NAM DANH CA CẢI LƯƠNG: MỘT THỜI VÀ MUÔN ĐỜI
KỲ IV: LÃNG TỬ THANH SANG
Những năm 1961, khi đoàn Ngọc Kiều của hai nghệ sĩ Hoàng Kinh - Ngọc Đán lưu diễn dài ngày ở Long Đất, Long Hải, Bà Rịa, một trong nhiều đêm đoàn công diễn vở Chiều đông gió lạnh về, kép chính bất ngờ bị bệnh, đoàn cuống cuồng kiếm người thay thế. May thay có chàng trai trẻ, ngư dân Nguyễn Văn Thu vừa tập tễnh vô đoàn được tiến cử.
Mê cải lương, lẩm nhẩm ca theo riết mà thuộc tuồng, cộng với không khí khán giả quê nhà, Nguyễn Văn Thu đã đảm nhận vai diễn thành công ngoài tưởng tượng. Cũng từ đêm hát bất đắc dĩ đó, nghệ danh Thanh Sang do ông bầu Hoàng Kinh đặt cho anh đã chào đời…
Sau này, khi ở chung đoàn Dạ Lý Hương, có dịp lưu diễn về Long Hải quê anh, sau đêm hát cả đoàn rủ nhau đi tắm biển. Đêm rằm, ánh trăng tràn trên sóng biển, ai nấy đang thỏa thích bơi lội bỗng dưng nghe tiếng la: - Tui bắt được cá nè… Trong sóng biển, tôi nghe rõ cái thanh âm trầm buồn. Từ xa, trăng biển chiếu lên bờ vai vạm vỡ, bàn tay của anh kép hát bỗng dưng điệu nghệ, mạnh mẽ khi ghì chặt con cá đang vẫy vùng, nước bắn lên làm sáng nụ cười rắn rỏi mà rất đỗi hồn hậu của người nghệ sĩ miền đất biển… Giá như lúc ấy tôi là một họa sĩ.
Sinh ra từ miệt biển nên Thanh Sang có một làn hơi dày và chắc khỏe, nhưng điểm làm nên nét quyến rũ trong giọng ca của anh lại chính là chất trầm buồn, có chút gì u uẩn, hoài niệm. Giọng ca đi liền nét diễn, chất mùi mẫn, mạnh mẽ và rất đàn ông ấy cứ làm say mê bao thế hệ khán giả. Ca hay bản vọng cổ đã đành, khi đi vào những bài Bắc như Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản… Thanh Sang đều chứng tỏ nghệ thuật xử lý tài tình của mình khi anh có cái kiểu ngắt câu hoặc nối chữ rất điệu nghệ. Âm nhạc cải lương giàu có và bác học chính là từ trong hệ thống những bài bản Tổ, điều mà anh và nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ đã khai phá, thăng hoa, chỉ tiếc càng về sau càng hiếm những diễn viên tiếp nhận và kế thừa…
NS Bạch Tuyết và Thanh Sang tại giải Thanh Tâm
Khoảng những năm 1960, Thanh Sang đang ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Trong buổi đọc tuồng và giao vai vở Cô gái Đồ Long, soạn giả Hoa Phượng đã “điểm danh” kép trẻ Thanh Sang vào vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Tuổi nghề lẫn tuổi đời còn… non choẹt, lãnh vai Tạ Tốn là chết chắc. Thanh Sang bực bội, cằn nhằn, thậm chí với cái tính bộc trực, nóng nảy anh còn… chửi vu vơ, ám chỉ ông soạn giả làm khó mình. Hoa Phượng nghịch ngợm, sâu sắc, ý nhị chỉ lẩm nhẩm mấy câu, đây sẽ là vai để đời của cậu ấy, kệ, không sao…
Đêm công diễn, ngoài một Hân Ly của Hồng Nga làm nao lòng công chúng, vai diễn Tạ Tốn của Thanh Sang đã lót đường đưa anh đến vinh quang là chiếc huy chương vàng của giải Thanh Tâm 1964. Nghe rằng, ngay sau đêm hát, anh đã đến thẳng nhà gặp Hoa Phượng, nói lời cảm ơn gọn ghẽ, chắc nịch thay cho lời tạ lỗi. Thanh Sang là thế, đúng hay sai, được hay chưa được đều rạch ròi, thẳng băng và sáng sủa.
Trên sàn diễn của Tuyệt tình ca (Hoa Phượng - Ngọc Điệp), Thanh Sang vào vai Lê Long Hồ, em trai của Lê Thị Trường An (do tôi thủ diễn). Bất ngờ đến gặp Trường An, mường tượng về hoàn cảnh của người chị đã bao năm nuôi mình ăn học, Long Hồ - Thanh Sang gào lên câu hỏi nhưng như thể sợ câu trả lời: - Chị Hai, chị làm nghề gì, chị nói mau đi…Má đau nặng ở nhà đó, chị đừng có làm cho má buồn… Tôi không dám ngoảnh lại… - Chị Hai… Tôi không thể nhấc chân đi, không khóc mà miệng như đóng băng, đắng nghét, gò má cứ nóng hổi những giọt nước. Tôi quay lại. Ánh sáng quất vào gương mặt điển trai, ngờ nghệch của cậu em trai và cả ánh mắt đang chơi vơi niềm hy vọng về chút lương thiện còn sót lại nơi người chị lầm lỡ …- Chị làm nghề… mại dâm, phải không chị Hai? kèm theo tiếng la thất thanh: - Đây nè, cái bằng cấp này tôi sẽ xé trước mặt cho chị coi…
Tôi choáng ngợp trong giây phút diễn xuất thần kỳ của Thanh Sang đến nỗi quên tấm màn nhung đã kéo lại, vướng phải vào người tôi, nấn níu. Cả khán phòng vỡ òa…
Diễn cải lương lịch sử, dã sử, tâm lý xã hội hay hiện đại… Thanh Sang đều đạt đến độ chuẩn mực về ca lẫn diễn, đặc biệt là diễn xuất hình thể thông qua nghệ thuật vũ đạo. Anh là nghệ sĩ có võ, lại là giỏi võ, nên những đường quyền, những bước tấn đều được anh đảm bảo chính xác và thăng hoa thành những bài vũ đạo có tính nghệ thuật cao. Xem anh vào vai Lục Vân Tiên, chỉ mỗi đường múa thanh đao cũng đã thấy cái uy dũng của họ Lục, cái hào hoa, đĩnh ngộ của nhân vật võ - văn. Ngoài Ngọc Giàu, anh là điểm tựa mà tôi tin cậy nhất khi vào vai Kiều Nguyệt Nga.
Kỳ thực, tôi thích ngắm nhìn đồng nghiệp của mình, đặc biệt là Thanh Sang, trong những giờ tập tuồng hơn là trên sân khấu. Nếu không nhờ lớp phấn son trang điểm, bạn sẽ khó phân biệt đâu là tập tuồng đâu là biểu diễn thực thụ.
Trong vở Kiều Phong A Tỷ, tôi vào vai A Tỷ, Thanh Sang đảm nhận vai Du Thản Chi, nhân vật mang gương mặt xấu xí nhưng có một tâm hồn tuyệt đẹp. Trong một cảnh, có tình tiết Du Thản Chi - Thanh Sang nhún người để A Tỷ - Bạch Tuyết leo lên vai, thể hiện tột cùng sự chiều chuộng, yêu thương và hy sinh. Đạo diễn Hoàng Việt đã yêu cầu Thanh Sang và tôi tập tới tập lui động tác leo lên nhảy xuống thật nhuần nhuyễn để khán giả tin rằng đó đã là hành động của thói quen. Áo anh đẫm mồ hôi, tôi cũng thấm mệt và ái ngại nhưng anh vẫn trì chí. Chao ôi, sau mỗi ánh hào quang là biết bao nợ nần, ơn nghĩa. Tôi chỉ biết thầm tạ ơn nghiệp Tổ, cảm ơn anh, người bạn diễn lớn lao trong nghề, trong đời…
Những năm sau này, khi sức khỏe không còn tốt, nhưng cứ mỗi lần có dịp tái ngộ, khi vào vai Lục Vân Tiên hay Thi Sách, anh vẫn luôn cố gắng chăm chút và nhất quyết hát… sống. Bước xoay người, bộ múa đao của họ Lục tuy đã có phần trễ nãi, nặng nề nhưng cái thần vẫn nguyên vẹn trong anh.
Mộc mạc, chân chất, nóng rát như đất biển Long Đất, Vũng Tàu, Thanh Sang đã gìn giữ cho sân khấu cải lương hôm nay và mai sau cái phẩm chất lãng tử hiếm có: bất cần với mọi thứ nhưng lại ân cần hơn ai hết với nghề nghiệp, với đồng nghiệp, với cuộc sống…
Đọc 3 bài viết còn lại của NSƯT Bạch Tuyết về các nam danh ca:
Kỳ 1 - Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn
Kỳ 2 - "Ngọn sóng thần" Hùng Cường
Kỳ 3 - "Hoàng đế đĩa nhựa" Tấn Tài