Mời mọi người cùng tường thuật tin tức gần xa về họat động giỗ tổ ngành sân khấu năm nay nhé. Koala xin được mở đâu bằng các hình ảnh tại NVHTN TP. HCM chiều và tối hôm nay, 11 tháng 8 âm lịch.Năm nay NVHTN tổ chức cúng tổ ngành Sân Khấu lớn hơn mọi năm, và không chỉ gói gọn trong nội bộ CLB ĐCTT nữa mà đã mở rộng cho tất cả các CLB, đội nhóm có liên quan đến sân khấu. Chương trình bắt đầu từ buổi chiều với các gian hàng thư pháp, hóa trang, chụp ảnh theo kiểu sân khấu, và đặc biệt là gian Tiếng Tre Xanh kết hợp CLB ĐCTT, CLB Trà Việt và CLB MC.
Giỗ Tổ Cổ nhạc: Đậm chất nghệ thuật, sâu sắc nghĩa tri ân!
Cập nhật ngày: 16/09/2013 Những tiết mục liên hoàn, đan xen giữa chuyện hôm nay và tích hôm qua đã dựng thành một ca cảnh gần 60 phút thật đặc sắc, vừa đậm chất nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa sâu sắc ý nghĩa tri ân các bậc Tổ đã có công gầy dựng nghiệp sân khấu Việt Nam. Đó là nội dung chủ đạo trong đêm Giỗ Tổ cổ nhạc được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu tổ chức trang nghiêm tại trụ sở đoàn vào tối 11/8 âm lịch. Trước bàn thờ Tổ thiêng liêng Dù bắt nguồn từ nhiều tích khác nhau, song ngày 12/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Giỗ Tổ cổ nhạc linh thiêng trong lòng bao thế hệ người nghệ sĩ. Chưa ai xác định một cách chính xác “Tổ” là ai, nhưng tương truyền rằng thời trước, các gánh hát khi “kéo quân” đi phục vụ ở đâu cũng đều lập một bàn thờ Tổ để trước khi ra sân khấu, mỗi nghệ sĩ, diễn viên đốt nhang, khấn vái “Tổ” phò hộ cho đêm diễn thành công; tục này đến nay vẫn còn được nhiều đoàn cải lương duy trì. Vị Tổ của sân khấu nói chung, sân khấu cải lương nói riêng đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng như vậy! Vị Tổ trong truyện xưa tích cũ là ai thì chưa xác định được, nhưng những cống hiến có thật của những bậc “hậu Tổ” ở Bạc Liêu thì đã được sử sách lưu công, đó là những Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Trần Tấn Hưng…
Ca cảnh kỷ niệm Giỗ Tổ cổ nhạc do các diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu biểu diễn. Ảnh: C.T
Trước không khí trang nghiêm, bàn thờ Tổ trong đêm Giỗ Tổ cổ nhạc tại Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết khi tiết mục ca cảnh kỷ niệm ngày Giỗ Tổ được khai màn! Những bài ca cổ ngợi ca người nghệ sĩ, tích cũ Trương Chi - Mỵ Nương, nghịch cảnh đau lòng “tam niên vô tự bất thành thê” của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu “dẫn dắt” cho bản Dạ cổ hoài lang ra đời đánh dấu mốc son mới cho nghệ thuật vọng cổ, cải lương nói chung… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một chương trình ca cảnh đặc sắc. “Ca và diễn hết sức nhuần nhuyễn”, đó là nhận xét chung của rất nhiều vị khách ngồi ở hàng ghế khán giả thưởng thức. Trưởng Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - NSƯT Minh Chiến cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư dàn dựng chương trình ca cảnh này bằng cả tâm huyết với mong muốn có một chương trình nghệ thuật đậm tính chuyên nghiệp và quan trọng là phải bộc tả cho được ý nghĩa tri ân Tổ nghiệp, cũng như các bậc tiền hiền đã có công khai sinh và phát triển sự nghiệp sân khấu”.Tri ân bằng những đóng góp Không còn là ngày Giỗ Tổ cổ nhạc của riêng Bạc Liêu, cách đây 3 năm (năm 2010), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam. Kể từ đó, ngày 12/8 âm lịch đã trở thành ngày hội truyền thống của người nghệ sĩ. Việc xác nhận Ngày Sân khấu Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh nền sân khấu nước nhà, đồng thời là dịp để văn nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu tri ân, tưởng nhớ công lao tổ nghiệp; qua đó ra sức phấn đấu, sáng tạo và biểu diễn, góp phần mình vào sự nghiệp sân khấu của Việt Nam. Với ý nghĩa ấy, Giỗ Tổ cổ nhạc hàng năm ở Bạc Liêu còn là dịp để thầy trò Đoàn cải lương Cao Văn Lầu “sơ kết” lại những gì mình đã làm được sau chặng đường lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Trong niềm phấn khởi, NSƯT Minh Chiến nhận xét rằng: “Từ năm 2012 đến nay là khoảng thời gian mà Đoàn gặt hái được nhiều thành công nhất. Những chuông vàng vọng cổ, huy chương trong các hội diễn sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải Trần Hữu Trang… là những giải thưởng “hiện vật”, thành công phía sau còn là độ chín của một đoàn cải lương chuyên nghiệp duy nhất của Bạc Liêu khi nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và dưới sự dìu dắt đầy tâm huyết của hế hệ đàn anh nặng tình yêu với nghiệp”. “Tất cả đã tạo nên độ dày kinh nghiệm, uy tín và tiếng vang của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trong cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng”, NSƯT Minh Chiến chia sẻ thêm. Và đó cũng là cách tri ân thiết thực nhất của đội ngũ kế thừa nghiệp Tổ sân khấu ở Bạc Liêu! Trước bàn thờ Tổ ngút khói, những nghi thức cúng bái trang nghiêm, ca cảnh tôn vinh nghiệp sân khấu và đời nghệ sĩ khiến ai nấy đều rưng rưng xúc động. Tri ân những vị Tổ trong truyền thuyết đã có công sáng lập nền sân khấu cải lương và ghi tạc công đức của những bậc “hậu Tổ”; ôn cố tri tân, nhớ ơn tổ nghiệp để đền đáp bằng sự cống hiến cho sự nghiệp sân khấu trên quê hương, bản quán… Giỗ Tổ cổ nhạc hàng năm luôn ấm áp và trang nghiêm với những ý nghĩa sâu sắc ấy!