“Giờ vàng” cho cải lương truyền hình?
Các đài chạy đua tăng “giờ vàng” cho phim truyện truyền hình, trong khi các chương trình cải lương truyền hình đang bị đẩy vào “giờ chết”
Nhìn lịch phát sóng chương trình cải lương truyền hình trên sóng HTV7 và HTV9 sẽ thấy ngay điều nghịch lý, khiến những ai quan tâm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này không khỏi chạnh lòng.
NSƯT Bạch Tuyết và NSƯT Thanh Sang trong vở cải lương truyền hình Kiều Nguyệt Nga
1 giờ sáng, ai xem?
Giờ phát sóng các vở cải lương là 1 giờ khuya thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; các chương trình giới thiệu bài ca cổ mới vào 6 giờ sáng thứ năm; ca cảnh cải lương 2 giờ khuya thứ tư.
Trong tháng 9, chỉ có vở Sắc tứ tam bảo tự phát lúc 20 giờ 50 phút ngày 23-9 trên HTV9, còn lại các chương trình cải lương, đờn ca tài tử đều được phát vào nửa khuya.
Đông đảo khán giả yêu thích bộ môn cải lương đã phàn nàn về việc phải chờ xem các chương trình và vở diễn mình yêu thích đến tận nửa khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.
Chị Nguyễn Thị Minh, tiểu thương chợ An Đông, quận 5 - TPHCM, nói: “Các đài tỉnh phát chương trình cải lương nhiều nhưng đa số đều lấy từ video cải lương cũ, chất lượng hình ảnh kém nên xem không thích. Còn HTV7 và HTV9 sản xuất nhiều chương trình có chất lượng cao, nghệ sĩ hùng hậu, ca diễn đồng đều nhưng phát sóng theo giờ hiện nay thì quá phí phạm”.
Ông Trần Văn Thuần, cán bộ hưu trí quận 6 - TPHCM, nói: “Ngày trước, HTV là điểm hẹn cuối tuần với những chương trình cải lương thật đặc sắc. Đi đâu, làm gì cứ vào khoảng 20 giờ, chúng tôi cũng phải gác lại để xem cải lương trên đài.
Cải lương đã là bộ môn đặc sản của HTV nhưng vì sao hiện nay lại xem nó như “xa xỉ”, chỉ phát sóng vào những giờ khó xem. Xem cải lương trong trạng thái ngủ gật thì ai còn hứng thú?”.
100 phút, chuyển tải không trọn vẹn
Khi “giờ vàng” cho cải lương truyền hình chỉ là điều mơ ước trong thời buổi các công ty quảng cáo bấu lấy các phim truyện truyền hình dài tập nhằm chiếm giờ lên sóng tốt nhất trên các kênh truyền hình thì các chương trình cải lương và vở diễn cải lương đều bị khống chế với thời lượng 100 phút.
Hiện nay, chuyên mục Phim truyện cải lương đã ngưng hoạt động do không tìm được tài trợ. Với thời lượng quy định 100 phút, có vở cải lương truyền hình phải chia thành 3 tập mới chuyển tải đầy đủ nội dung câu chuyện, tình tiết và tài năng ca diễn của nghệ sĩ.
Soạn giả Viễn Châu tâm sự: “Kịch bản Một ngày làm vua của tôi bị cắt thấy thương, mất đầu, mất đuôi. Đứa con mình sinh ra, đã từng được các hãng đĩa trước đây tranh nhau mua bản quyền, nâng niu, cưng chiều thì nay đưa lên truyền hình bị cắt ngắn khiến mình không dám nhìn lại đứa con của chính mình”.
Soạn giả Kiên Giang nói: “Dạo sau này, tôi không dám đưa kịch bản cho các đài vì câu đầu tiên khi các biên tập nhận kịch bản đều yêu cầu hãy cắt ngắn thời lượng cho đủ 100 phút. Cải lương nguyên vở mà chỉ gói lại trong 100 phút thì không thể chuyển tải hết những tư tưởng trong đó. Chưa kể đến khi phát sóng, đài lại đẩy chương trình đến tận khuya thì khán giả không thể có điều kiện theo dõi hết”.
Giới nghệ sĩ biểu diễn tỏ ra bức xúc không kém. Họ cho biết nhiều vở diễn được quay vội vã, chỉ tập mấy ngày rồi lên sàn quay. Muốn dành hết tâm huyết cho vai diễn, cho vở tuồng được quay nhưng lại chùn bước khi thấy vở diễn bị cắt ngắn, rồi giờ phát sóng không thuận tiện cho khán giả cải lương.
Nghệ sĩ Cẩm Thu tâm sự: “Một vở diễn có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Cắt đi một phần nào cũng khiến cho kịch bản bị chông chênh”.
Đất Nam Bộ là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương, việc góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống, giữ ngọn lửa đam mê, sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ chính là trách nhiệm không chỉ của giới chuyên môn mà của nhiều cơ quan có chức năng quảng bá. Việc sắp xếp lại giờ vàng phát sóng cho cải lương truyền hình đang là niềm khao khát của nhiều thế hệ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu cải lương.
Trông cậy một phần vào truyền hình
Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Nghệ thuật cải lương đang gặp phải những khó khăn, nhiều vấn đề bế tắc chưa tìm ra lời giải nên khó tránh khỏi những hạn chế, như một người bệnh trầm kha chưa tìm ra thuốc đặc trị. Trong tình hình chung của sân khấu cải lương đang tụt dốc, HTV là một điểm sáng, có uy tín để giữ lấy những chuẩn mực cho các chương trình và vở diễn cải lương truyền hình”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp