Lớn lên từ một vùng quê miền tây sông nước, tuổi thơ tôi cũng được nghe rất nhiều các tuồng Cải Lương, bài ca cổ. Cũng háo hức chờ đến tối thứ bảy để xem được một tuồng cải lương. Vì trước đây thế hệ tivi trắng đen ở quê tôi chỉ mở được một kênh của đài truyền hình Cần Thơ, và đến tối thứ bảy mới có phát một tuồng cải lương. Cả xóm chỉ có vài nhà có tivi nên bà con cô bác cũng hay tập trung lại ngồi chờ xem cải lương. Phải chờ xem vì cải lương được xếp cuối chương trình, và điện thì sử dụng điện bình ắc-quy nên phải tiết kiệm, phải canh gần đến cải lương mới mở. Cải lương trên tivi thì đa phần cũng chỉ xem được các tuồng thể loại xã hội, cách mạng không hay và hấp dẫn lắm. Vì ít có nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, lâu lắm mới có được một số tuồng hay: Tiếng trống Mê Linh, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Tiếng hò Sông Hậu, Ánh lửa rừng khuya, Rạng ngọc Côn Sơn, Làm lại cuộc đời, Tình yêu và tướng cướp,…
Còn nghe cải lương trên máy cassette thì đa dạng hơn vì có thể nghe được các tuồng xưa, sản xuất trước 1975: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Kiếp nào có yêu nhau, Người phu khiêng kiệu cưới, Chiều đông gió lạnh về, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Nữa đời hương phấn,…
Các bài ca vọng cổ thì ngày nào cũng được phục vụ hết sức đầy đủ vào buổi trưa trên sóng radio AM, các bài như là: Dệt chặng đường xuân, Thương em nhiều qua lá thư xuân, Chợ Mới, Dòng sông quê em, Tình đồng chí,….
Những ngày đó cùng với việc cảm thụ sự giáo dục từ gia đình, trường học thì phần còn lại tôi học được các đạo lý từ các tuồng cải lương, bài vọng cổ. Có lẽ những chữ “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” tôi học được đầu tiên là từ đây.
Khoảng lặng vắng cải lương lâu nhất của tôi bắt đầu từ lúc tôi xa quê lên Sài Gòn đi học. Rồi đi làm, mười mấy năm trời không “lên” một câu vọng cổ. Có thể vì ngành học của tôi là ngành kỹ thuật, nên ít đụng đến ca hát, nếu có ca hát thì cũng là ca nhạc. Những Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Phạm Duy, … có vẻ gần gũi hơn, thường gặp hơn,…
Tháng 9/2010, tôi có dịp về quê ăn đám cưới của cô cháu gái. Ngồi uống rượu với mấy ông anh, hơi chếch choáng thế là có tiết mục đờn ca tài tử (anh Hai, anh Năm tôi đều biết đàn, ca vọng cổ khá hay). Thế là tôi cũng đóng góp vài bài,…sau một thời im hơi lặng tiếng vậy mà tôi ca cũng khá “ngọt”, anh Hai tôi gật gù: “ Giọng ca của chú được đó nhưng phải tập nhịp lại”.
Thế là khi trở lại Sài Gòn, có thời gian rãnh lên mạng google, gõ chữ “học ca vọng cổ”. Có duyên thế nào mà lại vào được vào được diễn đàn cải lương số, rồi gặp chị Hồng Phượng, anh Hai lúa, anh 10 Cường, Triều Tôn,… thấy quá hợp. Thì ra vọng cổ, cải lương vẫn còn tiềm ẩn trong mình, có cơ hội nó lại bùng phát,…
Thôi thì xin một mảnh đất của diễn đàn để làm quen, giao lưu với những người có cùng tình cảm yêu mến, say mê cải lương vậy.
Xin giới thiệu sơ sơ về bản thân:
Họ và tên: Nguyễn Văn Sách, ngày sinh: 16/11/1975, nguyên quán: huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đang độc thân nếu… không có một vợ và một con gái theo cùng.
Làm việc ở quận 2, ngành xây dựng.
Nhà ở quận 9.