Thưa quí thính giả, Nguyễn Phương xin giới thiệu với quí thính giả cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Vũ Luân, một nghệ sĩ trẻ mà giới sân khấu cải lương ở Việt Nam cho đó là một hiện tượng của sân khấu cải lương trong những năm cuối thế kỷ 20 và năm năm khởi đầu thế kỷ 21
Người ta gọi là hiện tượng vì chuyện xẩy ra được mọi người xôn xao bàn tán nhưng nó có vẻ nghịch lý mà người ở trong giới cải lương lâu năm cũng không thể nào hiểu nổi. Nghệ sĩ Vũ Luân sanh năm 1970 tại Saigon. Năm 14 tuổi, Vũ Luân học ca cải lương với nhạc sĩ Út Trọn.
Năm 1985, Em được nghệ sĩ Dương Hiếu, Trưởng Đoàn hát Hương Tràm ở quận 8 Saigon nhận vô gánh hát và đặt cho nghệ danh là nghệ sĩ Thanh Bình. (Thanh Bình là tên trước của Vũ Luân). Trên sân khấu Hương Tràm, vì Thanh Bình dáng người nhỏ con nên được ông bầu Dương Hiếu giao cho hát vai Tấn Lực trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa.
Hai năm sau (1987), gánh hát Hương Tràm rã gánh, nghệ sĩ Thanh Bình trở về thành phố, em quyết định bỏ nghề hát để đi học vẻ hoặc một nghề nào đó để phụ giúp kinh tế gia đình.
Thanh Bình (Vũ Luân) là con thứ sáu trong gia đình, có hai anh trai, hai chị gái và hai em gái. Theo lời của Thanh Bình kể thì ba của em là thợ sữa chữa máy, có hùn hạp làm ăn ở Hà Nội nên ông thường vắng nhà luôn. Khi Thanh Bình đi theo đoàn hát Hương Tràm ở quận 8 thì em vẫn phải thường xuyên về nhà để xin tiền của mẹ mua đồ ăn thức uống mặc dầu kinh tế gia đình lúc đó cũng gặp khó khăn.
Cơ Duyên Của Tổ Nghiệp
Bạch Long thấy giọng ca tiếng nói và vóc dáng, tướng đi điệu hát của Thanh Bình giống hệt nghệ sĩ đang hồi ăn khách nhất lúc bấy giờ là Vũ Linh nên Bạch Long đổi nghệ danh của Thanh Bình thành nghệ sĩ Vũ Luân.
Gánh hát Hương Tràm rã, Thanh Bình về nhà chưa có công ăn việc làm khác và loay hoay mãi chưa biết sẽ học nghề gì, sẽ kiếm sống ra sao thì các bạn nghệ sĩ Linh Sang và Hồng Thúy đến rủ Thanh Bình cùng nhau đi hát đám, đám cưới hay đám giổ đều nhận đến hát như đi hát show tại các nhà hàng để kiếm thêm thu nhập. Không ngờ dịp nầy ông Tổ cải lương lại có biệt nhản dòm ngó đến nghệ sĩ Thanh Bình!
Đầu năm 1992, bộ ba nghệ sĩ Thanh Bình, Linh Sang, Hồng Thúy hát show tại một đám cưới ở đường 3 tháng 2, (đường Trần Quốc Toản cũ), giọng ca vọng cổ của Thanh Bình thu hút sự chú ý của nghệ sĩr Bạch Long, người cũng có tiết mục biểu diễn trong đám cưới đó.
Bạch Long là con của nghệ sĩ tài danh Thành Tôn, Bạch Long nổi danh là một nhà chuyên môn đào tạo mầm non hát cải lương và hồ quảng, các nghệ sĩ trẻ như Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân, Chinh Nhân, Bình Tinh đều được đào tạo trong đoàn Đồng Ấu Bạch Long. Sau khi nghe Thanh Bình ca vọng cổ, nghệ sĩ Bạch Long đến gặp và trao cho Thanh Bình một tấm danh thiếp ghi số điện thoại của đoàn Đồng Ấu Bạch Long và nói : « Em có tiềm chất lắm. Anh đang mở lớp dạy ca diễn cho một số bạn nhỏ, nếu em thích theo nghề thì hảy liên lạc với anh.”
Không ngờ cơ duyên gặp gở đó đã làm thay đổi cuộc đời của nghệ sĩ Thanh Bình và đem đến cho sân khấu cải lương một diễn viên trẻ tên Vũ Luân và Vũ Luân đem đến cho khán giả những bất ngờ lý thú.
Thanh Bình theo học trong lớp đào tạo mầm non sân khấu cải lương của thầy Bạch Long với các nghệ sĩ trẻ con nhà nòi như Trinh Trinh (con của hai nghệ sĩ Hữu Cảnh và Xuân Yến) Tú Sương (con của nghệ sĩ Trường Sơn và Thanh Loan), Quế Trân (con của nghệ sĩ Thanh Tòng), Chinh Nhân và Bình Tinh (con của nghệ sĩ Đức Lợi và Bạch Mai) và nhiều nghệ sĩ trẻ khác.
