LÀM GÌ ĐỂ CÓ TÁC PHẨM SÂN KHẤU ĐỈNH CAO?
Con người và thời đại
Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa lãnh đạo TPHCM và văn nghệ sĩ tiêu biểu, câu hỏi lớn đặt ra nhưng chưa có lời giải thấu đáo là phải làm gì để có tác phẩm đỉnh cao. Loạt bài này hy vọng chuyển tải lời giải đáp của giới nghệ sĩ sân khấu.
Trả lời đúng và đầy đủ vấn đề này không đơn giản, bởi trước hết, phải hiểu như thế nào là một tác phẩm đỉnh cao? Nói không đơn giản là vì cái được đánh giá “đỉnh cao” ấy không chỉ đến từ một phía: Tác giả hay công chúng, mà bởi sự cộng hưởng của nhiều giá trị: hiện thực, thẩm mỹ, tư tưởng hay còn nói như giới chuyên môn làm nghệ thuật là có sự cộng hưởng hài hòa giữa chân – thiện – mỹ.
Ai quyết định tác phẩm đỉnh cao?
Trong mọi hoạt động sáng tạo sân khấu, người ta coi nghệ thuật dàn dựng của người đạo diễn giống như dấn thân vào cuộc phiêu lưu chưa biết khó khăn của hành trình, chưa biết đích đến của kết cục ra sao. Người đạo diễn làm công việc của người dẫn đường, hướng tập thể sáng tạo đi theo hướng mà mình đã chọn mà thôi. Đạo diễn chưa thể hứa hẹn điều gì chắc chắn với tập thể của mình. Do vậy, tác phẩm đỉnh thấp hay đỉnh cao, đều trông chờ vào quá trình lao động thực thụ của người đạo diễn và cả ê -kíp thực hiện. Vị nhạc trưởng này phải biết tăng cường độ lao động, sức sáng tạo của mỗi cá nhân, để hướng họ đến với giá trị của sự nghiêm túc trong làm việc.
NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang - một
vở diễn của sân khấu kịch nói được nhìn nhận là tác phẩm đỉnh cao. Ảnh: Thanh Hiệp
Vậy chuẩn mực của tác phẩm đỉnh cao nằm ở đâu ngoài vai trò của người đạo diễn làm việc nghiêm túc? Đó chính là tác phẩm có sức lôi cuốn. Khía cạnh này liên quan đến sự hưởng thụ mà biểu hiện là thích hay không thích của số đông. Thông thường thì số đông là tín hiệu tích cực cho phép đánh giá mức độ thành công của tác phẩm nhưng không phải lúc nào số đông cũng đúng. Về vấn đề này, thực tế, đã có nhiều vở diễn mà giới chuyên môn khó tìm ra câu trả lời. Có vở diễn mang tính nghệ thuật lại vắng khách, còn một số vở “vô thưởng, vô phạt” lại đông kín khán phòng. Như vậy, đỉnh cao hay đỉnh thấp còn phải được xét ở thị hiếu khán giả, mà thị hiếu và màu sắc là những vấn đề khó tranh cãi.
Anh thích còn tôi không thích hoàn toàn mang tính cá nhân, là quyền của mỗi người. Khán giả có những tiêu chí của họ mà người làm sân khấu cần tìm hiểu để đáp ứng, nhất là khi chúng ta làm sân khấu thị trường cần chiều theo ý thích của người xem để tồn tại. Như vậy, vị trí của sự chuẩn mực ở tác phẩm đỉnh cao chính là đặt tác phẩm của mỗi sân khấu vào cơ chế tồn tại của xã hội thời đó, tức chúng ta đang sống trong cơ chế thị trường, trước hết, tác phẩm đỉnh cao phải thu hút đông khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao. Độ vang của tác phẩm có những tác động đến xã hội, tìm được sự đồng thuận trong số đông từ một hiệu ứng của tác phẩm văn học hoặc một vấn đề đang được quan tâm.
Hai hướng tồn tại của đỉnh cao
Nhìn sang phía điện ảnh, Hollywood có hai cách làm phim, một đi theo hướng thị trường để hút khách và một mang tầm đỉnh cao chuyên nghiệp để tham gia các liên hoan phim quốc tế… Nói như thế không có nghĩa là các phim thương mại của họ không tranh cử các giải thưởng lớn mà họ đang nỗ lực xóa đi lằn ranh giữa hai loại này, nghĩa là chúng ta phải nhìn ra những tác phẩm đỉnh cao, phải song hành hai yếu tố: Thu hút khán giả và được đánh giá chất lượng nghệ thuật cao.
Như vậy, để hiểu thế nào là tác phẩm sân khấu đỉnh cao, chúng ta phải đặt ra hai hướng tồn tại: Tác phẩm mang tính thương mại và tác phẩm mang tính nghệ thuật. Khi đã có được hai hướng đi này thì sẽ dễ dàng thẩm định một tác phẩm đỉnh cao. Tôi xin ví dụ vở Xin lỗi em là…được dàn dựng tại Nhà hát Hòa Bình, được quảng bá rất tốt, trước hết là từ hiệu ứng của sách và mạng internet nên khi thành kịch, lôi cuốn khán giả đó là thành công của tính thương mại.
Còn các tác phẩm: Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử (sân khấu IDECAF) hoặc vở Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát Kịch TPHCM), Kim Vân Kiều, Chiếc áo Thiên Nga (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Ngọc trai đỏ (Nhà hát Nhạc kịch Giao hưởng TPHCM)… là những tác phẩm được dàn dựng hoành tráng, công phu, hướng đến vị trí đỉnh cao, thế nhưng có vở không thu hút khán giả. Hai hướng tồn tại này cần có sự thống nhất trong cách tổ chức để xác định đâu là tác phẩm thị trường và đâu là tác phẩm đỉnh cao để có sự đầu tư tương ứng.
Theo tôi, không chỉ có những vở diễn được đầu tư hoành tráng mới được xem là tác phẩm đỉnh cao. Cụ thể như sức lan tỏa trong xã hội của vở Dạ cổ hoài lang của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM đã lên đến hơn 600 suất diễn, vẫn duy trì lịch diễn, vẫn thu hút đông khán giả, chất lượng nghệ thuật đạt đến độ thâm thúy, được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao, được nghệ sĩ đồng nghiệp tán thưởng trong chương trình Tuần lễ chào mừng 50 năm sân khấu Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, được nhiều ê-kíp nghệ sĩ tham gia, vẫn đủ chuẩn để được xem là tác phẩm đỉnh cao.
Như vậy, khoanh vùng lại vị trí đỉnh cao của mỗi tác phẩm không nhất thiết phải là những vở diễn được đầu tư tiền tỉ. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa qua đã dàn dựng vở Đả chiến phá sông Ngân, đúng chất cải lương trên một sân khấu hình hộp, tuy chưa thu hút đông người xem nhưng đó là hướng đi tích cực để tiến tới những vở diễn đỉnh cao về mặt tri thức, nghệ thuật, nâng tầm thưởng thức của khán giả cao hơn những vở diễn với mô típ dàn dựng cũ. Nói như thế không phải phủ nhận hai tác phẩm được xem là thể nghiệm của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ (Kim Vân Kiều, Chiếc áo Thiên Nga) là không phải đỉnh cao.
Đặt vị trí hai tác phẩm này ở đỉnh cao của sự hoành tráng thì rõ ràng cải lương của thập niên 2000 đã có những tác phẩm xứng đáng với thời đại, nhưng xét về mặt nghệ thuật thì còn nhiều vấn đề tranh cãi, bởi sự thể nghiệm bao giờ cũng đặt ra nhiều tranh luận và thành công của hai tác phẩm đỉnh cao này chính là tạo được sự tranh luận để đi đến những đúc kết cho cải lương trong tương lai.
Tóm lại, đã là một tác phẩm văn học nghệ thuật thì nhất thiết phải trải qua những lựa chọn của con người và thời đại. Tác phẩm đỉnh cao sẽ được con người và thời đại đánh giá. Đọc tác phẩm, xem tác phẩm có thể hiểu được thời đại sinh ra nó, xã hội đã nuôi sống tác phẩm đó như thế nào và nó được công nhận hay bị từ chối. Vấn đề làm thế nào để có tác phẩm đỉnh cao của sân khấu đang cần sự chia sẻ từ những người có tâm huyết.
Kỳ tới: “Đỉnh thấp” còn khó, nói gì cao!
Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc