HTV ra mắt chương trình Sân khấu về khuya
Lý giải về việc vì sao không có giờ vàng cho cải lương, ông Nguyễn Chí Tân - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV) - cho rằng: “Theo nhịp độ phát triển hiện nay của công nghệ truyền hình và giải trí, việc xem một vở cải lương và kịch nói, chèo, tuồng với thời lượng hơn 100 phút là không còn phù hợp.
Việc chọn giờ vàng phát sóng các chương trình cải lương và kịch nói cũng như giới thiệu bài bản tài tử, dân ca là điều mà chúng tôi rất cân nhắc. Dư luận của giới chuyên môn cũng như nhiều ý kiến khác cho rằng chính sân khấu truyền hình và video cải lương đã “giết chết” sàn diễn cải lương.
Chương trình Chuông vàng vọng cổ HTV tổ chức đã thu hút đông đảo khán giả xem đài
Trên thực tế, có nhiều vở diễn mà sự hạn chế của truyền hình không thể nào đặc tả hết. Cụ thể như khi chúng tôi quay hình vở Kim Vân Kiều, với ba sân khấu hoành tráng, các góc máy khó mà đặc tả hết toàn cảnh. Do hạn chế này nên việc chuyển tải một tác phẩm nghệ thuật đến khán giả qua sóng truyền hình chỉ mang tính tượng trưng.
Nói như thế không có nghĩa chúng tôi không quan tâm đến việc xếp lịch phát sóng cải lương truyền hình theo đúng giờ phù hợp.
Hiện nay, Ban Chương trình đã xếp phát sóng và lên kế hoạch ra mắt chuyên mục Sân khấu về khuya, sau phần tin tức cuối ngày vào tối thứ bảy hằng tuần. Đối với khán giả cải lương, thời điểm sau 24 giờ vẫn có thể theo dõi trọn vẹn một chương trình sân khấu về khuya, vì sáng hôm sau là ngày chủ nhật...
Bên cạnh đó, HTV đã dần đưa vào thay thế nhiều chương trình truyền hình trực tiếp nhằm phát huy ưu thế của mảng sân khấu cải lương thông qua truyền hình, như Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ, Giọt nắng phù sa, Giới thiệu bài bản cải lương và tài tử, Chuyện xưa tích cũ... để phục vụ công chúng. Hiệu ứng của các chương trình này là đã nhận được nhiều tín hiệu đồng thuận cao từ phía bạn xem đài và khán giả. Các chuyên mục này dần thay thế những vở diễn cải lương được quay trong phim trường vốn đã mòn về bố cục, đề tài”.
Mặt khác, ông Tân cho biết: “Vào thời điểm hiện nay, việc tìm kiếm nguồn kịch bản cải lương hay để quay truyền hình là vấn đề khó. Lực lượng nghệ sĩ thế hệ vàng thì đã lớn tuổi, thế hệ diễn viên trẻ chưa đủ sức chuyển tải những vai diễn cần nội lực, do đó, đài chỉ khai thác họ ở thế mạnh ca bài bản, ca tân cổ giao duyên trong chương trình Giới thiệu bài bản cải lương và âm nhạc tài tử.
Riêng chương trình Phim cải lương truyền hình tạm ngưng vì quá đuối về đề tài, các kịch bản cũ đem ra khai thác lại không còn sức lôi cuốn. Chúng tôi sẽ đầu tư nguồn kịch bản phong phú hơn trước khi tái lập chương trình này”.
Việc chưa sắp xếp giờ vàng cho cải lương truyền hình, theo ông Tân, còn có một lý do là khuyến khích khán giả đến rạp để thưởng thức nghệ thuật ca diễn trong không gian sân khấu. Ở các nước cũng thế, rất ít tác phẩm nhạc kịch được đưa lên truyền hình vì khán giả không chấp nhận thời lượng quá dài và cũng không có thời gian ngồi quá lâu trước màn hình nhiều giờ liền để theo dõi.
Các nước tiên tiến luôn cổ động khán giả đến rạp xem nhạc kịch, tất nhiên ở VN không giống như các nước, nhưng việc khuyến khích các đoàn nghệ thuật, các rạp hát, các sân khấu kịch dàn dựng nhiều tác phẩm mới để phục vụ khán giả trong rạp tốt hơn là thông qua màn ảnh truyền hình.
“HTV chân thành cảm ơn những đóng góp... xin ghi nhận những ý kiến chân thành để hướng tới việc điều chỉnh lại những giờ phát sóng cần thiết hơn cho những chương trình nghệ thuật dân tộc nói chung và cải lương truyền hình nói riêng”- ông Tân nói.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp