Trang 1/2 1 2 CuốiCuối

Chủ đề: Soạn giả QUY SẮC

  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Soạn giả Quy Sắc

    Thưa quý thính giả, Nguyễn Phương hân hạnh giới thiệu đến quý thính giả soạn giả Quy Sắc, một soạn giả tài danh có nhiều tác phẩm hay trên sân khấu cải lương cũng như trên các đĩa thu thanh trong các thập niên 60, 70. Soạn giả Quy Sắc tên thật là Nguyễn Phú Quý, sanh năm 1924, quê quán tại tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương. Anh Quý có bằng Thành Chung chương trình Pháp ở Saigon, năm 1943 khi quân đội Nhựt Bổn đến Sàigòn, anh nghĩ học trở về Thủ Dầu Một, làm giáo viên ở trường Tiểu Học của tỉnh.

    Từ một giáo chức

    Đầu năm 1955 tôi gặp anh Quý trong nhà của ông Bầu Nghĩa, gần Sở Cảnh Sát Công Lộ ở đường Trần Hưng Đạo, đối diện với Sở Chửa Lửa đô thành Saigon. Anh Quý là gia sư, dạy học kèm cho Juliette Nga lúc đó cháu Nga được 13 tuổi.

    Anh Quý biết tôi cũng học chương trình Pháp, từng làm công chức Sở Bưu Điện Saigon trước khi gia nhập đoàn hát hành nghề soạn giả nên sau những giờ dạy cho cô Juliette Nga học, anh thường trò chuyện cùng tôi. Anh muốn biết cuộc sống của soạn giả cải lương có thu nhập như thế nào, thuận lợi và khó khăn ra sao?

    Tôi cho anh biết lương của soạn giả nếu có tiền bản quyền tác phẩm được trình diễn thì cao hơn lương của công chức hay giáo chức rất nhiều. Tuy nhiên nếu gánh hát nghĩ hát hay hát không ăn khách, nghệ sĩ và soạn giả phải lãnh phân nửa hay một phần tư số lương do đó cuộc sống bấp bênh chớ không như công chức, giáo chức có lương ổn định. Anh hỏi nếu tình trạng lương phạn như vậy, tại sao tôi bỏ không làm việc ở Sở Bưu Điện mà lại đi theo đoàn hát?

    Tôi nói: khi mới bắt đầu thì vì tôi ham vui mà theo gánh hát nhưng sau này tôi khám phá ra niềm vui lớn nhất của tôi là sáng tác được một vở tuồng thành công. Khi khán giả và nghệ sĩ tán thưởng tác phẩm của tôi sáng tác thì đó là phần thưởng tinh thần rất quý giá. Không phải có nhiều tiền mà mua được cái phần thưởng đó. Thêm nữa khi theo nghề soạn giả, bắt buộc tôi phải đọc nhiều sách, học thêm nhiều vấn đề mà khi ở trường, tôi chưa được biết qua. Và sau hết là mình có thể thông qua các diễn viên để biến những sự suy nghĩ, những tưởng tượng của mình thành nhân vật và sự việc xảy ra trên sân khấu.

    Anh Quý cũng đồng quan niệm như tôi. Anh cho biết anh làm giáo chức vì có ông chú họ sáng lập trường tư thục tại Saigòn. Ông chú của anh Quý chạy lo giấy tờ hợp lệ về sư phạm để cho anh được phép đứng lớp dạy học trò. Dạy trường của chú ít giờ quá, mỗi giờ lương chỉ được 50 đồng nên anh Quý phải dạy chạy tandem thêm nhiều trường khác mới đủ sống. Anh Quý đã dạy ở trường Phan Sào Nam, Giám đốc là ông Trần Văn Từ. Anh Quý còn dạy thêm ở trường Lê Tấn Thành ở đường Nguyễn Thái Học, nhà văn Quốc Ấn làm Giám Đốc, ông Lê Tấn Thành là sáng lập viên. Ông Lê Tấn Thành là anh hai của nữ nghệ sĩ Bảy Nam, cậu ruột của kỳ nữ Kim Cương.

    Ngoài ra anh Quý còn nhận đến nhà dạy kèm cho học trò. Các học trò được anh Quý đến dạy kèm tại nhà có Juliette Nga, con của ông bà Bầu Nghĩa, có con trai của bác sĩ Hớn ở đường Nguyễn Thái Học, con trai của dân biểu Sanh…

    Một soạn giả tài danh

    Nhờ dạy cho Juliette Nga, anh Quý quen với ông Bầu Nghĩa, vào hậu trường sân khấu, xem hát và nghĩ đến việc sáng tác kịch bản cải lương. Tên soạn giả Quy Sắc bắt đầu từ đó. Quy Sắc hợp soạn với nhà thơ Kiên Giang tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, vở tuồng đã đem đến huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong năm 1958.

    Cậu Ba Đức, con của ông Năm Mạnh thay cha làm chủ hãng dĩa nhựa Asia, mời hai nghệ sĩ Hữu Phước và Út Bạch Lan thu thanh dĩa vọng cổ. Nghệ sĩ Hữu Phước giới thiệu soạn giả Quy Sắc với cậu Ba Đức.

    Dĩa nhựa đầu tiên Quy Sắc viết cho Hữu Phước là dĩa Nắm Xương Tàn, kế đó Quy Sắc viết cho Út Bạch Lan bài vọng cổ Kiếp Hồng Nhan. Hữu Phước và Út Bạch Lan ca thu dĩa hai bài ca vọng cổ đó cho hãng Asia, cả hai dĩa hát nầy đều được thính giả ưa thích, dĩa được bán rất chạy, phải tái bản luôn.

    Sau đó nữ danh ca vọng cổ Thanh Hương được mời về ca cho hãng dĩa Asia, soạn giả Quy Sắc viết bài Vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy. Dĩa hát thành công lớn, tên tuổi của danh ca Thanh Hương qua bài vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy được thính giả nhiệt liệt ái mộ. Báo Tiếng Dội kịch trường tổ chức trưng cầu ý kiến độc giả, nữ nghệ sĩ Thanh Hương qua bài ca vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy được bầu là đệ nhất nữ danh ca vọng cổ. Phía nam ca sĩ thì nghệ sĩ Út Trà Ôn được bầu là đệ nhất nam danh ca vọng cổ.

    Sau thành công lớn của bản vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy, soạn giả Quy Sắc được hãng dĩa Asia ký contrat soạn giả độc quyền của hãng dĩa Asia, tiền thưởng contrat một năm là 5000 đồng, tiền bản quyền mỗi dĩa vọng cổ là một ngàn đồng, tuồng hát trên sân khấu mỗi tuồng cắt làm tám mặt dĩa, tiền bản quyền dĩa vọng cổ và in bài ca Quy Sắc nhận được tám ngàn đồng.

    Tài chánh thu nhập hàng tháng của soạn giả Quy Sắc cao hơn rất nhiều so với số lương tháng của một giáo viên nên ông thầy giáo Nguyễn Văn Quý từ giã nhà trường và các học trò của ông, mang nghệ danh Quy Sắc để gắn bó trọn đời với sân khấu và nghệ sĩ.

    Soạn giả Quy Sắc sáng tác nhiều tuồng cải lương được trình diễn trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng như tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới hợp soạn với Kiên Giang, tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu hợp soạn cùng soạn giả Loan Thảo, vở Trăng Thề Vườn Thúy hợp soạn với soạn giả Mộc Linh, tuồng Nghiệp Giáo.

    Tuồng Khi Rừng Mới Sang Thu của hai soạn giả Quy Sắc và Loan Thảo là bản tình ca diễm lệ của nữ chúa Tọa Mã Sơn do nữ nghệ sĩ Mỹ Châu thủ diễn, vì lầm yêu Hoàng Phi Hải do Minh Phụng diễn, một trang mã thượng phong lưu nhưng lại là một tên gián điệp của triều đình khiến cho Tọa Mã Sơn bị quân triều đình tàn phá. Những người trung thành và yêu nữ chúa như chàng Gù, như đầu mục Tạ Tử Lăng do Thanh Sang diễn, đều trung liệt đến hơi thở sau cùng. Chủ đề của vở tuồng mang tính ẩn dụ, cảnh báo những ai tôn thờ tình yêu một cách mù quáng, xem nặng tình yêu hơn sự nghiệp thì dễ trở thành nạn nhân của những mưu đồ bẩn thỉu của bọn bán nước cầu vinh. Tình tiết sôi động hấp dẫn, văn chương trong sáng, đậm chất thơ, bài ca cổ nhạc đặt để đúng với tâm trạng của nhân vật , lại được các giọng ca ngâm tuyệt vời của các nghệ sĩ danh ca Mỹ Châu, Minh Phụng, Lệ Thủy, Thanh Sang, Diệp Lang, Kim Ngọc biểu diễn, góp phần thành công không nhỏ cho tác phẩm của hai tác giả Quy Sắc và Loan Thảo.

    Soạn giả Quy Sắc là một trong những soạn giả cải lương có nhiều thành công lớn trong địa hạt dĩa nhựa cũng như trên sân khấu, có thu nhập rất cao, cuộc sống sung túc ổn định.

    (Sưu tầm)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:

    Giang Tiên (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  3. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Đêm Quy Sắc :
    KHÔNG THƯA THỚT LÒNG




    Sài Gòn chợt nắng chợt mưa
    Đổi thay thời tiết không thưa thớt lòng
    Người Sài Gòn miền Nam như thế đó. Trên 50 năm vẫn ủng hộ và đùm bọc sân khấu cải lương mọi đoàn hát.
    Người dưng mà chẳng dửng dưng
    La cà cởi mở vẫn mừng gặp nhau
    Ở chòi mướn, sống cháo rau
    Giúp nhau mới thấu tình sâu Sài Gòn.
    Tôi là người ở đất rừng U Minh Thượng (chiến khu 9), đã gặp người ở Thủ Dầu Một, nay là Bình Dương (chiến khu D) trong hẽm nhỏ ở đường Cô Giang năm 1956.
    Nghe dân trong xóm nói có thầy giáo Quý ở trong hẽm, tôi ở phố mướn cùng hẽm mới la cà đi tìm. Tôi làm nghề dạy học ở rừng, gặp thầy giáo gõ đầu trẻ cũng ở rừng miền đông, chắc hẳn dễ gần nhau. Lúc đó hai thầy giáo cùng nghèo, sống khép nép dè chừng vì sợ cú vọ dòm ngó. Sau nhiều lần gặp nhau tôi gợi ý : “nên viết tuồng để gỡ nghèo”.
    Từ câu nói đó, anh Quy Sắc hay thầy giáo Quý trao cho tôi vở “Đời Sơn Nữ”. Xem xong thấy vở hơi ngắn không đủ thời lượng ba tiếng đồng hồ, tôi gợi ý nên viết thêm, nên điểm xuyết thơ trong vai chánh Phà Ca, thêm ca khúc tân nhạc, thêm múa tập thể và nên đổi tên tuồng nghe quyến rũ hơn : “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” hoặc “Bao Giờ Mùa Sim Chín”. Anh Quy Sắc đồng ý ngay.
    Ở chòi mướn sống cháo rau
    Viết khuya mới thấu tình sâu Sài Gòn.
    Thầy giáo Quý ban ngày đi dạy học. Còn tôi đi làm thầy cò sửa bài cho nhật báo “Tiếng Chuông”. Đêm về anh em cùng thức khuya, mua từng ba điếu thuốc, ăn cháo uống cà phê đen rồi thức trắng để viết rút. Vở hát đầu đời “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” được khai trương cuối năm 1956, được tái diễn suốt một tháng.
    Lúc đó, đoàn Kim Chung từ Bắc vào Sài Gòn nằm ở trung tâm hý viện Aristo nên đã tự khoe là kỷ lục tái diễn với câu chữ : “độc nhất vô nhị”, “diễm huyền vô song”. Một ký giả tay trong với đoàn Kim Chung viết bài chê không căn cứ vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới”, vì vở này phá kỷ lục tái diễn của đoàn Kim Chung. Vốn là ký giả kịch trường báo “Tiếng Chuông”, tôi liền viết bài vừa bênh vực, vừa hóa giải mọi xung khắc .
    Xuống Sa Đét, Trà Vinh, vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” vẫn được tái diễn. Chủ gánh và nghệ sĩ công nhân đều vui mừng. Đời sống hai bạn soạn giả nghèo đã được cải thiện chút đỉnh.
    Bắc trớn, anh Quy Sắc nói : “đoàn Trâm Vàng cần vở khai trương”, nên trao cho tôi vở “Nữ Chúa Bồn Mang”. Nội dung vở này có phần gay gắt với tình huống gián điệp, có so kiếm đầy máu lửa.
    Là nhà thơ tôi nghe chói tai hai tiếng Bồn Mang nên chọn tên tuồng “Khi Rừng Mới Sang Thu”, cốt làm lá chắn mượt mà tươi mát. Nhờ họa sĩ Hoàng Lan nay đã đi xa, phổ ca khúc tân nhạc phác thảo tác động thằng gù xấu xí nhưng si tình, lấy lá kè làm quạt, quạt bay muỗi rừng để ru cho Nữ Chúa ngủ say.
    Vở này vẫn được ăn khách. Lúc đó các soạn giả thường trực làm cho đoàn Thanh Minh đã ký giao kèo chỉ viết riêng cho đoàn, không được giao vở hát cho đoàn khác. Tôi cũng lãnh lương thường trực của đoàn Thanh Minh nên để anh Quy Sắc đứng tên một mình. Sau này một hãng dĩa mua tuồng “Khi Rừng Mới Sang Thu” để thâu dĩa. Người cắt tuồng lại để tên hợp soạn với Quy Sắc là sai.
    Khi tôi bị bót Ngô Quyền của cảnh sát đặc biệt miền Đông PSE bắt thì soạn giả Quy Sắc phải ẩn náu tránh né. Sau đó gặp lại tôi mời anh Quy Sắc viết ba vở : “Phấn Bụi Phù Hoa”, “Phấn Lá Men Rừng”, “Màu Tím Hoa Trinh Nữ” (hay “Từ Trường Học Đến Trường Đời”), và chặp cải lương ngắn : “Bóng Mát Vườn Măng”. Anh Quy Sắc còn viết rất nhiều bài vọng cổ có ấn tượng.
    Tuy bận dạy học, viết tuồng, soạn giả Quy Sắc vẫn tham gia làm thành viên chấm thi cho giải Thanh Tâm và yểm trợ cuộc thi “Khôi Nguyên Vọng Cổ” từ năm 1964, do Kiên Giang, Phương Hà, nhạc sĩ Út Trâm chủ động thực hiện. Kép Minh Vương (Minh Vưng) là huy chương vàng của cuộc thi này.
    Từ năm 1963 đến 1973, Kiên Giang, Hà Quy Hà, Mộc Linh, và báo “Lẽ Sống” mở cuộc nói chuyện về nguồn gốc bạn vọng cổ và trình diện nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại rạp Quốc Thanh ở Sài Gòn. Qua nhiều cuộc sinh hoạt công khai về nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khán giả Sài Gòn mới biết nhạc sĩ Cao Văn Lầu là thủy tổ khai sáng bản Dạ Cổ Hoài Lang, sau này là vọng cổ mà hầu hết đào kép cải lương đều có sử dụng.
    Năm 2009, Bạc Liêu đã long trọng làm lễ kỷ niệm 90 tuổi Dạ Cổ Hoài Lang. Soạn giả Quy Sắc cùng một số ký giả, soạn giả yêu nước và gốc kháng chiến đều yểm trợ mọi cuộc sinh hoạt công khai.
    Lúc còn sinh tiền, soạn giả Quy Sắc được mời dự lễ giỗ của soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng đã gợi ý : “Tụi mình già rồi. Nếu có dịp nên nhắc nhớ vai trò ký giả kịch trường : nghệ sĩ, soạn giả, ca sĩ, nhạc sĩ và bầu gánh của các đoàn cải lương trên dưới hơn nửa thế kỷ.”
    Hàng ngũ ký giả ngày xưa, đặc biệt là ký giả tiến bộ yêu nước và gốc kháng chiến đều ủng hộ các đoàn cải lương mỗi lần khai trương vở mới, sẵn sàng bút chiến nếu bị xuyên tạc chụp mũ. Vở “Người Mặt Cháy” do Nguyễn Phương chuyển thể và vở “Lấp Sông Danh” của soạn giả Kinh Luân, đã bị ký giả “gia nô” xỉa xói lên án, vẫn bị một số ký giả tiến bộ đối lập lên tiếng bảo vệ và bênh vực. Nhiều ký giả soạn giả viết thẳng, viết tốt đều bị tù đày.
    Từ “Đêm Quy Sắc”, nhớ lời Quy Sắc tôi cố gắng ghi nhớ một số người làm Văn Học Nghệ Thuật sân khấu đã qua đời, đang hành nghề để cho thế hệ hiện hữu biết.
    Ký giả đã qua đời:
    Trần Tấn Quốc (hay Trần Tử Văn, hay Thanh Tâm).
    Thanh Đạm, Tam Đức, Nguyễn Ang Ca, Ngọc Đỉnh, Bạch Tùng Hương, Tô Hiến Châu, Trần Đình, Thiện Hương, Phong Vân, Hoài Ngọc, Ngọc Linh.
    Kỷ giả còn sống :
    Huỳnh Công Minh cũng là nhiếp ảnh viên.
    Liên Chi - con gái của nhà văn Mộc Linh là thế hệ ký giả mới nối nghiệp cha, đang làm cho báo sân khấu Tp. HCM.
    Soạn giả đã qua đời :
    Trần Hữu Trang (hay Tư Trang), Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Thiếu Linh, Thu An, Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Vạn Lý, Yến Linh.
    Soạn giả còn sống :
    Viễn Châu, Nguyễn Liêu, Yên Trang, Trần Hà, Thanh Cao, Bạch Diệp (Long Xuyên), Yên Lang (ở nước ngoài).
    Nghệ sĩ quá cố:
    Năm Phỉ, NSND Phùng Há, quái kiệt Ba Vân, Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), cô Ba Ngưu, cô Sáu Nết, cô Sáu Hột Sương, Thành Tôn, Minh Tơ, Minh Chí, Việt Hùng, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Hữu Tâm, Thúy Nga, Phước Trọng, Ngọc An, Văn Ngân, Trương Ánh Loan, Thanh Sơn, Chí Hiếu, Kiều Hoa, Kim Luông, Cô ba Kim Anh lớn, Kim Anh nhỏ (con cô ba Hui), Kim Thoa, Ánh Nguyệt, Sáu Thoàn, Huýnh Thái, Ngọc Toàn, Bích Hợp, Kim Chung, NSND Út Trà Ôn, Thanh Nga.
    Nghệ sĩ còn sống:
    Ánh Hoa, Trang Bích Liễu, Thanh Tú, Bạch Yến, Thiên Kim, Mộng Lành, Kiều Thu, Kiều Lệ Thu, Thanh An, bé Hoàng Vân, NSƯT Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Diệp Lang.
    Thanh Bạch, Bạch Lê, Bạch Lựu, Tài Linh... ở nước ngoài.
    Nhạc sĩ cổ nhạc quá cố:
    Sáu Tửng, Tư Huyện, Năm Cơ, Bảy Hàm, Ngọc Sáu, Bảy Vinh, Chín Trích, Hai Biểu, Hai Khuê, Mười Của, Tư Còn, Hai Long, Hoàng Huệ.

