1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Phương Quang: Óng ả một đời tằm tơ

    Hồi đó ở đất Bình Dương – Sông Bé có gia đình nông dân làm ruộng nuôi 6 đứa con. Như mọi người dân Nam Bộ khác, họ rất thích cải lương. Và chàng con trai cả Tô Văn Quang thì mê đến quên ăn quên ngủ. Những khi có gánh hát về làng, nấp sau cánh gà, chàng mê mẩn nghe như “uống” từng câu vọng cổ của các danh ca Út Trà Ôn, Ba Vân. Nghe đến đâu thấm đến đó, chàng tẩn mẩn học lóm được vài bài và bắt chước ra bộ cho giống với thần tượng. Giắt lưng chút “vốn nghề”, chàng hăm hở lên Sài Gòn thử thời vận.


    Giờ đây ngồi nhớ lại, nghệ sĩ ưu tú Phương Quang vẫn thấy rõ hình ảnh của một chàng trai quê vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn tìm việc: Da cháy nắng đen nhẻm, giọng nói còn quê trớt, trong túi chỉ có vài đồng lẻ nhưng trong trí lại tràn đầy quyết tâm thành danh nơi xứ phồn hoa đô hội này. Quyết tâm là như vậy nhưng anh lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Thời may, khi ấy có bà chủ tiệm vàng lớn trên đường Lê Văn Duyệt (đường CMT8 ngày nay), vì say mê cải lương đã lập gánh Kinh Thành quy tụ toàn các nghệ sĩ trẻ chưa có danh vọng. Phương Quang bồi hồi nhớ lại: “Tôi được tổ đãi nên mới ra nghề đã có người chịu nhận và nuôi không cả năm trời” . Đêm Noel năm 1962, gánh khai trương vở đầu tiên Cánh nhạn phương trờ i , Phương Quang chính thức ra mắt khán giả Gò Công với vai kép con An-Phong. Một năm sau đó ở gánh Kim Chưởng, ông trở thành kép chính xuất hiện trong hàng loạt vở làm nức lòng người hâm mộ cải lương lúc bấy giờ như Hai chiều ly biệt, Người nhạn trắng, Huyết phiến lôi phong ... Kể từ đó, Phương Quang trở thành kép nhất, được các gánh hát lớn tranh nhau mời. Và rạp nào có tên ông trên băng-rôn là đêm đó coi như bội thu. Đến năm 1966 với vở Mặt trời đêm , chàng nông dân Tô Văn Quang ngày nào - nay đã trở thành kép nhất Phương Quang - vinh dự bước lên sân khấu nhận giải Thanh Tâm , giải thưởng cao quý nhất trong giới cải lương thời ấy.

    Đất mẹ Bình Dương chan chứa tình người như thứ gia vị thấm sâu vào con người Phương Quang, có lẽ vì thế nên cái làn hơi trầm ấm, cái hào khí rặt Nam Bộ, cái phong thái ung dung đĩnh đạc trong con người ông không lẫn vào đâu được. Như một lẽ tự nhiên, ông luôn đảm nhiệm và rất thành công ở các vai anh hùng như vua hiền, tướng dũng, hoặc chí ít cũng là vai các lão nông Nam Bộ lương thiện và đầy nghĩa khí. Ngót 40 năm đi diễn, Phương Quang đã hóa thân vào hầu hết các vai anh hùng từ cổ chí kim và để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả qua các hình tượng Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng tử Rim… Đó là thành công trong vai “cổ”. Ông cũng được biết đến như một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thể hiện thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Ông nói gì về những vai “kim” này?

    - Có thể nói về vai anh hùng thời cổ tôi tâm đắc nhất là anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong Tiếng sóng Rạch Gầm. Còn vai hoàng tử Rim trong Nàng Xê – đa là một vai hết sức kỳ lạ về tính cách nên đã tạo sức hấp dẫn cho khán giả. Tôi đã diễn vai này cả ngàn lần trong 4 năm liên tục. Đó là con số kỷ lục trong làng ca kịch. Vai anh hùng thời hiện đại tôi ưng ý nhất là kỹ sư Năm Báo trong Tình yêu lời đáp . Nhân vật này là một chiến sĩ cách mạng giả dạng vào đủ mọi tầng lớp để công tác thành nhưng chẳng may bị lộ phải trở về quê hương Củ Chi…Cái khó của vai diễn này là Năm Báo chính là hiện thân của chính tác giả Trần Bạch Đằng, mà diễn sao cho vừa đúng ý ông lại phải vừa có chất cải lương – tức là phải hơi ướt át một chút – là điều không dễ, vì ông nổi tiếng là người kỹ tính và người chiến sĩ cách mạng - theo ông - thì không được yếu đuối hay ủy mị.

    Nghệ sĩ Phương Quang vụt đứng lên sửa bộ, ông bước vài bước chân như hụt hẫng, tay đưa ra như cố níu kéo điều gì và bật lên câu vọng cổ: “ Mẹ ơi con về đây khi quê hương đã tan bóng giặc, trời đất còn đây mà sao không thấy bóng mẹ hiền… ”. Trước chỉ một khán giả là người viết, Phương Quang vào vai vẫn rất “lửa”, phút chốc người khán giả lạc loài chợt nghẹn lòng khi nhìn thấy giọt nước mắt ứa ra lăn dài trên gương mặt cương nghị của người chiến sĩ cách mạng Năm Báo qua sự hoá thân tuyệt vời của người nghệ sĩ tài hoa Phương Quang.

    Vẫn còn đó một Phương Quang đậm chất nông dân qua cái cách nói chuyện chân chất thật thà, không có lấy một từ hoa mỹ. Miên man với bao kỷ niệm một thời vàng son của sân khấu cải lương, ông kể về những xuất diễn không dưới chục lần vở “Nàng Xê-đa” cho lãnh đạo thành phố xem, về những chuyến lưu diễn tận trời Âu được bà con người Việt cổ vũ nồng nhiệt và về cả những trận tưởng “bỏ mình” ở xứ người khi bị các nhóm người Việt quá khích “khủng bố” bằng bom xăng vào một rạp hát ở Paris, khi Phương Quang bất chấp lời đe dọa vẫn hát bài "Tân cổ Đài hoa dâng Bác"…

    Dạo này, khán giả ít gặp NSƯT Phương Quang trên sóng truyền hình. Tuy cũng buồn nhưng Phương Quang bảo đã có nhiều việc khác “thế vào”. Ông vẫn đi diễn ở các tỉnh và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Các con đều đã trưởng thành và ông cho họ cái quyền tự lựa chọn nghề nghiệp cho mình, miễn là công việc yêu thích và lương thiện là ông bằng lòng. Ông không khuyến khích con theo nghề vì đối với ông con đường đến với “nghiệp tổ” tuy là niềm đam mê nhưng cũng lắm chông gai mà chỉ những người thực sự “có lòng” mới đến được.

    Cuộc sống vẫn xoay vầng với bao cái mới thay thế cái cũ và trong nghệ thuật thì quy luật này càng khắt khe hơn. Với thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu như Phương Quang, Thanh Vy, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy … khán giả vẫn dành cho họ một tình cảm trìu mến, một sự ái mộ chừng mực. Chính điều này đã hâm nóng lòng yêu nghề của họ. Và hôm nay, giữa bao lớp diễn viên “ngôi sao” trẻ trung nắm giữ những vai chính của vở, các nghệ sĩ thế hệ U60-70 vẫn vui lòng sắm các vai “dàn bao” - loại vai làm nổi vai chính lên. Nhờ vậy, khán giả hoài cổ vẫn thấy ấm lòng khi được nhìn lại người nghệ sĩ mà mình đã từng yêu mến vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực đã gắn bó suốt cuộc đời như nghệ thuật cải lương.


    Trần Ái Minh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL