TTO - Bao thế hệ người Sài Gòn - TP.HCM ở chốn phồn hoa đô hội nhưng rất mê cải lương. Ở thuở ấu thơ nhiều thập niên trước, rất nhiều "con nít Sài Gòn” không có tiền nhưng mê cải lương quá thường "đi xem cọp” các đoàn hát.
Thanh Nga - một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH.
Đoạn trích dưới đây nằm trong truyện dài Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ) của tác giả Lê Văn Nghĩa.
"Thằng Minh siêng học, lại rất mê xem hát cải lương. Nếu có tiền thì mua vé xem đàng hoàng còn nếu không tiền thì đi coi cải lương cọp. Còn không thì đôi khi nó cũng đi xem cải lương “thả giàn” ở rạp Vĩnh Khánh gần Cầu Bột.
Các gánh hát bầu tèo về rạp Vĩnh Khánh cho bà con lao động vùng cầu Bột thưởng thức thường là những gánh hát nghèo, cũ kỹ từ tuồng tích đến gương mặt dù được quảng cáo là “đào tơ, kép đẹp”.
Bà con lao động nghèo mua vé đồng hạng năm đồng, ngồi chen nhau trên những chiếc băng dài có lưng dựa đầy những vết máu rệp, vừa xem cải lương có phụ diễn hoạt kê hài hước vừa bắt rệp và nghe mùi nước tiểu từ bên hông rạp bay thốc vào.
Minh thường xuyên xem cải lương cọp ở rạp Tân Lạc (nay là nơi diễn kịch của “bầu show” Trịnh Kim Chi) nằm trên đường Hậu Giang.
Trước cửa rạp là những chân dung của các nghệ sĩ như Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Hữu Phước, Thanh Sang, Tư Rọm, Hề Minh, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng… vẽ thật to. Ai được giải huy chương vàng ThanhTâm thì sẽ được vẽ lồng vào một cái vương miện.
Phía trên là một tấm bảng quảng cáo giới thiệu tên những vỡ tuồng hấp dẫn như Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Áo Vũ Cơ Hàn, Thảm Kịch Tuổi Xanh vô cùng bắt mắt. Chỉ nhìn hình mấy nghệ sĩ và tuồng tích, tờ chương trình là nó đã muốn xem rồi.
Rạp cải lương Hưng Đạo (136, Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1) ra đời ở thập niên 60. Nay được xây dựng hiện đại, trở thành Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Cải lương TP.HCM.
Cách của Minh coi cọp là đứng chầu rìa chờ xem cặp thanh niên nam nữ nào không dẫn theo trẻ con, tụi nó liền xáp đến nhờ họ dẫn vào. Nhóm của thằng Minh từng giở trò này nhiều lần đến nỗi nhân viên gác cửa nhẵn mặt tụi nó. Nếu đứa nào tìm được người dẫn vào thì nhân viên gác cửa cũng cho qua vì nội quy rạp quy định hai vé người lớn được dẫn kèm một trẻ em.
Có hôm, lớp Minh tập văn nghệ để hát trong lễ Cây Mùa Xuân cho học sinh nghèo của trường. Thằng Minh xung phong làm thầy tuồng vì có lần nó được xem nghệ sĩ của đoàn Dạ Lý Hương tập tuồng Tuyệt tình ca ở rạp Tân Bình.
Trời ơi, nó không ngờ kép Thanh Sang đẹp trai quá cỡ, đào Bạch Tuyết hát hay không chỗ chê vậy mà còn bị ông thầy tuồng ốm nhom, ốm nhách, mặc đồ pi-da-ma (pijama) chỉ chạy tới, chạy lui gần chết.
Kép Việt Hùng đang hát, ổng bảo ngưng là ngưng, rồi ổng hoa chân múa tay, cầm cuốn tuồng giơ lên, giơ xuống nói gì đó. Các nghệ sĩ, đào kép ba quân tướng sĩ nghe lời ổng răm rắp. Ông thầy tuồng nhỏ xíu con mà như có võ nghệ đầy mình.
Nhỏ xíu con mà như ông tướng chỉ huy khắp trận tiền của một vở cải lương. Nhờ nghe lóm được hai anh kéo màn và nhắc tuồng nó mới biết được ông thầy tuồng tên là Hoa Phượng. Tên gì như tên con gái. Ẻo lả như hoa phượng, nhưng lại chì một cây xanh dờn. Từ đó hình ảnh ông thầy tuồng cứ nằm trong tâm trí nó. Làm thầy tuồng chắc phải giỏi lắm.
Có lẽ nhờ uy thầy tuồng nên hôm chuẩn bị nó có ý kiến diễn giống như các nghệ sĩ cải lương hữu danh của các đại ban Dạ Lý Hương, Thanh Minh-ThanhNga, Thủ Đô…Trong lớp, dù không phải là liên toán trưởng (như lớp trưởng bây giờ) nhưng thằng Minh có nhiều ý kiến sinh hoạt học đường cho tụi trong lớp.
- Ê, ai diễn vậy. Nhớ mời kép độc trọc đầu Trường Xuân nghe- thằng Cảnh hù để nghị.
- Rồi có cả Út Trà Ôn, Hữu Phước ,Thanh Nga, Thành Được nữa…
- Tội nghiệp. Tụi nó đang mơ mộng nhiều quá! Thằng Minh phải tốp lại ngay.
- Kép độc Trường Xuân là thằng Cảnh hù đóng...
Thằng Minh cười hăng hắc rồi nó tiếp tục bản phân vai tưởng tượng:
- Thanh Nga, Bạch Tuyết là con Hồng thủ vai, , thằng Út đẹt biểu diễn võ cải lương hồ quảng như Thanh Tòng.
Thằng Són lại chen vô: “Còn tao làm kép gì mậy?”
- Mầy hả? Mầy nói nhiều cho mầy làm hoạt náo viên như Ngọc Phu vậy.
Bởi vậy, khi biểu diễn, con Hồng bắt chước ca sĩ bé Hương Lan - con của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước ỏng ẹo bước ra. Khỏi nói là tụi khán giả con nít dễ tính vỗ tay quá mạng. Thằng Vân từ dưới góc phòng gọi to:
- Tuồng đó là tuồng Hồ quảng. Mình phải hát tuồng Việt nam về bà Bùi Thị Xuân dũng tướng…
Nói xong, nó liền cất tiếng hát liền. Lần đầu tiên, tụi thằng Minh cũng như bọn trong lớp được nghe con Hồng hát.
“Trời ơi, con nhỏ này hát ngọt như mía lùi tụi bây ơi”, “Cha, sao cái bộ của nó giống Út Bạch Lan quá”, “Hông, giống Bạch Tuyết hơn”, “Mầy biết gì, Bạch Tuyết chỉ hát tuồng xã hội’’, “Tao thấy giống em bé Bạch Lê đóng với Út Hiền quá”. Mấy đứa nghe con Hồng hát rồi ngồi bình phẩm giọng ca của con này loạn xị xà ngầu.
Nhưng cuối cùng, tụi nhỏ đưa ra một kết luận là: “Con Hồng hát hay một cây xanh dờn” - tức hát hay như Bạch Tuyết vậy đó!