Thanh Bình lúc đó đã được 22 tuổi nhưng vóc người nhỏ con, nét mặt còn non choẹt nên người ta nghĩ rằng Thanh Bình nhiều lắm là được 15 tuổi, nghĩa là lớn hơn các cô cậu học viên kia một chút xíu thôi.
Bạch Long thấy giọng ca tiếng nói và vóc dáng, tướng đi điệu hát của Thanh Bình giống hệt nghệ sĩ đang hồi ăn khách nhất lúc bấy giờ là Vũ Linh nên Bạch Long đổi nghệ danh của Thanh Bình thành nghệ sĩ Vũ Luân.
Được đổi nghệ danh mới, Thanh Bình không ngờ là nghệ danh Vũ Luân trở thành một cái bệ phóng đưa Vũ Luân lên cao trên bầu trời nghệ thuật.
Vũ Luân được thầy Bạch Long dạy nghệ thuật hát tuồng cổ, học cầm quạt, múa quạt, tập đóng kép văn, phất ống tay áo như thế nào, cách che nghiên quạt, cách bưng rượu uống, học điệu múa của kép võ, cách đá giáp, phun râu, cách vuốt lông trỉ, múa thương, múa kích và Vũ Luân học ca các bài ca hồ quảng như bài Hoàng Mai 1, 2, 3, 4,… 15… v…v.
Cách dạy hát của Bạch Long là khi cần hát tuồng nào, đóng vai gì thì Bạch Long dạy Vũ Luân cách hát vai tuồng đó. Như vậy chỉ trong vòng một tháng học nghệ, Vữ Luân đã có mặt hát trên sân khấu đoàn Đồng Ấu Bạch Long. Vở tuồng đầu tiên của Vũ Luân hát trên sân khấu Bạch Long là vở Tứ Tử Đăng Khoa, hát chia vai chánh với nghệ sĩ Chinh Nhân. Sau đó Vũ Luân đóng vai chánh trong các tuồng Long Lân Qui Phụng, Thiên Duyên Tiền Định, Gánh cải Trạng Nguyên…
Nghệ sĩ Vũ Luân và nữ nghệ sĩ Thanh Ngân. Hình của soạn giả Nguyễn Phương. Từ khi có sự tham gia hát của nghệ sĩ Vũ Luân, các suất hát của đoàn Đồng Ấu Bạch Long luôn luôn đông nghẹt khán giả. Có ngày, đoàn hát hát ba suất mà suất nào cũng bán hết vé. Khán giả xôn xao bàn tán, họ nhận thấy Vũ Luân rất giống Vũ Linh, thần tượng sân khấu của họ. Vũ Luân chẳng những giống Vũ Linh về nét mặt, miệng cười, giống cả tướng đi bộ đứng và cách ca hát tuồng cổ.
Hai người giống nhau như hai giọt nước và vì hiếu kỳ người ta đổ xô đi coi Vũ Luân hát. Khán giả nói Vũ Linh và Vũ Luân là hai cha con ruột thịt nhưng sự thật thì hai nghệ sĩ nầy không hề có liên quan huyết thống gì.
Công tâm mà nói Vũ Luân ca diễn cũng rất hay, việc giống nhau chỉ gợi sự tò mò ban đầu của khán giả nhưng càng về sau thì tài ca hát và điệu bộ của chàng kép trẻ đẹp trai Vũ Luân đã có sức hút riêng chớ không phải chỉ là cái bóng của Vũ Linh trên sân khấu. Trước đây khán giả say mê thần tượng Vũ Linh bao nhiêu thì bây giờ khán giả cũng si mê thần tượng Vũ Luân bấy nhiêu.
Thưa quí thính giả, vừa rồi quí vị nghe giọng ca của nghệ sĩ Vũ Luân trong vai Hứa Tiên, tuồng Thanh Xà Bạch Xà, hát chung với nữ nghệ sĩ Tú Sương vai Bạch Tố Trinh và nữ nghệ sĩ Trinh Trinh trong vai Tiểu Thanh tức Thanh Xà.
Ðược nhiều khán giả ưa thích
Sau khi thành công quá sức tưởng tượng trên sân khấu Đồng Ấu Bạch Long, Vũ Luân được nhiều đoàn hát mời cộng tác như đoàn Minh Tơ, đoàn Sông Bé, đoàn Dạ Lý Hương Tuổi Trẻ, đoàn Saigon 1, đoàn Thanh Nga, đoàn Trần Hữu Trang…. Vũ Luân luôn luôn chiếm được cảm tình của khán giả qua các tuồng Mộc Quế Anh dâng cây, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Phàn Lê Huê, Song Hùng Kỳ Hiệp, Người đẹp trong tranh…
Vũ Luân hát chung với các nữ nghệ sĩ Tú Sương, Trinh Trinh, Kim Thoa, Ngân Huệ, Quế Trân, và khán giả ái mộ Vũ Luân, xem Vũ Luân như thần tượng của họ giống như trường hợp của Vũ Linh trước đây, gây nên nhiều cảnh náo động giữa các nhóm ủng hộ các nghệ sĩ nữ và Vũ Luân.
