Nhà báo - Nghệ Sĩ - Soạn giả
Trọng Nguyễn
Sinh năm: 1938
Quê quán: Quách Phẩm - Đầm Dơi - Cà Mau
Ủy viên BCH - Hội nghệ sĩ SK Việt Nam
Liên chị hội trưởng chi hội SK - ĐBSCL
Hoạt động nghệ thuật từ năm 1960
Tác phẩm cải lương khoảng 20 vở. Những vở tiêu biểu:
- Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Bóng biển...
Vọng cổ hơn 200 bài. Những bài ca tiêu biểu:
- Ơn đảng, Bác ơi! thương nhớ nào nguôi, Quê anh quê em, Phùng Ngọc Liêm, Chợ mới, Bên sông Vàm Cỏ, Giọt sữa cuối cùng...
Vợ chồng Soạn giả Trọng Nguyễn
NSUT Hoa Phượng tặng hoa Soạn giả Trọng Nguyễn
NS Lý Bạch Huệ - Soạn giả Trọng Nguyễn.
Photo: Huỳnh Lâm
TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ
Một ngày cuối tháng 6/1997, cô văn thư chạy lên văn phòng cho tôi hay có điện thoại của ông Bùi Chí Hiếu, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cần gấp.
- A lô. Tôi Trọng Nguyễn nghe đây.
- Anh Nguyễn ơi, trong xã Vĩnh Hưng có một sự kiện cảm động lắm, anh đi với tôi xem có viết gì được không?
Tôi phân vân một chút rồi đáp:
- Vợ tôi mới mất hơn tháng nay, trong bụng còn chữ nghĩa gì đâu mà viết.
Với giọng khuyến khích anh động viên:
- Anh cứ ghi chép đi, chừng nào mắc viết thì viết, có lỗi gì đâu mà lo.
- Chừng nào đi? – Tôi hỏi.
- 8 giờ sáng mai anh đến cơ quan Ủy ban tỉnh nghen.
Đến nơi, được các đồng chí Xã ủy Vĩnh Hưng đón chúng tôi và báo cáo với đoàn về sự kiện chị Nguyễn Thị Tư – Vợ anh Năm Dõng, Xã đội trưởng – là cán bộ hợp pháp làm giao liên co đội du kích xã và cán bộ bám trụ tại ấp Vĩnh Trung. Bọn biệt kích dưới sự chỉ huy của Thiếu tá MÃ Thành Nghĩa ở tiểu khu Bạc Liêu bất ngờ ập vào bắt chị. Chúng tra khảo rất dã man, chị chết đi sống lại nhiều lần, máu me đầy mình, nhưng bọn chúng không cạy được nửa lời khai báo. Tên đại úy điên tiết ra lệnh bắn chị.
Đồng chí Bí thư Xã ủy băn khuâng nói thêm:
- Chị rất vững vàng, thà chết chớ không khai báo. Vậy mà gần 30 năm rồi chúng tôi nhiều lần làm thủ tục đầy đủ, đề nghị cấp trên xét công nhận liệt sĩ cho chị, nhưng chưa được.
Các đồng chí đưa đoàn đến ngã tư Chùa Tháp, nơi chị Tư ngã xuống bên vách nhà của bà Nguyễn Thị Hà, để nghe bà kể cái đêm đau thương ấy.
Câu đầu tiên bà nói:
- Con Tư nó gan lắm, nó trả lời không vấp một tiếng. Tôi nghe thằng Đại úy Phước la lên:
- Đánh. Đánh nữa, đánh chết mẹ nó đi. Tiếng đánh đập nghe, tôi chịu không nổi, vì kế vách nhà đây mà. Tiếng con Tư rên, tôi đứt từng đoạn ruột. Bà kéo khăn chậm nước mắt, giọng nghẹn ngào:
- Tôi thương nó lắm, nhưng làm sao cứu nó được. Tiếp đó tiếng của thằng ác ôn la lớn:
- Lôi đầu nó dậy, mầy khai không?
- Chồng mầy đâu? Đồng đội mầy đâu?
- Con Tư trả lời: Tao không biết!
- Các ông muốn bắn, muốn giết, muốn hành hạ tôi cách nào cũng được nhưng hãy để tôi cho con tôi bú.
Tôi nghe tiếng đứa nhỏ khóc thét lên. Chắc lúc đó nó đang giành giựt lại đứa con. Tôi nghe tiếng nó nói: “Bú nhanh lên đi con kẻo không còn kịp”. Bà kể tới đâ tôi không còn chịu nổi nữa, vội bước ra ngoài lấy tay chùi nước mắt. “Trước hàng trăm mũi súng, cái chết đang cận kề người mẹ không sợ, ma chỉ sợ con mình bị đói!” Chỉ một chi tiết nầy thôi là bản anh hùng ca bất tử về tấm lòng người mẹ.
Chúng tôi đến thăm mộ chị nằm giữa đồng. Ngôi mộ đắp đất không được cao, có may mọc đầy. Tôi với ngắt mấy bông bỏ túi, bỗng nhớ mấy câu thơ của đại văn hào Nguyễn Du, trong Truyện Kiều:
“ Sè sè nắm mộ bên đường
Dào dào ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”
Gần mười ngày sau tôi viết xong bài vọng cổ:
“Giọt sữa cuối cùng” kịp phục vụ cho ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27/07/1997, được tổ chức trọng thể tại rạp Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, do NS Hồng Chi, diễn viên đàon CL Hương Tràm ca.
Mấy tháng sau, anh Bùi Chí Hiếu điện cho tôi báo tin mừng, chị Nguyễn Thị Tư được nhà nước công nhận liệt sĩ. Tôi cười mãn nguyện.
(DTN trích trong
Tuyển Tập những bài vọng cổ được nhiều người yêu thích của soạn giả
Trọng Nguyễn.)