NGHĨ VỀ VỌNG CỔ NGŨ BÁ
12.02.2011 10:36
Lại một mùa xuân dân tộc theo cái tết Nguyên đán quay về. Ngẫm nghỉ đến nghệ thuật bản sắc thì Cải lương có tuổi thọ gần con số trăm năm; cái tuổi thanh xuân nếu so với các ngành nghệ thuật khác của Việt Nam ta.
Trẻ tuổi là vậy, nhưng CL đã kịp sản sinh nhiều thế hệ danh ca, diễn viên lẫy lừng tăm tiếng, đã góp công tạo dựng mấy thuở hoàng kim lưu danh muôn đời. riêng lĩnh vực ca, kiệt xuất nhất có năm nhân vật đáng tôn vinh Ngũ Bá; bởi họ thuộc dạng “ tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”. Tiền vô cổ nhân thì đúng rồi. Vì ôn cố tri hiện tại chưa có ai vượt trội hơn họ; đó là những Út Trà ÔN, Hữu Phước, cô Ba Kim Anh, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Còn hậu vô lai giả (sau họ chẳng ai bằng, hơn) – dám nói như vậy – bởi mấy mươi năm qua, Tứ Bá lần lượt qua đời; chỉ còn duy nhất Út Bạch Lan trơ trọi giữa buổi chợ chiều thưa vắng kẻ vãng lai. Nếu Tổ nghiệp độ trì thì nhân tài chỉ xuất hiện hiếm hoi ở con số đơn, đôi. Đâu dễ gì cùng lượt năm, bốn? Như thời cận đại. Kẻ hằng tâm chờ đợi mõi mòn rồi, vận mệnh ơi!
Xét về tài năng Ngũ Bá, họ đều đạt cảnh giới tối ưu. Còn bảo phải so sánh xem ai hơn ai, thì sự so sánh nào cũng khập khiểng; quan niệm chung là vậy.
Út Trà Ôn nổi danh trước Tứ Bá kia. Chỉ hai chiêu Sầu Vương biên ải, Tôn Tẩn Giả Điên đã khuynh đảo anh tài thiên hạ; công nhận nể phục, đồng nghiệp công nhận xuất chúng nên lên ngôi từ dạo ấy. chất giọng đồng rặt thuộc loại quý hiếm; âm vực rộng, đạt độ du dương uyển chuyển nhờ bề dày tôi luyện. Bộ nhịp chắc nịch như đúc khuôn nên mặc tình thao túng khung nhạc mà không sợ rớt nhịp.
Cô Ba Kim Anh lập danh sau Út Trà ÔN vài năm. Cô cũng là hiện tượng đặc biệt như ông Út; vừa góp giọng trên đĩa nhựa đã tạo cơn lốc xoáy lay động mãnh liệt giới cầm ca và khách tri âm. Chất giọng thỗ não nùng bi thiết bậc nhất – có thể nói là độc tôn – từ bao năm chưa có hậu duệ; lối ca bất chấp nhịp trường canh, ca gần cuối câu mà như tạo ảo giác giữa câu; đến khi về song lang chót, người nghe bỗng giật mình sửng sốt bất ngờ và òa vỡ như chuyện từ mộng mị trở về thực tại. Truyền thuyết lưu lại rằng cô Kim Anh tới nhịp dễ như quán tính thò tay lấy đồ trong túi áo. Nếu độc giả từng xem bài Dị nhân đại chiến quái nhân đăng trên báo Sân Khấu số 914, trang 24-25 sẽ hiểu được bộ nhịp của cô ảo diệu kinh hồn đến thế nào.
Thanh Hương và Út Bạch Lan gần như nên danh cùng thời. Lai lịch Thanh Hương thật đáng ngưỡng mộ: cha, đệ nhất diễn viên Năm Châu; mẹ, đệ nhất nữ danh ca Tư Sạng. Làn giọng
Thanh Hương đặc chất thổ nhiều kim ít, âm vực mạnh nghe khoái tai nhưng làn hơi không dài. Chị ca vang vọng, từ hàng ghế thượng hạng đến hàng “cá kéo” (hạng chót) đều rõ mồn một. Độc năng của chị là “nhảy múa” trên khung nhạc khi thi thố vọng cổ rất xôm và tươi rói. Người có bộ nhịp thượng thừa mới thi triển thành công vũ đạo trên chữ đàn.
Út Bạch Lan sở hữu làn hơi quý hiếm (giọng vàng) sầu não mượt mà, song hành bền bỉ cùng tuổi thọ cổ lai hi của Vương nữ Sương chiều. Nhưng Sương chiều không hẳn là bảo bối độc môn, mà còn những phụng hoàng, Kim tiền bản, Duyên kỳ ngộ (ca chồng hơi) nữa chứ. Riêng vọng cổ, chị là người đầu tiên đưa tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở vào lòng câu. Bộ nhịp của chị, so với cô Ba Kim Anh, cự ly cách biệt rất ít, song so với Đệ nhất nữ danh ca Thanh Hương lại đắt giá hơn tí chút. Chính nhờ giọng ca bi, cộng hưởng đường nét diễn xuất nhuần nhuyễn công phu tôi luyện, chị là nghệ sỹ Cải lương thu đĩa đạt kỷ lục nhiều nhất từ xưa đến nay.
Hữu Phước được đề cập sau rốt chẳng phải vì anh kém hơn, mà chính bởi anh quá độc đáo đến trác tuyệt. Làn giọng nam trầm, chất giọng không tốt như Út Trà Ôn, không sang trọng như Thành Được, song thảm hơn, thấm thấu hơn. Bộ nhịp của anh vững chắc cỡ nào có thể khỏi bàn luận, muốn ước lượng cứ mở máy hát dĩa bất cứ bộ nào, nghe anh ca, anh dồn ca từ chạy đua tốc độ với cung đàn và về đích song lang cái “ cốp” chính xác, đích đáng; mới biết thực lực của anh cao sâu khôn lường. Cũng như các danh ca nổi tiếng khác, anh có nhiều hậu duệ ca theo trường phái Hữ Phước; có thể kể: Hoài Vĩnh Phúc, Hà Bửu Tân, Đức Lợi v.v... Nhưng chỗ giống anh là do làn hơi, cách nhã chữ, chớ chưa ai đủ hỏa hầu để đua tốc độ qủy khóc thần sầu như anh. E rằng sau anh không còn ai. Họa hoằn, nếu có thì chắc là chính anh… tái thế.
Suốt cuộc đời sự nghiệp, Ngũ Bá được chào đón mời mọc thu băng, đĩa hình, đĩa tiếng một cách trọng thị, ân cần với thù lao cao ngất. Nhiều dĩa tuồng Cải lương có sự góp tiếng của các siêu sao trên luôn luôn thu hút thính giả. Thế nhưng, tôi có thể cam đoan cùng độc giả rằng từ 1955 đến nay (đã 55 năm), chưa có bộ dĩa nào có sự góp công của Ngũ Bá; cũng không có bộ nào quy tụ được bốn người. Theo trí nhớ riêng, tôi có thể tạm thống kê các bộ dĩa “đình đám”, ăn khách bậc nhất có sự tác nghiệp của ba trong năm danh tài này. Đó là Út Bạch Lan, Thanh Hương, Hữu Phước qua các vở
Nước mắt kẻ sang Tần, Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Nước chảy qua cầu, Nắm cơm chan máu. Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hữu Phước trong:
Mắt em là bể oan cừu, Lăng đèn Hàn Tố Mai, Tam ban Lục hoàng hậu ( hai bộ sau của soạn giả Lê Văn Đương). Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Hương, cô Ba Kim Anh cùng chung sức trong
Áo cưới trước cổng chùa.
Cô Ba Kim Anh vào vai Xuân Mẫu sau khi vượt qua cơn bạo bệnh nên phong độ không bảo đảm đỉnh cao. Người mộ điệu được nghe lời thoại, giọng ca của cô là để thưởng thức, hoài niệm về một “danh ca dị nhân”; xin đừng câu nệ.
Riêng đề nghị giám đốc Ngọc Liên hàng đĩa việt Nam, Ngũ Bá vọng cổ là vốn quý của Cải lương Nam bộ, quý hãng có thể nào sưu tập một số tác phẩm kinh điển của Ngũ Bá thành một, hai CD vừa để bảo tồn, vừa đáp ứng sự mến mộ các anh tài một thời vàng son vang bóng.
nguyenkhoiktc (Theo BSK)