Nhạc sĩ Y Vũ: 'Tôi từng buôn ve chai để kiếm sống'
Em trai nhạc sĩ Y Vân kể về thời gian khó khi phải làm đủ công việc để mưu sinh. Với Y Vũ, danh xưng nhạc sĩ không gây áp lực gì cho ông trong cuộc sống.
- Nhạc sĩ Y Vũ sáng tác không nhiều, cũng ít xuất hiện trong làng nhạc. Ông làm gì để kiếm sống?
- Tôi không tự nhận mình là nhạc sĩ, đó là do đơn vị xuất bản và khán giả đặt. Tôi chỉ nhận mình may mắn nổi tiếng nhờ một vài bài hát. Tôi kiếm sống chủ yếu bằng chơi nhạc và dạy khiêu vũ. Hiện tại, tôi sống khỏe nhờ phổ nhạc cho những bài thơ gửi từ nước ngoài về. Bài nào thấy hay, thấy thích thì tôi phổ, bài dở quá tôi không nhận. Mỗi bài thơ phổ nhạc tôi được trả hàng trăm USD, tiền tác quyền mỗi quý tôi cũng lĩnh được hơn 10 triệu đồng.
Nhiều người thấy tôi đi chơi nhạc ở một vài tụ điểm, phòng trà nên nghĩ tôi nghèo khổ lắm. Không phải như thế. Tôi chơi nhạc ở những chỗ đó vì thích. Đó là những nơi đơn vị tổ chức cũng như khán giả có sự trân trọng nghệ sĩ. Nhiều khi tôi cũng làm vì nể học trò. Chúng muốn mượn tên tuổi của tôi để tổ chức mini show, thấy hợp lý thì tôi đồng ý.
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông học nhạc từ anh trai là nhạc sĩ Y Vân.
- Sau khi nổi tiếng nhờ ca khúc "Tôi đưa em sang sông" (đồng sáng tác với Nhật Ngân), cuộc sống của ông thay đổi ra sao?
- Cuộc sống của tôi vẫn vậy. Trong khi các nhạc sĩ khác viết nhạc, chơi đàn hàng đêm ở các nhà hàng để kiếm sống thì tôi đi nhảy đầm. Thi thoảng tôi ký cho nhà xuất bản vài bài hát, kiếm vài chục nghìn đồng - số tiền không nhỏ vào trước năm 1975. Cuộc sống của tôi chưa bao giờ thiếu thốn, trừ giai đoạn mất hết tài sản phải làm đủ nghề mưu sinh.
- Ông đã làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn đó?
- Đi làm được bao nhiêu tiền, tôi gom góp gửi ngân hàng. Chiến tranh loạn lạc khiến tôi mất hết tài sản. Sau khi đất nước thống nhất, tôi phải làm đủ nghề để sinh sống. Tôi từng phải mỗi ngày dậy từ 4h đi làm công nhân hứng mủ cao su ở Bù Đăng, Bù Đốp trên Bình Phước. Có thời gian, tôi làm công nhân trên công trường xây dựng Tân Quy Đông ở TP HCM. Đó là thời kỳ vất vả nhất khi mỗi ngày tôi phải kéo hàng chục chuyến xe chất đầy bao xi măng.
Không trụ nổi với công việc khuân vác, tôi chuyển sang buôn ve chai. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố, có ngày đi rạc cẳng chân không được đồng bạc nào nhưng có ngày lại "trúng mánh". Tôi theo công việc buôn ve chai dễ đến gần 10 năm.
- Đang là một nhạc sĩ nổi tiếng, chuyển sang buôn ve chai, cảm giác của ông thế nào?
- Ai cũng có số phận, có những đoạn đời khác nhau. Ở thời của tôi, có nhiều nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh bỗng một ngày mọi thứ mất hết, phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Không phải ai cũng học được cách chấp nhận số phận. Nhiều khi đang buôn ve chai trên đường, gặp người quen cũ, họ tỏ ra thương cảm, ái ngại nhưng tôi thấy bình thường. Có gì đâu phải xẩu hổ, ai cũng phải sống, phải ăn. Lúc đó, tôi phải cáng đáng cả gia đình, không làm việc, những người thân của mình sẽ chết đói.
Ở tuổi 76, Y Vũ chủ yếu chơi nhạc ở nhà hàng và phổ nhạc cho thơ.
- Lúc đó, ông suy nghĩ gì về sự nghiệp âm nhạc?
- Tôi nghĩ không biết khi nào mình có cơ hội chơi nhạc trở lại, thậm chí, tôi có ý định đoạn tuyệt với nó. Sau đó, một số nghệ sĩ mở phòng trà và mời tôi biểu diễn. Thù lao chơi nhạc cũng khá nên tôi bỏ nghề ve chai. Sau năm 1990, tôi bắt đầu sáng tác trở lại. Khi đó nhạc sĩ Vinh Sử tham gia biên tập và sáng tác cho chương trình "Mưa bụi", cậu ấy đặt hàng tôi một số bài hát. Thù lao tác quyền lúc bấy giờ tính bằng cây vàng.
- Vấn đề mưu sinh khiến ông có gia đình khá trễ - ở tuổi ngoài 60 - hay còn lý do khác?
- Lời bài hát Tôi đưa em sang sông vận vào đời tôi. Tuy được mệnh danh là người xấu trai nhất trong giới nhạc sĩ, tôi được nhiều phụ nữ yêu. Tôi đáp lại tình cảm của người ta cũng nhiều nhưng phần lớn đều bỏ tôi mà đi. Người bỏ tôi đi vì bệnh tật, người chê hoàn cảnh khốn khó của tôi lúc sa cơ. Tất nhiên, vẫn có người ở lại nhưng sau này cuộc sống đổi thay, phần lớn họ sang nước ngoài đoàn tụ cùng gia đình.
Năm 66 tuổi, tôi mới tìm thấy người phụ nữ của đời mình. Chúng tôi đã sống với nhau được 10 năm, cô ấy là người gốc Bắc nhưng nấu món Nam rất giỏi. Vợ cũng không biết gì về âm nhạc nhưng thích nghe tôi chơi đàn và đưa ra khá nhiều nhận xét khách quan về các sáng tác sau này của tôi.
- Cuộc sống hiện tại của vợ chồng ông thế nào?
- Vợ chồng tôi sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô TP HCM. Ban ngày, tôi dạy nhạc tại nhà. Mỗi tối, tôi tự lái xe máy đến các phòng trà trong thành phố chơi nhạc. Rảnh rỗi, tôi đưa vợ đi thăm thú bạn bè. Vợ tôi bị bệnh tim nên tôi cố hết sức tránh cho cô ấy xúc động. Tôi dặn các con riêng của vợ rằng, chúng có thể làm tổn thương đến tôi nhưng tuyệt đối không được làm tổn thương mẹ.
Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh
Và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa
Đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về
Mà nỡ quay mặt bước đi
Tôi đưa em sang sông
Bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân
Sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em
Thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn
Có đâu chiều nay tôi buồn...
Rồi thời gian lặng lẽ trôi
Đời tôi là chiến binh
Đi khắp phương trời...
Mà đời em là ước mơ
Đẹp muôn ngàn ý thơ
Như ngóng trông chờ
Hôm nào em sang ngang
Bằng xe hoa hay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em
Nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa
Sợ lấm trong bùn khi mưa
Nàng đã thay một lối về
Quên cả người trong gió mưa ...
"...
Hân hoan... tay em mang đến tôi cây đàn.
Bảo rằng... để mừng xin hát cho một lần.
Ngượng ngùng... dạo đường tơ cũ tôi ca rằng :
"Ngày xưa, đưa em sang sông...
Ngày nay, đưa em bước sang ngang."
..." (Ngày Cưới Em - Y Vũ)