Thấm thoát mà Nghệ sĩ Điền Tử Lang đã rời quê hương Mỏ Cày, Bến Tre đúng 55 năm, lên Sài Gòn theo nghiệp đờn ca. Chàng trai Trần Văn Sáu (tên thật của Điền Tử Lang) ngày đi chỉ mới tròn 15 tuổi, với vốn liếng là 20 bài tổ do nghệ nhân Hai Que truyền dạy (ông đã 83 tuổi, vẫn còn mạnh khỏe hay đi giao lưu đờn ca tài tử).
Hàng ngày anh phải đi làm thêm, để có điều kiện học hành, theo đuổi đam mê ca hát. Năm 20 tuổi anh được nghệ sĩ Thành Công giới thiệu vào ca Đài phát thanh, từ đó trở thành danh ca của đài suốt mấy mươi năm sau. Điền Tử Lang có chất giọng đồng pha thổ, âm vực rộng, thấp, nhưng rất dày, chất giọng hiếm, (thường thì giọng đồng trong cao như Út Trà Ôn, Minh Vương...
Anh ca mùi mẫn, nhẹ nhàng không cần cố sức, phát âm vừa nhưng rất rõ và sáng. Điền Tử Lang không ca ào ạt, sôi nổi mà trầm lắng, sâu sắc, len nhẹ vào sâu tận tâm hồn người nghe. Đây không phải là giọng ca có giá trị thương mại để kinh doanh băng đĩa, giọng hát này dành cho những người sành điệu biết thưởng thức sự nhẹ nhàng, êm dịu, sâu lắng, thích hợp cho những cuộc chơi đờn ca, tao nhã, thanh lịch.
Thoạt qua, cứ nghĩ anh là một nghệ sĩ trung bình, nhưng nếu tính lại cả quá trình, sự hoạt động liên tục không gián đoạn suốt chặng đường trên 50 năm ca hát, thường xuyên góp giọng trên đài phát thanh, từng được báo chí Sài Gòn trước năm 1975 bầu chọn là vua ca Đài phát thanh, và cho đến tận bây giờ giọng ca Điền Tử Lang vẫn còn ru say người nghe.
Tuy vừa tròn 70 tuổi, ở tuổi "thất thập cổ lai hy", thời gian như vẫn còn rất ưu ái anh, gặp anh không ai nghĩ đó là "ông già" đã 70. vẫn phong cách thoải mái, cởi mở, vui vẻ của người đàn ông trung niên, giọng ca vẫn ấm áp, truyền cảm, phong độ như thuở nào.
Hiện nay anh vẫn được mời đi hát suốt, giọng ca của anh vẫn còn rất nhiều người ái mộ, nhất là những khán giả trung niên trở lên. Cùng cất giọng với các giọng ca trẻ, hanh những danh ca vọng cổ, trong nhiều chương trình ca cổ, Điền Tử Lang không hề bị lép vế, trái lại giọng ca mượt mà, truyền cảm của anh luôn là điểm nhấn cần thiết cho chương trình thêm phong phú, quả là gừng càng già càng cay...
Ngày xưa ấy, ở cái tuổi đôi mươi, sau khi nổi danh ở Đài phát thanh, anh được đoàn Thủ Đô mời về hát kép chánh với Kiều Lệ Mai sau khi Dũng Thanh Lâm nghỉ, tiếp đến là đoàn Ánh Chiêu Dương (của Ông Năm Châu) từng diễn vai Thi trong Khi người điên biết yêu.
Kỷ niệm sâu sắc nhất là khi Điền Tử Lang về đoàn Tân Hoa Lan hát chánh với Sầu nữ Út Bạch Lan trong vở cải lương Vụ án kẻ ngoại tình của tác giả Lê Khanh, anh đóng vai người đạp xích lô, hàng ngày đưa cô gái (Út Bạch Lan) chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời...
Tác giả viết mỗi lớp diễn gặp nhau là họ ca, khai thác ưu thế ca ngâm của hai giọng ca vàng. Được đóng cặp với nữ nghệ sĩ số 1 thời ấy là hạnh phúc mà bây giờ anh mới thấm thía hết niềm vui sướng, may mắn mà mình có được. Con đường đến đỉnh ngôi sao đang mở ra, thì bị chựng lại, vì thời cuộc, anh bị bắt đi quân dịch, phải đến sau năm 1975 anh mới được trở lại sân khấu chuyên nghiệp qua các sân khấu lớn: Sống Chung, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Văn Công thành phố, Nhà hát Trần Hữu Trang...
Dù chỉ hát vai nhì, hay lão mùi, những vai diễn của anh đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả mộ điệu, giọng ca của anh tiếp tục đi vào nổi nhớ của những khán giả từng yêu mến anh. Sau 1975, trên lĩnh vực phát thanh, giọng ca của anh rất được trọng dụng. Tác giả Trần Nam Dân luôn dành cho anh sự yêu mến đặc biệt, có sự đồng cảm của người sáng tác và nghệ sĩ thể hiện.
Họ đã hợp tác rất thành công trong Chập cải lương hài Ong cắn, Điền Tử Lang từ đó chết tên "Tám Lúc Lắc", mở đầu thêm một phong cách hát hài tưng tưng, rất hợp với Điền Tử Lang trên sóng phát thanh. Giọng ca thì rất mùi, nhưng Điền Tử Lang lại rất có duyên với những vai hài.
Anh là nghệ sĩ cải lương sau năm 1975 đi diễn tấu hài đầu tiên với danh hài Văn Chung, Thanh Việt, từng đi diễn hài ở các đoàn ca múa nhạc, diễn kịch với nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, đóng thay vai hài của La Thoại Tân, thể hiện đẳng cấp một nghệ sĩ đa năng, có giọng ca vàng.
Chính nghệ thuật cải lương là động lực để anh yêu đời, yêu nghề, được diễn liên tục làm cho anh trẻ mãi không già, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Anh là người sáng tạo cách vô vọng cổ ca ngang tưởng như đâm hơi, sau đó chuyển vào hò rất điệu nghệ, nghệ sĩ Minh Cảnh từng ca theo cách vô vọng cổ này.
Có thể nói, Điền Tử Lang là giong ca có tuổi thọ rất dài, cho tới bây giờ anh vẫn sống được bàng cát sê đi hát của mình. Trao đổi vơi tôi về các giọng ca trẻ ngày nay, anh có những ý kiến rất chân thành, trân trọng, mong muốn các em sẽ là những ngôi sao mới chấn hưng và phát triển nghệ thuật ca vọng cổ. thế hệ của các anh đã làm xong vai trò của mình rồi.
"Anh nói: "Các em trẻ ngày nay có làn hơi rất phong phú, đa dạng, có môi trường tốt để hoạt động, các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các địa phương hoạt động đều đặn, có mạng vi tính để tìm hiểu thêm. Các em muốn học ca dễ dàng hơn thời trước rất nhiều, nhưng chắc để học tinh thì hơi khó, thiếu thầy giỏi. Các cuộc thi của các Đài phát thanh - truyền hình mỗi năm đều có tổ chức.
Các em có giọng tốt dễ dàng được ca trên sóng phát thanh, truyền hình. về mặt rộng khắp thì nhiều, nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng phong trào, hay nhưng chưa xuất sắc, xuất chúng, chưa có những giọng ca để làm chuẩn mở đầu cho một trường phái như Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Cẩm Tiên, Thanh Ngân...
Hành văn, sắp nhịp chưa hay, lạng bẻ, luyến láy không đúng chỗ, thiếu bản sắc của bài vọng cổ, không đi vào lòng người, mau nổi tiếng nhờ phát thanh, truyền hình nên dể bị ngộ nhận là tài năng và quá ít người trẻ từ 16 – 20 tuổi. Các em đoạt các giải cao ở Bông lúa vàng hay Chuông vàng thường xấp xỉ 30.
Xét về mặt chuyên nghiệp thì thiếu, có khoảng cách quá xa từ thế hệ trước với thế hệ sau, nó phản ánh đúng thực trạng ca hát cải lương của chúng ta hiện nay.Nhân nào quả ấy thôi. Tôi chỉ hy vọng sau khi chúng ta phát triển số lượng thì nên chuyên sâu vào chất lượng, thà ít mà có người xuất chúng hơn là đông mà cứ thường thường". Chúng ta đang đổ tiền tỷ từ các cuộc thi để đãi cát tìm vàng, thì ý kiến của Điền Tử Lang, giọng ca quen thuộc 50 năm qua, vẫn còn đang ca hát, sự tồn tại ấy nhắc chúng ta nhớ: " giá trị thật luôn bền vững".
Điền Tử Lang là tấm gương cho sự cần cù, bền bỉ, lặng lẽ, âm thầm mà mãnh liệt, sự sáng lọc của thời gian vô cùng khắc nghiệt, không có tài năng, bản lĩnh, sẽ sớm nở tối tàn. Anh không hề chủ quan, mà luôn rút kinh nghiệm, học hỏi, không bao giờ tự hài lòng với chính mình. Trong ánh mắt nụ cười của anh vẫn chưa phải của "ông cụ thất thập cổ lai hy", sự thanh xuân vẫn còn phảng phất trong phong cách dí dỏm, hài hước, tươi vui của anh. Chúc mừng anh, giọng ca vượt thời gian.