    Ca sĩ quá cố:
    Cô ba Bến Tre, cô ba Trà Vinh, cô Năm Cần Thơ, cô ba Vàm Lẻo, Tám Thưa, Năm Thồi, Sanh Xía, cô Tư Sạn, Hồng Hoa Lệ, Chín Sớm, Thành Công.
    Đa số chủ gánh tạm gọi là ông bà bầu các đoàn cải lương đều hóa kiếp. Chỉ còn bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương phụ trách quản lý chùa nghệ sĩ Nhật Quang thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đồng bào khán giả vùng xa vùng sâu do nữ NSND Phùng Há chủ xướng. Bầu Kim Chưởng, bầu Tư Hiếu hoạt động ở ban Ái Hữu Nghệ Sĩ, bầu Tám Lang ở Khu Dưỡng Lão nghệ sĩ.
    Bằng hồi ức và mức độ đào sâu trí nhớ ở tuổi hoàng hôn, tôi cố gắng ghi lại danh sách mọi giới làm văn học nghệ thuật sân khấu cải lương trong “Đêm Quy Sắc” dù chưa đầy đủ, vẫn có thể chứng minh sức bật và dòng chảy sân khấu cải lương Sài Gòn cũ. Vẫn bức phá và lai láng nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc hồn quê hồn nước trên hơn nửa thế kỷ đã qua. Chắc hẳn còn thiếu sót, rất mong quý vị khán giả hiện hữu “Đêm Quy Sắc”, xem đây là nén hương hoài niệm hoặc tưởng niệm. với người khuất bóng còn gởi lại chút tinh anh cho sân khấu cải lương. Âm vang “Đêm Quy Sắc” cũng chan chứa lời ký thác gởi lại cho lớp soạn giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ đang hành nghề trong thế hệ trẻ. Vẫn gắn bó với một số ít nghệ sĩ lớn tuổi của sân khấu cải lương Sài Gòn cũ, phải cùng làm gì cho sân khấu cải lương phát triển trong thời mở cửa và hội nhập.
    Sài Gòn chợt nắng chợt mưa,
    Đổi thay thời tiết không thưa thớt lòng
    Khán giả của sân khấu cải lương trong mọi thời điểm nhất định không bao giờ thưa thớt lòng.
    Dù đời còn chuyện bão giông
    Hãy giữ tấm lòng làm tạnh mây mưa.
    Đất trời có nắng trong mưa
    Lại mưa trong nắng dựng mùa bội thu.
    Mùa bội thu đó phải hứa hẹn đang ký thác thế hệ hiện hữu, thế hệ trẻ năng động nhạy bén, thông minh, sáng tạo làm ra bông trái hương thơm, chất ngọc, xứng hợp với chiều hướng đi lên.
    Soạn giả quá cố Quy Sắc và tôi, cũng như mọi tấm lòng đã sống chết và mang ơn sân khấu cải lương đều kỳ vọng như thế. Như thế “Đêm Quy Sắc” vẫn còn âm vang.

    Viết trước di ảnh của soạn giả Quy Sắc
    Kiên Giang - Hà Quy Hà
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), MEM (29-11-2016), romeo (04-03-2016)

  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Hình tư liệu của gia đình soạn giả. Đây là ban giám khảo chấm giải Thanh Tâm ngày đó.


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Tiên có tấm hình nào của soạn giả Quy Sắc ko em?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  9. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Dạ không anh, trên mạng có đó anh.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  11. MEM
    Avatar của MEM
    Tại ko có hình xưa hay chất lượng tốt nên anh xin vậy mà!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), Giang Tiên (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  13. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Hồi đó em không chép. Chỉ chép hình của sân khấu xưa thôi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 3 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), MEM (04-03-2016), romeo (04-03-2016)

  15. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Soạn giả Quy Sắc
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 3 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    caophihung (04-03-2016), Giang Tiên (04-03-2016), MEM (04-03-2016)

  17. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    Chuyện về bài vọng cổ "Nấu bánh đêm xuân

    Năm 1944, có một chàng trai vừa tuổi đôi mươi, sau hai năm trời miệt mài học hành trên đất Sài thành, ngày cuối năm đã quyết định về quê ăn tết. Quê chàng theo lộ mười ba, vượt qua Thủ Dầu Một chừng năm cây số, tới đoạn Suối Giữa thì tẻ sang trái đi vào con đường đất đỏ.

    Dưới chân dốc Lò Lu có một miếng đất bằng là nơi giao nhau giữa hai ngọn đồi. Trên đất đó có hai ngôi nhà vườn phân cách bằng một con mương nhỏ thông ra rạch bần rồi dẫn dần ra sông cái. Về tới nhà, chàng bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cúng rước ông bà. Đám đàn bà con gái trong nhà xúm xít gói bánh tét, bánh ít. Chàng được giao việc đánh bóng bộ lư đồng An Hội.

    Ngày ấy, gần tết người ta thường trồng vài ba bụi thơm, lấy trái để góp dựng mâm ngũ quả chưng bàn thờ và lấy lá để đánh bóng lư đồng. Lá thơm đập dập, lẫy gai rồi chấm với tro bếp để chùi lư. Lá thơm càng già thì càng chua, dễ chùi sạch ten rỉ của đồng, bộ lư càng dễ bóng loáng, sáng choang.

    Chiều dần xuống, mặt trời xượn rượn sợi nắng cuối năm trên gò Ông Đốc là lúc cả xóm Lò Lu bắt đầu chộn rộn không khí xây bếp thổi lửa nấu bánh cúng ông bà. Đang ngồi cặm cụi đánh lư đồng bên hông nhà, chợt nghe có tiếng hỏi thưa, chàng trai ngẩng đầu lên ngó qua nhà bên kia có cô con gái trổ mã đang xây bếp thổi lửa nấu bánh ngoài sân vườn. Chàng sửng sốt thấy cô gái láng giềng mới hai năm trước còn là một cô bé ốm tong teo vậy mà nay đã chững chạc thành một thiếu nữ tràn trề xuân sắc.

    Cô gái vừa thu lại đám lá chuối phơi nắng ban chiều, vừa cất giọng nền nã hỏi thăm chàng chuyện học hành hai năm nơi phố thị. Cả hai nhẹ nhàng chuyện trò, nhát gừng và chậm rãi xoay quanh việc nhà lớn nhỏ hai bên trong suốt thời gian chàng vắng mặt. Chẳng mấy chốc, câu chuyện về cái chung, cái cớ để kết nối bạn trẻ hai bên đã hết.

    Cố soạn giả Quy Sắc, tác giả bài vọng cổ
    "Nấu bánh đêm xuân" và cụ bà.

    Chiều chạng vạng rồi. Ánh chiêu dương sót lại trên đỉnh gò cũng lặn mất. Thinh không bỗng dừng lại trong một sắc xám, mỗi lúc mỗi thẫm màu hơn. Trời càng lúc càng tối lần. Ngọn lửa nấu bánh nhà bên bừng lên chỉ càng tôn lên độ sâu thẳm của đêm trừ tịch đang từ từ tràn đến. Con mương nhỏ phân cách hai nhà biến mất khi nào không hay.

    Và khoảng cách giao đãi giữa hai bên cũng khuất lấp dần đi. Chàng chỉ nhìn thấy cô và có lẽ cô cũng chỉ thấy có một mình chàng. Có tiếng thở dài không biết là của con trai hay con gái. Một khoảnh lặng kéo dài bất ngờ. Một thoáng xuân xao lòng ẩn hiện. Rồi không biết ai là người bắt đầu, một câu chuyện mới, một chuỗi tâm tình rất đỗi riêng tư dần dà nở rộ, từ giọng thổ lộ chợt thì thầm, tiếng ngực thỏ thẻ ngắc ngứ, tiếng cười trở nên khúc khích, tiếng thở dài dường như xa xăm hơn.

    Bộ lư đã chùi xong, không biết có sáng láng hay không, nhưng chàng trai vẫn miết mãi bẹ thơm lên họa tiết trúc mai trên chiếc lư, tâm tình bối rối không dứt. Rồi bỗng dưng đâu đó trên đỉnh dốc Lò Lu, có tiếng cười của ai giòn tan như bánh phồng nổ, vọng dài xuống chân đồi. Rồi tiếng hò con gái rạt rào như cơn gió lượn mặt sông thảng thốt đến bên chàng trai.

    Hò ơ... Con nước rong con nước chảy tràn đồng
    Tơ duyên sẵn có
    Hò ơ...
    Tơ duyên sẵn có mà sao sợi chỉ hồng chưa se.

    Chàng trai rùng mình không phải vì cơn gió bấc lạnh đêm trừ tịch mà vì lời câu hò đang xào xạc đến tận tâm can. Chàng nhìn sang bên kia. Cô gái láng giềng mười tám tuổi đang ngồi bó gối bên nồi bánh ít với những cọng khói nhỏ vờn quanh. Chàng thấy hai mắt cô lóng lánh ánh lửa đang bập bùng vô thức một bối rối xuân thì lan tỏa. Chàng nghe như đâu đó có tiếng nức ran của củi.

    Hay có lẽ là một tiếng thở dài nào khác của ai đó. Trong lòng chàng bỗng dâng lên một nỗi khao khát khôn nguôi về một mái ấm gia đình, rằng chàng chỉ muốn ở lại chốn quê này mãi mãi, rằng chàng chỉ muốn ngồi lại trong đêm giao thừa có cô hàng xóm bó gối bên nồi bánh chập chờn ngọn lửa vây quanh này mãi mãi.

    Hai mươi năm sau, trải qua vài cuộc chiến và bao phen linh đinh trên đường đời, một chiều cuối năm nơi xứ lạ, chàng trai nọ, nay đã là người đàn ông bốn mươi tuổi, tình cờ đọc bài thơ "Gái xuân" của nhà thơ Nguyễn Bính. Em như cô gái hãy còn xuân, câu thơ bật nảy trong ông một điều khuất lấp xa xưa.

    Và ông nhớ lại tuổi xuân của mình. Ông nhớ lại một tối trừ tịch, ông đi lang thang trên đường làng, từ dốc Lò Lu lúc xuống lúc lên ngoằn ngoèo tới Bến Thế, và ông thấy không biết bao nhiêu chiếc bếp nấu bánh rước giao thừa bập bùng trong vườn lặng.

    Con đường lành lạnh sương đêm, bãng lãng khói bếp, nồng nàn mùi rơm khô và củi ướt cháy. Ông tưởng chừng đâu đó, chập chờn trong cơn gió bấc, thoang thoảng giọng hò mê mải về một mối tơ duyên trăn trở khôn nguôi. Ông chợt như thấy lại đôi mắt vô cùng bối rối của một thiếu nữ đang ngồi bó gối bên bếp lửa, lẳng lặng chờ hoài lời tỏ tình của ông. Lời tỏ tình cho đến bây giờ ông chưa bao giờ nói.

    Trước không nói thì bây giờ cũng không nói. Ông chỉ lặng lẽ cầm bút ghi lại nỗi niềm xoan trẻ của mình đã xa dấu từ lâu. Bài vọng cổ "Nấu bánh đêm xuân" là một ghi chép về ký ức đau đáu của người đàn ông không thể thực hiện được mơ ước đầu đời.

    Người đàn ông đó là ba tôi, soạn giả Quy Sắc. Ông nay đã về với cõi phù du. Nhưng tôi vẫn tin, cứ mỗi khi giao thừa đến, chắc chắn ông lại rất mong được trở về để lang thang trên con đường làng lành lạnh sương đêm, bãng lãng khói bếp, mùi rơm khô và củi ướt cháy. Con đường nồng nàn hương sắc mười tám, thoang thoảng lời tỏ tình hạnh phúc mà ông chắc chắn sẽ nói ra, nếu như còn có một kiếp khác với dương gian.

    Đạo diễn NGUYỄN MỘNG LONG
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 4 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (04-03-2016), caophihung (04-03-2016), Giang Tiên (04-03-2016), nguyenhoangtuan (04-03-2016)

  19. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    NẤU BÁNH ĐÊM XUÂN
    Vọng Cổ
    Soan giả: Quy Sắc
    Trình bày: Lệ Thủy, Minh Vương

    -----o0o-----
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 2 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Giang Tiên (04-03-2016), MEM (29-11-2016)

Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL