Nghệ sĩ Tuấn Thanh
Trong số các nghệ sĩ cải lương tài danh, ít có nghệ sĩ nào sinh sống bằng hai nghề gần như là khác tính chất với nhau, đối chọi nhau mà có thể thành công được cả trong hai nghề đó. Nguyễn Phương xin đặc biệt giới thiệu nghệ sĩ Tuấn Thanh, một nghệ sĩ cải lương tài danh và là một nhà thầu xây cất nổi tiếng của đô thành Saigon.
Nghệ sĩ cải lương thì đòi hỏi người nghệ sĩ phải có giọng ca tốt, kỷ thuật ca điêu luyện, phải có sắc vóc đẹp và diễn xuất tinh tế. Nghề nghiệp nầy đòi hỏi người nghệ sĩ phải biểu hiện được sự cảm xúc tình cảm, truyền đạt đến khán giả sự cảm xúc tình cảm đó. Và phương tiện hành nghề của người nghệ sĩ là chính bản thân của họ, bằng giọng ca, bằng nét mặt và động tác của bản thân họ. Chính yếu vẫn là xuất phát từ tâm hồn và tình cảm của người nghệ sĩ.
Trái lại, người buôn bán bất động sản kiêm thầu khoán xây cất thì đòi hỏi người hành nghề phải sâu sát với thị trường, biết các biến động về giá cả, nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra phải có óc thẩm mỹ, còn phải có một sự hiểu biết chính xác về nghề xây cất. Phải tính toán chi li, cân, đong, đo, đếm, phải biết phẩm chất của vật liệu dùng trong xây cất và những thông số kỹ thuật bắt buộc trong nghề xây cất.
Ví dụ như đúc nền, làm planchet thì dùng bao nhiêu phần trăm ciment, bao nhiêu phần trăm cát; sắt cột dựng cho nhà bao nhiêu tầng thì phải dùng cây sắt bề trực kính mấy li; làm khuôn sắt đổ planchet thì phải dùng sắt mấy li; đóng cốp pha như thế nào, đổ ciment trộn đá xong thì phải tưới nước ra làm sao và bao lâu thì mới gở cốp pha được? Gỡ cốp pha sớm quá thì sẽ sập nhà, chết người như kiểu sập cầu Cần Thơ độ nào đó…
Nghệ sĩ Tuấn Thanh tên thật là Đặng văn Đông, sinh năm 1953 tại Saigon. Song thân của anh là ông Đặng Văn Ngữ và bà Đặng Thị Nhân đều đã qua đời.
Thân phụ của anh, ông Đặng Văn Ngữ bìết đờn cò, từng tham gia ban đờn ca tài tử của nhạc sĩ Hai Khuê ở đường Cao Thắng, quận ba. Ông Ngữ là một nhà buôn bán bất động sản kiêm thầu xây cất nổi tiếng ở Saigon, Chợ Lớn trong hai thập niên 50, 60.
Thuở bé, ngoài giờ học văn hóa, em Đông còn được theo cha học nghề. Khi ông Ngữ lãnh thầu xây cất nhà, Đông đã theo ông trong việc thực hiện xây cất. Đông học vẻ các bản kiến trúc và tính toán việc mua vật liệu. 14 tuổi Đông đã kiếm ra được nhìều tiền và giúp cha đắc lực trong nghề nghiệp của gia đình.
Đông cũng giống cha về niềm đam mê đờn ca cổ nhạc. Đông theo cha đi đờn ca với Ban đờn ca tài tử cổ nhạc của nhạc sĩ Hai Khuê, Đông đóng tiền học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Ba Giác ở quận 6. Năm sau, Đông học thêm hai năm trong lớp cổ nhạc Văn Vĩ.
Sau đó, Đông được anh Lê Hoàng Nhi và ban cổ nhạc Ngọc Thạch – Văn Vĩ đưa đi ca ở đài phát thanh Saigon. Đông lấy nghệ danh là Thanh Tài. Nghệ sĩ Thanh Tài tham gia đờn ca tài tử ở các quận huyện đô thành như Phú Xuân, Nhà Bè, Quận 8, Bình Chánh và anh cũng được hãng dĩa Continental mời thu thanh. Tuy nhiên tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Tài vẫn còn ít người biết đến.
Năm 1970, nghệ sĩ Thanh Tài được 17 tuổi, anh theo các đoàn hát cải lương ở tỉnh để được hát trên sân khấu. Thanh Tài đã hát qua các đoàn hát Hồng Vũ, Hoa Đăng, Quy Sắc, Tuyết Hoa.
Đến năm 1975, Thanh Tài gia nhập đoàn hát Kiên Giang. Anh thay đổi nghệ danh thành Thanh Thanh Tuấn, hát chung sân khấu với các nghệ sĩ Hà Mỹ Hạnh, Đức Anh, Vương Tùng, Hề Phi Phi, hề Tẩu Tẩu. Thanh Thanh Tuấn đã được hát chánh qua các vở tuồng Hoa Mộc Lan, Suối Mơ Rền Pháo Cưới, Lưu Bình Dương Lễ, Bên Vòng Tay Mẹ, Manh Áo Quê Nghèo. Thanh Thanh Tuấn được nhiều khán giả miền Tây ái mộ. Anh nổi tiếng là một nghệ sĩ trẻ ăn khách của sân khấu cải lương vùng Hậu Giang.
Năm 1977, Thanh Thanh Tuấn đổi nghệ danh thành Tuấn Thanh khi anh được đoàn cải lương Saigon 2 mời cộng tác. Ngôi sao cải lương Tuấn Thanh bắt đầu rực sáng trên bầu trời nghệ thuật. Nghệ sĩ Tuấn Thanh diễn chung với các diễn viên tài danh như nữ diễn viên Ngọc Bích, Hồng Nga, Kiều Lan, Thanh Vân, Liên Chi, Tô Kiều Lan, Ngọc Hà và các nam diễn viên Giang Châu, Tuấn An, Tư Rọm, Văn Chung, Hoàng Liêm, Hoàng Linh, Diệp Lang.
Vai hát đầu tiên của nghệ sĩ Tuấn Thanh trên sân khấu Saigon 2 là vai Cung trong tuồng Ánh Lửa Rừng Khuya. Tuấn Thanh hát thành công nên được vào vai chánh các vở Tiếng Hò Sông Hậu, Khách Sạn Hào Hoa, Tìm Lại Cuộc Đời…Tuấn Thanh đã được giới nghệ sĩ và khán giả công nhận Tuấn Khanh là một kép trẻ thinh sác lưỡng toàn.
Năm 1979, nghệ sĩ Tuấn Thanh cộng tác với đoàn cải lương Saigon 3, hát chung với các nghệ sĩ Bình Trang, Linh Huệ, Văn Chung, Kim Quang, Lan Chi, Thúy Lan, Tuấn Kiệt( tức Châu Thanh sau này), Hà Mỹ Xuân và Kiều Lệ Tâm. Tuấn Khanh đã hát qua các tuồng Mái Tóc Người Vợ Trẻ, Tình Ca Biên Giới, Phụng và Hoàng.
Thời gian năm 1980, Tuấn Thanh và nữ nghệ sĩ Mỹ Châu hát trên sân khấu đoàn Trúc Giang mới là thời gian mà tên tuổi của nghệ sĩ Tuấn Thanh được sáng chói nhất. Đoàn hát Trúc Giang là một đoàn hát nhỏ, với những kịch bản thuộc loại trung bình như vở Vòng Cưới Anh Trao, Thoại Khanh Châu Tuấn nhưng dưới sự diễn xuất của cặp đào kép ăn khách nhất lúc bấy giờ là Mỹ Châu và Tuấn Thanh, đoàn hát Trúc Giang luôn luôn có một số thu vượt trội hơn các đoàn hát khác.
Về phương diện nghệ thuật thì phải đợi đến khi Tuấn Khanh diễn những vở tuồng có giá trị văn học như vở Tâm Sự Ngọc Hân, Dòng Sông Đầm Lầy, Thái Hậu Dương Vân Nga, ngôi sao sân khấu của Tuấn Thanh mới thật sự bật sáng. Nhất là sau tháng 2 năm 1979, hơn mười đoàn hát cải lương đồng loạt hát vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga, biểu lộ ý chí chống xăm lăng Trung Cộng do Sở Văn Hóa phát động. Tuấn Thanh vào vai Lê Hoàn, anh hát thật là oai dũng, biểu dương được ý chí không khuất phục trước sự xăm lăng của nước Tàu ở phía Bắc.
Năm 1986, Tuấn Thanh gia nhập gánh hát Phước Chung, hát với nữ diễn viên Bình Trang, Trang Bích Liểu, các nam diễn viên Thanh Tú, Hồng Tơ, Hoàng Liêm, Giang Tâm, Hồng Hoa, Linh Tuấn, Dũng Tâm…
Nghệ sĩ Tuấn Thanh. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương.
Năm 1987, Tuấn Thanh được đoàn Thanh Nga mời cộng tác, anh đứng chung sân khấu với Kiều Phượng Loan, Hương Huyền, Diệu Huê, Hoài Trúc Phương, Bích Sơn, Thanh Thanh Hoa, Tám Vân, Phương Hùng, Phương Tâm. Anh đã hát qua các vở Thiên Phúc Hoàng Đế, Nhiếp Chính Ỷ Lan, Đầm Tiên Sa, Đường Gươm Dũng Tướng…
Năm 1989, Tuấn Thanh trở về hát trên sân khấu đoàn Saigon 2, hát chung với các nghệ sĩ Diệu Hiền, Mỹ Châu, Văn Chung, Phi Thoàn, Tô Kiều Lan, Kiều Mai Lý và hát trong hai kịch bản Nắng Ấm Ngoại Ô và Nữ Tướng Cờ đào.
Tuấn Thanh cũng từng đóng tuồng chung sân khấu với các nữ diễn viên tài danh Phượng Liên, Ngân Hà, Ngọc Giàu, Hồng Nga và các nam diễn viên Minh Vương, Tấn Tài, Hoàng Giang, Hoàng Hải, Tám Vân…
Năm 1990, đột nhiên Tuấn Thanh xa rời sân khấu. Anh trở về cái nghề buôn bán bất động sản và thầu xây cất nhỏ. Từ năm 1990, sân khấu cải lương mất dần khán giả, cuộc sống của nghệ sĩ không được sung túc như xưa, có lẽ vì lẽ đó mà Tuấn Thanh quay trở về với nghề cũ của gia đình. Cha anh không còn nhưng Tuấn Thanh đã có nhiều kinh nghiệm nên anh trở về nghề cũ của gia đình không gặp khó khăn nào cả. Tuấn Thanh vắng bóng trên sân khấu các đoàn hát, anh kinh doanh thành công rất khả quan.
Tuy cuộc sống của anh và gia đình rất sung túc nhưng anh vẫn nhớ sân khấu và bạn diễn nên những khi rỗi rãnh, anh hát thu thanh cho hãng dĩa hoặc băng video. Trong lãnh vực băng video, Tuấn Thanh thu được nhiều tuồng hay như tuồng Tiếng Hò Sông Hậu, Đôi Mắt Tình Yêu, Quán Khuya Sầu Viễn Khách, Đơn Hùng Tín, Lã Hậu, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Anh Hùng Lương Sơn Bạc, Nữ Tú Tài, Kiếm Sĩ Dơi, Bài Thơ Trên Cánh Diều, Hoa Khuê Các Bướm Giang Hồ…
Năm 2005, sau 15 năm xa rời sàn diễn cải lương, nghệ sĩ Tuấn Thanh xuất hiện trong vai Nguyễn Huệ trong tuồng Hoàng đế Quang Trung, nghệ sĩ Tuấn Thanh có một phong độ ca diễn tiến triển hơn trước.
Nguyễn Phương