân Giang cộng tác với đoàn hát Tinh Hoa - Vũng Tàu. Năm 1985, anh được nâng lên làm Phó trưởng đoàn cải lương Vũng Tàu 2, phụ trách nghệ thuật sân khấu. Năm 1994, Ngân Giang trở về Saigon, cộng tác với đoàn hát Hương Mùa Thu. Năm 1995, anh về cộng tác với đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Năm 1996, Ngân Giang hát ở Câu Lạc Bộ Cải Lương Ba Thế Hệ.
Nghệ sĩ Ngân Giang đệ tử lò cổ nhạc Yên Sơn và Văn Vĩ, nhờ có giọng ca rất thanh, rất trong và khoẻ khoắn, được sự giúp đở của soạn giả Điêu Huyền và nghệ sĩ Thanh Tòng, từ một người chỉ được đóng vai quân sĩ, đánh kiếm chạy hiệu đã được nâng lên đóng vai chánh các tuồng của đoàn hát đại ban Minh Tơ.
Ngoài các tuồng đã kể, Ngân Giang còn là diễn viên chánh của các tuồng Tình Hận Thâm Cung, Tô Ánh Nguyệt, Hoàng Hậu Ba Tư, Nắng Sớm Mư Chiều, Đêm Lạnh Chùa Hoang, Tâm Sự Loài Chim Biển và hàng trăm vở tuồng khác trên các sân khấu đoàn Tinh Hoa, Vũng Tàu, Huỳnh Long, Hương Mùa Thu. Câu Lạc Bộ Cải lương Ba Thế Hệ. Nghệ sĩ Ngân Giang đã được mời thu dĩa nhựa và băng vidéo hàng trăm dĩa vọng cổ và tuồng hát cải lương, đặc biệt anh được mời ca chung một dĩa tân cổ giao duyên với các nữ nghệ sĩ tài danh như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Thanh Kim Huệ, Hồng Nga, Thanh Ngân, Cẩm Tiên…
Qua cuộc đời nhiều cảnh thăng trầm của nghệ sĩ Ngân Giang, có thể nói là người nghệ sĩ có giọng ca tốt, được học nghề hát rất căn bản, có khả năng hát vai chánh nều không có cơ hội may mắn và không được người tốt giúp đở thì nghệ sĩ Ngân Giang sẽ không được khán giả ái mộ như ngày nay, mà anh chỉ là một quân sĩ chạy hiệu cho đoàn hát cải lương Saigon 2.
Năm 1978 Đoàn cải lương Sài Gòn 2 khai trương kịch bản Tiếng hò sông Hậu, giới thiệu nghệ sĩ trẻ Tuấn Thanh, chính thức trình làng trên sân khấu TP, thay thế danh ca Thanh Tuấn hát kép chánh ở đoàn. Nghệ sĩ Giang Châu có thêm vai Thừa để đời, xuất sắc không kém vai Trần Hùng trong vở Tìm lại cuộc đời.
Tuấn An hát vai Thầy ba Năng không ai hát hay hơn. Đoàn giới thiệu được một thành phần diễn viên trẻ hùng hậu, rất triển vọng, bên cạnh những nghệ sĩ thượng thặng như Diệp Lang, Ngọc Bích, Tư Rọm, Tô Kiều Lan…Những vai chính có nhiều đất diễn, thành công là lẽ đương nhiên.
Có một trường hợp rất đặt biệt xảy ra trên sân khấu này, ở một vai nhỏ, quần chúng thôi, một học viên của đoàn đã diễn thành công xuất sắc, cho đến tận hôm nay, trên 30 năm rồi, dù vở Tiếng hò sông Hậu đã được dựng lại nhiều lần, với nhiều ê kíp diễn viên, vẫn không ai diễn vai này hay hơn anh. Nói đúng hơn, không ai có thể quên được anh – vai Hò, do Ngân Giang diễn đầu tiên vào năm 1978.
Sau này anh trở thành một danh ca, rất ăn khách trên khắp nẻo đường lưu diễn, nhắc tên anh khán giả không nhớ, người này đã từng diễn trên sân khấu Sài Gòn 2, có mặt trong vở Tiếng hò sông Hậu, nhưng nếu nói đến nhân vật ấy, anh là người diễn đầu tiên, trong những năm đó thì nhiều người sẽ ồ lên: “thì ra là anh…”.Chính vai diễn này là nấc thang đưa Ngân Giang từ bóng tối ra ánh sáng và rực rở thành một ngôi sao trẻ ăn khách, từ một học diễn nghèo, thành một kép chánh có số lương rất cao thời đó, đổi thay cuộc đời, số phận của anh. Trên sân khấu có những cơ duyên kỳ lạ, dường như tổ nghiệp đã dành sẳn riêng cho đứa con nghệ thuật của mình.
ĐƯỜNG VÀO NGHỀ
Ngân Giang tên thật là Phùng Văn Rành, sanh năm 1958, tại làng quê Thủ Thừa, tỉnh Long An, gần nhà NSUT Mỹ Châu. Ở quê nghèo quá, nên ba má anh mới dọn lên Sài Gòn từ năm 1969, để tìm kế mưu sinh. Từ nhỏ anh theo ba làm thợ mộc, rồi vừa học chữ, học thêm nghề sửa xe.
Mê cải lương từ hồi nào không nhớ, có thể năm 11, 12 tuổi gì đó. Nhà ở trong hẻm nhỏ gần đường Nguyễn Tri Phương, quận 5, muối coi cải lương, ít tiền quá anh phải lội bộ từ đó ra tới rạp Olympic (nay là Trung Tâm Văn hóa nghệ thuật dân tộc TP, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần ngã tư Cách Mạng Tháng Tám). Nhờ nhỏ con, đứng không tới ô bán vé, nên anh khỏi mua vé, đưa tiền cửa là được vào rạp, còn được mấy người kiểm soát vé ưu tiên xếp cho ngồi bệt ở dưới đất, trước hàng ghế đầu, chổ dành riêng cho con nít. Chỉ coi sân khấu Kim Chung, anh mê nhứt là Minh Phụng. Thường lén chui vô một góc tường, có lổ hỏng nhỏ, nhìn vào chổ nghệ sĩ hóa trang, thấy nghệ sĩ Hoàng Ghi đang cầm kiếm dạy cho một cô đào, coi ông múa kiếm đã con mắt, anh ghiền luôn.
Năm 1973 anh đăng ký học ca, lại nhầm lớp nhạc của thầy Nguyễn Đức mà học, được vài tháng thầy khuyên: “giọng của con nên học ca cải lương…” thầy trả tiền học phí lại, anh bèn tới lớp của thầy dạy ca cổ nhạc của thầy Văn Vĩ và cô Ngọc Thạch, xin làm đệ tử. Thường ngày anh được Văn Hải đệm đờn ca tập luyện. Theo thầy học được vài năm, tới năm 1977, thấy mình cũng lớn rồi, anh quyết chí theo đoàn hát lập nghiệp. Khi ấy đoàn Sài Gòn 2 đang tuyển học viên, Rành đến thử hơi, được nhận vào làm quân sĩ. Mỗi ngày vừa làm quân, vừa được coi thần tượng Thanh Tuấn, Giang Châu diễn, lại có lương, tuy không nhiều, với Rành như vậy là tốt lắm rồi. Trong thời làm quân anh có 2 lần được hát thế vai Giang Châu trong vở Ánh lửa rừng khuya và Khách sạn hào hoa.
Vai diễn chính thức của mình được phân vai đầu tiên là vai Nông dân (sau này gọi luôn là vai thằng Hò). Ở đoàn Sài Gòn 2, Rành được tác giả Điêu Huyền nhận làm cháu ngoại nuôi, thường ngày ông hay lấy đờn dạy cháu ca, nghe giọng cao, lảnh lót, ca dây “xề đậy” (tương đương với nốt si) dây cao nhất của giọng kép (chất giọng kim), âm vực rất rộng, vang xa ông mới đặt cho Rành nghệ danh Ngân Giang với hai ý nghĩa: thứ nhất là cao vút vang xa và hàm ý nghĩa sáng đẹp lấp lánh như dòng sông Ngân trong huyền thoại Ngưu Lang – Chức Nữ, ông muốn cháu ngoại nuôi của ông sau này thành sao sân khấu, thứ hai lần đầu Rành lên sân khấu thế vai Giang Châu, mà chất giọng cũng “sấm sét” không kém, kỷ niệm với một tài danh. Nghệ danh Ngân Giang vừa là tình vừa là ơn của một tác giả lớn dành cho đứa cháu cưng, mà ông hy vọng rất nhiều. Rành đã không phụ lòng ông ngoại.
THÀNH SAO VỚI LÝ NGÂN
NSND Thanh Tòng thời đó khi xem đoàn Sài Gòn 2 diễn vở Tiếng hò sông Hậu, ông cũng rất ấn tượng với diễn viên đóng vai Hò, biết tên nhưng chưa rỏ mặt. Năm 1980, nhân lễ Quốc Khánh, các đoàn cải lương của TP hát phục vụ ở sân khấu ngoài trời trước sân của nhà hát TP, Ngân Giang đại diện cho đoàn Sài Gòn 2, gặp được ông Thanh Tòng đang dẫn nhóm nghệ sĩ của đoàn Minh Tơ cũng đi diễn phục vụ lễ.
Lúc này Vũ Linh vừa nghỉ đoàn Minh Tơ, lãnh đạo đoàn đang tìm người thay thế, với con mắc nghề nghiệp của mình, ông Thanh Tòng đã chấm Ngân Giang. Ở đoàn Sài Gòn 2 thì Ngân Giang khó chen chân, nhưng nếu chuyển qua cải lương tuồng cổ thì hy vọng tràn trề. Thường thì nghệ sĩ bên tuồng cổ rất giỏi vũ đạo, còn giọng ca thì trung bình, nghệ sĩ Thanh Tòng muốn nâng chất ca, sự bổ sung Ngân Giang sẽ là làng gió mới. Vậy là ông quyết định mời Ngân Giang về đoàn Minh Tơ hát thay vị trí Vũ Linh để lại. Ngân Giang về đoàn Sài Gòn 2 trình bày nguyện vọng xin đi, ban phụ trách đoàn không cho, nhưng có người vẫn ngầm xúi Ngân Giang chuyển qua đoàn Minh Tơ, tìm cơ hội tiến thân.
Thật ra không phải Ngân Giang quan trọng vì ở đoàn Sài Sòn 2, thời đó cách quản lý nhân sự ở các đoàn rất nghiêm nhặt, máy móc, nguyên tắc cứng nhắc, Ngân Giang chỉ là nạn nhân của một cơ chế lạc hậu, lỗi thời. Làm đơn xin nghỉ không cho, gởi đơn xong Ngân Giang cũng nghỉ ở đoàn Sài Gòn 2 luôn, qua bên Minh Tơ tập tuồng Xuân về trên đỉnh Mã Phi. Ngân Giang vẫn mang ơn đoàn Sài Gòn 2, nhưng nếu ở lại, biết bao giờ mới được thành công, đoàn quá nhiều kép trẻ hát hay, còn về đoàn Minh Tơ, Ngân Giang là giọng ca số một, lại được ông Thanh Tòng quan tâm đặc biệt, muốn dựng Ngân Giang thành kép chánh, cơ may không dễ có, Ngân Giang không tin mình có cơ hội tốt như vậy, ham hát quá phải làm liều.
Riêng ban phụ trách đoàn Minh Tơ vẫn âm thầm đi thương lượng, dù sao cùng là đoàn TP, đoàn này dư giúp đoàn kia đang thiếu, trong tinh thần tương trợ, nhưng kết quả ngược lại, đến ngày khai trương vở thì lịnh của Phòng Sân Khấu cấm không cho Ngân Giang diễn, may sao có bác Ngọc Văn, chị Vân ở đoàn Minh Tơ lên trình bày với Phòng, rồi ông Năm Anh, ngoại vụ của đoàn Sài Gòn 2 cũng nói giúp, đạo diễn Huỳnh Nga là bạn của ba biết chuyện cũng nói vô: “nó là cháu ngoại nuôi của ông chín Điêu Huyền, con cháu không. Thôi mấy ông cho nó hát đi, vừa giúp đoàn Minh Tơ, vừa giúp em cháu…”
Vậy là Ngân Giang được cho hát, đêm công diễn đầu tiên, mỗi lần vô vọng cổ đều được khán giả vỗ tay như sấm dậy. Một nét chấm phá mới ở đoàn Minh Tơ. Ngân Giang như cậu con út được cưng chiều, như cái nhân được chung quanh nâng niu, bao bọc. Mọi người diễn, nhiều miếng mảng được tung ra, tạo điều kiện chín mùi để Ngân Giang vô vọng cổ. Như một tiền đạo trên sân bóng, được các tiền vệ kiến tạo nhiều đường banh hay, chỉ việc sút tung lưới đối phương. Ngân Giang không ngờ mình thành công nhanh chóng như vậy, tất cả nằm trong sự sắp xếp, tính toán hợp lý của NSND Thanh Tòng (thời ấy ông chưa được phong danh hiệu).
Ông đã dạy Ngân Giang mọi thứ, từ sân khấu đến cuộc sống ngoài đời của một nghệ sĩ. Suốt đời mình Ngân Giang nhớ mãi, luôn mang ơn Thanh Tòng, ông là người thầy, người cha trên con đường nghệ thuật của mình, nếu không có sự tinh tường của ông, biến Ngân Giang từ một viên đá thô, thành thứ ngọc sáng, thì hẳn sân khấu cải lương không có một Ngân Giang sáng chói trong nhiều năm liền, trở thành một “anh hùng lưu diễn” mà bất cứ một đại ban nào khi lưu diễn đụng đoàn Tinh Hoa với bộ đôi Ngân Giang – Kim Thoa đều phải nể mặt vì sự ăn khách của cặp sao này. Thanh Tòng như một ông Bụt giúp Ngân Giang từ một nông dân nghèo hóa thân thành hoàng tử. Từ đoàn Minh Tơ Ngân Giang phút chốc thành ngôi sao trẻ ăn khách thời ấy, của sân khấu cải lương TP Hồ Chí Minh.