Cũng cần nhắc lại khán giả ái mộ Vũ Linh đến độ họ bao xe Lam đi theo coi Vũ Linh quây phim vidéo. Khi hát ở rạp hát, lúc Vũ Linh hết lớp tuồng hát, bước vô cánh gà là nhiều cô, nhiều bà tranh nhau cầm quạt quạt cho Vũ Linh, có bà bưng nước sâm cho Vũ Linh uống, có hàng trăm khán giả đứng chờ ở cửa sau của rạp hát để nhìn mặt Vũ Linh, để tặng hoa hay xin chữ ký.
Vũ Linh hát cặp với nhiều nữ diễn viên như Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy. Hát với nữ diễn viên nào, Vũ Linh cũng hát rất ăn ý, rất tình tứ khiến cho khán giả tưởng là Vũ Linh bồ với cô đào đó. Vậy là từng nhóm khán giả riêng của các nữ nghệ sĩ làm cái việc ghen dùm.
Vũ Linh hát cặp với nhiều nữ diễn viên như Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy. Hát với nữ diễn viên nào, Vũ Linh cũng hát rất ăn ý, rất tình tứ khiến cho khán giả tưởng là Vũ Linh bồ với cô đào đó. Vậy là từng nhóm khán giả riêng của các nữ nghệ sĩ làm cái việc ghen dùm.
Cứ Vũ Linh hát với nữ diễn viên nầy thì khán giả của nữ diễn viên kia gây rối, có khi đôi bên khán giả vì ghen dùm mà họ choảng nhau. Người ta gọi đó là nạn « holigan của cải lương ». Trường hợp của Vũ Luân được khán giả hâm mộ và xem là thần tượng của họ cũng giống như trường hợp của Vũ Linh.
Qua năm 2001, Vũ Luân đã thoát khỏi cái bóng của Vũ Linh khi em thành công vang dội qua các vai hát những nhân vật có tính cách như vai Từ Hải Thọ và vai Ngô Phù Sai trong tuồng Xử Bá Đao Từ Hải Thọ và tuồng Giang Sơn Mỹ Nhân. Vũ Luân đã đoạt được giải Diễn Viên Tài Sắc và giải Mai Vàng.
Để kỷ niệm 10 năm đi hát (1992 – 2002) Vũ Luân dám bỏ tiền ra một Tỷ đồng và mời 150 diễn viên tham gia 2 đêm live show «Vươn tới tương lai » tại nhà hát Hòa Bình vào ngày 10 và 11 tháng 5 và live show đó đã thành công rực rỡ về nghệ thuật và doanh thu.
Về gia đình thì sau khi đi hát có thu nhập cao, Vũ Luân đã giúp cho sáu anh chị em có nhà của đàng hoàng để ra riêng. Em cũng xây một ngôi nhà ba tầng lầu để nuôi dưỡng mẹ em, có mua xe hơi và tài xế riêng.
Góp sức phục hồi nghề hát cải lương
Vũ Luân đã dám đầu tư một Tỷ đồng để làm một show hát kỷ niệm mười năm đi hát và Vũ Luân cùng với soạn giả Hoàng Song Việt bỏ vốn ra hùng với nhà hát Trần Hữu Trang thực hiện chương trình Thắp sáng niềm tin để cho các nghệ sĩ cải lương được có chổ hành nghề hàng đêm trên sân khấu Hưng Đạo.
Thưa quí thính giả, từ những năm 1995, 1996, nhiều đoàn hát cải lương lớn một thời huy hoàng như đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long, Sàigòn 1, Sàigòn 2, Sàigòn 3, đoàn Thanh Nga, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn kịch Kim Cương vì không thu hút được khán giả, bị lổ vốn nên phải chịu rã gánh hát, nhiều nghệ sĩ phải chuyển nghề, đi ca cho các nhà hàng, các quán có ca nhạc để kiếm sống qua ngày.
Vậy mà Vũ Luân mới vừa loé sáng năm 1992, mười năm sau đã có bao nhiêu tỷ đồng để xây nhà lầu, mua xe hơi, mua nhiều nhà khác cho các anh chị, lại còn đầu tư cả tỷ đồng vô thực hiện những chương trình hát cải lương trong lúc tình hình sân khấu cải lương xuống dốc một cách thê thảm. Phải chăng đây là một chuyện huyền thoại của cải lương?
Thưa quí thính giả, nghệ sĩ trẻ Vũ Luân thành công trên sân khấu là một điều đáng mừng trong lúc mà sân khấu cải lương đang xuống dốc. Điều đáng quí hơn nữa là Vũ Luân dám đầu tư một số tiền thật lớn với tâm ý là Vực dậy sân khấu cải lương.
Vũ Luân cũng tham gia rất nhiều suất hát gây qủy để cứu trợ đồng bào và đồng nghiệp nghèo yếu neo đơn hay là nạn nhân của thiên tai, bảo lụt và giúp các trẻ nghèo khuyết tật. Nguyễn Phương xin giở nón cúi đầu bái phục Vũ Luân, nhất là phục cái tâm ý của Vũ Luân dám hy sinh một số tiền lớn để góp sức làm phục hồi lại cái nghề hát cải lương.