“Phải đứng trước ngã ba sông trên đền Thượng đền Hùng mới cảm được “hồn thiêng sông núi đang cuộn khói trầm luân””. Giữa chừng câu chuyện, Bạch Tuyết vẫn ngồi nguyên trên ghế, cất giọng sang sảng khúc ca của người phụ nữ phi thường.
NSND Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga - Ảnh nhân vật cung cấp
“Ơi giáo ơi gươm, ơi trường thương, ơi đoản kiếm! Nghe đâu các ngươi đã cùng Tiên Vương ta một thời xông trận... Ta muốn chiêu hồn các ngươi... Nhớ linh xưa muôn đội thuyền bày, cờ bay, ngựa hí. Hai quân giáo chí gươm tuốt sáng ngời...Các ngươi hãy cùng ta dàn hàng, hãy cùng ta xông tới...” (Thái hậu Dương Vân Nga - soạn giả Trúc Đường - Hoa Phượng)
Đã hơn 30 năm vai diễn ăn vào máu thịt. Bà hầu như không cử động mà tôi nghe như lớp lớp sóng dâng. Mắt và đài từ, nét mặt biểu cảm vô cùng tinh tế linh hoạt. Không phấn son, không mũ mão, không áo xống hoàng hậu mà uy lực vững vàng, khí sắc áp đảo. Không có âm nhạc mà không gian xung quanh khuấy động. Không có giáo gươm mà sức mạnh căm hờn tưởng có thể khiến kẻ thù phải cúi đầu khiếp sợ...
Vai diễn đỉnh cao
Thần thái uy phong, đó là Dương Vân Nga - Bạch Tuyết. Người đàn bà trẻ. U uẩn buồn. Đầu đội tang chồng vai gánh nước non. Thù trong giặc ngoài rối ren bờ cõi. Giữ cơ nghiệp của nhà Đinh hay giữ nước cho muôn nhà? Đánh hay lùi? Dâng long bào hay đanh thép trả lời quân Tống? Làm một bậc mẫu nghi tròn trịa hay đứng trước nguy cơ là dấu hỏi của muôn đời?
Bao nhiêu cơn bão của bà hoàng chỉ ở một lớp diễn này cũng đã đủ khi cuồng phong dồn nén. Gươm giáo không hề vô tri bởi thấm máu và hồn thiêng sông núi.
Tiếng xưa còn vọng, lương tri không thể mù lòa. Đối diện với lịch sử con người phải mang tâm thức của thời đại mình, và phải in dấu của mình lên thời đại đó.
Dương Vân Nga có thể xem là vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp của Bạch Tuyết.
Năm 1978, sau khi nghệ sĩ Thanh Nga mất, giữa lúc chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt, sân khấu cải lương đã xảy ra một việc chưa từng có khi cùng lúc bảy đoàn nghệ thuật đồng loạt dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga.
NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945. Năm 1963 bà đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm. Là diễn viên, đạo diễn và tiến sĩ nghệ thuật, bà từng rất thành công với vai cô Lựu (trong vở Đời cô Lựu), Kiều Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều)... những vai diễn tiêu biểu của sân khấu cải lương đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh thủ diễn. Nhưng bà đã luôn biết biến hóa riêng biệt độc đáo. Trong đó không thể nào quên và vô cùng đậm nét chính là vai Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga)
Theo nhận xét của giới chuyên nghiệp lúc đó, nếu Dương Vân Nga - Thanh Nga đĩnh đạc, sang trọng và đôn hậu thì Dương Vân Nga - Bạch Tuyết sắc sảo, bản lĩnh và thuyết phục. Thanh Nga cho thấy một thái hậu nghiêm cẩn trị nước bằng chữ nhân sáng chói. Bạch Tuyết xây dựng một bà hoàng kiêu hãnh, quả cảm, đủ sức mạnh tinh thần lèo lái vận mệnh quốc gia.
Uy lực bừng bừng mà vẫn vô cùng nữ tính là điểm hấp dẫn trong diễn xuất của chị. Lớp cúi đầu trước mẹ chồng, có vẻ u buồn nhẫn nhịn rất “nàng dâu”. Bao nhiêu lời nặng nề cay nghiệt, bà hoàng trẻ để rơi những giọt nước mắt oan ức, yếu mềm. Thói thường, với mẹ chồng, tội lỗi của đứa con dâu đã tăng lên gấp đôi, huống chi con dâu hoàng hậu này đang nằm trong nghi án giao cả cơ đồ nhà chồng cho người đàn ông khác họ.
Diễn xuất thật tinh tế mới ra được nàng dâu biết giữ phận, một nàng dâu thường tình - song với tư chất cao quý, trầm tĩnh, khiến trong cảm thương còn bao hàm cảm phục. Lớp giao việc nước cho Lê Hoàn cũng rất hay. Vị tướng cúi đầu trước thái hậu và bà tỏ rõ quyền uy. Nhưng trong thâm tâm, đó là người bà kính trọng, tin tưởng đến tuyệt đối. Trong giây phút hệ trọng giao phó vào tay Lê Hoàn vận mệnh của đất nước và cả danh dự vô giá của chính mình, Bạch Tuyết ngoài sự cương quyết xác tín còn không giấu nổi trái tim phụ nữ.
Sẽ không ai ngạc nhiên nếu Dương Vân Nga yêu Lê Hoàn. Tình yêu đó như thể thoáng qua sân khấu, vô cùng kín đáo mà thấm thía qua làn mi chớp nhẹ, qua một phút ánh nhìn đột nhiên mềm mại, khi người đàn bà bị thu phục bởi người đàn ông họ ước mơ... “Muốn diễn cho ra thần khí của Dương Vân Nga, tôi phải lặn lội ra Bắc mấy lần để nghiên cứu những chi tiết lịch sử, tìm đọc bức thư của nhà Tống gửi Dương Vân Nga, một văn kiện ngoại giao đầy giọng xúc xiểm, miệt thị dân tộc mình, gọi dân mình là “bọn An Nam bay”. Cùng đạo diễn Chi Lăng, chúng tôi đã lắng nghe âm nhạc của vùng đất Hoa Lư, để thiết kế lại toàn bộ phần nhạc của vở. Những hoa văn trên bộ hoàng bào cũng từ hoa văn khắc trong đền thờ vua Đinh - vua Lê. Phải đứng trước ngã ba sông trên đền Thượng đền Hùng mới cảm được từng lời bài tế của Dương Vân Nga, cảm được “hồn thiêng sông núi đang cuộn khói trầm luân...”. - NSND Bạch Tuyết nhớ lại.
NSND Bạch Tuyết
Trộn tri thức vào thiên bẩm
Sống trên sân khấu, với Bạch Tuyết chắc chắn là cuộc sống hết mình. Cháy đến từng sợi tóc và duyên dáng trong từng cử chỉ. Bà luôn quyến rũ. Nói theo cách nhà nghề thì bà rất sáng sân khấu.
Bạch Tuyết không hẳn là một mỹ nhân. Nhưng đôi mắt nhỏ, gò má cao, khuôn miệng không rõ nét lắm của bà chỉ cần trang điểm chút ít, không bao giờ cần quá đậm hay quá vẽ vời đã lập tức tạo điểm nhấn.
Đúng ra khuôn mặt Bạch Tuyết đặc biệt. Và trên môi mắt mặn mà đó có tố chất ngôi sao. Chả thế mà Thanh Nga lần đầu thấy Bạch Tuyết năm 14 tuổi đã nói: “Em đi hát đi. Khuôn mặt em mà đi hát là nổi tiếng lắm đó”.
Giọng ca của Bạch Tuyết cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Vào thời điểm mà cải lương có quá nhiều danh ca với chất giọng bẩm sinh tuyệt vời như Út Trà Ôn, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Thành Được... giọng của Bạch Tuyết vẫn có nét lạ.
Đó là chất giọng thổ kim vừa rõ vừa mơ màng vừa ngọt, trầm ấm ngân xa. Diễn xuất chắc, thông minh và diễn trong ca nhuần nhuyễn - đều là bởi Bạch Tuyết biết dùng cái thiên bẩm của mình một cách khéo léo nhất, dùng tất cả bản năng cùng tất cả tri thức, biết trộn chúng một cách tự nhiên.
Người trong giới còn truyền miệng câu chuyện một đêm tại rạp Quốc Thanh 50 năm trước, sau khi xem Bạch Tuyết diễn Xe cát biển Đông, soạn giả Hoa Phượng đã nói với soạn giả Kiên Giang: “Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn”. Vị soạn giả tài năng đó chưa bao giờ lầm!
Diễn xuất thần, phiêu linh nhưng Bạch Tuyết tự nhận mình là người thực tế, bởi bà mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lấy vợ khác. Cái gì chưa rờ đụng được thì bà chưa nghĩ tới. Cái gì chưa học kỹ thì bà chưa làm.
Trên đường đời bà ít khi thất bại. Trừ khi trong nghệ thuật bà sẵn sàng làm mới ở những chỗ ít ai dám làm - như cái đợt bà dấn thân làm cải lương thể nghiệm.
Người ta thường thấy Bạch Tuyết rất ung dung, như thể sinh ra trên nhung lụa và mỗi bước đi chỉ toàn những hoa hồng. Bà - có lẽ không thể gọi là bất hạnh, nhưng với riêng mình bà cũng từng hơn một lần đối diện với khoảng trống mênh mông - đến có một lúc “làm biếng sống” và toan từ giã cuộc đời.
Cũng như ngay từ đầu bà đã biết một năm chỉ có ba tháng mùa xuân để dưỡng thần, để sống và để gánh chín tháng còn lại. Và nghệ thuật, có thể có thành công liên tiếp nhưng không có đỉnh cao mãi mãi. Khi thời gian đã hết thì phải can đảm lắm mới có thể quay lưng, để chung thủy với đỉnh cao và để không phụ lòng khán giả.
Năm 2001, 56 tuổi, bà lần đầu tiên làm thầy. Ở Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, bà lại hồi hộp, phấn khích, duyên dáng và nghiêm cẩn với từng động tác vũ đạo, từng lời ca ánh mắt chăm chút cho từng học trò.
Bà mang cả tình yêu sân khấu 50 năm, cộng với vô vàn những gì quý giá thu lượm được từ các bậc tiền bối, từ đồng nghiệp, từ nghiên cứu sách vở... truyền hết, rút ruột từng ngày...
Tình yêu trôi qua kẽ tay
Những lần ghé thăm bà, căn nhà rất đẹp ở ngoại ô, một khu vườn yên tĩnh tuyệt vời, tôi vẫn không ngăn được câu hỏi: “Những người mà bà yêu quý: mẹ, mối tình đầu (cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang), thần tượng trong nghệ thuật (NS Thanh Nga, NS Phùng Há), mối tình trên sân khấu (NS Hùng Cường)... và cả người chồng nhiều năm gắn bó, bây giờ đều đã rời xa... Dấu vết của họ còn lại trong bà là gì? Và liệu còn lại một mình trong ngôi nhà rộng lớn, bà có cảm thấy cô đơn, thiếu vắng tri âm tri kỷ?”.
Bà đã đáp lời: “Lòng yêu thương và sự biết ơn. Đức độ, tài năng của họ đã sinh thành, dưỡng nuôi và tạo dựng nên những điều đẹp đẽ nhất cho tôi. Còn cái phần chưa mấy đẹp, tôi là người chịu trách nhiệm tất...
Đã từ lâu, hình như từ ngày tận mắt chứng kiến cho đến khi ngẫm - nghĩ để cảm nhận, lờ mờ hiểu về sự ra đi của mẹ, tôi đã biết chấp nhận, gần như mặc định cái “một mình”. Cho nên sự cô đơn hay đầy đặn tình tri kỷ, với tôi, lại không chỉ nằm ở những số đo, những hiện diện hữu hình mà là sự kết nối, sự sẻ chia, sự đồng cảm... Những “thông số” này luôn tràn ngập trong tôi”.
Tính nhẫn nhịn kín đáo bà thừa hưởng từ mẹ. Cái dạo cha bà có người đàn bà khác, bà con bên nội khuyên mẹ bà đi bắt ghen.
Mẹ bà đã nói với chồng một câu mà trí óc bé bỏng của bà vẫn còn nhớ mãi: “Em thương anh Ba, anh Ba thương người ta. Bây giờ em đánh người ta anh Ba buồn. Thôi để em buồn...”.
Đến lượt bà, rồi cũng có một lần để cho tình yêu trôi qua kẽ tay. Khán giả ai cũng biết Bạch Tuyết - Hùng Cường là một cặp đôi hoàn hảo trên sân khấu, sắc tài tình tứ đều đủ cả. Nhưng ít người biết chính họ, ngoài mối tình trên sân khấu, cũng thật bụng cảm nhau, trọng nhau rồi yêu nhau. Nhưng cái ngày Hùng Cường thổ lộ, Bạch Tuyết đã trả lời rằng: “Chúng mình khao khát nhau, khán giả sẽ say mê. Mình lấy nhau rồi khán giả sẽ mất giấc mơ. Anh có muốn đổi không?”.
Bà nhìn người đàn ông mình sẽ nuối tiếc suốt đời, mỉm cười nói tiếp: “Da em đen, miệng em rộng. Em đã có chồng. Còn anh, xung quanh có biết bao cô 16 tuổi tươi trong. Vậy mình đừng thương nhau 3 tháng, tạo xìcăngđan rối mù rồi bỏ nhau...”.
Cái đó là kiêu hãnh, tỉnh táo hay sự giữ gìn hi sinh cho kẻ tham lam có tên là nghệ thuật? Chỉ biết sau ông, bà chưa từng có lại cảm giác tuyệt vời đó.
Và khi không còn được đứng chung với Hùng Cường trên sân khấu, bà đã không kìm nén mà buông một tiếng thở dài: “Đào mà không có kép hay hơn mình, có khác nào cô gái già sành sỏi nữa đâu!”.
Bạch Tuyết là như vậy. Bà tỉnh ngay trong giấc mơ và hồn nhiên ngay trong những gì người khác có thể xem là bi kịch.
NGỌC LIÊN
Theo TTO
Hiểu mình, để hạnh phúc
Bước vào nghề là thành công ngay, nhưng bà rất thảnh thơi trong danh tiếng đó. Vai diễn của Bạch Tuyết không nhiều. Giữa lúc đang nổi tiếng như cồn thì bà đi học.
Nhiều năm bà xa rời sân khấu mà không nuối tiếc hào quang cũng không phải để chuẩn bị rỡ ràng cho ngày trở lại. Đơn giản bà chỉ làm điều cần làm và ở trong tầm tay vào đúng thời điểm nó phải đến.
“Sống nhiều, tôi mới hiểu muốn hạnh phúc phải học cách để biết mình, chứ không phải biết người”. Bà biết chạy đuổi thời gian, nhan sắc hay níu giữ danh vọng không phù hợp với tạng người mình.
Lòng kiêu hãnh của mình không chỉ nằm ở đó. Chính xác hơn nó nằm ở chỗ còn kiêu hãnh hơn: “Cần có người chê để mới, để khác, phải khó với mình. Ai cũng khen nhưng mình hát 10 lần đã thấy chán chường với mình rồi...”.
Và để không sa lầy trong sự chán chường đó, bà học, bà vẽ, đi dạy, viết nhạc, trồng cây và nghiên cứu Phật pháp. Bà có lý. Sân khấu đã đưa một “cải lương chi bảo” lên đỉnh cao nghề nghiệp, nhưng tuyệt nhiên không phải là nơi ẩn nấp, eo xèo khi đỉnh cao ấy đã qua đi. Bạch Tuyết bảo gần 70 tuổi rồi, bà còn giữ được thần sắc và vẫn hát hay, hát ngọt là nhờ đã tự biết: “Thế gian vốn dĩ đã quá nhiều chuyện đau lòng, hãy làm đầy những vết thương. Đừng tự phá nhà mình để làm mình đau thêm nữa”.
...Cho nên bà vẫn bình yên, tươi cười và tự nhận mình hạnh phúc.